Qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu, làm sáng tỏ nhận định: Mỗi công dân đều có một dạng vân tay. Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ Không trộn lẫn (Lê Đạt)

qua-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung-va-viet-bac-cua-to-huu-lam-sang-to-nhan-dinh-moi-cong-dan-deu-co-mot-dang-van-tay-moi-nha-tho-thu-thiet-deu-co-mot-dang-van-chu-khong-tron-lan-le-dat

Qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu, làm sáng tỏ nhận định: “Mỗi công dân đều có một dạng vân tay. Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ Không trộn lẫn” (Lê Đạt)

  • Mở bài:

Người nghệ sĩ đích thực bao giờ cũng đem đến cho cuộc đời một cái gì đó mới mẻ, một cái gì riêng biệt chưa từng có dù rằng cái anh nói là một vấn đề quen thuộc. Phải làm sao khi người ta đến thế giới nghệ thuật của anh, người ta phải thấy ấn tượng và không thể tìm thấy một thế giới nào giống như vậy nữa. Bởi làm nghệ thuật là làm nên cái độc đáo. Tuy nhiên chỉ có những người nghệ sĩ chân chính mới có thể tạo nên điều đó. Chính nhà thơ Lê Đạt trong bài “Vân chữ” cũng khẳng định:

“Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn.”

  • Thân bài:

Trước hết, cần hiểu “vân tay” tức là nét văn hoa trên ngón tay mỗi con người. Mỗi một người được sinh ra đều có dấu vân tay khác nhau. Đây chính là dấu hiệu để nhận dạng ra con người. Ở đây, từ hình ảnh “vân tây” nhà thơ Lê Đạt liên tưởng đến hình ảnh đậm chất văn chương nghệ thuật – “vân chữ”. Đây là cách dùng từ rất mới lạ và độc đáo. “Vân chữ” chính là dạng riêng trong cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh của mỗi người cầm bút đặc biệt là với nhà thơ. Tạo nên được ‘vân chữ” cho mình là nhà thơ đã tạo nên dấu ấn độc đáo trong sáng tạo mà không ai có.

Để làm “một người thợ khéo tay” chỉ cần sự điêu luyện, thành thục là có thể làm ra hàng loạt sản phẩm giống nhau và đẹp mắt. Nhưng để trở thành một nhà thơ “thứ thiệt” phải đòi hỏi những phẩm chất khác thường mà nổi bật trong đó là sự sáng tạo không ngừng để có thể làm nên cái “tạng” riêng của mình. Như thế, ý thơ của Lê Đạt muốn khẳng định điều sống còn với một nhà nghệ thuật chính là sự độc đáo có dấu ấn riêng trong phong cách nghệ thuật của chính mình.

Văn chương vốn là thế giới của sự sáng tạo. Cho nên mỗi người nghệ sĩ khi đã muốn đặt chân vào thế giới ấy thì đòi hỏi anh cần phải có một phong cách riêng. Phong cách bắt nguồn từ chính nhu cầu của nghệ thuật luôn đòi hỏi những nhân tố mới không lặp lại. Bên cạnh đó, nó cũng nảy sinh từ nhu cầu sáng tạo, nhu cầu khẳng định bản lĩnh, tìm tòi cái mới của mỗi người cầm bút. Nghệ thuật là hành trình chinh phục những miền đất mới nên điều quan trọng là anh phải để lại dấu ấn chứng minh sự tồn tại của mình. Nếu cá tính của anh mờ nhạt không tạo ra được giọng điệu riêng thì đó là “một sự tự sát trong văn học”.

Hơn thế, xuất phát từ đặc trưng thơ trữ tình là phản ánh thế giới chủ quan của con người đó là những cảm xúc, tâm trạng hay ý nghĩ nào đó. Những tình cảm ấy phải dâng trào một cách mãnh liệt, đủ một độ “chín” mới có thể tạo nên thơ hay. Bời vì thơ là cảm xúc riêng của mỗi con người từ đó mà tạo nên tính cá thể hóa trong thơ. Thơ trữ tình vì vậy mà luôn mang lại cho ta những quan niệm, cảm xúc của con người cụ thể mà điểm xuất phát là từ chính thi nhân.

