Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích (Bài 1, Ngữ văn 6, tập 1, Cánh Diều)

viet-bai-van-ke-lai-mot-truyen-truyen-thuyet-hoac-co-tich-bai-1-ngu-van-6-tap-1-canh-dieu

Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.

I. Định hướng.

a) Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích là dùng lời văn của mình kể lại nội dung một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích đã học (hoặc đã đọc, đã nghe).

b) Viết bài văn kể lại truyện truyền thuyết, cổ tích không phải là chép lại nguyên văn câu chuyện trong sách. Người kể có thể thay đổi từ ngữ, cách đặt câu; thêm một vài chi tiết; thêm các yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc nêu ra một kết thúc khác theo hình dung, tưởng tượng của mình.

c) Lựa chọn truyện: Nếu đề bài không yêu cầu kể một truyện nhất định, em nên chọn một truyện em thích.

II. Thực hành.

Bài tập: Kể lại truyền thuyết “Thánh Gióng” bằng lời của em.

a) Chuẩn bị.

– Đọc lại truyền thuyết Thánh Gióng; ghi lại những sự kiện chính; tưởng tượng về nhân vật Thánh Gióng.

– Suy nghĩ về những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ biểu cảm có thể thêm vào (trong đó có cách kết thúc truyện).

Gợi ý:

– Sự việc chính:

(1) Sự ra đời của Gióng;

(2) Gióng biết nói và nhận trách nhiệm đánh giặc;

(3) Gióng lớn nhanh như thổi;

(4) Gióng vươn vai thành tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt ra trận đánh giặc;

(5) Thánh Gióng đánh tan giặc;

(6) Thánh Gióng lên núi, cởi giáp sắt bỏ lại, bay về trời.

(7) Vua phong danh hiệu và lập đền thờ.

(8) Những dấu tích còn lại của chuyện Thánh Gióng.

– Suy nghĩ về những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ biểu cảm có thể thêm vào

Mở đầu:

Ngày xửa ngày xưa, vào thời vua Hùng Vương thứ mười sáu, có một đôi vợ chồng tuy đã già nhưng vẫn chẳng có lấy một mụn con. Hai ông bà lão nổi tiếng là người hiền lành, đôn hậu ở làng Gióng nhưng không hiểu sao lại chịu sự không may mắn như vậy. Cho đến một ngày, khi bà lão đi ra đồng thì chợt thấy một dấu chân to khổng lồ. Lấy làm ngạc nhiên, bà lão đưa chân mình vào ướm thử để đo xem dấu vết chân đó to đến cỡ nào. Thời gian thấm thoát trôi đi, bà lão chẳng còn nhớ đến vết chân ngày xưa nữa thì bỗng một ngày bà có thai….

Kết thúc:

Khi trời đất đã sạch bóng giặc, Gióng phi ngựa bay về núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt, vái tạ mẹ rồi bay về trời. Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương, phong mẹ Gióng là Thánh Mẫu Bảo Vương, cho làng có xóm Ban nơi Gióng sinh ra được đặt tên là làng Phù Đổng.

Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Ðổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là Làng Cháy.

b) Tìm ý và lập dàn ý.

– Tìm ý bằng cách đặt ra và trả lời các câu hỏi như:

+ Truyền thuyết Thánh Gióng kể lại chuyện gì?

+ Truyện có những sự kiện và nhân vật chính nào?

+ Diễn biến của câu chuyện (mở đầu, phát triển, kết thúc) ra sao?

+ Có thể thêm, bớt những chi tiết, hình ảnh,… của truyện này như thế nào?

+ Truyện gợi cho em những suy nghĩ, cảm xúc gì?

Gợi ý:

  • Mở bài: 

– Lí do kể lại: Trong rất nhiều tác phẩm đã đọc và từng được học, thì em thấy Thánh Gióng là câu chuyện có ấn tượng sâu sắc.

