Từ câu nói của người mẹ với người con trong văn bản “Cổng trường mở ra” của Lý Lan, hãy suy nghĩ về tính tự lập

dem-nay-me-khong-ngu-duoc-hay-nghi-luan-tinh-tu-lap-12927-2

Từ câu nói của người mẹ với người con trong văn bản “Cổng trường mở ra” của Lý Lan, hãy suy nghĩ về tính tự lập

“Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra” (trích Cổng trường mở ra – Lý Lan).


  • Mở bài:

Kết thúc bài viết Cổng trường mở ra của tác giả Lý Lan, người mẹ nghĩ về khoảnh khắc dắt con đến cổng trường và những hành động cần phải làm. Thật ngạc nhiên, không như bao người mẹ khác, bà muốn đứa con bé nhỏ của mình phải biết tự lập, tự mình bước qua cánh cổng trường: “Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Hành động của người mẹ đã gây ở trong ta biết bao nhiêu suy nghĩ về tính tự lập, một phẩm chất cần có ở mỗi con người.

  • Thân bài:

Lý Lan là một nhà văn, đồng thời cũng là một người mẹ. Sinh ra và trưởng thành trong giao đoạn có sự xung đột mãnh liệt giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới khiến bà không ngừng suy nghĩ về bổn phận và trách nhiệm của mình đối với con trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Giáo dục ở bất kì thời đại nào cũng đều hướng đến đào tạo ra những con người có tri thức, có đạo đức để tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân và góp phần xây dựng đất nước. Thế nhưng, có tạo ra những con người có phẩm chất đáp ứng được yêu cầu của thời đại hay không là phụ thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của các bậc cha mẹ. nhà văn đã ý thức rõ điều đó và gửi gắm trọn vẹn tâm tư vào lời nói và hành động của người mẹ trong bài viết.

Tự lập là gì?

Tự lập là tự mình làm những công việc cần làm mà không cần người khác nhắc nhở, sai bảo và  không dựa dẫm hay cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Người có tính tự lập luôn tự giác làm mọi công việc. Những việc gì họ có thể làm được thì tự thực hiện, không chờ đợi, nhờ vả hay sai bảo ai. Người tự lập luôn biết vạch kế hoạch cho những công việc càn làm và kiên trì thực hiện kế hoạch ấy. Chỉ khi nào họ không thể làm được hoặc cần hợp tác với người khác để giải quyết những khó khăn trong công việc thì họ mới huy động người khác giúp đỡ.

Nói như vậy không có nghĩa là người có tính tự lập luôn bảo thủ trong công việc và tách mình ra khỏi tập thể. Trong công việc, họ luôn gắn kết chặt chẽ với mọi người hướng đến những lợi ích chung nhất. Họ là người có trách nhiệm cao trong công việc, luôn ý thức làm tốt những việc được giao và tự giác làm những việc cần làm.

Tại sao con người cần phải có tính tự lập?

Đấu tranh với tự nhiên để tồn tại là bản năng của mọi loài vật. Trước khi tiến đến đời sống xã hội như ngày nay, con người bắt buộc phải tự rèn luyện tính tự lập ngay khi bước vào cuộc sống sinh tồn. Đấu tranh để tồn tại là quy luật bất biến. Vậy nên, rất cần ở con người tính từ lập ngay từ thuở bé.

Khi xã hội phát triển, đời sống vật chất đầy đủ, cộng với sự che chở của gia đình, tính tự lập ở tuổi trẻ không còn mạnh mẽ nữa. Thế nhưng, cuộc sống lúc nào cũng khắc nghiệt. Sự kế thừa các giá trị từ thế hệ đi trước là luôn có nhưng không bao giờ có đủ cho cuộc đời mỗi chúng ta. Vật chất, tình cảm, địa vị, hạnh phúc cùng biết bao giá trị tốt đẹp khác, nếu muốn có được thì phải tự mình nỗ lực vươn lên tạo dựng ra nó. Bản thân mỗi con người, nếu muốn thành công thì phải có tính tự lập. Nghĩa là tự mình xây dựng những giá trị mà mình mong muốn.

Chúng ta luôn có cha mẹ và người thân chăm sóc, chu cấp và giúp đỡ cho cuộc sống của chúng ta. Nhung không phải lúc nào họ cũng ở bên cạnh ta để làm điều ấy. Nhất là trong những nghịch cảnh hiểm nguy, sự việc cấp bách, chậm trễ xử lí sẽ nhận lấy hậu quả thảm khốc. Sự hối hận không bao giờ có thể cứu vẫn được những mất mát và tổn thất. Bởi thế, rèn luyện tính tự lập và luôn biết tự lập là một năng lực rất cần thiết.

Khi chúng ta có tính tự lập, ta sẽ tự tin vào bản thân mình hơn. Tự lập cả trong nhận thức lẫn hành động thì trước khó khăn, thử thách, ta không còn sợ hãi. Dù có điều gì xảy ra, ta vẫn tự tin, bình tĩnh. Chính lúc đó, sức mạnh của chúng ta mới thực sự vững vàng, đầu óc sáng suốt, đủ sức để vươn lên chiến đấu và chiến thắng. Trong tình thế nguy cấp, không có gì đáng quý hơn sự bình tĩnh do bản lĩnh tự lập mang lại cho mỗi con người. Và dẫu khi ta có những mất mát to lớn, ta cũng không tuyệt vọng. Bởi ta tin tưởng rằng, chỉ càn bản than còn thì sự nghiệp vẫn còn. Những gì mất đi có thể sẽ lấy lại được. Còn niềm tin vào bản thân mất đi thì tất cả cũng bị hủy diệt.

Người có tính tự lập sẽ luôn biết tự lập kế hoạch để thành công. Bởi, trước hết, họ tìm kiếm sức mạnh và cơ hội ngay trong chính bản thân mình. Họ luôn biết dựa vào mình. Sau đó, họ mới tìm kiếm sự giúp đỡ ở người khác. Họ luôn làm chủ trong mọi dự định, chủ động trong công việc và tiến hành làm việc, chỉ đạo, liên kết sức mạnh một cách chặt chẽ, bền vững để tiến tới thành công. Người có tính tự lập luôn trở thành niềm cảm hứng làm việc của người khác bởi ở họ toát lên một bản lĩnh mạnh mẽ, chân thiện, đầy sức thuyết phục.

Người có tính tự lập luôn mở lòng giúp đỡ người khác, đặc biệt là những ai đang gặp khó khăn, hoạn nạn. Bởi thế, họ thường được mọi người yêu mến, kính trọng và giúp đỡ để thành công trong công việc và trong đời sống.

Những tấm gương tự lập sáng ngời trong cuộc sống:

Không phải mất công suy nghĩ hay tìm kiếm ta cũng ó thể chỉ ra những tấm gương sáng ngời về ý chí vươn lên và tự lập trong cuộc sống này. Đầu tiên là các nhà khoa học vĩ đại. Có thể một ai đó còn sống dựa dẫm vào thân thế hay sự nghiệp của gia đình; có thể họ còn sự hỗ trợ giúp từ những tổ chức hay các cộng sự nhưng họ thực sự đã tự lập trong suy nghĩ và hành động để sáng tạo ra những cái mới, cái chưa từng có phục vụ cho sự tiến bộ của khoa học và đời sống con người.

Nhà bác học vĩ đại, vị vua của các bằng sáng chế Thomas Edison đã tự học thành công với sự dạy bảo của người mẹ. Nhà vật lí vĩ đại Faraday, người có những thành tựu kiệt xuất trong ngành điện, từ một người ít học nhưng đam mê khoa học đã biết tự học và trở thành một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất mọi thời đại.

Trang nguyên Mạc Đĩnh Chi cũng là tấm gương rực rỡ về tính tự lập. Vì nhà nghèo, không có tiền đi học, ông đã mạnh dạn lén nghe thầy giáo giảng bài cho các bạn nhỏ. Về nhà, ông tự đọc lại, viết lại những gì đã học được. Ông miệt mài rèn luyện mà không cần ai nhắc nhở. Cả cha mẹ ông cũng hết sức kinh ngạc khi nghe ông đọc thuộc lòng các sách và viết được chữ. Chính nhờ bản tính tự lập ấy mà học thức của ông không ngừng sâu sắc. Năm ấy ông đỗ trạng nguyên khoa bảng khiến ai cũng sững sờ. khi được cử đi sứ trung Quốc, nhờ tài đối đáp kiệt xuất của mình, ông được vua Nguyên phong làm lưỡng quốc trạng nguyên, một danh hiệu xưa nay chưa từng có.

Hồ Chí Minh cũng là tấm gương chói về tính tự lập. Người sinh ra trong cảnh dân tộc lầm than dưới chế độ cai trị hà khắc của bọn thực dan phong kiến. Lại thêm gia cảnh bi thương, sớm mất mẹ, ít được sống gần cha, Bác đã sớm phải tự lập. Bởi yêu nước, quyết tìm kiếm con đường cứu nước, đưa dân tộc thoát khỏi ách cai trị của nước pháp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ,từ Bến Nhà Rồng đã ra đi tìm đường cứu nước.

Từ đây, Người bôn ba khắp thế giới. ba mươi năm trời nơi đất khách quê người, Bác đã tự mình làm tất cả mọi việc. Cuối cùng, Người cũng đã tìm thấy lí tưởng cách mạng và trở về nước lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc cách mạng vĩ đại, lật đổ hoàn toàn chế độ thống trị thực dân Pháp, giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Trong những yếu tố tạo nên thiên tài Hồ Chí Minh trước hết là tấm lòng yêu nước, thương dân vô hạn. Sau đó là ý chí và nghị lực phi thường, không bao giờ khuất phục của người Việt Nam cuộn chảy trong Bác. Sau cùng là bản tính tự lập đã được rèn luyện và kiện toàn sâu sắc.

Muốn có tính tự lập, ta cần phải làm gì?

Hình thành và rèn luyện tính tự lập phải là trách nhiệm của mỗi con người. Trước hết, muốn rèn luyện tính tự lập thì phải ý thức sâu sắc về vai trò và lợi ích của tính tự lập đối với mỗi cá nhân. Từ việc nhận thức đi đến nhận rõ và nâng cao trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp, gia đình, xã hội và đất nước. Luôn sống vì người khác, hướng đến những giá trị tốt đẹp ở đời.

Luôn tin tưởng vào bản thân và tin tưởng vào người khác. Chỉ khi tin tưởng vào chính mình bạn mới dám tự lập, luôn tự lập và thực hành tính tự lập trong công việc và trong đời sống.

Duy trì thói quen tự lập mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Rèn luyện tính vượt khó, kiên trì và nhẫn nại trong công việc. Luôn sáng tạo trong công việc và mạnh mẽ thực hiện các dự định. Chỉ nhờ đến sự giúp đỡ, hỗ trợ hoặc hợp tác với người khác khi thật cần thiết.

Luôn vạch rõ kế hoạch công việc trước khi hành động. Bởi chỉ khi nhìn rõ những việc cần phải làm, những khó khăn cần vượt qua, kết quả cần đạt được cùng các nguồn lực giúp đỡ khi cần thiết thì ta mới chủ động, mạnh mẽ và quyết đoán trong hành động.

Cũng cần xây dựng và rèn luyện lối sống trong sạch vững mạnh, tu dưỡng đạo đức theo các chuẩn mực mà xã hội đã quy định. Tăng cường hợp tác, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn trong công việc và tỏng đời sống để gắn kết tập thể, cùng hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Bởi tự lập không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Có những việc chúng ta phải biết đoàn kết và dựa vào đồng loại để tạo nên sức mạnh tổng hợp. không có ai trong chúng ta mạnh bằng tất cả chúng ta là vậy.

Cần phải rèn luyện khả năng tự lập một cách bền bỉ, đều đặn và duy trì suốt đời. Để có thể tự lập, bản thân mỗi người phải có sự nỗ lực, cố gắng và ý chí mạnh mẽ để vươn lên, vượt qua thử thách, khó khăn, để trau dồi, rèn luyện năng lực, phẩm chất. Không ngừng học hỏi là yếu tố cần thiết tạo nên sức mạnh tự lập ở mọi con người.

Phê phán những người không biết rèn luyện tính tự lập, sống dựa dẫm vào người khác:

Tự lập là một phẩm chất để khẳng định nhân cách, bản lĩnh và khả năng của một con người. tựu lập còn là yếu tố dầu tiên dẫn ta đến thành công. thế nhưng, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không biết rèn luyện tính tự lập và không muốn tự lập. Họ sống lười biếng, ích kỉ, làm ít nhưng muốn hưởng nhiều, hay chê bai hoặc đố kị với người khác. Bởi thế, họ ít khi thành công, thường bị người khác chê bai, xa lánh. Những người như thế thật đáng chê trách.

Những ai chỉ biết dựa dẫm vào người khác, sống ích kỉ, lười biếng, trở thành một gánh nặng cho người thân và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Những người không có tính tự lập, cứ dựa vào người khác thì khó có được thành công thật sự.

  • Kết bài:

Nếu mọi người đều biết sống tự lập kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn và cuộc sống mỗi người sẽ được hạnh phúc. Không ai yếu đuối trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ có điều từ thuở ban đầu, họ không rèn luyện và thực hành phẩm chất tự lập mà thôi. Chỉ cần ta biết tự lập, tự chu bản thân thì “một thế giới kì diệu sẽ mở ra” trước mắt. Ở đâu đó trong thế giới này, luôn có một thế giới kì diệu đang đợi ta bước tới.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: Ý nghĩa của tính tự lập? Học sinh rèn luyện tính tự lập như thế nào? - Thế Kỉ

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.