Cảm nhận ý nghĩa ba khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Ý nghĩa ba khổ thơ đầu bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.

  • Mở bài:

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt luôn dành tình yêu thương vô vàn, ngày đêm thương nhớ về miền Nam thân yêu. Miền đất “đi trước về sau” này đối với Bác là một niềm vui, là hạnh phúc không bao giờ nguôi, và Bác luôn mong mỏi thiết tha ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhưng tiếc thay, khi Bắc Nam sum họp một nhà, thì người cha già kính yêu của dân tộc đã đi xa mãi, để lại biết bao niềm tiếc nuối trong lòng người dân nơi đây. Và tất cả đã được nhà thơ Viễn Phương thể hiện trong bài “Viếng lăng Bác” vào tháng tư năm 1976 trong lần tác giả xúc động bồi hồi ra thăm lăng Bác:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim…”

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

  • Thân bài:

Bài thơ không chỉ riêng là tình cảm chân thành thương nhớ Bác của nhà thơ, mà là lộng thương nhớ, nỗi niềm đau đớn của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ miền Nam dồn nén bao nhiêu năm nay. Ngôn ngữ thơ tuôn trào theo dòng cảm xúc chân thành, tha thiết.

Mở đầu bài thơ, tác giả đúng từ xa đã nhìn thấy lăng Bác. Chỉ cần nhìn thấy lăng thôi mà trong lòng nhà thơ đã nghẹn ngào cảm xúc. Khổ thơ đầu đã thể hiện tình cảm thân thiết, ruột thịt của mình qua câu thơ giản dị mà chân chất vô cùng: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”.

Câu thơ không nói gì nhiều, nhưng đọc lên sao nghe cứ rưng rưng. Nhà thơ xưng “con” và chữ “con” ở đầu dòng thơ, đầu bài thơ. Trong ngôn từ của nhân loại không có một chữ nào lại xúc động và sâu nặng bằng tiếng “con”. Cách xưng hô này thật gần gũi, thật thân thiết, ấm áp tình thân thương mà vẫn rất mực thành kính, thiêng liêng. Đồng thời, cũng diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách.

Hai tiếng “miền Nam” chưa đựng hết tình cảm của tác giả khi gợi nhớ về niềm mong mỏi của Người muốn được vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”. Miền Nam là niềm tự hào, là biểu tượng anh hùng, bất khuất, dũng cảm, là thành đồng Tổ Quốc. Và giờ đây, tự đáy lòng của người con ở xa đến thăm cha, nhà thơ mang theo cả niềm tự hào, niềm vui mừng khôn xiết chờ gặp lại bóng dáng thân yêu, lại vừa thật xót xa của đồng bào miền Nam để đến với Bác. Hình ảnh đầu tiên khi bắt gặp quanh lăng khiến nhà thơ bồi hồi xúc động, đã được khắc họa qua mấy câu thơ :

“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Bát ngát của tre và bát ngát của sương là hình ảnh thân thuộc bao năm đã in sâu trong tiềm thức mỗi người con Việt Narn. Màu xanh của tre tưởng chừng là thường tình, nhưng nó đã in trọn dấu ấn một linh hồn, một cốt cách rất Việt Nam. Đoạn thơ là một tình cảm thương xót khi tre chịu đựng những bão táp, mưa sa của bốn ngàn năm dụng nước. Tre mang phẩm chất riêng mà chỉ dân tộc này mới có.

Tre đã làm hiện rõ hình ảnh Bác luôn sống giản dị nhưng kiên cường tranh đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Từ hình ảnh hàng tre bát ngát trong sương quanh lăng Bác, nhà thơ đã suy nghĩ, liên tưởng và mở rộng khái quát thành một hình ảnh hàng tre mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Dù gặp bão táp mưa sa – gặp những thăng trầm trong cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước, vẫn “đứng thẳng hàng”, vẫn đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục.

Tiếp tục bước tới, hòa vào dòng người xếp hàng vào thăm lăng, mạch cảm xúc của nhà thơ bỗng dạt dào, thành kính, mặt trời lại gợi lên mối hệ mới :

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”.