– Giới thiệu về tác phẩm: Thánh Gióng một tác phẩm truyền thuyết đặc sắc. Truyền thuyết Thánh Gióng kể lại truyện về người anh hùng làng Gióng một mình đánh đuổi giặc Ân bảo vệ nước nhà

  • Thân bài:

– Kể lại những sự kiến chính bằng lời văn của em.

+ Hoàn cảnh ra đời khác thường của Gióng:

  • Hai ông bà đã già, chưa có con.
  • Bà lão giẫm lên một dấu chân khổng lồ, về nhà thụ thai.
  • Mười hai tháng sau bà sinh một đứa con trai.
  • Khi ba tuổi chú bé vẫn chưa biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi.

+ Gióng xin đi đánh giặc và lớn nhanh như thổi:

  • Giặc Ân xâm lược, thế giặc mạnh, vua cho sứ giả đi tìm người tài.
  • Chú bé bỗng nhiên nói được, nhờ mẹ mời sứ giả. Nói với sứ giả đúc ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt.
  • Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai mặc áo giáo sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt.

+ Gióng ra trận đánh giặc:

  • Giặc đến chân núi Trâu. Sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến.
  • Chú bé vươn vai thành tráng sĩ khổng lồ, vỗ vào mông ngựa, ngựa hí vang. Tráng sĩ mặc giáp, cầm roi, cưỡi ngựa ra trận.
  • Ngựa xông vào giặc; tráng sĩ cầm roi đánh giặc, ngựa sắt phun lửa thiêu giặc. Giặc chết như rạ.
  • Roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ tre đánh giặc.

+ Đuổi giặc đến chân núi Sóc, tráng sĩ lên núi, cởi áo để lại, người cùng với ngựa bay lên trời.

+ Vua ghi nhớ công ơn Thánh Gióng.

+ Gióng để lại nhiều dấu tích.

  • Kết bài:

– Nêu cảm nghĩ của em về truyện hoặc nhân vật chính trong Thánh Gióng: Truyện cho em lòng biết ơn những người anh hùng đã xả thân bảo vệ hòa bình đất nước, tinh thần yêu nước quyết tâm xây dựng và bảo vệ non sông đất Việt.

Viết.

Dựa vào dàn ý, viết thành bài văn kể về truyền thuyết Thánh Gióng. Tham khảo đoạn văn kể lại sự kiện trong bảng sau và viết lời kể cho các sự kiện tiếp theo:

Trả lời:

Sự việc chính

Lời văn của em

Hoàn cảnh ra đời khác thường của Gióng

Câu chuyện ấy xảy ra từ đời Hùng Vương thứ sáu. Ở làng Gióng có hai ông bà già nổi tiếng là sống phúc đức. Hai ông bà rất mong có một đứa con. Thế rồi, một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử. Không ngờ về nhà bà mang thai.

Điều kì lạ là mãi 12 tháng sau bà mới sinh được một cậu bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng. Nhưng kì lạ hơn nữa là đứa trẻ đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.

Gióng xin đi đánh giặc và lớn nhanh như thổi

Cũng năm ấy, giặc Ân đem quân sang xâm lược bờ cõi nước ta, gây nên bao nhiêu tội ác, dân chúng vô cùng lầm than, khổ sở. Xét thấy thế giặc mạnh, nhà vua bèn sai người đi khắp cả nước tìm người hiền tài cứu nước. Sứ giả đi đến mọi nơi, đi qua cả làng của Gióng. Nghe tiếng rao “Ai có tài, có sức xin hãy ra giúp vua cứu nước”, Gióng đang nằm trên giường bỗng cất tiếng nói đầu tiên:

-Mẹ oi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con

Thấy vậy, bà mẹ rất bất ngờ vui mừng, vội đi ra mời sứ giả vào nhà. Gióng yêu cầu sứ giả về tâu với vua, chuẩn bị đầy đủ ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để cậu đi đánh giặc.

Kì lạ hơn, sau khi sứ giả trở về, Gióng ăn rất khỏe và lớn nhanh như thổi. Cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa mặc xong đã sứt chỉ. Mẹ cậu nuôi không đủ đành nhờ đến hàng xóm láng giềng. Bà con biết chuyện nên cũng rất phấn khởi, ngày đêm tấp nập nấu cơm, đội cà, may vá cho cậu rất chu đáo. Ai cũng hi vọng Gióng sớm ngày ra giết giặc giúp nước, trừ họa cho dân

Gióng ra trận đánh giặc

Ngày ấy, giặc vừa đến sát chân núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng bèn vươn vai đứng dậy, lập tức trở thành một tráng sĩ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngữ. Cả người cả ngựa lao vun vút ra trận

Giặc tan, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời

Trên chiến trường, Gióng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xung, giặc chết dưới tay như ngả rạ. Bỗng gậy sắt gãy, Gióng nhanh như chớp nhổ tre bên đường làm vũ khí mới. Giặc sợ hãi chạy trốn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Khi trời đất đã sạch bóng giặc, Gióng phi ngựa bay về núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt, vái tạ mẹ rồi bay về trời

Vua ghi nhớ công ơn Thánh Gióng

Vua phong hiệu cho cậu là Thánh Gióng, nhân dân lập đền thờ phụng, ghi nhớ công ơn

Gióng còn để lại dấu tích

Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa sẳ thét ra lửa, lửa đã thiêu trụi một làng. Đến nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những viết chân ngựa in xuống ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau, là di tích minh chứng cho chiến công oanh liệt của Thánh Gióng

c) Nói và nghe.

– Dựa vào dàn ý và thực hiện việc kể chuyện.

– Đảm bảo nội dung và cách kể hấp dẫn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa.

Bài tham khảo 1.

Em được cô giáo giảng dạy nhiều truyền thuyết về các vị anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Tác phẩm loại nào cũng hay cũng hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu sắc trong em. Nhưng bản thân em vẫn mãi khắc ghi một truyền kỳ về người anh hùng ở làng Gióng, được truy phong là Phù Đổng Thiên Vương, mà nhân dân Việt Nam ta đời đời nhớ ơn.

Tương truyền rằng vào thời vua Hùng Vương thứ sáu, có một đôi vợ chồng già chăm chỉ làm ăn sinh sống ở làng Gióng. Thế nhưng hai người mãi chẳng có lấy một mụn con. Vì tuổi đã cao mà chưa có con nên ước muốn lớn lao nhất của họ chính là có một đứa con. Cho đến một ngày, khi bà lão đi ra đồng thì chợt thấy một dấu chân to khổng lồ. Lấy làm ngạc nhiên, bà lão đưa chân mình vào ướm thử để đo xem dấu vết chân đó to đến cỡ nào. Thời gian thấm thoát trôi đi, bà lão chẳng còn nhớ đến vết chân ngày xưa nữa thì bỗng một ngày bà có thai. Hai vợ chồng bà lão mừng lắm, phúc đức bao lâu nay đã được đền đáp lại.

Kì lại ở chỗ là tận mười hai tháng bà mới sinh ra một cậu bé khôi ngô, tuấn tú. Hai ông bà vô cùng mừng rỡ khi sinh được con thế nhưng lại lo lắng, buồn bã không hiểu sao. Ấy là kể từ khi ra đời, đứa trẻ đó lại chẳng biết nói, cũng không biết cười, không biết đi, chỉ đặt đâu thì nó nằm đấy. Thật chẳng giống một đứa bé bình thường một chút nào!

Lúc bấy giờ, giặc Ân tràn sang xâm lược nước ta khiến ai nấy cũng đều khiếp sợ. Chúng khiến cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, ép đất nước lúc này rơi vào tình cảnh khốn khổ. Nhà vua sai sứ giả đi rao tin khắp nơi, hi vọng có thể tìm được người tài đứng lên cứu giúp đất nước. Sứ giả đi rao tin và khi đến làng Gióng thì có tin mừng. Nghe tiếng sứ giả, cậu bé bỗng nhiên cất tiếng gọi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ hãy mời sứ giả vào đây cho con”. Thấy đứa con mình suốt bao nhiêu ngày tháng không nói, không cười bỗng dưng hôm nay lại cất tiếng gọi mẹ, hai ông bà lão vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, liền mời sứ giả vào ngay.

Khi sứ giả vào nhà, cậu bé đã ngay lập tức yêu cầu sứ giả hãy về chuẩn bị đủ những vũ khí để đi đánh giặc: Ngựa sắt, áo sắt và tấm giáp sắt để phá tan lũ giặc xâm lược. Sứ giả liền nghi ngờ liệu một đứa trẻ có thật sự cứu giúp đất nước hay không. Thế nhưng cũng mừng rỡ vì đã có người dám đứng lên chống giặc, liền vội về tâu lên cho nhà vua chuẩn bị. Nhà vua cũng đồng ý theo lời của cậu bé. Lạ lùng thay, Thánh Gióng từ khi gặp được sứ giả của nhà vua thì lớn nhanh như thổi, cơm cha mẹ thổi bao nhiêu cậu ăn cũng không đủ no, quần áo chẳng mấy chốc đều chật hết cả. Cậu cứ ăn mãi ăn mãi mà vẫn cứ đòi ăn thế nên dân làng cùng nhau góp gạo nuôi cậu. Ai nấy cũng hi vọng cậu sẽ giúp đất nước yên ổn trở lại. Cậu bé chẳng mấy chốc hóa thành một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, khí thế ngút trời.

Giặc vừa đến núi Trâu cũng là lúc nhà vua sai người đem đến đủ cả những thứ mà Gióng yêu cầu. Khoác lên mình áo giáp sắt, tay cầm roi sắt và cưỡi ngựa sắt, Thánh Gióng bỗng trở thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Trước khi đi, cậu cảm ơn đức sinh thành của cha mẹ, cảm ơn làng xóm đã góp phần nuôi lớn mình. Nhảy lên mình ngựa, ngứa hí dài vang dội khắp đất trời, Thánh Gióng lên đường đi đánh giặc.

Cậu đi đến đâu đánh bại quân giặc đến đấy. Thánh Gióng đón đầu chúng, đến những nơi có giặc, không để đường lui cho kẻ thù. Khi roi sắt gãy, Gióng liền nhổ những cụm tre bên đường, quật ngã bọn giặc ngoại xâm. Chẳng mấy chốc, một mình Thánh Gióng đã tiêu diệt toàn bộ quân giặc. Một hồi, ngựa của Thánh Gióng đã đến chân núi Sóc Sơn, Thánh Gióng liền cởi bộ giáp sắt đang mặc trên người ra mà bay thẳng lên trời.

Để nhớ đến công lao của Thánh Gióng, nhà vua đã cho người lập đền thờ của vị tướng này tại quê nhà của ông là làng Gióng. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều dấu tích năm xưa còn lưu lại và cứ tháng tư hằng năm, người ta vẫn thường đến đền thờ Phù Đổng Thiên Vương để tưởng nhớ ông. Người ta vẫn thường truyền tai nhau những dấu tích mà tráng sĩ và ngựa sắt đã đánh tan giặc Ân, đó là tre đằng ngà, những ao hồ liên tiếp…

Em rất thích đọc câu truyện này vì câu truyện này thể hiện người Việt Nam có truyền thống yêu chuộng hòa bình và muốn có người anh hùng chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ. Chính vì thế, Thánh Gióng được xây dựng bởi nhiều chi tiết kì ảo, mang trong mình sức mạnh vô biên – hình tượng anh hùng của muôn đời.

