Cảm nghĩ về nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích Thạch Sanh.

cam-nghi-ve-nhan-vat-thach-sanh-trong-truyen-co-tich-thach-sanh

Cảm nghĩ về nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích Thạch Sanh.

Bài làm 1:

  • Mở bài:

Chàng dũng sĩ Thạch Sanh trong tác phẩm cùng tên là nhân vật cổ tích ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Truyện xoay quanh những biến cố, những thử thách mà Thạch Sanh phải trải qua để đạt được hạnh phúc. Nhân vật đã thể hiện một cách trọn vẹn và đầy đủ những quan niệm của nhân dân ta về cái thiện, cái ác, về lòng yêu chuộng hòa bình.

  • Thân bài:

Thạch Sanh vốn là con của Ngọc Hoàng, vì thương đôi vợ chồng nghèo đã lớn tuổi mà chưa có con nên Ngọc Hoàng sai Thạch Sanh xuống đầu thai làm con. Chàng được sinh ra hết sức đặc biệt, người mẹ mang thai vài năm mới hạ sinh Thạch Sanh và khi chàng vừa khôn lớn thì mẹ đã qua đời. Chàng sinh sống một mình dưới gốc đa, lấy nghề đốn củi để kiếm sống qua ngày. Thạch Sanh còn được các thiên thần xuống chỉ dạy võ nghệ và các phép thần thông. Ta có thể thấy rằng, sự ra đời và cuộc sống của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố bình thường với những yếu tố phi thường, kì lạ. Bình thường ở chỗ cha mẹ chàng là những người lao động nghèo, hiền lành, tốt bụng, thường giúp đỡ mọi người. Thạch Sanh sớm mồ côi cha mẹ – chàng là đại diện tiêu biểu cho những trẻ mô côi, một trong những lớp người khốn cùng nhất của xã hội. Để nuôi sống bản thân Thạch Sanh đã dùng tài sản duy nhất của cha để lại là chiếc rìu mang đi đốn củi, công việc của chàng hết sức bình dị, đời thường. Những nét đời thường đó khiến cho nhân vật gần gũi hơn với đời sống nhân dân. Nhưng ẩn đằng sau cái bình dị đó lại là sự xuất thân khác thường: chàng vốn là thái tử được sai xuống trần gian, người mẹ mang thai vài năm mới sinh ra Thạch Sanh, chàng được các thiên thần dạy võ nghệ và phép thuật. Những điểm khác thường đó chính lá dấu hiệu báo trước cho người đọc biết những việc làm phi thường của chàng sau này. Đồng thời mở ra hướng phát triển của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.

Để đạt đến hạnh phúc cuối cùng, Thạch Sanh đã phải trải qua rất nhiều thử thách. Bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thờ chằn tinh. Lý Thông lừa cứu công chúa rồi chôn vùi chàng dưới hang sâu, ở đây chàng đã cứu được con trai vua Thủy Tề và được tặng một chiếc đàn thần. Tiêu diệt chằn tinh và đại bàng nên chàng còn bị hồn của chúng báo thù, bị vu oan và nhốt vào ngục tối. Nhờ đàn thần chàng đã tự giải cứu mình, không chỉ vậy còn lật tẩy bộ mặt xảo quyệt của mẹ con Lý Thông, giúp công chúa lấy lại được tiếng nói. Và cuối cùng chàng đã nên duyên với công chúa. Những thử thách mà chàng phải vượt qua ngày càng khó khăn hơn, nhưng đồng nghĩa với đó chiến công và phần thưởng chàng có được cũng một tăng dần. Những việc làm, hành động ấy cho thấy Thạch Sanh là con người thật thà, chất phác, sẵn sàng xả thân vì người khác, chàng chưa một lần suy tính cho lợi ích của bản thân. Không chỉ vậy, Thạch Sanh còn là một con người quả cảm, tài năng, đứng trước những kẻ thù hung hãn như chằn tinh, đại bàng chàng không hề nao núng, dùng sức khỏe và tài năng của mình để đánh bại chúng. Chi tiết chàng tha cho mẹ con Lý Thông về quê còn cho thấy tấm lòng nhân đạo, khoan dung của chàng với kẻ thù của mình. Thạch Sanh là hiện thân của vẻ đẹp toàn mĩ, lý tưởng, luôn đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cứu người dân lương thiện. Mọi hành động chàng làm đều vì cuộc sống thanh bình, tốt đẹp của nhân dân. Kết thúc có hậu khi chàng lấy công chúa, mẹ con Lý Thông bị trừng phạt còn thể hiện ước mơ về công lý xã hội của nhân dân ta.

Không chỉ là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, Thạch Sanh còn là biểu tượng của tấm lòng nhân đạo, lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Trong thử thách cuối cùng, Thạch Sanh thu phục các nước chư hầu đã thể hiện rõ nét nhất điều này. Bằng tài năng, tấm lòng của mình chàng đã dùng tiếng đàn thần làm quân giặc “bủn rủn chân tay, không còn nghĩ được gì tới việc đánh nhau nữa”. Chàng lại dùng niêu cơm thần dọn một bữa cơm thiết đãi những kẻ thua trận. Chi tiết niêu cơm thần vừa phản ánh tấm lòng nhân đạo của Thạch Sanh vừa thể hiện mơ ước ấm no, hạnh phúc của dân tộc ta. Thạch Sanh là sự hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân Việt Nam: hiền lành, chất phác, tốt bụng, anh dũng , kiên cường, khoan dung và yêu chuộng hòa bình.

Xây dựng nhân vật Thạch Sanh các tác giả dân gian đã tạo nên cốt truyện hết sức hấp dẫn, kịch tính, tạo hai tuyến nhân vật đối lập mà Thạch Sanh là đại diện cho cái thiện. Bên cạnh đó nhân vật được xây dựng là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bình thường và phi thường khiến cho nhân vật vừa giản dị, gần gũi nhưng cũng hết sức cao quý. Đi kèm với nhân vật luôn có sự trợ giúp của các đồ vật thần kì (đàn, niêu cơm, cung tên) làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Kết thúc tác phẩm là kết thúc có hậu, đây là kiểu kết thúc phổ biến của truyện cổ tích. Trải qua những khó khăn, vất vả, Thạch Sanh đã dành được phần thưởng xứng đáng (lấy công chúa, lên ngôi vua), qua đó còn phản ánh mơ ước, khát vọng, quan niệm ở hiền gặp lành của nhân dân ta.

  • Kết bài:

Thạch Sanh là truyện cổ tích hấp dẫn, giàu kịch tính. Tác phẩm đã dựng lên chân dung của một vị anh hùng toàn tài, toàn mĩ cả về nhân cách lẫn tài năng. Qua nhân vật này, các tác giả dân gian thể hiện mơ ước, niềm tin về đạo đức, công lí và công bằng trong xã hội, đồng thời thể hiện tư tưởng nhân đạo và yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.

Bài làm 2:

  • Mở bài:

Truyện cổ tích Thạch Sanh thuộc kiểu truyện dũng sĩ. truyện ngợi ca những chiến công rực rỡ và ca ngợi những phẩm chất đáng quý của người anh hùng dân gian. Đồng thời, câu chuyện cũng thể hiện những mơ ước cháy bỏng về sự đổi đời, thoát nghèo của người nông dân. Hiện thực hoá ước mơ cái thiện thắng cái ác, chính nghĩa ắt thắng gian tà, người tốt sẽ được đền đáp kết quả xứng đáng, hoà bình chắc chắn thắng chiến tranh, các dân tộc sống trong hòa bình sẽ luôn được yên ổn, hạnh phúc và phát triển.

  • Thân bài:

Trước hết, hình ảnh Thạch Sanh trong câu chuyện cổ tích này được các tác giả dân gian xây dựng là một con người có hoàn cảnh bất hạnh, vì chàng mồ côi cha mẹ từ rất sớm, một mình Thạch Sanh phải làm lụng vất vả mưu sinh qua ngày, sống đơn độc, lẻ loi trong một túp lều nhỏ dựng dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại. Nhưng bù lại, Thạch Sanh lại được Ngọc Hoàng cử người xuống dạy nên chàng biết đủ thứ thần thông, chàng là một chàng trai khỏe mạnh lại mang trong mình những sức mạnh phi thường. Có lẽ xây dựng nhân vật Thạch Sanh với những đặc điểm này là cách để các tác giả dân gian lí giải vì sao Thạch Sanh lại bị Lí Thông lừa dối, phản bội như vậy.