Chính từ đặc trưng thơ cũng góp phần làm nên những dấu ấn thơ riêng biệt của mỗi người trong hàng vạn lời thơ. Dấu ấn phong cách người nghệ sĩ thể hiện trong thơ thể hiện rõ nhất trong việc sử dụng ngôn từ và các phương tiện hình thức. Mỗi một người “dân tộc thiểu số” trong vùng “sâu”, vùng “xa” của ngôn ngữ lại tìm cho mình những từ ngữ quý báu khác nhau để bộc lộ được cảm xúc đang trào dâng trong tâm hồn mình. Lượm nhặt được những tinh túy trong mảnh đất hoang sơ ấy để góp nhặt nên thơ là cả một quá trình lao động vô cùng vất vả và nặng nhọc. Có thể nói dấu ấn sáng tạo thể hiện rõ nhất ngay từ chính hình thức của thơ. Cho dù cùng “cày” trên một mảnh đất quen thuộc nhưng họ đều làm ra những sản phẩm độc đáo mang phong cách của chính mình.

Cùng viết về nỗi nhớ, thơ ca không thiếu những câu thơ tuyệt tác, những vần thơ đọc lên mà ai cũng muốn rưng rưng, nghẹn ngào. Quang Dũng và Tố Hữu cũng viết về đề tài nỗi nhớ về một thời quá khứ đã xa thế nhưng đọc lên ta không chỉ xúc động mà còn nhận ra chất giọng “riêng” của mỗi người.

Trước hết, với Quang Dũng trong bài thơ “Tây Tiến”, thi nhân đã thể hiện một hồn thơ tài hoa, rộng mở và phóng khoáng. Được viết năm 1948 khi đã rời xa đơn vị Tây Tiến vì vậy cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Đoạn mở đầu của bài thơ được phủ kín bằng nỗi nhớ bao trùm thiên nhiên Tây Bắc thấp thoáng bóng dáng người lính Tây Tiến. Ta có thể thấy dấu ấn riêng của Quang Dũng thể hiện ngay ở chính cảm nhận về nỗi nhớ:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi chớ chơi vơi

Hình ảnh ‘Sông Mã’ và ‘Tây Tiến’ đi vào trái tim Quang Dũng như một kỉ niệm thiêng liêng ghi dấu một phần đời không thể nào quên. Cụm từ ‘xa rời’ có tác dụng đẩy quá khứ ra xa hơn khiến cho câu thơ trở nên nhẹ bỗng như thoảng thốt, thẫn thờ. Cụm từ ‘lạ hóa’ nhớ chơi vơi gợi miền kí ức lúc đậm lúc nhạt vừa lung linh vừa huyền ảo. Nỗi nhớ tuy vô hình nhưng trong cảm nhận của tác giả nó trở nên sâu nặng, giăng mắc khắp không gian, trĩu nặng trong lòng người. Nỗi nhớ như xa dần trong màn khói sương và hiện hình ngày càng rõ nét con đường hành quân người lính trải qua: Một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc đã được mở ra theo chiều kích của một vùng không gian rộng lớn:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Hình ảnh về những vùng đất đã qua, đã từng sống cứ lần lượt hiện về như một thước phim quay chậm. Mỗi địa danh chứa đựng một vài kỉ niệm thiêng liêng mà chỉ có tâm hồn người lính mới có khả năng gọi dậy: “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông”….Bức tranh thiên nhiên hiện ra trước hết với vẻ đẹp lãng mạn, thi vị, mơ mộng. Hình ảnh “sương lấp” giăng mắc, phủ kín phần nào gợi lên sự thơ mộng của thiên nhiên miền Tây khi đêm về. “Đêm hơi” là đêm của khói sương, là đêm của tình ái. Thiên nhiên được gợi ra trong cái thoảng nhẹ của hương đêm, của sương tối và của làn mưa “xa khơi’ thấp thoáng.

Không chỉ mộng mơ, lãng mạn bức tranh thiên nhiên còn hiện lên trong vẻ hào hùng, kì vĩ. Câu thơ làm hiện lên những con dốc cheo leo, cồn mây heo hút đến rợn người:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”

Câu thơ nhiều thanh trắc đọc lên như cái trắc trở, khúc khuỷu của địa hình. Chữ “dốc” được lặp lại hai lần gợi hình ảnh những con dốc kế tiếp nhau cao vời vợi, sâu thăm thẳm. Âm hưởng câu thơ như đứt đoạn gợi núi rừng gập ghềnh. Không chỉ có độ sâu mà còn là cảm nhận ớn lạnh: “heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Hai chữ “heo hút” gợi sự vắng lặng trong không gian vừa diễn tả cảm giác ớn lạnh của lòng người.

Tiếp tục những nét vẽ gân guốc, độc giả bắt gặp một cảnh tưởng kì vĩ, ít thấy trong thơ Việt Nam:

“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống.”

