Văn học là gì?

van-hoc-la-gi

Văn học là gì?

I. Khái niệm văn học.

Văn học là khoa học nghiên cứu về văn chương. Nó lấy các hiện tượng văn chương nghệ thuật làm đối tượng cho mình.

Quan hệ giữa văn chương và văn học là quan hệ giữa đối tượng và chủ thể, giữa nghệ thuật và khoa học; văn chương (nghệ thuật) là đối tượng của văn học (khoa học).

Lấy văn chương làm đối tượng, khoa nghiên cứu văn chương có nhiệm vụ thông qua việc nghiên cứu những hiện tượng văn chương để tìm hiểu nguyên nhân, quá trình phát sinh và phát triển của văn chương; tìm hiểu bản chất của văn chương, khám phá ra những qui luật nội tại của văn chương; tìm hiểu sự liên quan giữa văn chương và các hiện tượng khác của cuộc sống…

Văn học là hình thái ý thức xã hội, môn nghệ thuật nhưng khác với các ngành khác nhờ đặc trưng chất liệu sáng tác văn học: ngôn từ. Ngôn ngữ văn học có tính hình tượng, được sắp xếp theo một tổ chức nhất định để ngôn từ phát huy giá trị của nó, đồng thời có tính chuẩn mực (hàm súc và cô đọng, đa nghĩa, biểu cảm ). Ngôn ngữ văn học tạo nên tác phẩm và gây hiệu quả thẩm mĩ cho văn bản. Nhưng, giá trị của ngôn từ chỉ đạt giá trị tối đa khi nó được dùng đúng chỗ, đúng văn cảnh.

Văn học lấy con người làm đối tượng nhận thức trung tâm, lấy hình tượng làm phương thức biểu đạt nội dung và lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng.

Như vậy, theo cách nói chung nhất, văn học là bất kỳ tác phẩm nào bằng văn bản. Hiểu theo nghĩa hẹp hơn, thì văn học là dạng văn bản được coi là một hình thức nghệ thuật, hoặc bất kỳ một bài viết nào được coi là có giá trị nghệ thuật hoặc trí tuệ, thường là do cách thức triển khai ngôn ngữ theo những cách khác với cách sử dụng bình thường. Trong các định nghĩa hiện đại hơn, văn học bao hàm cả các văn bản được nói ra hoặc được hát lên (văn học truyền miệng). Sự phát triển trong công nghệ in ấn đã cho phép phân phối và phát triển các tác phẩm chữ viết, và tạo ra loại văn học điện tử.

II. Đặc trưng cơ bản của tác phẩm văn học.

Nghệ thuật là một hình thái ý thức đặc thù thuộc thượng tầng kiến trúc, liên hệ mật thiết với các hình thái ý thức xã hội khác nhau như chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo,.. Về phương diện này, văn học là sự phản ảnh của đời sống xã hội thể hiện sự nhận thức và sáng tạo của con người. Bản chất xã hội lịch sử của văn học với tư cách là hình thái ý thức xã hội đặc thù được xác định bằng các khái niệm như tính hiện thực, tính nhân loại, tính giai cấp, tính tư tưởng L, tính khuynh hướng, tính đảng, tính nhân dân,…

Nhưng khác với các hình thái ý thức xã hội nói trên, văn học có những đặc trưng độc đáo của bộ môn nghệ thuật thể hiện ở đối tượng nhận thức, ở nội dung và phương thức biểu đạt hình tượng, ở chất liệu sáng tạo của nó.

Văn học lấy con người làm đối tượng nhận thức trung tâm. Văn học nhận thức con người với toàn bộ tính tổng hợp, toàn vẹn, sống động trong các mối quan hệ đời sống phong phú và phức tạp của nó, trên phương diện thẩm mỹ. Trong tác phẩm văn học, nhà văn không chỉ nhận thức chân lí khách quan mà còn bộc lộ tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng của mình đối với con người và cuộc sống. Do đó, nội dung của văn học là sự thống nhất biện chứng giữa phương diện chủ quan và phương diện khách quan. Đối tượng và nội dung đặc thù đòi hỏi nhà văn phải có phương thức chiếm lĩnh và biểu đạt đặc thù, đó là hình tượng nghệ thuật.

Tính hình tượng là dấu hiệu đặc trưng cơ bản giúp ta phân biệt văn học với những tác phẩm cũng diễn đạt bằng lời văn, cũng dùng văn chương nhưng không phải là văn học. Hình tượng nghệ thuật làm cho văn học gần gũi với các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, do mỗi loại hình nghệ thuật sử dụng một loại chất liệu khác nhau, cho nên hình tượng của chúng có những đặc điểm riêng.

Do lấy ngôn từ làm chất liệu, văn học chỉ xây dựng được hình tượng “phi vật thể”, có khả năng tác động vào trí tuệ, vào liên tưởng của con người. Mặt khác, chính chất liệu ngôn từ giúp văn học đạt được tính vạn năng trong việc chiếm lĩnh đời sống. Văn học chẳng những chiếm lĩnh được tất cả những gì mắt thấy tai nghe bằng cái nhìn thị giác và thính giác mà còn tái hiện được cả mùi, vị, nắm bắt được cả những điều mơ hồ, vô hình nhưng có thật trong cảm giác của con người. Văn học có thể phản ánh quá trình vận động không ngừng của đời sống trong không gian và thời gian ở bất kì giới hạn nào. Với chất liệu ngôn từ, văn học còn có khả năng tái hiện lời nói và thế giới tư tưởng của con người;

III. Phân loại tác phẩm văn học.

Văn học có thể phân loại thành: hư cấu hoặc phi hư cấu (theo nội dung), và thơ (trữ tình) hoặc văn xuôi (theo hình thức). Thể loại văn xuôi có thể phân loại tiếp thành tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản. Các tác phẩm văn học có thể được phân loại theo từng giai đoạn lịch sử được nhắc đến, hoặc một số thể loại nội dung hoặc hành văn đặc thù (bi kịch, hài kịch, lãng mạn, gợi tình,…)

1. Tác phẩm trữ tình.

  • Thơ.
  • Ca dao.
  • Từ khúc.
  • Truyện thơ.
  • Trường ca.

2. Tác phẩm tự sự.

  • Truyện dài.
  • Truyện ngắn.
  • Sử thi.
  • Ngụ ngôn.

3. Kịch bản văn học.

  • Bi kịch.
  • Hài kịch.
  • Kịch tự sự.

4. Thể loại khác.

  • Ký.
  • Văn chính luận.
  • Từ (thể loại văn học).

IV. Nghiên cứu văn học.

Khoa học nghiên cứu về văn chương hướng về nhiều lĩnh vực khác nhau của văn chương để nghiên cứu, do đó, nó bao hàm trong bản thân mình rất nhiều ngành, nhiều bộ môn khác nhau:

  1. Lí luận văn học.
  2. Lịch sử văn học.
  3. Phê bình văn học.

Ngoài 3 bộ môn chính trên, khoa nghiên cứu văn chương còn có một loạt các bộ môn khác:

  1. Phương pháp luận nghiên cứu văn học.
  2. Tâm lí học văn học.
  3. Xã hội học văn học.
  4. Thi pháp học.

Phương pháp luận nghiên cứu văn học có nhiệm vụ xác lập một hệ thống lí luận về phương pháp nghiên cứu văn chương.

Tâm lí học văn học có nhiệm vụ khảo sát những đặc điểm tâm lí trong hành động sáng tác của tác giả và trong hoạt động thưởng thức của độc giả.

Xã hội học văn học xem xét hoạt động tiếp nhận tác phẩm văn chương trong thực tiển, tìm hiểu dư luận công chúng về các hoạt động văn chương.

Thi pháp học có nhiệm vụ nghiên cứu cấu trúc cùng các phương tiện và phương thức thể hiện nội dung trong tác phẩm văn chương.

Ngoài những bộ môn trên, khoa nghiên cứu văn chương còn có hai bộ môn bổ trợ là văn bản học và thư mục học.

  1. Văn bản học có nhiệm vụ giám định tính chính xác của văn bản văn chương.
  2. Thư mục học là bộ môn chuyên về lập thư mục theo những yêu cầu và mục đích nhất định.

1 bình luận

  1. em – một hsg đang hoang mang không biết bắt đầu đi sâu vào vấn đề lý luận vh như thế nào ,thật tuyệt vời khi em tìm ra trang web này. Rất cảm ơn admin đã bỏ công sức đưa ra những tài liệu giá trị như vậy !!!

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.