cac-nha-van-hoc-duoc-van-trong-co-tich-hoc-duoc-tho-trong-ca-dao

Các nhà văn học được văn trong cổ tích, học được thơ trong ca dao (Đỗ Bình Trị). Từ thực tế văn học Việt Nam, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.

“Các nhà văn học được văn trong cổ tích, học được thơ trong ca dao” (Đỗ Bình Trị).

Từ thực tế văn học Việt Nam, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.

Mỗi một con người ra đời đều mang trong mình một nguồn gốc một miền quê. Mỗi một đất nước lớn lên mang trong mình một truyền thống, một bản sắc. F.Ăng-ghen đã từng nói: “Dân tộc nào đánh mất bản sắc, dân tộc đó sẽ bị đồng hóa.” Bản sắc Việt Nam là ở đâu nếu không phải ở những hội hè đình đám, ở tà áo dài duyên dáng thướt tha, ở truyền thống cần cù trong lao động, bất khuất trong đấu tranh và cả ở những vần ca dao, những câu chuyện cổ… Ca dao và cổ tích – hai thể loại dân gian kết tinh tài năng, tâm hồn của người bình dân xưa không chỉ đắp bồi cho linh hồn Việt thêm phong phú mà còn giữ vai trò quan trọng làm nên bản sắc Việt Nam của nền văn học viết, bởi “các nhà văn trong cổ tích học được thơ trong ca dao” (Đỗ Bình Trị).

Lời nhận định của nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị đã khẳng định vai trò của ca dao, cổ tích dân gian đối với nền văn học viết dân tộc. Như một dòng sông dù chảy trôi đến những miền đất nào, hòa nước vào sóng cả của đại dương vẫn bắt nguồn từ một nơi xuất phát, nền văn học viết Việt Nam dù phát triển rực rỡ đến nhường nào thì vẫn gắn kết chặt chẽ với nguồn cội. Ấy chính là văn học dân gian, đặc biệt là ca dao và cổ tích. Sức sống của hai thể loại văn học dân gian này trải qua bao thăng trầm của lịch sử bao dâu bể của cuộc đời vẫn luôn mạnh mẽ và vẹn nguyên trong tâm thức người Việt. Đặc biệt là đối với nhà văn – người kết tinh cái hồn của bao con người khác – thì ca dao và cổ tích lại càng trỏ nên có ảnh hưởng sâu sắc. Bàn đến ca dao và cổ tích trong sự nhìn nhận của một người thuộc thế hệ hiện đại, lời nhận định của nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị vẫn đưa người đọc hôm nay trở về một thời đại xa xưa, thời đại của những ca dao thần thoại cổ tích… để từ đó thêm hiểu về bản sắc Việt trong văn học viết Việt Nam.

“Các nhà văn học được văn trong cổ tích, học được thơ trong ca dao”. Nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị đã rất khéo léo khi sử dụng từ “học” để nói về quá trình tiếp nhận vốn văn hóa dân gian của các nhà văn. “Học” ở đây chính là sự tiếp thu những tinh hoa của ca dao, cổ tích một cách chọn lọc đồng thời cũng là quá trình phát huy những tinh hoa ấy bằng sự sáng tạo mang dấu ấn của bản thân nhà văn. Một chữ “học” tưởng chừng giản đơn nhưng nó lại thể hiện được tinh thần chủ động tiếp cận, tìm hiểu, khám phá và tiếp thu của các nhà văn đối với nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của ca dao, cổ tích.

Không phải ngẫu nhiên mà trong số rất nhiều thể loại của văn học dân gian như sử thi, thần thoại, truyền thuyết…, nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị lại chọn ca dao, dân ca. Đây là hai thể loại kết tinh cao nhất tài năng sáng tạo nghệ thuật của người bình dân xưa. “Học được văn trong cổ tích” cũng là tiếp thu được tư tưởng, cách nghĩ suy, phản ánh hiện thực theo lối Chân – Ảo của tác giả dân gian, tiếp thu được cả giọng điệu trần thuật, cách xây dựng nhân vật và kết cấu cấu truyện cổ tích, quan niệm nghệ thuật về con người, cuộc sống. Những nét nội dung nghệ thuật ấy làm nên sự đặc sắc của truyện cổ tích và cũng là bài học lớn cho các nhà văn sau này học tập.