“Mặt trời đi qua trên lăng” là mặt trời của trụ: vĩ đại, tỏa sáng, ấm áp và vĩnh hằng. “Mặt trời trong lăng” là hình ảnh Bác Hồ, Người cũng: vĩ đại, tỏa sáng, ấm áp và vĩnh hằng trong lòng dân tộc. Cái vĩnh cửu của mặt trời trên lăng là của trời đất, của tự nhiên, là sự im lặng, vô hồn, còn mặt trời trong lăng là thuộc về một sự sống của con người. Bằng lối ẩn dụ, “mặt trời … rất đỏ” làm gợi nhớ đến một trái tim, trái tim nhiệt huyết, chân thành, trái tim thương nước thương dân của Bác. Bác chính là mặt trời cách mạng, là nguồn ánh sáng rực rỡ không bao giờ tắt, Người dành cả một đời mãi mãi chiếu rọi con đường đi tới của dân tộc Việt Nam. Nhìn dòng người vào viếng, nhà thơ liên tưởng đến vòng hoa:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Nhịp thơ chầm chậm như bước chân của dòng người lặng lẽ đi trong suy tưởng, bao trùm một không khí thương nhớ Bác không nguôi. Nhà thơ đã không chỉ liên tưởng sâu sắc mỗi người dân là một bông hoa và dòng người đi thành một vòng tròn chính là tràng hoa dâng lên Bác, mà còn dùng từ tinh tế, đầy tình cảm quý trọng. Điệp từ “ngày ngày” được lặp lại hai lần cho ta thấy một thời gian vô tận, vĩnh viễn không bao giờ ngừng, như chính tấm lòng của nhân dân Việt Nam  mãi mãi không nguôi nhớ thương Bác. Bác đã đi vào sự yên nghỉ đời đời, nhưng trông vẫn chỉ như một người đang ngủ, khiến nhà thơ nghẹn ngào viết nên khổ thơ cảm thương chân thực:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Khổ thơ trở nên dịu dàng, mềm mại sau mạch thơ rực rỡ ờ khổ trên, nó mở ra tầng cảm nghĩ mới. Lúc sinh thời Bác luôn gắn bó với trăng, thì giờ đây khi Bác đã đi xa vầng trăng kia vẫn bâu bạn, chung thùy vỗ về với Bác. Ở đây phần nào nhà thơ không muốn cảm nhận là giấc ngủ vĩnh viễn, nên dùng khung cảnh bình yên, êm đềm với ánh trăng gợi lên một giấc ngủ ban đêm, để vơi bớt phần nào sự thật là Bác đã mãi không còn nữa. Vẫn biết là Bác vĩnh viễn như trời xanh, mãi sống trong sự nghiệp của toàn dân, nhưng không thể nào che giấu được sự mất mát quá đỗi to lớn ấy. Chi một chữ “nhói” cũng đủ nói lên nỗi quặn đau, thương nhớ không gì bù đắp được vì mất Bác, vì nỗi thiếu vắng Bác.

Nhà thơ đã rất thành công khi lựa chọn giọng điệu thơ chậm rãi, vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót, tự hào. Thể thơ 8 chữ, xen lẫn những dòng thơ 7 hoặc 9 chữ khiến cho cảm xúc được co dãn, thuận lợi cho việc biểu hiện cảm xúc xót xa, tiếc nuối . Nhịp thơ chủ yếu là nhịp chậm, diễn tả sự trang nghiêm, thành kính và những cảm xúc sâu lắng. Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng vừa quen thuộc, vừa gần gũi với hình ảnh thực, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm.

  • Kết bài:

Ba khổ thơ đầu bài thơ “Viếng lăng Bác” không chỉ đơn thuần tả lại một ngày viếng thăm lăng từ tinh sương đến trưa, đến chiều, mà còn là tiếng khóc đau đớn, nghẹn ngào trước sự ra đi của Bác. Ba khổ thơ đầu bài thơ đầy ắp những ẩn dụ đẹp, trào dâng một niềm thương nhớ bao la và xót thương vô hạn. Lời thơ giàu chất lãng mạn trữ tình đàm thắm hoà cùng nghê thuật luyến láy ngôn ngữ đã tạo nên sức gợi cảm sâu lẳng, làm xúc động hàng triệu trái tim. Có thể nói bài thơ là một thứ tiếng lòng giản dị, hồn nhiên mà âm vang của nó còn làm thổn thức lòng người mãi mãi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang