Suy nghĩ về nhân vật Lí Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh

nhan-vat-li-thong-trong-truyen-co-tich-thach-sanh

Suy nghĩ về nhân vật Lí Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh.

Bài làm 1:

  • Mở bài:

Truyện cổ tích Thạch Sanh thuộc loại truyện cổ tích thần kỳ. Truyện kể về cuộc đời của nhân vật dũng sĩ Thạch Sanh trải qua nhiều thử thách lớn lao và đạt được nhiều kỳ tích. Đối lập với Thạch Sanh anh hùng, hiệp nghĩa, nhân vật Lý Thông gian xảo, tham lam, đã phải nhận lấy kết cục bi thảm.

  • Thân bài:

Nhân vật Lý Thông là một nhân vật phản diện, đại diện cho sự mưu mô nham hiểm, đại diện cho những con người độc ác tham vinh hoa phú quý, thường cướp công của người khác vô cùng xảo quyệt.

Mỗi một tình tiết truyện đưa ra là tội ác của nhân vật Lý Thông lại tăng lên một bậc, hắn càng ngày càng lún sâu vào tội ác, hai tay dính đầy máu của người em kết nghĩa chính là nhân vật chính Thạch Sanh.

Nhân vật Lý Thông chính là một người làm nghề buôn bán rượu, một lần hắn gặp Thạch Sanh gánh củi về gốc cây đa biết Thạch Sanh mồ côi đơn độc nên hắn giả vờ kết nghĩa anh em với Thạch Sanh để mà lợi dụng chàng.

Khi tới phiên hắn đi nộp mạng cho chằn tinh. Kẻ nhát gan này đã đánh lừa Thạch Sanh để chàng đi thế mạng. Chi tiết này chứng tỏ sự hèn nhát, đùn đẩy trách nhiệm của hắn. Một con người có thể hãm hại người khác để mình có thể sống. Nhưng hắn không ngờ, Thạch Sanh lại có thể sống sót trở về và giết được cả chằn tinh. Con người nhát gan ấy lại nghĩ ra một kế khác, hòng chiếm hết công lao của Thạch Sanh. Bộ mặt xấu xa của hắn được thể hiện rõ nét khi hắn “giả nhân giả nghĩa” “nhận tội” giết chằn tinh thay cho Thạch Sanh, mọi hậu quả hắn sẽ chịu hết. Và thế là, Lý Thông mang nộp đầu chằn tinh, được nhà vua trọng thưởng phong cho làm quận công. Lòng tham vô đáy, vì danh lợi mà mờ mắt bán đứng anh em, tên bán rượu đã chấp nhận đánh đổi lương tâm của mình để có được vinh hoa phú quý.

Và cứ thế, tội ác nối tiếp tội ác, hắn lại một lần nữa nhận lấy công lao của Thạch Sanh để có thể làm phò mã. Hắn tự nhận đã giết đại bàng và cứu được công chúa từ móng vuốt của đại bàng. Con người Lý Thông một lần nữa bị căm hận hơn khi hắn nhẫn tâm sai quân lính lấy đá lấp hang để hòng giết được Thạch Sanh sau khi đã cứu được công chúa. Rồi mọi vinh hoa một tay hắn hưởng hết. Càng ngày hắn càng lún sâu vào tội ác. Hắn đã bán linh hồn cho quỷ dữ để đạt được những gì hắn mong muốn.

Mọi chuyện sẽ trở nên êm đẹp cho tên lòng lang dạ thú này nếu không có tiếng đàn ai oán của Thạch Sanh vạch trần tội ác của hắn. Tiếng đàn thần là một yếu tố hoang đường kỳ diệu tạo nên sức mạnh hấp dẫn của câu truyện cổ tích này. Nó mang ý nghĩa như một sức mạnh công lý. Đó cũng là một yếu tố mà người xưa muốn chứng tỏ “ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặp quả nấy”.

Cái kết của câu truyện thật khiến cho người đọc hài lòng. Mẹ con Lý Thông bị tước chức, đuổi về quê. Nhưng cho dù có được tha thứ như vậy, thì ông trời cũng không thể tha cho tội ác tày đình của họ. trên đường về, mẹ con Lý Thông đã bị sét đánh chết và biết thành bọ hung. Thật xứng đáng!

Dù mưu có sâu, kế có rộng đến đâu thì tội ác vẫn là tội ác. Lý Thông cuối cùng cũng đã bị trừng trị. Tên Lý Thông đáng bị người đời phỉ nhổ, đáng bị trừng trị.  Sự xuất hiện của Lí Thông không chỉ đẩy câu chuyện lên cao trào mà còn làm nổi bật vẻ đẹp, tài trí của Thạch Sanh, là minh chứng sống động cho quan niệm “Gieo gió gặp bão”, “ác giả ác báo” của nhân dân ta.