Nếu truyện cổ tích giúp các nhà văn học được “Văn”, thì ca dao lại dạy các nhà thơ học được “thơ” từ những vần ca dao – những tiếng hát đi thẳng từ trái tim lên miệng của người bình dân xưa. Ca dao muôn đời cuốn hút ta, làm ta say đắm. Điều làm nên sức lôi cuốn mãnh liệt ấy nằm ở nhiều yếu tố, nhưng cái được các nhà thơ của văn học viết học tập nhiều nhất chính là thế thơ, cách gieo vần, giọng điệu chữ thình mượt mà, hình ảnh dung dị, trong sáng, hồn nhiên và những tứ thơ mang đậm sắc thái dân gian. Ngần ấy yếu tố dựng nên những vần ca dao đẹp cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Những vần ca dao như những viên ngọc còn thô ít được mài giũa ấy tỏa sáng, tác động vào những ngòi bút thơ câu văn học viết, giúp các nhà thơ làm nên những tác phẩm vừa mang đậm dấu ấn thời đại văn học viết, vừa học tập được nhiều tinh hoa từ vốn văn học dân gian thời xa xưa.

Như vậy, bằng một lời nhận định ngắn gọn, súc tích, nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị đã nhấn mạnh quá trình học tập, tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo của các nhà văn đối với những tinh hoa của ca dao và dân ca. Dó cũng chính là một lời khẳng định chắc chắn cho vai trò quan trọng, không thể thay thế của ca dao, cổ tích nói riêng và văn học dân gian nói chung đối với nền văn học viết.

Có đúng không khi nói trong vô số những người thầy của các nhà văn thì ca dao và dân ca là hai người thầy mang đến nhiều kinh nghiệm, mang tới cả một không khí mát rượi, bầu khí quyển trong trẻo, hồn nhiên của dân gian. Đó là hai người thầy đặc biệt đã truyền cho các nhà văn những bài học lớn. Ra đời ở buổi bình minh của xã hội loài người, văn học dân gian nói chung là tiếng nói ban đầu của thuở sơ khai, nó chân phác hồn nhiên và dung dị, nó ngây thơ và thậm chí là ngây ngô khi lí giải những hiện tượng của cuộc sống tự nhiên. Nhưng so với sử thi thần thoại hay truyền thuyết, ca dao dân ca xuất hiện muộn hơn, khi đã xuất hiện sự phân chia giai cấp trong xã hội con người.

Chính vì thế, có thể thấy được ca dao và cổ tích gần với thời điểm ra đời của văn học viết hơn cả. Như một sự thật tất yếu của lịch sử, ca dao dân ca và cổ tích tồn tại, song hành cùng văn học viết như hai thực thể cùng làm nên bộ mặt của nền văn học mỗi quốc gia. Dĩ nhiên giữa hai dòng văn học dân gian và văn học viết sẽ có sự tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, tương tự như hiện tượng “bình thông nhau” của vật lý học vậy. Do đó ảnh hưởng của ca dao, cổ tích cũng như sử thi hay thần thoại… đến các tác giả văn học viết là điều không tránh khỏi trong tiến trình phát triển đi lên của văn học dân tộc.

Nhưng tác động sâu sắc của ca dao, cổ tích đối với trái tim, khối óc của nhà văn còn được lí giải bởi nhiều nguyên nhân. Có thể nói, ca dao và cổ tích gắn bó nhất với mỗi con người. Khi ta sinh ra, mẹ ôm ta và hát ru ta ngủ. Lời hát ru cũng chính là những vần ca dao ân nghĩa ân tình một đời mẹ ấp ủ và cất lên từ con tim, nó chở theo bao nỗi niềm và tình yêu thương của tình mẫu tử. Rồi những khúc đồng dao tuổi thơ và những câu chuyện cổ tích bà thủ thỉ đêm khuya đưa ta vào thế giới kì ảo của anh Khoai, cô Tấm…Tất cả đã làm nên một thế giới dân gian hằn in sâu đậm trong thùy não của mỗi con người. Và các nhà văn cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Có lẽ những vần ca dao những câu chuyện hồi bé thơ đã ăn sâu vào trong huyết quản, hòa lẫn trong trái tim và đong đầy trong đôi mắt nhìn, trong ngòi bút sáng tác văn chương sau này của họ, khiến họ chịu ảnh hưởng không ít những câu chuyện cổ, những vần ca dao ân tình ân nghĩa.

Cây non sống được là nhờ biết bám sâu vào lòng đất mẹ. Con diều vươn cánh bay cao là nhờ được nối với mặt đất bằng một sợi dây. Cũng như vậy, một nền văn học biết bám sâu vào nguồn cội. Nhà văn muốn cây bút của mình có chiều sâu, có bản sắc thì trước hết phải học được từ những tinh hoa của văn học dân gian, đặc biệt là ca dao và cổ tích. Như đức Khổng Tử đã từng dạy trong sách “Luận Ngữ”: “Không học “Kinh thi” lấy gì mà nói!”. Ca dao, dân ca Việt Nam cũng tựa như “Kinh thi” của Trung Quốc vậy, nó kết tinh những gì đẹp nhất trong tâm hồn người Việt xa xưa, nó phản ánh một thời kì ban sơ nhưng sáng trong, hồn nhiên nhất của xã hội Việt Nam. Nó cần được các nhà văn học tập, tiếp thu nhưng không phải tiếp thu một cách sáo mòn theo kiểu sao chép nguyên bản. Nếu “học” theo cách ấy thì không chỉ làm chết tác phẩm của mình mà còn làm chết dần chết mòn cả nền văn học dân gian của ông cha ta.

Bản chất của văn chương là sáng tạo là đào sâu suy nghĩ và chỉ khi nào biết sáng tạo thì những điều nhà văn học tập từ ca dao dân ca từ cổ tích mới có được sức sống lâu bền và chuyển hóa khéo léo từ khí quyển dân gian vào tác phẩm văn học viết. Chỉ khi biết sáng tạo thì chữ “học” trong lời nhận định trên của nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị mới mang ý nghĩa trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất; các tác phẩm văn học viết mới vừa mang màu sắc thời đại vừa mang bản sắc dân tộc, mang tính nhân dân. Và khi đó tài năng của nhà văn mới được khẳng định, đề cao.

Từ lời nhận định của Đỗ Bình Trị, soi chiếu vào các tác phẩm văn học viết, ta thấm thía vai trò không thể thay thé của ca dao, dân ca đối với các nhà văn. “Các nhà văn học được văn trong cổ tích”, điều này dược chứng minh qua nhiều tác phẩm mà trong đó, ta cảm nhận được cả một bầu khí quyển dân gian trùm phủ. Ta bắt gặp trong “Vợ nhặt” của Kim Lân hình ảnh của một anh Tràng mang bao hiếm khuyết của những nhân vật dị hình dị dạng trong cổ tích xưa; gặp trong nhân vật Đức của Nam Cao (“Nửa đêm”) cái ngờ nghệch, ngốc nghếch nhưng hiền lành đến mức đáng thương và tội nghiệp…

Nhưng tiêu biểu nhất vẫn là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, một tác phẩm từ cách xây dựng nhân vật, nhịp điệu trần thuật và kết cấu đều mang nét quen thuộc của những câu chuyện cổ tích. Tô Hoài đã xây dựng trong tác phẩm của mình hai tuyến nhân vật đối lập hoàn toàn: nhân vật đối diện và nhân vật phản diện, điều ta vẫn thường thấy trong cổ tích. Một cô Mị xinh đẹp, tài giỏi, hiếu thảo mà lại nghèo khổ, bất hạnh, một A Phủ khỏe mạnh, chăm chỉ mà lại chịu cuộc sống mồ côi chẳng phải gợi lên thấp thoáng trong liên tưởng của anh ta hình ảnh cô Tấm dịu hiền, của anh Khoai nghèo khổ hay sao. Cách xây dựng nhân vật của Tô Hoài phần nào tuân theo mô típ quen thuộc của truyện cổ, tuy nhiên điểm sáng tạo của nhà văn là đi sâu vào trong thế gới một nội tâm. Nhân vật của Tô Hoài vi thế hiện lên đầy sinh động, mang chiều sâu thăm thẳm của biết bao tâm sự, nỗi niềm.