Có lẽ Thạch Sanh là một con người đơn độc, lẻ loi nên khi có người muốn kết nghĩa huynh đệ với chàng thì chàng lập tức đồng ý, chàng là người thiếu thốn tình cảm nên đoạn tình cảm tình cờ có được với Lí Thông chàng vô cùng coi trọng, và mọi niềm tin chàng cũng đặt tuyệt đối ở người “anh kết nghĩa” này, không mảy may nghi ngờ về mục đích mà Lí Thông tiếp cận mình, hay cả khi bị Lí Thông lừa dối cũng không hề hay biết mà một mực tin tưởng. Sự vô tư, tình nghĩa của Thạch Sanh làm cho hình ảnh của chàng trở nên đẹp hơn, đáng trân trọng hơn. Nhưng cũng vì những vì phẩm chất tốt đẹp này mà chàng bị Lí Thông lừa gạt hết lần này đến lần khác.

Qua một số biến cố lớn, ta có thể thấy Thạch Sanh là một chàng trai khỏe mạnh, chính nghĩa thấy cái tà ác hoành hành thì không suy nghĩ nhiều, ra tay tiêu diệt, không cho nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sự yên bình của dân chúng. Đầu tiên là vụ giết chằn tinh, vì muốn Thạch Sanh thế thân cho mình mà Lí Thông đã đẩy Thạch Sanh vào con đường chết, đó là lừa Thạch Sanh nộp mạng cho chằn tinh thay mình. Chàng không hề hay biết về âm mưu thâm độc này, khi chằn tinh hiện lên muốn lấy mạng Thạch Sanh thì chàng vung rìu chống trả quyết liệt và dù chằn tinh đã dở đủ mọi trò biến hóa thì Thạch Sanh đều chống đỡ được. Chàng đã chẻ chằn tinh ra làm hai và ung dung về nhà.

Lần thứ hai Thạch Sanh ra tay chính nghĩa diệt trừ cái ác đó là lần giết đại bàng cứu công chúa từ dưới hang đại bàng trở về. Trong lần chiến đấu này còn thể hiện chàng là một con người không chỉ dũng cảm, ngoan cường mà còn rất mưu chí bởi chàng biết dựa vào vết máu mà đại bàng để lại để tìm đến động của nó, cứu thoát công chúa. Tuy lập được rất nhiều đại công nhưng do bản tính quá thật thà, tin người nên Thạch Sanh bị lại Lí Thông lừa, hắn muốn cướp công cứu công chúa nên dùng đá lấp cửa hang, đẩy Thạch Sanh vào con đường chết, còn một mình mình đi lĩnh thưởng.

Thạch Sanh là con người có sức sống mạnh mẽ, chàng không chịu đầu hàng trước số phận, khi biết Lí Thông hại mình thì chàng tìm mọi cách để thoát ra. Và cũng tại đây, bản tính chính nghĩa của chàng thể hiện, khi hoàn cảnh của mình nguy khốn nhất thì chàng vẫn đặt việc cứu người lên trên hết. Và cũng vì lòng tốt này của chàng mà chàng đã được báo đáp, bởi người chàng cứu không phải người thường mà là con trai của vua Thủy Tề. Để báo đáp công ơn của chàng vua Thủy Tề đã tặng chàng một cây đàn thần. Đã thoát ra ngoài, đất nước lại có giặc ngoại xâm, chàng đã đứng lên cầm quân đi đánh giặc, tiếng đàn của chàng đã làm cho quân giặc u mê, mất hết tinh thần chiến đấu. Không những vậy, Thạch Sanh còn thể hiện được tấm lòng nhân đạo của mình với chính kẻ thù, thể hiện rõ nét qua hình ảnh niêu cơm thần.

  • Kết bài:

Như vậy, nhân vật Thạch Sanh vừa được xây dựng với những vẻ đẹp lí tưởng của một người dũng sĩ diệt chằn tinh, đại bàng cứu giúp dân lành, vừa là một người anh hùng dũng mãnh đánh dẹp quân sĩ mười tám nước, mang lại cuộc sống thái bình cho người dân. Hơn thế nữa chàng còn là một con người nhân đạo khi không chỉ tha cho quân giặc con đường sống mà còn thiết đãi nồng hậu. Có lẽ đây cũng chính là nét đẹp của con người Việt Nam ta, nhân đạo, sống tình nghĩa và luôn dùng nhân tâm để thu phục lòng người mà truyện muốn truyền đạt lại đến các thế hệ sau này.

Bài làm 3:

  • Mở bài:

Trong thế giới truyện cổ tích có rất nhiều câu chuyện hay, thú vị mà em đã từng được nghe kể hay đọc qua, nhưng với em Thạch Sanh vẫn mãi là câu chuyện giản dị nhưng để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhận vật Thạch Sanh là hình tượng làm nổi bật câu chuyện và cũng là lý do khiến em yêu thích câu chuyện này.

  • Thân bài:

Truyện cổ tích quen thuộc này đã phát họa, tạo hình rất thành công nhân vật Thạch Sanh, ở chàng vừa có chút gì đó chân phương, giản dị trong hình tượng của người con trai tuy nghèo khó nhưng tiềm ẩn bên trong là một bóng dáng của người anh hùng sẵn sàng giúp đỡ mọi người quanh mình. Thạch Sanh vốn không may mắn sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chàng phải tự lập sớm nhưng luôn cố gắng, chăm chỉ. Ở Thạch Sanh luôn cho ta thấy cậu là một người tài giỏi, có ý chí nhưng không tự đắt, luôn sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy để giúp đỡ mọi người, nhân hậu.

Mọi chuyện bắt đầu khi chàng gặp Lý Thông, vốn hiền lành, tin người nên chàng vui mừng, cảm động vì có người nhận làm anh em kết nghĩa. Thạch Sanh không chút nghi ngờ, thắc mắc điều gì mà liền nhận lời ngay. Ở Thạch Sanh toát lên một vẻ đẹp sâu sắc, đáng trân quý hơn rất nhiều khi được xây dựng một cách chân thật, vô tư, tình nghĩa. Ngược lại nổi bật hơn nhân vật ích kỉ, xấu xa là Lý Thông, một người ích kỉ một đời sống chỉ luôn ganh ghét và mưu kế để lừa gạt, thành quả từ người khác luôn nhận về mình. Nhiều lần Thạch Sanh bị Lý Thông lừa gạt đẩy vào nơi nguy hiểm, chổ chết nhưng chàng vẫn đấu tranh và bảo toàn bản thân mình. Qua đó mới thấy Thạch Sanh là một chàng trai khỏe mạnh, thấy cái ác là diệt trừ mà không màng đến hiểm nguy đối với bản thân của mình, vì người khác, lợi ích của mình luôn đặt sau lợi ích của mọi người.

Sau nhiều lần chiến đấu với nguy hiểm, lần đầu giết con chằn tinh rồi sau đó là con Đại bàng cứu công chúa và con trai vua Thủy Tề cho thấy chàng quả là một người quả cảm, ngoan cường và mưu trí, thông minh khi lần theo dấu vết của đại bàng để tìm nơi ở cuả nó. Chàng sau nhiều lần bị Lý Thông vu oan nhưng cũng không chứng minh có thể thấy được con người luôn tin vào nhân quả, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác và rồi bóng tối sẽ bị lu mờ đi bởi ánh sáng lan tỏa. Trong bất kì hoàn cảnh, dù nguy cấp, ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân mình thì Thạch Sanh vẫn luôn đặt con người lên trên hết, bỏ qua bản thân mình vì mọi người. Chàng sau nhiều lần lập công nhưng không hệ nhận công lao đền đáp, với chàng điều đó là chuyện tốt nên làm nên đã từ chối nhận vàng bạc từ vua Thủy Tề. Mọi thứ đến với Lý Thông chàng đều cho qua nhanh chóng mà không trách móc, trả thù, mọi sự oán trách, trừng phạt lẽ ra dành cho mẹ con Lý Thông nhưng chàng không làm thế mà cho họ trở về hoàn lương, làm ăn. Và sau tất car thì cái ác cũng bị trời trừng phạt bằng cách sấm sét đánh chết mẹ con họ, qua dó cho thấy cái ác rồi sẽ bị trời trừng phạt. Ngoài ra nhờ có tiếng đàn của Thạch Sanh mà hóa giải chiến tranh, làm cho bọn giặc vì thế mất tinh thần chiến đấu đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.

  • Kết bài:

Vẻ đẹp con người Việt Nam được xây dựng qua câu chuyện cũng chính là hình tượng điển hình của nhân vật Thạch Sanh. Qua câu chuyện em vô cùng yêu quý chàng và tin rằng mọi cái ác trên đời đều bị trừng phạt chỉ là sớm hay muộn.

Bài làm 4:

  • Mở bài:

Truyện cổ tích Thạch Sanh ca ngợi đạo đức, tài năng và nguyện vọng chân chính của người lao động. Truyện Thạch Sanh ca ngợi phẩm cách của những người lao động nghèo khổ, giàu lòng nhân đạo. Tác giả dân gian không những nhìn thấy tấm lòng nhân đạo của người lao động mà còn đặc biệt ca ngợi tài năng đức độ của họ nữa.

  • Thân bài:

Về đức, trước hết Thạch Sanh là người thiết tha yêu quê hương làng mạc. Dù “giang sơn” chỉ “một gánh củi cành trên vai”. Dù của nhà chỉ là một gốc đa hiu quạnh, Thạch Sanh vẫn khước từ cảnh giàu sang phú quý của vua Thủy tề để trở về với mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Đối với Lý Thông, người anh em kết nghĩa, Thạch Sanh thật thà tin yêu hắn. Khi biết Lý Thông là kẻ bất nhân, chàng vẫn rộng lòng tha thứ; vẫn mong hắn tu tỉnh. Khi hắn gặp khó khăn, chàng sẵn sàng giúp đỡ.

Đối với những người mắc nạn, chàng ra tay cứu giúp. Với những lực lượng thù địch của con người chàng thẳng tay trừng trị.

Thạch Sanh yêu và ghét cũng rạch ròi, phân minh. Yêu thương, trân trọng con người nên chàng tin người và khoan dung trước lỗi lầm của con người. Với lũ giặc ngoại xâm hung hãn của mười tám nước chư hầu, chàng không đánh chúng bằng gươm giáo, tên ná mà đã đánh bại chúng bằng tiếng đàn nhân nghĩa.

Thạch Sanh có đức lại có tài. Tài của Thạch Sanh là sự hun đúc của chính nghĩa. Phép thần thông biến hóa như Xà tinh, Đại bàng, Hồ tinh và hung hãn như tướng quân mười tám nước chư hầu, thế mà trước sau bọn chúng đều bị lưỡi búa, mũi tên, chiếc đàn, niêu cơm màu nhiệm của Thạch Sanh khuất phục.

Sức mạnh của chính nghĩa và tinh thần chiến đấu dũng cảm đã thắng áp bức bóc lột, đánh bại lũ yêu quái hung ác trên mặt đất (Thạch Sanh chém chằn tinh, Thạch Sanh bắn Đại bàng), dưới nước (Hồ tinh), đánh bại các lực lượng tàn bạo trong nước (Lý Thông) và ngoài nước (quân xâm lược mười tám nước).

Trong quá trình đấu tranh ấy, lực lượng chính nghĩa không ngừng lớn mạnh. Buổi đầu, vũ khí của Thạch Sanh chỉ có một con dao, một cái búa. Sau khi giết Xà tinh chàng có thêm bộ cung tên vàng. Cây đàn tam huyền là phần thưởng của chàng sau khi đánh bị Hồ tinh. Hình ảnh niêu cơm của Thạch Sanh ăn hết lại đầy tượng trưng cho khả năng kinh tế vô tận của nhân dân góp vào chiến công vào chiến thắng.