Bài tham khảo 2:

Từ thuở còn thơ bé, ta đã được nghe bao câu chuyện kể của bà, của mẹ về lịch sử hào hùng, về những truyền thuyết li kỳ. Và có lẽ ai khi ấy cũng mang trong mình niềm tự hào và ngưỡng mộ những vị anh hùng trong truyền thuyết của dân tộc. Thánh Gióng là một vị anh hùng oai phong như thế. Truyền thuyết Thánh Gióng là truyền thuyết vô cùng hấp dẫn kể về người anh hùng này.

Truyền thuyết kể lại rằng: Đời Hùng Vương thứ sáu, ở một ngôi làng nọ bên sông Hồng, có hai vợ chồng nông dân, vừa chăm chỉ làm ăn lại có tiếng phúc đức nhưng đến lúc sắp về già mà vẫn chưa có lấy một mụn con. Một ngày kia, bà vợ ra đồng như thường ngày, trông thấy một vết chân to, bèn đặt chân mình vào ướm thử. Về nhà bà liền mang thai, hai vợ chồng vô cùng vui mừng. Nhưng không giống những người khác, chín tháng mười ngày qua đi, bà mang thai mười hai tháng mới sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô, đặt tên là Gióng. Điều kỳ lạ nữa là Gióng lên ba tuổi vẫn chẳng biết nói, chẳng biết cười, đặt đâu nằm đó, hai vợ chồng vừa buồn vừa lo lắng.

Cũng năm ấy, giặc Ân đem quân sang xâm lược bờ cõi nước ta, gây nên bao nhiêu tội ác, dân chúng vô cùng lầm than, khổ sở. Xét thấy thế giặc mạnh, nhà vua bèn sai người đi khắp cả nước tìm người hiền tài cứu nước. Sứ giả đi đến mọi nơi, đi qua cả làng của Gióng. Nghe tiếng rao “Ai có tài, có sức xin hãy ra giúp vua cứu nước”, Gióng đang nằm trên giường bỗng cất tiếng nói đầu tiên:

– Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con.

Thấy vậy, bà mẹ rất bất ngờ vui mừng, vội đi ra mời sứ giả vào nhà. Gióng yêu cầu sứ giả về tâu với vua, chuẩn bị đầy đủ ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để cậu đi đánh giặc.

Kỳ lạ hơn, sau khi sứ giả trở về, Gióng ăn rất khỏe và lớn nhanh như thổi. Cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa mặc xong đã sứt chỉ. Mẹ cậu nuôi không đủ đành nhờ đến hàng xóm láng giềng. Bà con biết chuyện nên cũng rất phấn khởi, ngày đêm tấp nập nấu cơm, đội cà, may vá cho cậu rất chu đáo. Ai cũng hy vọng Gióng sớm ngày ra giết giặc giúp nước, trừ họa cho dân.

Ngày ấy, giặc vừa đến sát chân núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng bèn vươn vai đứng dậy, lập tức trở thành một tráng sĩ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngựa. Cả người cả ngựa lao vun vút ra trận.

Trên chiến trường, Gióng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xung, giặc chết dưới tay như ngả rạ. Bỗng gậy sắt gãy, Gióng nhanh như chớp nhổ tre bên đường làm vũ khí mới. Giặc sợ hãi chạy trốn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Khi trời đất đã sạch bóng giặc, Gióng phi ngựa bay về núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt, vái tạ mẹ rồi bay về trời.

Vua phong hiệu cho cậu là Thánh Gióng, nhân dân lập đền thờ phụng, ghi nhớ công ơn. Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa sắt thét ra lửa, lửa đã thiêu trụi một làng. Đến nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những vết chân ngựa in xuống ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau, là di tích minh chứng cho chiến công oanh liệt của Thánh Gióng.

Nhiều thời đại qua đi, truyền thuyết người anh hùng Thánh Gióng vẫn được lưu giữ và truyền tụng mãi trong dân gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thánh Gióng chính là biểu tượng cho ước mơ, sức mạnh bảo vệ đất nước của nhân dân ta.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.