Kết thúc của câu chuyện cũng kết thúc có hậu, mô típ “ ở hiền gặp lành” qua bao khó khăn, nguy hiểm, cuối cùng người con gái nghèo và chàng mồ côi được hưởng hạnh phúc, sống bên nhau chính là cái kết ta bắt gặp trong không ít những câu truyện cổ như “Sọ Dừa”, “Anh Khoai”… Đọc “Vợ chồng A Phủ”, có lẽ ta thấy dường như mình đang được sống lại cái không khí huyền diệu, mát lành của người xưa thông qua kết cấu, mô típ truyện quen thuộc và cả giọng điệu trần thuật đều đều, chậm rãi như thể quay ngược bánh xe thời gian, trở về với cái “Ngày xửa ngày xưa” của những câu chuyện cổ: “Ai ở xa về có việc vào nhà thống lý Pa Tra thường thấy một cô con gái ngồi quay sợi lên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa” cách dẫn truyện từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể chẳng phải là Tô Hoài đã học tập được truyện cổ tích đó sao?

Bên cạnh một “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, “Mùa Lạc” của Nguyễn Khải cũng là một tác phẩm mang hơi hướng của truyện cổ dân gian. Cái “nhân hậu, tuyệt vời sâu xa” ấy của Lâm Thị Mỹ Dạ, của những câu truyện đầy chất nhân bản ấy đã được Nguyễn Khải kế thừa trọn vẹn khi ông xây dựng nên trong tác phẩm của mình một nhân vật nữ đầy bất hạnh. Đào, người phụ nữ cô đơn, chịu quá nhiều khổ đau và mất mát, lên Điện Biên với tâm lý “Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân”, tưởng như chị không hề sống mà là tồn tại, Nhưng không, như một sự diệu kì, như có một phép tiên của ông bụt, ông Tiên thuở xưa, Đào đã hồi sinh. Chị đã cười, đã sống thật với ước mơ khát vọng của chính mình, màu hồng đã đẻ lại trên đôi gò má, cuộc sống của chị toàn niềm vui. Kết thúc có hậu ấy khẳng định thêm một lần chân lý “Ở hiền gặp lành”, khẳng định cả trái tim giàu lòng yêu thương nhân đạo của các tác giả.

Đọc những tác phẩm tiêu biểu mang sắc màu cổ tích ấy, ta như thấy vang vọng bên tai mình tiếng bà thủ thỉ ngày xưa… Chuyện cô Tấm ở hiền, thằng Lý Thông ở ác, chuyện anh Khoai… tất cả trở về đồng hiện trong ta, trong những Mị, những A Phủ, những Đào, những nhân vật hiện đại. Thậm chí cả phương pháp phản ánh hiện thực theo lối sống Chân – Ảo cũng được các nhà văn viết sử dụng “Truyền kì mạn lục”của Nguyễn Dữ là một minh chứng. Quả thực, việc học tập “văn” trong cổ tích làm nên cái hay cái đẹp, cái độc đáo và màu sắc dân gian tỏa ra từ các tác phẩm của nền văn học viết.

Nếu “các nhà văn học được văn trong cổ tích” thì các nhà thơ “học được thơ trong ca dao”. Ca dao – điệu tâm hồn của người bình dân có sức sống vô cùng mãnh liệt. Không biết tự bao giờ nó ăn sâu, bén rễ vào tâm hồn người Việt, để rồi trở thành bản sắc văn hóa, một nét đáng tự hào của văn học dân gian. Tiếng lòng và hình thức nghệ thuật mà tác giả dân gian truyền trao lại cho các thế hệ sau đã được các nhà thơ học tập một cách trọn vẹn và đầy sáng tạo.

Nói đến ca dao, ta nhớ đến thể lục bát và song thất lục bát. Thể thơ truyền thống ấy của dân tộc theo thời gian không bị mất đi, mà nó trở thành một thể thơ tiêu biểu, phổ biến nhất của làng thơ Việt Nam. Một nhà thơ đã học tập thể lục bát dân gian để sáng tạo ra bài thơ mẫ mực đến mức được truyền tụng như một bài ca dao:

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”