Thủ pháp đối lập lên – xuống cùng cách ngắt nhịp 4/3 gợi hình dung về một đường gấp khúc nhìn lên rất cao mà nhìn xuống rất sâu. Có thể lấy chữ ‘cao” làm tâm điểm thì nhìn vào câu thơ sẽ thấy hình ảnh một vách núi dựng đứng cao ngàn thước, sâu cũng ngàn thước. Tất cả đã gợi lên vẻ hãi hùng, kì vĩ, hiểm trở của vùng núi Tây Bắc mà người lính đã phải trải qua. Phải chăng vì chính thiên nhiên ấy mà người ta vẫn thường thốt lên rằng: “Ôi miền Tây! Dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng”.

Hiện lên trên nền không gian ấy là hình ảnh người lính trên đường hành quân. Dáng hình “mỏi mệt” của những người lính sau một hành trình gian lao, vất vả. Thế nhưng họ vẫn giữ trong mình một tâm hồn thật lãng mạn, bây bổng:

“Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

Lên những đỉnh núi cao người lính như trèo lên mây, nòng súng chậm đến đỉnh trời. Chữ “ngửi” thể hiện hành động thăm dò, âu yếm và giao cảm mãnh liệt. “Ngửi” chính là động thái của tâm hồn. Độc đáo ở chỗ câu thơ khiến cho mặt đất và bầu trời không còn khoảng cách nơi sự nguy hiểm rình rập con người. Con người đã chinh phục và làm chủ thiên nhiên ở nơi không ngờ tới nhất. Như thế, chỉ trong một đoạn thơ ngắn ngủi, Quang Dũng đã cho thấy bạn đọc thấy một dấu ấn rất riêng của một hồn thơ rất đỗi hào hoa, bay bổng của chàng trai Hà thành.

Cùng viết về nỗi nhớ nhưng “Việt Bắc” của Tố Hữu lại là khúc hùng ca về cách mạng, kháng chiến. Tố Hữu viết bài thơ vào năm 1954 khi Chính phủ trở về thủ đô Hà Nội. Cho nên đây lại là nỗi nhớ da diết của cán bộ kháng chiến với nhân dân, của kẻ đi lẫn kẻ ở như một đôi trai gái yêu nhau nhưng phải rời xa nhau:

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”

Trước hết, dấu ấn riêng của nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua những cảm nhận về nỗi nhớ. Tố Hữu bày tỏ sự nhung nhớ của mình với thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng, trữ tình. Câu thơ “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương” đã tạo nên một vẻ đẹp rất đặc trưng của thiên nhiên miền địa đầu Tổ quốc.

Hình ảnh “trăng lên đầu núi” vừa thể hiện cách đo đếm thời gian của con người vừa gợi vẻ huyền ảo, lung linh yên bình của một vùng rừng núi tắm đẫm trong ánh sáng của trăng. Hình ảnh thơ gợi nhắc đến những đêm tình trên rẻo cao. Cũng vậy, “nắng chiều lưng nương” là cách ước lượng thời gian trên vạch nắng. Chiều đã xuống, nắng đã nhạt màu và đâu đó có dấu hiệu của bóng tối. Việt Bắc còn quyến rũ bởi vẻ huyền ảo của không gian khói sương:

“Nhớ từng bản khói cùng sương”

Nếu như Quang Dũng khi viết “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”, hình ảnh khói sương được hiện lên qua ngòi bút miêu tả thì với Tố Hữu đó là ấn tượng nên chỉ cần gợi ra là làm sống dậy cả vùng kí ức. Khói sương dường như đã trở thành không gian nghệ thuật đặc trưng của núi rừng phía Bắc. Nó làm ám ảnh và lay động tất cả những tâm hồn nhạy cảm đã từng đặt chân đến nơi đây để đến khi rời xa người ta nhớ đến khắc khoải về nó. Sương khói bồng bềnh đồng hành cùng con người khi còn ở lại và vẫn neo đậu, vấn vương trong khối óc con tim mỗi người khi đã rời xa. Nhớ về Việt Bắc là bâng khuâng với vẻ đẹp thật thơ mộng, thanh bình đến yên ả.

Kỉ niệm về những năm tháng không thể nào quên, Tố Hữu bằng thủ pháp liệt kê đã gọi ra những sự vật của thiên nhiên tưởng như vô tri nhưng lại là nơi lưu giữ biết bao kỉ niệm: “rừng nứa, bờ tre”, “ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê”. Mỗi cái tên đọc lên như là tiếng lòng của người ra đi thầm gọi tên những người thân yêu nhất của mình. Thiên nhiên ấy cũng cùng con người đánh giặc, cùng con người chia sẻ những đau thương, niềm vui chiến thắng và cả sự lưu luyến, nhớ nhung trong giờ phút chia tay này.

Trong nỗi nhớ của người ra đi thì hình ảnh con người đã trở thành kỉ niệm khó quên nhất. Nhớ về Việt Bắc là nhớ về những con người nghĩa tình, thủy chung gắn bó thắm thiết, hòa quyện cùng thiên nhiên nơi đây. Tố Hữu trìu mến gọi họ là “người yêu”, là “người thương”. Cách gọi này khiến ta cảm nhận được cả chữ “tình” cùng chữ “nghĩa”. Người ra đi cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến người Việt Bắc.

Người ở lại là những con người bình dị nhưng cao cả, họ đã bao bọc, chở che, hi sinh cho cách mạng tử thuở còn trứng nước. Cho nên, giờ phải chia tay người ra đi thương nhớ khôn xiết, biết ơn vô cùng khi nghĩ đến người ở lại. Hình ảnh “bếp lửa” hiện lên trong thời gian “sớm khuya” gợi ra dáng vẻ tảo tần của con người Việt Bắc. Họ cùng nhau làm nên một không gian ấm áp để xua tan đi cái giá lạnh của thiên nhiên. Như vậy, bằng tài năng sáng tạo của mình, Tố Hữu đã làm nên những câu thơ trữ tình cách mạng rất đỗi ngọt ngào, thiết tha.

Gặp gỡ nhau trong đề tài về nỗi nhớ gắn liền với khung cảnh miền địa đầu tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng chúng ta đều có thể nhận ra “vân chữ” riêng của mỗi nhà thơ qua hình thức nghệ thuật độc đáo. Bài thơ “Tây Tiến” được viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên cùng với những hình ảnh kết hợp độc đáo, ngôn ngữ giàu chất tạo hình. Thành công của Quang Dũng chính là xây dựng được hai hình tượng: thiên nhiên Tây Bắc thì dữ dội, trữ tình; người lính Tây Tiến thì hào hùng, hào hoa. Còn bài thơ “Việt Bắc” lại được Tố Hữu thể hiện bằng thể thơ lục bát êm dịu, ngọt ngào cũng với lối ví von rất gần với ca dao, dân ca. Vì thế, Tố Hữu đã khiến cho lời thơ cách mạng trở nên rất đỗi trữ tình giống như là lời chia tay của một đôi lứa yêu nhau tha thiết, mặn nồng. Không phải ai cũng có thể khiến thơ cách mạng khô khan lại có sức truyền tải đầy mới mẻ, tươi mát và ngọt ngào như Tố Hữu.

Sở dĩ, khi ta bước vào thế giới nghệ thuật của hai nhà thơ chúng ta đều cảm nhận được sức hấp dẫn riêng của mỗi người vì bởi mỗi nhà thơ lại có trong mình một phong cách riêng, một dạng “vân chữ” riêng không trộn lẫn. Quang Dũng là nhà thơ “xứ Đoài mây trắng’, là nhà thơ mang cốt cách của những chàng trai Hà thành với nét hào hoa, thanh nhã. Còn Tố Hữu lại là nhà thơ được coi như là “con chim đầu đàn của thơ ca kháng chiến”, thơ Tố Hữu luôn có sự kết hợp nhịp nhàng của một hồn thơ gắn bó với cách mạng và tha thiết với văn hóa thơ ca dân tộc.

Hai bài thơ được sáng tác trong hai thời điểm đặc biệt của dân tộc, nếu như “Tây Tiến” được sáng tác vào khoảng thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp thì “Việt Bắc’ lại được sáng tác khi cuộc kháng chiến đã thành công. Bên cạnh đó, bài thơ “Tây Tiến” là nỗi nhớ của một cá nhân con người thì “Việt Bắc” lại là tiếng lòng bày tỏ thay mặt cho toàn bộ cán bộ Cách mạng với nhân dân. Như vậy, bằng những ấn tượng riêng và tài năng của mình, cả hai nhà thơ đã đóng góp vào trong nền thơ ca kháng chiến chống Pháp những bài thơ ghi dấu cả một thời không thể nào quên của lịch sử dân tộc.

  • Kết bài:

Những câu thơ hay không chỉ có sức gợi mà còn phải được in dấu ấn riêng của người nghệ sĩ. Nói như Xuân Diệu thì “Thơ phải rất sống, thơ phải cá thể hóa, thơ không có cái sắc nhọn cá thể của sự sống thì người ta chẳng thể yêu thơ”. Và cả Tố Hữu và Quang Dũng đã thành công trong việc nối dài sức sống cho những câu thơ của mình để đến bây giờ nó vẫn còn đủ sức âm vang, lay động trong lòng tất cả những bạn đọc yêu thơ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.