Đọc hiểu văn bản Cảnh ngày xuân (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du)

doc-hieu-van-ban-canh-ngay-xuan-trich-truyen-kieu-nguyen-du

Đọc hiểu văn bản:

Cảnh ngày xuân
(trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

I. Đọc – hiểu chú thích:

1. Tác giả: Nguyễn Du.

2. Tác phẩm:

– Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần đầu “Truyện Kiều”. Sau khi giới thiệu gia cảnh và tài sắc chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du trình bày bối cảnh Thúy Kiều gặp nấm mồ Đạm Tiên và gặp Kim Trọng. Đó là cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh,chị em Kiều đi chơi xuân. Cảnh ngày xuân cứ hiện dần ra theo trình tự cuộc “bộ hành chơi xuân” của chị em Thúy Kiều.

– Bố cục:

+ Bốn câu đầu: Khung cảnh mùa xuân.

+ Tám câu tiếp: Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh.

+ Sáu câu cuối: Cảnh chị em Kiều du xuân trở về.

– Nội dung: Đoạn trích đã khắc họa rõ nét bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, náo nhiệt trong cuộc du xuân của hai chị em Thúy Kiều vào tiết thanh minh.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Khung cảnh mùa xuân tươi đẹp:

– Hai câu thơ đầu vừa gợi tả thời gian, vừa gợi tả không gian mùa xuân:

+ “Ngày xuân con én đưa thoi” vừa tả không gian ngày xuân, chim én bay đi bay lại,chao liệng như thoi đưa; vừa gợi thời gian ngày xuân trôi nhanh quá, tựa như những cánh én vụt bay trên bầu trời.

+ “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” vừa gợi thời gian đã chín chục ngày xuân mà nay đã ngoài sáu mươi ngày (tức là đã qua tháng giêng, tháng hai và đã bước sang tháng ba); vừa gợi không gian ngày xuân với ánh sáng đẹp, trong lành (thiều quang).

→ Thời gian của mùa xuân thấm thoắt trôi mau, đã bước sang tháng ba cuối mùa xuân.

– Hai câu thơ sau là một bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân với hai sắc màu xanh và trắng:

+ “Cỏ non xanh tận chân trời”: không gian khoáng đạt, giàu sức sống. Chữ “tận” mở ra một không gian bát ngát, thảm cỏ non trải rộng đến tận chân trời làm nền cho bức tranh xuân.

+ Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Không gian trong trẻo, nhẹ nhàng và thanh khiết hơn. Chỉ bằng một từ “điểm”, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh sinh động hơn, cảnh vật có hồn hơn, chứ không tĩnh tại, chết đứng. Cách thay đổi trật tự từ trong câu thơ làm cho màu trắng hoa lê càng thêm sống động và nổi bật trên cái nền màu xanh bất tận của đất trời cuối xuân.

– Mùa xanh của cỏ non và sắc trắng của hoa lê làm cho màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, tràn trề sức sống (cỏ non); khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời); nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa).

→ Bằng một vài nét chấm phá, Nguyễn Du đã phác họa nên một bức tranh xuân sinh động, tươi tắn và tràn trề sức sống.

2. Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh:

– Trong tiết Thanh minh có hai hoạt động diễn ra cùng một lúc. Không khí rất rộn ràng, náo nhiệt: đi tảo mộ (lễ) và đi chơi xuân ở chốn đồng quê (hội).

– Tác giả sử dụng một loạt các từ hai âm tiết (cả từ ghép và từ láy) để gợi lên không khí lễ hội thật tưng bừng, rộn rã:

+ Các danh từ: “yến anh”, “chị em”, “tài tử”, “giai nhân”, “ngựa xe”, “áo quần”→ Gợi tả sự đông vui, nhiều người cùng đến hội.

+ Các động từ: “sắm sửa”, “dập dìu”,… → Gợi tả sự rộng ràng, náo nhiệt của ngày hội.

+ Các tính từ: “gần xa”, “nô nức”→ Tâm trạng của người đi hội.

– Cách nói ẩn dụ: “Gần xa nô nức yến anh” gợi lên hình ảnh những nam thanh nữ tú, những tài tử giai nhân, từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim én, chim oanh bay ríu rít.

– Qua cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã gợi lên một tập tục, một nét đẹp truyền thống của văn hóa lễ hội xa xưa. Các trang tài tử giai nhân vui xuân mở hộ nhưng không quên những người đã mất.

