Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

di-mot-ngay-dang-hoc-mot-sang-khon

Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”

  • Mở bài:

Nhân dân ta có một kho tàng văn học quý giá với những trang thơ hào hùng, với những trang tiểu thuyết hấp dẫn, đặc biệt là những câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích, chứa đựng biết bao kinh nghiệm sống của con người. Câu tục ngữ: “Đi một ngày dàng, học một sàng khôn” là lời khuyên chân thành của ông cha ta đối với các thế hệ con cháu ngày hôm nay và mai sau.

  • Thân bài

Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng chứa đựng một ý nghĩa thật sâu sắc. “Đi một ngày đàng” là đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, đi sâu, đi sát thực tế đời sống, mở rộng phạm vi tiếp xúc, mở rộng mối giao lưu với mọi người. “Học một sàng khôn” là học được những điều hay lẽ phải, những cái đúng đắn, cái mới mẻ mà trước kia mình chưa thể biết được. Câu tục ngữ khuyên con người chúng ta phải tích lũy được nhiều kiến thức, mở rộng quan hệ giao tiếp với mọi người trong xã hội. Chỉ có điều đó mới giúp chúng ta tích lũy, lĩnh hội được nhiều kiến thức bố ích.

Câu tục ngữ là một nhận định rất đúng đắn. Kiến thức và kinh nghiệm nằm ở nhiều nơi nhưng tập trung nhất là ở trong sách vở và cuộc sống thực tế. Chúng ta phải tiếp xúc với nhiều người, tìm ở họ những cái “khôn” khác nhau để tích lũy vốn sống riêng cho mình. Và khi bước vào cuộc sống, ta phải vận dụng những kiến thức khác nhau mà mình học được cho phù hợp với hoàn cảnh gặp phải. Chính vì thế mà kiến thức sẽ trở nên vững vàng và được khắc sâu hơn.

Chúng ta luôn thấy rằng những con người va chạm nhiều với mọi người, với cuộc sống thì vốn sống của họ sẽ trở nên dồi dào. Họ là những con người khôn ngoan, lanh lợi. Ông cha ta cũng đã có lời khuyên thật cụ thể cho con cháu đời sau:

“Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”

(Tục ngữ)

Muốn cho con cháu mình trở nên khôn ngoan, lanh lợi, có nhiều hiểu biết rộng rãi, ông cha ta xưa đã sớm đưa con cháu mình vào trường đời, để va chạm với cuộc sống. Chỉ có ở đó, con người mới được củng cố, khắc sâu hơn về những tri thức sống. Có người đã nói: “Cuộc sống là trường đại học đầu tiên của con người”.

Ngày nay ở các nhà trường cũng mở rộng giao tiếp xã hội để giáo dục học sinh, giúp cho học sinh không những chỉ nắm vững được kiến thức trong sách vở mà còn có hiểu biết thực tế về cuộc sống, làm cho vốn sống của học sinh trở nên phong phú hơn, sâu sắc hơn. Học đi đôi với hành. Đó là phương pháp giáo dục có hiệu quả nhất. Việc thực hành, đi đó đi đây đã làm cho kiến thức mà học sinh tiếp nhận được trên sách vở trở nên sâu sắc hơn.

Việc đi đó, đi đây đã giúp cho con người có tầm hiểu biết rộng lớn. Trong khi đất nước đang chìm đắm trong màn đêm nô lệ tăm tối, Hồ Chủ tịch đã đi khắp nơi trên thế giới. Người đến nước Pháp, Châu Phi… để học hỏi những kinh nghiệm làm cách mạng về áp dụng vào tình hình của đất nước mình. Cuối cùng, Bác đã gặp được con đường cách mạng của Lê-nin. Người nhận ra đó là con đường để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Nếu không đi xa, không tìm kiếm và học hỏi có lẽ Người sẽ không bắt gặp được lý tưởng của mình như các chí sĩ yêu nước tiền bối trước đó.

Câu tục ngữ này bao hàm một lời khuyên có ý nghĩa thật sâu sắc. Nó khuyên chúng ta hãy đi sâu vào thực tế cuộc sống, mở rộng quan hệ với mọi người làm cho cái “túi khôn” của mình được đầy đặn hơn, để những kiến thức mà mình học được khắc sâu hơn. Như vậy thực tế cuộc sông có tác dụng rất to lớn trong việc giáo dục con người. Tất nhiên cuộc sống đó phải là một cuộc sống lành mạnh, phải là con đường sáng. Dân gian cũng có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Con người rất dễ bị sa đọa, hư hỏng nếu như xác định lầm con đường mình định đi.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy không ít những trường hợp “đi một ngày đàng” mà không học được “một sàng khôn”, trái lại còn bị tha hóa hư hỏng. Có thể con đường mà họ chọn đi không sáng, có thể do bản thân họ không chịu học hỏi, họ đi với mục đích chơi bời thỏa thích hoặc làm một việc gì đó mà không chuyên tâm vào việc học tập rèn luyện cho chính bản thân. Mãi mãi câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” vẫn là một bài học bổ ích cho tất cả mọi người.

Không ít trường hợp học sinh được đưa ra nước ngoài để học tập nhưng học sinh ấy chỉ vì hám lợi trước mắt mà sa vào làm ăn buôn bán bất chính, hủy hoại danh dự của bản thân, của đất nước. Chính vì vậy mà chúng ta phải luôn tỉnh táo để chọn cho mình con đường đi trong sáng đúng đắn nhất, trong quá trình “học khôn”.

  • Kết bài

“Đi một ngày đàng, học một sàng không” là bài học thiết thực cho mọi người trong việc rèn luyện tu dưỡng. Vừa phải học hỏi trong thực tế, vừa phải học trong sách vở, hai cái đó bổ sung hỗ trợ đắc lực cho nhau, tạo cho con người có kiến thức vững vàng trong cuộc sống. Tuy nhiên phải biết chọn con đường sáng mà đi, phải chịu khó học hỏi khi đi trên con đường đó.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.