  • Kết bài:

Kết cục của Lí Thông chính là bài học cho việc “gieo gió gặp bão”, những kẻ độc ác, vì lòng tham mà gây ra những đau khổ cho người khác cuối cùng sẽ bị trừng phạt thích đáng. Truyện Thạch Sanh không chỉ khuyên nhủ con người ta cần sống thật thà, lương thiện mà còn thể hiện niềm tin của nhân dân về công lí, đạo đức, lẽ phải.

Bài làm 2:

  • Mở bài:

Truyện cổ tích Thạch Sanh kể về người dũng sĩ Thạch Sanh đã vượt qua bao thử thách để giành lấy hạnh phúc. Bên cạnh một Thạch Sanh dũng cảm, tài năng, tình nghĩa là một Lí Thông mưu mô, tàn nhẫn, sẵn sàng lừa dối, hãm hại người khác vì lợi ích của bản thân.

  • Thân bài:

Lí Thông là một kẻ nấu rượu và bán rượu. Gặp Thạch Sanh gánh củi về gốc đa. Hắn nghĩ chàng trai cô độc, nghèo khổ mà có sức khỏe cường tráng này có thể lợi dụng được. Cái âm mưu đưa Thạch Sanh về nhà và kết nghĩa anh em của Lí Thông xét đến cùng vẫn có thể cảm thông được. Vì Lí Thông mới chỉ lợi dụng sức lao động của chàng trai mồ côi mà thôi.

Lí Thông đến phiên mình phải nộp mạng cho chằn tinh. Kẻ tham sống sợ chết này đã ranh ma đánh lừa Thạch Sanh đi thế mạng, với lí do anh “dở cất mẻ rượu”… Người đời thiếu gì kẻ tham sống sợ chết như Lí Thông

Hành động Lí Thông cướp công Thạch Sanh là một hành động vô cùng trắng trợn. Hắn dọa Thạch Sanh là đã giết vật báu “vua nuôi đã lâu”, tất sẽ bị “tội chết”. Có vẻ “nhân đức”, hắn khuyên Thạch Sanh “trốn ngay đi”, mọi hậu quả hắn sẽ “lo liệu”. Lí Thông đã đem đầu quái vật dâng nộp triều đình, được nhà vua trọng thưởng phong cho làm Quận công. Lòng tham vô đáy, mờ mắt vì danh lợi bổng lộc mà anh bán rượu “khôn ngoan” đánh lừa em kết nghĩa để cướp công một cách “tài tình”.

Quận công đã “chém” được chằn tinh sao lại không bắt được đại bàng? Muốn trở thành phò mã, Lí Thông lại dấn sâu tội ác bằng mưu mô mới. Hắn rất “khôn ngoan” tổ chức hội hát xướng mười ngày để “kết nghĩa”. Lần thứ hai, Lí Thông đã xảo quyệt cướp công Thạch Sanh. Hắn rất nhẫn tâm và dã man sai quân lính vấn đá lấp kín hang để giết Thạch Sanh, người đã xông pha nguy hiểm chém chằn tinh, giết đại bàng, cứu nàng công chúa, để Lí Thông được giàu sang, vinh hiển. Hành động sai lính lấp hang cho thấy anh bán rượu hiện nguyên hình là kẻ táng tận lương tâm, đôi bàn tay thấm đầy máu và nước mắt đồng loại.

Tiếng đàn thần là một yêu tố hoang đường kì diệu tạo nên sức hấp dẫn của truyện cổ tích Thạch Sanh; nó mang ý nghĩa như một biểu tượng về sức mạnh công lí. Tiếng đàn thần được Thạch Sanh gảy lên trong ngục tối đã chữa được bệnh “câm” của nàng công chúa, đã vạch mặt chân tướng xảo quyệt của Lí Thông trước triều đình.

  • Kết bài:

Cái kết của truyện thật sâu sắc lí thú. Mẹ con Lí Thông bị lột hết mọi chức tước, bị đuổi về quê, bị sét đánh chết hóa thàn bọ hung. Lưới trời lồng lộng! Anh bán rượu trở thành Quận công, sắp trở thành phò mã… cuối cùng biến thành bọ hung! Tham thì tham, ác giả ác báo là vậy! Tên Lí Thông đã bị người đời phỉ nhổ, chết trong nhục nhã!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.