Cách gieo vần “cước vận” cùng với nhịp thơ nhịp nhàng trữ tình và cách đưa các địa danh vào thơ đầy duyên dáng, ý nhị như thể chẳng phải là tác giả học từ ca dao hay sao? Ca dao thực sự có tác động không nhỏ tới ngòi bút của các nhà thơ, thậm chí cả một nhà thơ uyên bác như Nguyễn Du cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng từ thể thơ dân gian ấy. 3254 câu lục bát của “Truyện Kiều” có thể coi là mẫu mực cho thể thơ lục bát. Đồng thời ta cũng bắt gặp trong “Truyện Kiều” những câu thơ mang đậm chất dân gian thế này:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”

Ta không thể quên một câu ca dao biệt ly mang bao tâm trạng lưu luyến của đôi trai gái :

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng”

Có lẽ hơn mười năm lưu lạc sống giữa tầng lớp bình dân đã tạo cho Nguyễn Du một hồn thơ rộng mở đón vào lòng không chỉ những: “tiếng kêu mới đứt ruột” mà cả những vần ca dao ân tình ân nghĩa. Để rồi, người đã viết nên thiên kiệt tác “Truyện Kiều” vừa mang những thi liệu ca dao như vầng trăng xẻ nửa kia, vừa có cách xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập, thậm chí cả cách cảm nhận về thân phận người phụ nữ cũng là một nét của ca dao:

“Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Đẹp và bất hạnh, ấy là cái mạch cảm xúc từ dân gian mà Nguyễn Du đã “bắt”được trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Hình ảnh người phụ nữ bước vào trong thơ Nguyễn Du chính vì vậy mang những nét quen thuộc vơí hình ảnh người phụ nữ bất hạnh trong ca dao, tuy nhiên Nguyễn Du đã đẩy cái sắc, cái tài cũng như cái bất hạnh của người phụ nữ lên đỉnh điểm. Ấy cũng là một sự sáng tạo của ngòi bút đại thi hào.

Theo dòng thời gian, ta vẫn thấy bóng dáng của ca dao , ngay cả ở trong thời kỳ hiện đại. Giữa làng Thơ mới hối hả, cuồng quay với làn gió Âu hóa, “mưa Âu gió Mỹ”, trong khi các bạn thơ khác như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương… say sưa học tập sự mới lạ của nền Tây học, thì ta thấy có một Nguyễn Bính lặng lẽ quay trở về với ca dao. Tưởng như chàng thi sĩ chân quê ấy đã đi ngược lại guồng quay của thời đại, để trở lại với một cây đa, bến nước, sân đình, với không khí dung dị, mộc mạc của làng quê Việt Nam. Trong thơ ông cha ta thấy những bến, những thuyền:

“Hôm qua dưới bến xuôi thuyền
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau”

Bến ấy, thuyền ấy, cuộc chia ly ấy có nét gì giống trong ca dao:

“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một mực khăng khăng đợi thuyền”

Ta thấy cả những thôn Đoài thôn Đông với nỗi tương tư đầy ý nhị mà da diết của đôi nam nữ:

“Thôn Đoài thì thớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười thương một người”

Thơ Nguyễn Bính có cái dung dị, mộc mạc, trong sáng và hồn nhiên nhưng cũng rất trữ tình của ca dao. Nhớ đến những câu thơ mang đầy nuối tiếc trong bài “Người hàng xóm” ta càng thấm thía cách nói vong truyền thống của ca dao. Như trong bài ca dao nổi tiếng:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng, anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh còn hỏi những ngày còn không?”

Chàng trai khi cô gái lấy chồng mới thấy hối tiếc “những ngày còn không”, chỉ vì say sưa chạy theo những giá trị phù phiếm viện những lí do rất mông lung để mà chối bỏ tình yêu của mình. Đến khi “em” không còn là cô gái tự do nữa, anh mới trách mình tại sao chẳng đến với em? Tâm tư ấy của chàng trai, Nguyễn Bính hiểu cả-và ông đã vận dụng rất khéo léo vào trường hợp của mình. “Người hàng xóm” ấy mang đến cho “tôi” bao cảm xúc mới mẻ, lạ lùng nhưng “tôi” vẫn một mực phủ nhận tình cảm của mình lấy một lí do rất vu vơ:

“Giá đừng có giậu mồng tơi
Thể nào tôi cũng sang chơi thăm nàng”