→ Nghệ thuật: bút pháp chấm phá, các từ ngữ được sử dụng đa dạng, linh hoạt, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình… Bức tranh lễ hội mùa xuân vô cùng sống động.

3. Cảnh chị em Kiều du xuân trở về.

– Cuộc vui rồi cũng đến hồi kết thúc. Sáu câu thơ cuối là cảnh chị em Thúy Kiều ra về khi trời đã xế chiều và hội dần tan. Bức tranh mùa xuân trong buổi chiều tà vẫn rất đẹp, rất êm đềm: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một dịp cầu… nhưng đã thấm đẫm tâm trạng của con người.

“Tà tà bóng ngả về tây”: gợi khoản thời gian buổi chiều, gợi sự vắng lặng.

“Chị em thơ thẩn dan tay ra về”: Hội vui kết thúc, con người “thơ thẩn” quay trở về.

– Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một nhịp cầu nhỏ bắc ngang. Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng: mặt trời từ từ ngả bóng về tây, bước chân người thơ thẩn, dòng nước uốn quanh. Tuy nhiên, không khí nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa, tất cả đang nhạt dần, lặng dần.

– Những từ láy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao”… không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui xuân đang còn mà sự linh cảm về điều sắp xảy ra đã xuất hiện. “Nao nao dòng nước uốn quanh” báo trước ngay sau lúc này, Kiều sẽ gặp nấm mồ Đạm Tiên và chàng thư sinh Kim Trọng.

→ Bút pháp cổ điển, tả cảnh ngụ tình. Cảm giác bâng khuâng xen lẫn tiếc nuối bao trùm lên con người và cảnh vật, cũng là dự cảm về một nỗi buồn thương chưa thể lí giải của ngươi thiếu nữ nhạy cảm và sâu lắng.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

– Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên lễ hội, mùa xuân tươi đẹp trong sáng, là một trong những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nhất trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

2. Nghệ thuật:

– Đoạn trích đã thể hiện bút pháp tả cảnh giàu chất tạo hình, chuyển từ miêu tả sang tả cảnh ngụ tình trong nghệ thuật miêu tả và ngôn ngữ trong sáng giàu chất thơ của Nguyễn Du.


* Trả lời câu hỏi SGK:

Câu 1. Bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh mùa xuân.

– Những chi tiết nào gợi lên đặc điểm riêng của mùa xuân?

– Em có nhận xét gì về cách dùng từ ngữ và bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du khi gợi tả mùa xuân?

Trả lời:

– Gợi tả không gian và thời gian:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

– Hình ảnh thiên nhiên:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

– Nền cảnh của bức tranh thiên nhiên được hoạ nên bởi màu xanh non, tươi mát của thảm cỏ trải ra bao la. Trên nền xanh tươi, trong trẻo ấy điểm xuyết sắc trắng tinh khôi của vài bông hoa lê. Chữ điểm có tác dụng gợi vẻ sinh động, hài hoà. Tác giả sử dụng bút pháp hội hoạ phương Đông: chấm phá, lấy tĩnh tả động.

Câu 2.Tám câu thơ tiếp theo gợi lên khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh:

– Thống kê từ ghép là tính từ, danh từ, động từ. Những từ ấy gợi lên không khí và hoạt động của lễ hội như thế nào?

– Thông qua buổi du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa một lễ hội truyền thống xa xưa. Em hãy đọc kĩ các chú thích, kết hợp với đoạn thơ để nên những cảm nhận về lễ hội truyền thống ấy.

Trả lời:

Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh Minh được gợi tả trong tám câu thơ tiếp:

– Phong tục tảo mộ (viếng mộ, sửa sang phần mộ của người thân) và du xuân (hội đạp thanh);

– Không khí rộn ràng của lễ hội mùa xuân được gợi lên bởi hàng loạt các từ ghép tính từ, danh từ, động từ:

+ Từ ghép danh từ: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân;

+ Từ ghép động từ: sắm sửa, dập dìu;

+ Từ ghép tính từ: gần xa, nô nức.

Câu 3. Sáu câu cuối gợi cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về.

– Cảnh vật, không khí mùa xuân trong sáu câu cuối có gì khác với câu thơ đầu? Vì sao?

– Những từ ngữ: “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” chỉ có tác dụng miêu tả sắc thái cảnh vật hay còn bộc lộ tâm trạng con người? Vì sao?

– Cảm nhận của em về khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người trong sáu câu thơ cuối.

Trả lời:

– Ở sáu câu thơ cuối là cảnh chị em Kiều du xuân trở về. Bên cạnh vẻ thanh thoát, dịu nhẹ của mùa xuân như ở những câu thơ trước, khung cảnh mùa xuân đến đây đã mang một sắc thái khác với bức tranh lễ hội rộn ràng, nhộn nhịp:

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dang tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

– Khung cảnh toát lên vẻ vương vấn khi cuộc du xuân đã hết;

– Các từ tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ,… vừa gợi tả sắc thái cảnh vật vừa gợi ra tâm trạng con người. Dường như có cái gì đó đang mơ hồ xâm lấn, cảnh vật đã nhuốm sắc thái vương vấn, man mác của tâm trạng con người.

– Đến những câu thơ cuối đoạn trích này, sự chuyển biến dù nhẹ nhàng của cảnh vật và tâm trạng con người cũng đủ tạo ra dự cảm về những sự việc sắp xảy ra.

Câu 4. Phân tích những thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du trong đoạn trích.

Trả lời:

– Đoạn thơ có kết cấu theo trình tự thời gian đi từ khái quát đến cụ thể rất phù hợp với việc tái hiện khung cảnh mùa xuân và cuộc du xuân của chị em Kiều.

– Tác giả sử dụng thành công bút pháp nghệ thuật kết hợp giữa tả và gợi. Hai câu thơ đầu vừa miêu tả thời gian vừa gợi không gian mùa xuân.

– Để gợi không khí xuân rộn ràng, tác giả sử dụng một loạt từ hai âm tiết: gần xa, nô nức, yến anh,…


Luyện tập

Phân tích, so sánh cảnh mùa xuân trong câu thơ cổ Trung Quốc:

“Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa”

Với câu:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Từ đó chỉ ra sự tiếp thu, sáng tạo của Nguyễn Du.

Trả lời:

– Với bút pháp gợi tả, câu thơ cổ Trung Quốc đã vẽ lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân, có hương vị, màu sắc, đường nét. Đó là hương thơm cỏ non, là màu xanh biếc của cỏ nối tiếp nhau đến tận chân trời. Đó còn là đường nét của cành lê điểm nhẹ vài bông hoa. Cảnh đẹp mà tĩnh tại.

– Hai câu thơ trong Truyện Kiều là bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân. Gam màu xanh làm nền cho bức tranh xuân. Trên nền xanh ấy điểm một vài bông hoa lê trắng. Câu thơ cổ Trung Quốc chỉ nói điểm một vai bông hoa lê mà không nói đến màu sắc của hoa. Nguyễn Du chỉ cho thêm một chữ trắng mà đã khiến bức tranh mùa xuân đã khác hẳn. Chữ trắng là điểm nhấn làm nổi bật cả bức tranh mùa xuân. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo, nhẹ nhàng, thanh khiết.


* Tài liệu đọc thêm:

Phân tích đoạn trích “CẢNH NGÀY XUÂN” (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Đoạn thơ “Cảnh ngày xuân” là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng gợi lên qua từ ngũ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du.

1. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong trẻo, khoáng đạt và căng tràn sức sống.

Hai câu đầu là khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, là cái nhìn về thời gian, không gian ẩn chứa tâm trạng của người đi du xuân:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Không gian mùa xuân hiện lên với hình ảnh của bầu trời cao rộng, những cánh chim én chao liệng rộn ràng tựa như những con thoi trên khung cửi dệt vải làm cho khung trời mùa xuân thêm sống động, có hồn. Thiều quang – ánh sáng đẹp của mùa xuân bao trùm lên vạn vật đã vẽ nên khung cảnh nên thơ, đằm thắm của mùa xuân.

Thời gian mùa xuân được gợi tả qua cái nhìn tiếc nuối của người đi du xuân. Mùa xuân có chín mươi ngày mà nay đã trải qua sáu mươi ngày, đã sang tháng thứ ba, tháng cuối cùng của mùa xuân. “Con én đưa thoi” còn là hình ảnh ẩn dụ chỉ bước đi của thời gian giống như cách nói của dân gian “Thời gian thấm thoắt thoi đưa”, gợi lên trong lòng người bao bâng khuâng, tiếc nuối.

Sự sáng tạo của Nguyễn Du chính là tạo cho cỏ một sắc xanh chứ không phải mùi thơm của cỏ, làm cho khung cảnh mùa xuân căng tràn nhựa sống, gợi sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật khi mùa xuân về.

Hai câu thơ sau mới thực là bức tranh tuyệt mĩ của mùa xuân được khắc họa bởi ngòi bút tài hoa của thi sĩ, họa sĩ:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Chỉ với hai câu thơ mà mùa xuân hiên ra như một bức tranh có nhiều màu sắc tuyệt diệu, hài hòa. Chỉ đơn giản với cỏ xanh, hoa trắng mà đủ cảnh, đủ màu, làm hiện lên cả một không gian khoáng đạt.

Cách viết của Nguyễn Du khiến người ta không thể phân biệt được đâu là thơ, đâu là họa. Thảm cỏ xanh non trải ra mênh mông đến tận chân trời là gam màu nền của bức tranh xuân. Sắc cỏ được tạo nên bởi hai tính từ “non”, “xanh” bổ sung cho nhau gợi liên tưởng một thảm cỏ tươi mới, mơn mởn, căng tràn sức sống.

Ba chữ “tận chân trời” khiến cho màu xanh kết lại thành hình, thành khối mở rộng không gian – một không gian xuân bạt ngàn sắc xanh , một biển cỏ xanh bạt ngàn, dạt dào sức sống non tơ.

Nguyễn Du đã tiếp thu hai câu thơ cổ Trung Quốc:

“Phương Thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa”

(Cỏ thơm liền với trời xanh
Trên cành lê có một vài bông hoa)

Sự sáng tạo của Nguyễn Du chính là tạo cho cỏ một sắc xanh chứ không phải mùi thơm của cỏ, làm cho khung cảnh mùa xuân căng tràn nhựa sống, gợi sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật khi mùa xuân về.

Sang đến câu thơ thứ hai, để làm cho thảm cỏ non xanh thêm mơ màng, tươi mới, bàn tay của thi sĩ đã khéo léo điểm vào đó sắc trắng của những bông hoa lê:

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Trên nền xanh non của cỏ, sắc trắng của hoa lê càng thêm nổi bật, mới mẻ, tinh khôi, thanh khiết. Nhà thơ dùng nghệ thuật đảo ngữ đưa tính từ “trắng” lên trước động từ “điểm” làm nổi bật sắc trắng tinh khiết tựa như kết tinh tinh hoa của đất trời.

Trắng và xanh cùng bổ sung và tôn nhau lên. Sắc trắng của hoa lê trở thành điểm nhấn , làm nổi bật sắc xanh của cỏ và ngược lại, màu xanh của cỏ làm sắc trắng trở nên tinh khiết. Động từ “điểm” gợi đôi bàn tay của tạo hóa đang vẽ nên bức tranh thiên nhiên mùa xuân đầy thơ và họa.

Với bút pháp chấm phá tài tình, Nguyễn Du đã rất thành công khi phác họa một bức tranh ngày xuân thoáng đạt, tinh khôi, trong trẻo và tràn trề sức sống. Đồng thời, qua đó còn gợi lên được bao cảm xúc tươi vui, phấn chấn cũng như chút bang khuâng, tiếc nuối trong lòng nhân vật trữ tình.

2. Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.

Hai câu thơ đầu tiên giới thiệu không gian, thời gian và hoạt đông của con người trong ngày tết thanh minh:

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Nguyễn Du đã rất tài tình khi tách hai từ Lễ hội ra làm đôi để gợi tả hai hoạt động diễn ra cùng một lúc: Lễ tảo mộ, Hội đạp thanh. “Lễ tảo mộ” là đi viếng và sửa sang phần mộ của người thân, gia đình, tổ tiên. Gợi sự tri ân của những nam thanh, nữ tú trong ngày đi chơi xuân. “Hội đạp thanh” là đi chơi xuân ở chốn đồng quê và giẫm lên cỏ xanh. Gợi ngày hội vui xuân của nam thanh nữ tú để có thể tìm đến những sợi tơ hồng mai sau. “Lễ” và “hội” trong tiết thanh minh là hai hoạt động văn hóa khác biệt, nhưng trong thơ Nguyễn Du lại có một sự giao hòa độc đáo.

Ngòi bút Nguyễn Du tập trung miêu tả “hội” trước, “lễ” sau. Hội được tả trong 4 câu thơ, lễ được tả trong hai câu. Sự sắp xếp bố cục này cũng thật tinh tế bởi cảnh được miêu tả dưới con mắt của người thiếu nữ du xuân: náo nức, mong chờ ngày hội.

Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Không khí ngày hội xuân tưng bừng, náo nhiệt, đông vui, tấp nập được gợi tả qua một loạt hệ thống từ loại giàu sắc thái biểu cảm. Sự xuất hiện hàng loạt các từ ngữ hai âm tiết không chỉ gợi không khí rộn ràng của ngày hội mà còn tái hiện tâm trạng náo nức của người trẩy hội:

Các danh từ “yến anh”, “chị em”, “tài tử”, “giai nhân” gợi tả sự đông vui, tấp nập trong ngày hội xuân. Các động từ “sắm sửa”, “dập dìu” gợi tả không khí rộn ràng, náo nhiệt trong ngày hội. Các tính từ “gần xa”, “nô nức” gợi tả tâm trạng hồ hởi, phấn khởi của người đi hội.

Không khí lễ hội được tô đậm hơn qua một số biện pháp tu từ. Hình ảnh ẩn dụ “nô nức yến anh” gợi từng đoàn người đi chơi xuân, đông đúc, dập dìu như những bầy chim yến, chim oanh ríu rít; những cuộc trò chuyện xôn xao, tình tứ của những đôi uyên ương trong ngày hội xuân. Hình ảnh so sánh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” gợi cho người đọc hình dung được sự đông đúc của từng dòng người đi trẩy hội.

Không khí lễ hội, vẻ đẹp truyền thống dân gian được tái hiện vô cùng sinh động và người đọc chúng ta như đang hòa chung vào không khí đó.

Bên cạnh không khí tưng bừng, náo nhiệt ấy, Nguyễn Du đã khéo léo đan cài một khoảng lặng, khiến cho không gian cũng như tâm trạng con người như trùng xuống:

“Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vo trắc tro tiền giấy bay.”

Hình ảnh “ngổn ngang gò đống”, “tro tiền giấy bay” gợi không gian tĩnh lặng, lạnh lẽo, linh thiêng. Và trong không gian ấy, có sự xuất hiện của những nam thanh, nữ tú đang sửa sang, rắc vàng vó, hóa tiền giấy cho những người đã khuất. Hình ảnh gợi về truyền thống văn hóa, đạo lí “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người Việt. Một lối sống ân nghĩa thủy chung.

Thông qua buổi du xuân của hai chị em Thúy Kiều, có thể khẳng định Nguyễn Du là người am hiểu, trân trọng và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

3. Cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về.

Sáu câu cuối tả cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về. Đó là lúc hội đã tan, ngày đã về chiều, cảnh xuân đang được miêu tả theo đúng bước đi của thời gian:

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Nếu mở đầu “Cảnh ngày xuân” là cảnh thiều quang trang hoàng thì đến đây, hoàng hôn như nhuốm màu tâm trạng. Hội đã tan, ngày đã tàn nên nhịp thơ không rộn ràng, giục giã mà trái lại thật chậm rãi, khoan thai.

Bóng tịch dương đã chênh chếch xế chiều: “Tà tà bóng ngả về tây” nhưng đây không chỉ là hoàng hôn của cảnh vật mà dường như con người cũng chìm trong một cảm giác bâng khuâng khó tả. Cuộc du ngoạn xuân cảnh đã tàn, lễ hội tưng bừng, náo nhiệt đã chấm dứt, tâm hồn con người như cũng chuyển điệu cùng cảnh vật, bước chân người thơ thẩn. Cảnh như nhạt dần, lặng dần, mọi chuyển động đều nhẹ nhàng, không gian mang dáng dấp nhỏ nhoi, bé hẹp, phảng phất buồn. Tâm trạng con người có cái bâng khuâng xao xuyến về cuộc du xuân đã tàn, có cả linh cảm về việc gặp gỡ nấm mộ Đạm Tiên và chàng thư sinh “phong tư tài mạo tót vời” Kim Trọng.

Nguyễn Du đã rất tài tình trong việc sử dụng nhiều từ láy như nao nao, tà tà, thanh thanh, nho nhỏ – không chỉ biểu đạt sức thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Đặc biệt hai chữ “nao nao” thoáng gợi nên một nét buồn khó hiểu. Hai chữ “thơ thẩn” có sức gợi rất lớn, chị em Kiều ra về trong sự bần thần, nuối tiếc, lặng buồn. “Dan tay” tưởng là vui nhưng thực ra là chia sẻ cái buồn không nói hết. Cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đã hé mở một vẻ đẹp tâm hồn thiếu nữ tha thiết với niềm vui cuộc sống, nhạy cảm và sâu lắng. Chính các từ này đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật.

Phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.