Dàn bài: Chứng minh Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chiếc thuyền ngoài xa hướng tới chân, thiện ,mĩ

dan-bai-chung-minh-hai-dua-tre-cua-thach-lam-va-chiec-thuyen-ngoai-xa-huong-toi-chan-thien-mi

Nói về các giá trị của văn học, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (Tập 2, chương trình cơ bản, tr.187) cho rằng: “Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời”.

Bằng việc phân tích hai tác phẩm: “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam và “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, anh/ chị hãy bình luận về ý kiến trên.


I. Mở bài:

Nêu vấn đề nghị luận: Các giá trị văn học và mối quan hệ của chúng đối với sức sống, sức lan tỏa của một tác phẩm; trích dẫn ý kiến lí luận.

II. Thân bài:

Giải thích các khái niệm: chân, thiện, mĩ.

+ “Chân”: có nghĩa là chân thật, sự xác thực, là sự thật và chân lí được phản ánh vào trong tác phẩm văn học. Trái ngược với “chân” là giả dối, giả tạo, phù phiếm. Đi liền với “chân” là giá trị nhận thức.

+ “Thiện”: có nghĩa là cái tốt, cái hay được nhà văn thể hiện trong tác phảm, nó thuộc về phương diện đạo đức và nhân cách của con người, hướng con người đến với cái tốt đẹp trong cuộc sống. Trái với thiện là cái ác, là đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Đi liến với “thiện” là giá trị giáo dục tư tưởng, tình cảm.

+ “Mỹ”: có nghĩa là đẹp, là cái đẹp trong cuộc sống. Trong tác phẩm văn học, “mỹ” được hiểu là cái đẹp nghệ thuật, là sự kết hợp hài hòa giữa “chân” và “thiện”, là khả năng đánh thức, khơi gợi và bồi dưỡng những tình cảm thẩm mĩ của người đọc. Đi liền với “mỹ” là giá trị giáo dục tình cảm thẩm mỹ.

– Giải thích ý kiến: “Văn chương hướng đến chân – thiện – mỹ” là văn chương hướng đến những giá trị toàn diện, vừa phản ánh chân thực những vấn đề trong đời sống của con người, vừa hướng con người đến với cái tốt, cái đẹp, đồng thời khơi gợi và bồi dưỡng cho con người những rung cảm thẩm mĩ. Văn chương “chân – thiện – mỹ” là văn chương đem đến cho con người những giá trị về nhận thức, về những bài học tư tưởng đạo lí và về cái đẹp. Đó mới thực sự là văn chương chân chính vì con người. Khi đó, tác phẩm văn học sẽ được đón nhận, được lưu truyền và trở thành món ăn tinh thần của tất cả mọi người ở mọi thời đại.

– Đánh giá ý kiến: Ý kiến trên là sự đánh giá tổng hợp về các giá trị của tác phẩm văn học, vừa như một sự định hướng vừa là một yêu cầu đối với mỗi người cầm bút trong sáng tác văn chương.

– Những tác phẩm đạt đến “chân – thiện – mỹ” là những tác phẩm vượt mọi giới hạn của thời gian và không gian để trở thành tác phẩm chung của cả nhân loại và với mọi thời đại. (Nêu một số tác phẩm tiên biểu trong lịch sử văn học để minh họa).

Phân tích truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam:

– Giới thiệu khái quát về tác phẩm: nội dung cốt truyện, thế giới nhân vật, giá trị chung về nội dung tư tưởng và nghệ thuật… Nhấn mạnh các giá trị “chân – thiện – mỹ”

– Biểu hiện về “chân – thiện – mỹ” trong tác phẩm:

+ Phản ánh một cách chân thực bức tranh đời sống xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 qua bức tranh phố huyện và những kiếp người trên phố. (Phân tích các chi tiết cụ thể về phố huyện và đời sống các nhân vật)

+ Thể hiện một cái nhìn, một tình cảm nhân ái, yêu thương, đồng cảm với những cảnh đời bé nhỏ, tàn lụi trên phố huyện nghèo; đồng thời là một mơ ước, một niềm hi vọng về sự đổi thay, về một điều tươi sáng sẽ đến. (Phân tích các biểu hiện cụ thể của tinh thần nhân đạo Thạch Lam trong tác phẩm)

+ Những sáng tạo riêng, độc đáo về hình thức nghệ thuật, tạo nên một tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ trữ tình, nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng.

Phân tích truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu:

– Giới thiệu khái quát về tác phẩm: nội dung cốt truyện, thế giới nhân vật, giá trị chung về nội dung tư tưởng và nghệ thuật… Nhấn mạnh các giá trị “chân – thiện – mỹ”.

– Biểu hiện về “chân – thiện – mỹ” trong tác phẩm:

+ Phản ánh chân thực và sâu sắc những vấn đề trong đời sống xã hội, những góc khuất, những khoảng lấp đằng sau cái vẻ bề ngoài thơ mộng của cuộc sống. (Phân tích những vấn đề được Nguyễn Minh Châu phản ánh trong tác phẩm)

+ Thể hiện cái nhìn phát hiện, khám phá, đồng cảm, trân trọng đối với người lao động, những con người bé nhỏ bất hạnh còn bị khuất lấp trong sự vận động đi lên của xã hội. (Phân tích tư tưởng, tình cảm và thái độ của nhà văn qua các nhân vật)

+ Những đặc sắc nghệ thuật: nghệ thuật xây dựng tình huống, nghệ thuật miêu tả bức tranh thiên nhiên và bức tranh đời sống… Đặc biệt là sự đổi mới ngòi bút phù hợp với việc phản ánh hiện thực trong nền văn học mới sau chiến tranh: đổi mới đề tài, đổi mới cách tiếp cận cuộc sống, dổi mới cái nhìn đối với người nghệ sĩ…

III. Kết bài:

– Đánh giá về các giá trị “chân – thiện – mỹ” và sức sống của hai tác phẩm “Hai đứa trẻ” và “Chiếc thuyền ngoài xa” trong lòng người đọc và trong đời sống văn học.

– Đánh giá về ý nghĩa lí luận và thực tiễn của vấn đề nghị luận.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.