Chính vì đấu tranh cho chính nghĩa mà tài năng của Thạch Sanh ngày càng trở nên mạnh mẽ. Cuộc đời của chàng là một chuỗi chiến thắng của chính nghĩa. Thắng lợi cuối cùng của Thạch Sanh là lên làm vua, làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời.

Truyện Thạch Sanh bóc trần bản chất tàn bạo, xảo quyệt của bọn bóc lột. Nếu như Thạch Sanh là nhân vật đại diện cho lực lượng chính nghĩa: lòng dạ ngay thẳng và tốt bụng, giúp đỡ người không hề tính toán, không nề gian nguy, mang bản chất của người lao động thật thà, chất phác, v.v… thì Lý Thông là người đại diện cho bọn bóc lột gian tham, hung hiểm, giả nhân giả nghĩa.

Lý Thông là kẻ thủ đoạn và quỷ quyệt. Họ Lý ra làm quan bằng con đường mưu mô, lừa đảo cướp công của kẻ khác. Thông không chỉ cướp công chém Xà tinh của Thạch Sanh mà còn luôn tìm cách giết hại chàng. Ngay cái tình “huynh đệ” của họ Lý cũng chỉ là sự lợi dụng sức lao động của Thạch Sanh mà thôi.

Những ý nghĩ và hành động hèn mạt, độc ác của họ Lý đều xoay xung quanh hai mục đích: danh và lợi. Lý Thông từ một lái buôn, do gian ngoan mà làm đến chức “đô đốc quận công”…

Tác giả viết truyện Thạch Sanh nhằm giáo dục con người, và khuyên người ta “nhân nghì hiểu trung”. Cho nên tên gián ác Lý Thông, mặc dù được Thạch Sanh tha tội chết, hắn vẫn bị trời đánh, phải hóa kiếp làm con bọ hung chui rúc trong nhơ bẩn.

Truyện Thạch Sanh là truyện tả sự việc. Kết cấu của truyện chặt chẽ. Sự việc được sắp xếp mạch lạc, hợp lý, theo thứ tự thời gian. Tác giả đặt nhân vật phản diện Lý Thông và nhân vật chính diện Thạch Sanh vào thế tương phản, khiến cho cả hai nhân vật đều nổi bật.

Nhân vật Thạch Sanh tiêu biểu cho lực lượng chính nghĩa của quần chúng lao động. Đời sống cả chàng giản dị nhưng tài đức có thừa. Một mình chàng đã đương đầu với lũ yêu quái, với lũ giặc ngoại xâm mà từ vua đến quan quân đều khiếp sợ.

Nhân vật Lý Thông được tác giả xây dựng khá thành công. Thâm hiểm, xảo trá, gian tham, độc ác, bất nghĩa là những đặc tính của hắn. Hắn đánh lừa Thạch Sanh để thế mạng. Hắn vừa dọa nạt vừa giả nghĩa để cướp công Thạch Sanh chém Xà tinh. Hắn giả vờ quý trọng Thạch Sanh để nhờ chàng dò la tin tức công chúa. Hắn định giết Thạch Sanh vì sợ bị tiết lộ sự thực. Tất cả những điều đó, nói rõ bản chất xấu xa của hắn.

  • Kết bài:

Lời văn trong truyện là lời nói mộc mạc, tự nhiên của quần chúng nhân dân, ít chữ Hán và điển tích (trong bản kể thơ Nôm). Tuy vậy cũng không tránh khỏi vụng về, dễ dãi trong khi dùng từ, đặt câu. Nghệ thuật kể chuyện bình dân, phù hợp với nội dung tác phẩm – một câu chuyện được xây dựng trên cơ sở một truyện cổ tích kết hợp với yếu tố thần thoại – cho nên tác phẩm dễ đi sâu vào lòng người và được nhiều lứa tuổi ưa thích.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.