Tính giai cấp của văn nghệ

tinh-giai-cap-cua-van-nghe

Tính giai cấp của văn nghệ

Trong xã hội có giai cấp, bất kỳ một hiện tượng văn chương nghệ thuật nào cũng đều đề cập tới mặt này hay mặt khác, khía cạnh này hay khía cạnh khác, nông hay sâu, trực tiếp hay gián tiếp cuộc đấu tranh giai cấp của xã hội trên cơ sở lợi ích của một giai tầng nhất định mà người cầm bút đại diện. Ðặc điểm này của văn nghệ được gọi là tính giai cấp.

1. Tính giai cấp là thuộc tính tất yếu của văn nghệ trong xã hội có giai cấp và nảy sinh đấu tranh gai cấp.

a. Tính giai cấp của văn chương là gì?

Tổng hòa tất cả những đặc điểm về đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm cùng các biện pháp nghệ thuật thể hiện ý thức của một tầng lớp, một giai cấp xã hội nhất định trong văn nghệ là tính giai cấp của nó. Dù người nghệ sĩ cố ý hay không cố ý, muốn hay không muốn, bao giờ cũng sáng tạo nghệ thuật theo quan điểm của một giai tầng nhất định. Ta có thể thấy rõ điều đó khi đem đối chiếu tác phẩm của các tác giả thuộc các giai tầng khác nhau nhưng cùng viết về một đề tài. Chẳng hạn, cùng đề tài về chùa Trấn Bắc, nhưng thơ của bà Huyện Thanh Quan khác với thơ Ngô Ngọc Du về tư tưởng (bài chơi chùa Trấn Bắc và

bài Ðàm ni thân thế khẩu thuật). Một bên là sự nuối tiếc, chua xót, một bên là hoan hỉ, vui mừng. Khi đi qua chùa Trấn Bắc, bà Huyện Thanh Quan nhìn thấy cảnh điêu tàn do Nguyễn Hữu Chỉnh phá phách, bà chạnh lòng nhớ tiếc nơi đã từng diễn ra những cuộc hoan lạc dưới thời Lê – Trịnh. Bà viết :

Trấn Bắc hành cung có dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau.
… Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ, nào đau tả
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu

Trong khi đó, Ngô Ngọc Du lại vui mừng trước sự sụp đỗ của triều Lê – Trịnh, tác giả reo vui trước sự đổi dời mà không một chút nuối tiếc thời đã qua. Ðây là tiếng nói của một con người bị chà đạp đè nén, được đổi đời, được giải phóng:

Một sớm cửa tung, bừng ánh sáng
Mọi người ùa tới dắt tay nhau
Họ bảo: ngày nay đã đổi đời
Trịnh bị diệt vong, Lê cũng tàn rồi
Ðoạn trường rày hết kiếp oan trái.

Tính giai cấp của văn nghệ được biểu hiện trong tác phẩm rất đa dạng, nhiều màu sắc, cung bậc, đậm nhạt khác nhau. Ðó có thể là nói một cách xa xôi bóng gió thân phận quẩn quanh của kiếp người dân xưa:

Con kiến mà đeo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra, leo vào
Con kiến mà leo cành đào

Leo phải cành cụt leo vào leo ra.

Hoặc thân phận người phụ nữ bị ràng buộc trong lễ giáo phong kiến khắc khe:

Em như con hạc đầu đình
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay

Hoặc đề cập trực tiếp tới vấn đề áp bức bóc lột giai cấp: Ðịa chủ và nông dân như trong truyện Tấm Cám, tiểu thuyết Tắt đèn, Bước đường cùng …

Hoặc đề cập đến một cách gay gắt, trực tiếp cuộc đấu tranh một mất một còn đối với kẻ thù giai cấp, dân tộc: Người mẹ cầm súng, Sống như Anh …

Văn nghệ nhân loại đã có thời kỳ, người sáng tác ra nó đã không có sự chế ước của hệ tư tưởng giai cấp này hay giai cấp khác và tác phẩm của họ cũng không nói tiếng nói của giai cấp nào cả. Ðó là thời kỳ xã hội chưa có giai cấp. Sau này, khi chủ nghĩa cộng sản đã trở thành hiện thực bao trùm lên toàn bộ trái đất thì văn nghệ cũng sẽ không còn biết đến tính giai cấp là gì. Nhưng trong điều kiện đấu tranh giai cấp đã trở thành động lực của sự phát triển xã hội thì văn nghệ mang bản chất giai cấp là điều không tránh khỏi, dù sáng tác là của một em bé, dù nhân vật của một sáng tác nào đó là một em bé. Trần Ðăng Khoa có những bài thơ nổi tiếng , tuyệt hay về tư tưởng cũng như nghệ thuật từ lúc 7,8 tuổi. Những bài thơ thật ngây thơ nhưng thật già dặn:

Thằng Mĩ nó đến nước tôi
Búp bê nó giết, mạng người nó tra
Nó bắn các cụ mù lòa
Nó giết cả bé chưa và được cơm.

Nhân vật đứa bé đi ở phải bóp cổ giết chết đứa bé con nhà chủ để được ngủ trong chuyện Buồn ngủ của Chekhov phải chăng là phản ứng của bản năng giai cấp.

b. Vì sao trong xã hội có giai cấp và nảy sinh đấu tranh giai cấp văn nghệ lại mang tính giai cấp?

Văn chương là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, chịu sự qui định của hạ tầng cơ sở, khi bản chất cơ sở là bản chất giai cấp thì văn chương nảy sinh trên cơ sở ấy tất yếu mang tính giai cấp.

Trong cơ cấu đời sống xã hội, chủ nghĩa Mác khẳng định văn chương là một hình thái ý thức xã  hội, do cơ sở sinh ra và chịu sự qui định của nó. Trên một cơ sở kinh tế nhất định, nảy sinh một nền văn chương nhất định. Cơ sở kinh tế chẳng những quyết định sử nảy sinh mà phát triển của văn chương mà còn quyết định nội dung và tính chất của văn chương. Trong xã hội có giai cấp cơ sở hạ tầng – toàn bộ những quan hệ sản xuất – là quan hệ giữa các giai cấp về địa vị đối với hệ thống sản xuất xã hội đối với hình thức chiếm hữu tư liệu sản xuất, về phương thức phân phối của cải. Nói cách khác, là quan hệ giữa các giai cấp và đấu tranh giai cấp. Văn chương nảy sinh trên cơ sở hạ tầng mang bản chất giai cấp đó tất yếu mang bản chất giai cấp – bản chất của cái đã sinh ra nó.

Ví dụ: khi xã hội mà mâu thuẫn giai cấp cơ bản là mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân thì văn chương cũng xoay quanh mâu thuẫn đó (Tấm cám, Vợ chồng A Phủ, Tắt đèn). Khi xã hội chuyển sang chế độ tư bản – bản chất kinh tế là kinh tế hàng hóa, mâu thuẫn giai cấp cơ bản là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản thì văn chương xoay quanh vấn đề hàng hóa sức lao động, vấn đề nhân phẩm con người và tiền tài (Eugénie-Grandet, Người mẹ v.v…)

Mặt khác, văn chương là một hình thái ý thức xã hội, như các hình thái ý thức xã hội khác, có tác dụng phục vụ, duy trì, bảo vệ hạ tầng cơ sở; khi cơ sở mà nội dung trọng yếu của nó là đấu tranh giai cấp thì văn chương có nhiệm vụ phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp đó. Các giai cấp cầm quyền luôn luôn có ý thức sử dụng thượng tầng kiến trúc để duy trì lợi ích giai cấp mình. Văn chương là một trong những vũ khí lợi hại của giai cấp. Các giai cấp tận dụng triệt để sức mạnh của văn chương dùng nó làm vũ khí đấu tranh cho lợi ích giai cấp mình. Vì vậy mà văn chuơng là vũ khí đấu tranh giai cấp. Từ ngày xưa, Chu Ðôn Dy đã xem văn chương như là công cụ đằc lực truyền bá tư tưởng: văn dĩ tải đạo. Ngày nay, Bác Hồ khẳng định trực diện vũ khí đấu tranh giai cấp – văn chương rất đặc biệt này:Văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Ðứng ở góc độ nhận thức luận, phản ánh luận, ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, văn chương là một hình thái ý thức nên nó phản ánh tồn tại xã hội. Khi tồn tại xã hội chủ yếu là quan hệ giữa các giai cấp và đấu tranh giai cấp thì văn chương – hình ảnh của tồn tại đó – tất yếu phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp. Phản ánh hiện thực là thuộc tính cơ bản của văn chương. Dù muốn hay không khi sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ bao giờ cũng phàn ánh vào trong tác phẩm của mình thế này hay thế khác tồn tại xã hội, đời sống xã hội. Khi tồn tại xã hội là tồn tại mang bản chất giai cấp, văn chương phản ánh nó, tất yếu phản ánh các quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Ðiều đặc biệt quan trọng là: tác phẩm văn chương là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, khi chủ thể nhận thức mang bản chất giai cấp thì sản phẩm ý thức của nó- tác phẩm văn chương tất yếu mang bản chất giai cấp. Trong xã hội có giai cấp, nhà văn là con đẻ của một giai cấp nhất định. Lênin đã từng nói:không một người nào đang sồng mà lại có thể không đứng về một giai cấp này hay một giai cấp khác. Tác phẩm văn chương là ý thức, là tư tưởng, là hiện thực được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nghệ sỹ mang bản chất giai cấp, tất yếu mang tính giai cấp. Hơn thế, nhà văn là công dân giai cấp, đồng thời còn là người phát ngôn, đại biểu cho lợi ích giai cấp. Gorki đã từng khẳng định : Nhà văn là con mắt, là lỗ tai, là tiếng nói của một giai cấp”. Vì thế, khi phản ánh hiện thực, sáng tạo nghệ thuật, nhà văn không thể không xất phát từ lập trường, từ quan điểm, từ nguyện vọng, từ lợi ích của giai cấp mình.

Tóm lại, Tính giai cấp là một tất yếu lịch sử.

2. Tính giai cấp của văn chương là một hiện tượng lịch sử phức tạp.

a. Tính giai cấp của văn chương không thuần nhất, đơn nhất.

Con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội. Các thành viên thuộc các giai cấp trong xã hội luôn luôn đấu tranh, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, các thành viên của từng giai cấp không ngừng thay đổi và chuyển hóa từ giai cấp này sang giai cấp khác. Vì vậy, tính giai cấp của con người là không thuần nhất. Văn chương là tinh thần, tư tưởng của con người, do đó, tính giai cấp của nó không thuần nhất, đơn nhất. Chẳng hạn, Nguyễn Du và Truyện Kiều của ông, những mâu thuẫn gay gắt trong thế giới quan của Nguyễn Du thể hiện trong Truyện Kiều.

Mỗi thời đại, giai cấp nào nắm quyền thống trị về vật chất thì đồng thời nắm quyền thống trị về tinh thần. Tư tưởng thống trị thời đại là tư tưởng giai cấp thống trị. Tư tưởng giai cấp bị trị không thể không bị ảnh hưởng, không thể không mang dấu ấn tư tưởng giai cấp thống trị. Văn chương là sản phẩm tư tưởng của kẻ bị thống trị không thể không bị pha tạp bởi tư tưởng giai cấp thống trị. Do chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến thống trị mà trong ca dao xưa – sáng tác của nhân dân lao động, có lúc biểu hiện tư tưởng bi quan, bất lực, cam chịu … thậm chí, ước muốn cao xa nhất cũng chỉ là ước muốn làm kẻ thống trị người khác.

b. Tính giai cấp của văn chương không phải bao giờ cũng mang những hình thức riêng biệt, sáng rõ.

Trong lịch sử văn chương, không hiếm những tác phẩm mang những hình thức giai cấp riêng biệt, sáng rõ, ca dao cổ là một ví dụ. Ca dao có câu:

Vì chưng bác mẹ tôi nghèo
Cho nên tôi phải băm bèo, thái rau.

Ðây chỉ có thể là tiếng nói của nhân dân lao động nghèo khổ mà thôi – không nhầm lẫn vào đâu được. Những con người của tầng lớp phong kiến bóc lột không nói và không thể nói được vậy.

Phần lớn các tác phẩm văn chương ưu tú của quá khứ thì tính giai cấp của chúng lại thường khoác chiếc áo “nhân tính”,nhân đạo chung chung, không mang màu sắc giai cấp, thời đại lịch sử cụ thể. Chẳng hạn : Tây Sương kí của Vương Thực Phủ, tác giả nêu lên lí tưởng là mong sao lứa đôi được thành gia thất. Trường hận ca của Bạch Cư Dị nêu lên lí tưởng tình yêu chung thủy.

c. Tính giai cấp của tác phẩm không phải lúc nào cũng tương ứng với thành phần giai cấp của tác giả.

Sự phân hóa giai cấp diễn ra gay gắt trong cuộc đấu tranh giai cấp đã làm cho nhiều nhà văn vốn thuộc giai cấp này trở thành người phát ngôn cho giai cấp khác. Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tolstoi, balzac chẳng hạn. Do đó, thành phần giai cấp xuất thân của tác giả là một chuyện, còn khuynh hướng giai cấp toát ra từ thực tế hình tượng tác phẩm của anh ta lại là chuyện khác; có thể tương ứng, cũng có thể không, hoặc chỉ tương ứng một phần nào…

d. Tính giai cấp của tác phẩm không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào ý muốn chủ quan hay lời tuyên bố của nhà văn.

Tính giai cấp là khuynh hướng thực tế toát ra từ tác phẩm, cho nên, không nhất thiết là thống nhất với ý định hay lời tuyên bổ của nhà văn, có nhiều nhà văn tuyên bố mình đứng trên các giai cấp (siêu giai cấp) nhưng thực tế tác phẩm của họ phục vụ cho giai cấp tư sản, có nhà văn tuyên bố mình đứng về giai cấp vô sản nhưng thực tế tác phẩm của họ lại chống lại Ðảng, chống lại giai cấp vô sản.

Tóm lại, tính giai cấp của văn chương là một hiện tượng lịch sử phức tạp, nó là khuynh hướng khách quan của tác phẩm thể hiện mối liên hệ thực tế giữa văn chư giai cấp và đấu tranh giai cấp, thể hiện mối lợi ích lịch sử của các giai cấp trong xã hội. Cho nên, không thể đồng nhất tính giai cấp của tác phẩm với thành phần giai cấp của nhà văn, với tính giai cấp của nhân vật, với ý muốn chủ quan của tác giả, với hình thức biểu hiện của tác phẩm…

3. Văn chương là một vũ khí đấu tranh giai cấp.

Là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, văn chương có tác dụng năng động trở lại hạ tầng cơ sở, phục vụ cơ sở. Trong xã hội có giai cấp, văn chương phục vụ hạ tầng cơ sở, có nghĩa là phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp và tất yếu trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp.

Nhà văn sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật để thể hiện lí tưởng thẩm mĩ của mình,tức là thể hiện những nhu cầu khát vọng và tư tưởng của một giai cấp nhất định. Trong tác phẩm, nhà văn bao giờ cũng miêu tả lí tưởng của mình thành ra cái đẹp và các hợp lí hơn cả, đáng noi theo và đúng hơn cả. Bà huyện Thanh Quan viết bài thơ Ðèo ngang với một tình cảm lạc hậu nhưng bà cho đó là tình cảm hợp lí nhất: Bà nhớ tiếc Triều Lê – Trịnh đã bị đánh đổ, Ðèo ngang là nơi chia cắt Trịnh – Nguyễn, lẽ ra việc được phá bỏ sự chia cắt, thống nhất giang san thành một mối thì vui mới phải, nhưng Bà huyện lại buồn tái tê.

Dù muốn hay không, qua tác phẩm của mình, nhà văn đã khuôn tư tưởng, tình cảm của người đọc theo kích thước, cung bậc của tư tưởng, tình cảm của mình, truyền cho người đọc sự cảm thụ thế giới theo phương thức cảm thụ của mình và phù hợp với lợi ích lịch sử của một giai cấp lịch sử nhất định. Trong ý nghĩa đó mà mọi tác phẩm văn chương mang tính giai cấp đều trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp. Cũng chính với ý nghĩa như vậy mà Gorki đã nói: “Nhà văn là lỗ tai, con mắt, tiếng nói của một giai cấp”.

Ðể bảo vệ quyền lợi của mình, giai cấp thống trị luôn luôn tìm cách làm cho tư tưởng, tình cảm của giai cấp mình trở thành tư tưởng, tình cảm thống trị thời đại. Giai cấp thống trị không từ bỏ một thủ đoạn nào (bạo lực, dụ dỗ, mua chuộc …), không từ bỏ một phương tiện nào (báo chí, xuất bản …) để tuyên truyền, giáo dục ý thức hệ của giai cấp mình. Cho nên, giai cấp thống trị luôn luôn có ý thức dùng văn nghệ làm vũ khí đấu tranh giai cấp, đào tạo ra một đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp phục vụ tích cực cho giai cấp mình, và sẵn sàng trấn áp, thủ tiêu nền văn nghệ đối lập. Ngược lại, nhân dân lao động và giai cấp bị trị bao giờ cũng dùng văn nghệ để chống lại ý thức hệ của giai cấp thống trị.

Bởi vậy, trong xã hội có giai cấp đối kháng “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” (Bác Hồ). Trong mặt trận đó, diễn ra sự đấu tranh giữa cái tiến bộ vì lợi ích của nhân dân lao động với cái thoái bộ  vì lợi ích của bọn thống trị bóc lột; giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái trưởng thành và cái mục nát. Những bức thư trao đổi giữa Phan Ðình Phùng và Hoàng Cao Khải, những bài thơ xướng họa của Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường, những bài bút chiến giữa Ngô Ðức Kế, Huỳnh Thúc Kháng với Phạm Quỳnh, những bài bút chiến giữa Bùi Công Trừng, Hải Triều với những nhà văn “nghệ thuật vị nghệ thuật” … đều là sự phản ánh xung đột tư tưởng giai cấp trên lĩnh vực văn nghệ.

4 Biểu hiện tính giai cấp trong tác phẩm văn chương.

Trong một tác phẩm, tính giai cấp không chỉ biểu hiện ở nội dung tư tưởng mà còn cả hình thức nghệ thuật. Ðể xác định tính giai cấp của tác phẩm ta phải xem xét nhiều mặt: đề tài, chủ đề, tư tưởng, hình tượng, ngôn ngữ … đồng thời tùy theo từng tác phẩm cụ thể mà có cách xem xét tính giai cấp khác nhau vì tính giai cấp của tác phẩm được biểu hiện ra một cách khác nhau tùy theo phương pháp sáng tác, phong cách, sức mạnh tình cảm giai cấp của từng nhà văn cụ thể.

  • Về đề tài.

Ðứng trước hiện thực đời sống phong phú, muôn màu muôn vẻ nhà văn chọn lấy phạm vi hiện thực nào để đưa vào tác phẩm, đương nhiên, tùy thuộc vào nhiều điều kiện chủ quan của tác giả trong có có vấn đề lập trường, quan điểm giai cấp. Chủ nghĩa cổ điển ở châu Âu thế kỷ XVII, các tác phẩm của nó được quy định nghiêm ngặt về nhiều mặt, trong đó có đề tài. Cuộc sống của ông Hoàng, bà Chúa chốn cung đình là loại đề tài “cao quí” , cuộc sống của con người thuộc đẳng cấp thứ ba là đề tài “thấp hèn”. Các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với quan điểm nhân dân lao động là người làm chủ lịch sử thời đại mới đã hướng về đề tài cuộc sống lao động, chiến đấu, xây dựng của quần chúng lao động.

  • Tư tưởng chủ đề.

Ðiều quan trọng là không phải chọn cái gì để miêu tả, mà quan trọng là ở chỗ miêu tả, lí giải cái đã chọn như thế nào. Ở đây bộc lộ rõ khuynh hướng tư tưởng giai cấp của tác giả, tác phẩm. Cùng viết về đề tài người phụ nữ nông dân nhưng cách nhìn nhận và lí giải số phận của họ đối với các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực phê phán khác với các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực XHCN. Ngô Tất Tố với lập trường tiểu tư sản tiến bộ một mặt ca ngợi những đức tính tốt đẹp của chị Dậu, nhưng mặt khác lại thấy một tương lai “tối như mực” của chị. Nguyễn Thi với lập trường giai cấp vô sản đã chẳng những nhìn thấy được những mặt bản chất tốt đẹp, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam mà còn thấy được bản chất cách mạng của học. Hơn thế, tương lai của số phận người phụ nữ dưới ngòi bút Nguyễn Thi khác Ngô Tất Tố về căn bản. Nếu như chị Dậu thụ động, bất lực không có lối thoát trước bao nhiêu thế lực hắc ám, thì chị Út Tịch luôn luôn chủ động, vươn lên chiến thắng mọi kẻ thù để làm chủ cuộc sống và trở thành người anh hùng.

  • Về hình tượng.

Hình tượng, đặc biệt, là hình tượng nhân vật, là nơi bộc lộ tập trung, rõ rệt tính giai cấp của tác phẩm. Tính giai cấp của hình tượng nhân vật bộc lộ chủ yếu ở hành động, ở tư tưởng tình cảm của nhân vật. Phương diện này của hình tượng – phương diện nội dung, chúng ta đã đề cập ở phần tư tưởng chủ đề. Nhưng hình tượng là yếu tố nội dung mang tính chất hình thức. Tính giai cấp còn biểu lộ ở quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả.

Quan niệm nghệ thuật về người anh hùng thời đại của Nguyễn Du qua Từ Hải, khác với quan niệm nghệ thuật và người anh hùng của Trần Ðình Vân qua Nguyễn Văn Trỗi. Nhân vật trung tâm của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là khác nhau. Nếu nhân vật trung tâm của chủ nghĩa hiện thực phê phán chủ yếu là phản diện thì nhân vật trung tâm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là chính diện. Nếu nhân vật người lao động trong chủ nghĩa hiện thực phê phán là những con người nhỏ bé quẩn trong miếng cơm, manh áo sau lũy tre làng, thì người lao động của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là con người chính trị tham gia cuộc vận động lớn của lịch sử nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng xã hội mới. Chính lập trường, quan niệm giai cấp bao gồm cả quan điểm thẩm mĩ của tác giả đã chi phối quan niệm nghệ thuật về con người – nhân vật của tác phẩm.

  • Về loại thể.

Loại thể là một yếu tố của hình thức biểu hiện. Tính giai cấp biểu hiện qua loại thể thật khó thấy. Nhưng không phải loại thể không bị chi phối bởi quan điểm giai cấp của người sáng tác. Các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mở rộng cửa cho các loại thể trong sáng tác nhưng khước từ loại nghệ thuật cầu kỳ, bí hiểm tắc tị của nghệ thuật tư sản trong thời kỳ suy đồi, đồng thời cũng không xem là khuôn thước loại nghệ thuật có tính quy phạm với những quy định ngặt nghèo gò bó sáng tạo của nghệ thuật phong kiến.

  • Về ngôn ngữ.

Ngôn ngữ thì không mang tính giai cấp. Nhưng khi tồn tại trong tác phẩm nghệ thuật với tư cách là ngôn từ – chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật thì nó mang màu sắc cá nhân, và do đó, mang khuynh hướng tư tưởng. Văn chương văn gian tiếng nói của người lao động, ngôn ngữ của nó giản dị, mộc mạc, trong sáng nhưng cũng điêu luyện. Văn chương của tầng lớp phong kiến thống trị, ngôn ngữ của nó mang đậm màu sắc khoa cử, khuôn phép do đó thường sáo mòn, thiếu tính đại chúng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.