Chỉ một giậu mồng tơi thôi mà đủ sức ngăn cách hai trái tim, hai con người, hai tâm hồn, hai thế giới để rồi đến khi “nàng” ra đi mãi mãi, tình yêu của “tôi” mới được bộc lộ bởi lúc ấy “tôi” mới nhận ra: “Vâng, thực sự tôi yêu nàng. Tình yêu mất đi ngàn lần đau khổ và tiếc nuối

“Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng”

Nước mắt ấy là nước mắt của chàng trai khóc thương người con gái bạc mệnh, hay là lệ đau tiễn đưa một mối tình lặng thầm, mối tình câm chưa bắt đầu mà đã vội kết thúc? Điều ấy có lẽ chỉ mình người trong cuộc hiểu được. Nguyễn Bính đã để lại cho người đọc cả một khoảng lặng đầy tiếc nuối và thổn thức. Mối tình mang sắc màu ca dao tưởng như không có gì mà lại vấn vương sâu nặng đến thế, neo đọng lòng người. Giọng điệu trữ tình sâu lắng cùng với cách nói vong quen thuộc của ca dao có lẽ đã góp phần khiến cho câu chuyện tình yêu không lời bước vào thơ Nguyễn Bính với một sự ám ảnh khôn nguôi.

Ca dao và cổ tích bước vào văn học viết đã mang tới một bầu không gian tươi mới mát lành thấm đẫm tâm hồn người đọc trong những kí ức xa xưa về một thuở đã đi vào quá vãng. Nhưng ca dao cổ tích cũng như thể loại khác và vốn văn hóa dân gian đặc sắc cuả dân tộc sẽ không bao giờ mất đi. Cũng như cái đẹp có thể âm ỉ tồn tại hay ẩn giấu dưới nhiều dáng vẻ chứ không thể lụi tàn hay bị tiêu diệt. Chừng nào dân tộc Việt Nam còn thì chừng ấy mạch nguồn văn hóa, văn học dân gian vẫn luôn là một phần hòa trong huyết quản “các nhà văn học được văn trong cổ tích, học được thơ trong ca dao”” lời nhận định của nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị đã khẳng định sức sống lâu bền, tác động mạnh mẽ của ca dao, cổ tích với văn học viết.

Truyền thống va hiện đại, cổ điển và cách tân ấy vẫn luôn là hai mặt tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy ca dao cổ tích xuất hiện trước văn học viết nhưng nó vẫn luôn song hành cùng văn học viết trên bước đường phát triển. Sự kế thừa, phát huy vốn văn học dân gian của các nhà văn đã thể hiện lòng yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ, yêu bản sắc văn hóa Việt Nam và tinh thần sáng tạo, khát khao đổi mới nếp xưa, đổi mới cả ngòi bút của mình. Trở vè với ca dao dân ca với cổ tích cũng chính là một cách để làm tâm hồn ta thêm trong sáng, ngòi bút ta thêm nhuần nhị, trái tim ta thêm dạt dào dòng máu Việt Nam.

Lời nhận định đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cho những người yêu văn, học văn, những người cầm bút sáng tạo nghệ thuật. Văn chương nếu không bắt nguồn từ cội rễ văn học dân gian thì chỉ là thứ văn “mất gốc” sẽ xa lạ với tiềm thức người Việt. Nhà văn hãy cứ để hồn mình bay đến với chân trời xúc cảm mới mẻ, nhập hòa với thế giới, nhưng đừng đánh mất sợi chỉ xanh kết nối trái tim mình với ca dao, cổ tích với truyền thống dân tộc, bởi: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác” (Rasul Gamzatop).

Ca dao cổ tích nói riêng và văn học dân gian nói chung là nơi lưu trữ nhiều nhất những mã di truyền của văn hóa dân tộc, nó chứa đựng trí óc thông tuệ minh triết và trái tim dạt dào tình yêu thương của người bình dân xưa – “người nghệ sĩ thứ nhất, nghệ sĩ của muôn đời”. Học tập từ ca dao cổ tích cũng là thêm một lần học tiếng mẹ đẻ, tâm hồn dân tộc. Chính vì vậy mà các nhà văn cùng với các tác phẩm “học được văn trong cổ tích, học được thơ trong ca dao” vẫn sẽ mãi sống động, vẹn nguyên trong lòng người đọc hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang