dan-bai-nghi-luan-hoc-hoc-nua-hoc-mai-le-nin

Dàn bài nghị luận “Học, học nữa, học mãi” (Lê-nin).

Dàn bài nghị luận: “Học, học nữa, học mãi” (Lê-nin).

  • Mở bài:

– Giới thiệu vai trò của việc học tập đối với mỗi con người: Là công việc quan trọng, không học tập không thể thành người có ích.

– Đặt vấn đề: Vậy cần học tập như thế nào?

– Giới thiệu và trích dẫn lời khuyên của Lê-nin.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

+ “Học”: học tập, tìm hiểu và chiếm lĩnh tri thức.

+ “Học nữa”: tiếp tục học tập không ngừng.

+ “Học mãi”: Học tập là công việc suốt đời, mãi mãi, con người cần phải luôn luôn học hỏi ngay cả khi mình đã có được một vị trí nhất định trong xã hội.

→ Học tập là công việc rất cần thiết và diễn ra trong suốt cuộc đời.

2. Tại sao phải “Học, học nữa, học mãi”?

– Bởi học tập là con đường giúp chúng ta tồn tại và sống tốt trong xã hội.

– Bởi xã hội luôn luôn vận động, cái mới luôn được sinh ra, nếu không chịu khó học hỏi, ta sẽ nhanh chóng lạc hậu về kiến thức.

– Bởi cuộc sống có rất nhiều người tài giỏi, nếu ta không nỗ lực học tập ta sẽ thua kém họ, tự làm mất đi vị trí của mình trong cuộc sống.

3. Học ở đâu và học như thế nào?

– Học trên lớp, trong sách vở, học ở thầy cô, bạn bè, cuộc sống…

– Khi không còn ngồi trên ghế nhà trường, ta vẫn có thể học thêm trong sách vở, trong cuộc sống, trong công việc….

– Có thể học trong lúc làm việc, trong lúc nhàn rỗi…

4. Liên hệ:

– Không ngừng học tập, học lẫn nhau, tìm sách vở bổ trợ…

  • Kết bài:

– Khẳng định tính đúng đắn và tiến bộ trong lời khuyên của Lê-nin: Đó là lời khuyên đúng đắn và có ích đối với mọi người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh chúng ta.

– “Việc học là cuốn sách không trang cuối”. Mỗi người hãy coi học tập là niềm vui, hạnh phúc của đời mình.


Giải thích ý nghĩa lời khuyên của Lê-nin: “Học, học nữa, học mãi”.

  • Mở bài:

Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức, người đó có sức mạnh. Tri thức chỉ có được qua con đường học tập. Học tập là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và lâu dài của mỗi con người. Đề cao vai trò của học tập, Lê-ni từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. 

  • Thân bài:

“Học” là quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng… để tăng thêm hiểu biết và trình độ, khả năng làm việc. “Học nữa, học mãi” là học liên tục, không ngừng nghỉ, duy trì việc học trong suốt cuộc đời.

Câu nói của Lê-nin đề cao công việc học tập của con người, khuyên chúng ta kiên trì với nhiệm vụ học tập. Hãy học tập đến chừng nào còn một điều chưa biết.Đó là một lời khuyên hoàn toàn đúng đắn không ngững đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay mà còn cho cả mai sau.

Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, Lê-nin nhận thức rõ kiến thức là vô vận và không ngừng tăng lên. Nếu con người không chăm chỉ học tập hoặc dừng việc học thì sẽ nhanh chóng bị lạc hậu, không thể theo kịp đà phát triển của cuộc sống, không nắm bắt được cơ hội thành công.

Học tập giúp chúng ta nắm bắt được những tri thức văn hóa, khoa học kĩ thuật, cái hay, cái đẹp làm giàu cho tâm hồn, tình cảm của bản thân. Học tập để biết áp dụng khoa học kĩ thuật để nâng cao năng suất lao động làm giàu cho gia đình , đất nước .

Phải học cả đời vì kho tàng kiến thức của nhân loại vô cùng rộng lớn và luôn thay đổi , phát triển, cái mới hôm nay có thể trở thành cái cũ của ngày mai -> phải luôn học tập để không trở thành người lạc hậu, để bắt kịp với nền văn minh nhân loại .

Việc học có thể thực hiện bằng nhiều cách thức, ở mọi giai đoạn của cuộc đời. Học ở nhà trường, tự học , học trong đời sống, trong công việc cụ thể. Học từ thầy cô, bạn bè, những người đi trước có kinh nghiệm, có hiểu biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng : in-tơ-net , sách báo, đài , ti vi…

Khi còn bé, chúng ta học tập lễ nghi, ứng xử, học tri thức đơn giản. Lớn hơn, chúng ta học tri thức về đời sống, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Cần học mọi thứ để phát triển toàn diện bản thân, làm chủ công việc và cuộc sống. Khi về già, chúng ta vẫn tiếp tục học tập để không lạc hậu và làm gương cho con cháu noi theo, đồng thời mang hiểu biết ấy truyền dạy cho con cháu.

Ngủ dậy muộn thì phí mất cả ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả tuổi trẻ, ở tuổi già mà không học thì mất cả cuộc đời. Ở mỗi giai đoạn đời người, việc học tập hướng đến những mục đích khác nhau, mục đích nào cugnx hết sức quan trọng. Bởi thế, duy trì việc học suốt đời là cách để chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa.

  • Kết bài:

Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời. Câu nói của Lê-nin hoàn toàn đugns đắn. Đó cũng là điều tâm niệm của biết bao thế hệ con người. Hãy học không ngừng nghỉ. Học khi người khác ngủ; lao động khi người khác lười nhác; chuẩn bị khi người khác chơi bời; và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước. Đó là cách để con người sớm gặt hái được thành công và tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình.

“Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang