Bài học về học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ qua câu chuyện: Miếng bánh mì cháy (theo Quà tặng cuộc sống).

bai-hoc-ve-hoc-cach-chap-nhan-sai-sot-cua-nguoi-khac-va-chon-cach-ung-ho-nhung-khac-biet-cua-ho-qua-cau-chuyen-mieng-banh-mi-chay

Bài học về học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ qua câu chuyện “Miếng bánh mì cháy” (theo Quà tặng cuộc sống).

Miếng bánh mì cháy.

Khi tôi còn nhỏ, tôi nhớ có một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài, đến bữa ăn, bà dọn ra bàn vài lát bánh mì bị nướng cháy đen như than. Nhưng cha tôi vẫn vui vẻ ăn miếng bánh của ông và hào hứng hỏi tôi về những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với cha, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì và cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà”.

Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy hay không.

Cha tôi nói:“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai cả. Nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai, trách móc cay nghiệt đấy con ạ”.

Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ”.

(theo Quà tặng cuộc sống)

Bài làm:

  • Mở bài:

– Ralph Waldo Emerson từng nói:  Ai trong đời rồi cũng phải cảm ơn những khiếm khuyết của mình. Có thể nói sai sót là một phần tất yếu của cuộc sống. Điều quan trọng là cách chúng ta khắc phục những sai sót ấy. Câu chuyện Miếng bán mì cháy để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ .

  • Thân bài:

1. Giải thích.

Bất chấp nhận sai sót của người khác là gì?

Bất chấp nhận sai sót của người khác là sự đồng cảm bao dung, chấp nhận những sai sót, lỗi lầm của người khác và rộng lượng tha thứ cho những thiếu sót ấy.

Ủng hộ sự khác biệt của người khác là gì ?

Ủng hộ sự khác biệt của người khác là tôn trọng và ủng hộ cá tính, nét riêng, sở thích,… của người khác.

2. Bàn luận.

– Vì sao chúng ta cần biết chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt

+ Trong cuộc sống, việc mắc phải những sai lầm, thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Biết chấp nhận sai sót là một phẩm chất đáng quý của con người. Nếu biết chấp nhận sai sót của người khác sẽ làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Nếu không biết chấp nhận và tha thứ cho những sai sót của người khác thì bạn sẽ luôn sống trong khổ đau và dằn vặt.

+ Người biết tôn trọng sự khác biệt là người biết lắng nghe những quan điểm, chia sẻ, góc nhìn của người khác một cách trân trọng và tỉ mỉ. Chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của người khác nhưng không tìm cách vùi dập hoặc coi thường suy nghĩ của họ.

+  Muốn có được suy nghĩ và hành xử đúng đắn, chúng ta cần biết chấp nhận và ủng hộ sự khác biệt của người khác, hướng đến một cách sống bao dung, rộng lượng. Nếu chúng ta biết đón nhận và ủng hộ sự khác biệt trong cuộc sống, mối quan hệ của chúng ta ngày càng được mở rộng và gần gũi nhau hơn..

+ Từ những quan điểm, góc nhìn khác biệt của người khác, chúng ta biết chọn lọc và rút ra ý nghĩa từ quan điểm đó làm bài học cho chính bản thân mình, việc rút ra bài học từ quan điểm của người khác giúp chúng ta có bài học và hoàn thiện bản thân mình hơn

+ Sự tiến bộ bắt đầu khi ta bắt đầu chấp nhận sai sót của mình và sự khác biệt của người khác. Bắt đầu từ đó là quá trình sữa chữa để hoàn thiện hơn.

+ Biết chấp nhận và tha thứ những sai sót của người khác sẽ khiến cuộc sống dễ chịu và các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

+ Trong cuộc sống, ai cũng có lúc phạm phải sai lầm nên việc bao dung, tha thứ và chấp nhận là điều cần thiết đối với con người.

+ Chấp nhận những thiếu sót của người khác sẽ khiến cho mối quan hệ giữa con người trở nên tốt đẹp hơn.

+ Biết bỏ qua sai sót cho người khác sẽ tạo điều kiện cho họ khắc phục, sửa chữa lỗi lầm.

+ Nếu không biết tha thứ, bỏ qua cho người khác và hẹp hòi, con người sẽ luôn sống trong sự hận thù, mối quan hệ giữa con người sẽ trở nên áp lực, căng thẳng.

– Phê phán những người có lối sống ích kỉ, luôn soi mói không chấp nhận những sai lầm thiếu sót của người khác.

3. Bài học nhận thức và hành động.

– Chúng ta cần mở rộng lòng mình để sẵn sàng tha thứ, bỏ qua sai lầm của người khác.

– Giúp đỡ người khác nhận ra và khắc phục những sai lầm.

  • Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề: tha thứ cho lỗi lần của người khác là một đức tính cao thượng là cách mỗi người nâng tâm hồn mình cao đẹp hơn.

– Hãy luôn sống biết tha thứ và vị tha, hiểu nhau hơn . Nếu con người biết đặt mình vào vị trí của nhau thì xã hội sẽ đẹp tươi biết mấy.

Đoạn văn tham khảo:

Câu chuyện Miếng bánh mùi cháy đã mang lại cho em rất nhiều thông điệp có ý nghĩa, nhưng tiêu biểu nhất là hãy học cách chấp nhận sai sót của người khác. Thật vậy, đó là một thông điệp vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Thực tế đã minh chứng, con người không bao giờ hoàn hảo, ai cũng tồn đọng những mặt hạn chế và mặt tích cực. Hơn hết, sẽ chẳng ai có thể thành công nhiều lần mà không phải trải qua một lần sai sót, thất bại nào. Vậy, trước những sai lầm của họ, bạn sẽ làm như thế nào? Có phải là trách phạt hay là mắng mỏ hay là chấp nhận sai phạm đó, cho họ một cơ hội nữa? Chắc có lẽ, đa số bạn sẽ xử phạt và không cho họ một cơ hội để làm lại từ đầu. Nhưng như vậy, chẳng phải là bạn sẽ rũ bỏ tất cả những cố gắng của họ. Chính bởi lẽ đó, ta phải học cách chấp nhận sai sót của người khác. Bên cạnh đó, hãy ủng hộ họ bởi biết đâu rằng, chính từ những sai sót đó lại làm nên thành công, giá trị của mỗi con người sau này. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng chấp nhận sai phạm của người khác. Ta sẽ chẳng thể tha thứ cho kẻ cứ tái phạm từ lỗi sai này đến lỗi sai khác. Qua đây, mỗi người hãy rèn luyện tri thức, kĩ năng và học cách tha thứ, ủng hộ sự khác biệt của một ai đó. Có như vậy, bạn mới sống lương thiện, nhân hậu và được mọi người yêu mến.

Bài văn tham khảo 1:

  • Mở bài:

Hạnh phúc là những điều đơn giản nhất. Nhưng bạn có thật sự hiểu được ý nghĩa của nó không? Trong câu chuyện trên không phải chiếc bánh mỳ cháy ăn được mà là do người cha đã biết giữ lấy hạnh phúc bỏ qua những điều đơn giản nhất của người vợ. Người cha đã không vì chiếc bánh mì cháy không ăn được mà chê bai hay trách móc thành quả người vợ làm mà vẫn tôn trọng công sức ấy.

  • Thân bài:

Một con người hạnh phúc là biết sống hòa thuận với nhau, biết tôn trọng nhau. Như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Có gì trên đời đẹp hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Cũng như câu chuyện trên bạn có bao giờ nghĩ rằng nếu như lúc người vợ làm ra chiếc bánh mỳ cháy ấy mà bị người chồng chê thì sẽ thế nào? Cô ấy cũng buồn tủi lắm, cũng có khi cô sẽ nghĩ rằng chồng mình không hiểu cho mình không biết cảm thông cho vợ rồi gia đình sẽ nguội lạnh đi, sẽ không có những chiếc bánh mì hạnh phúc ấy nữa, cũng không còn những bữa cơm ấm cúng và sẽ là lúc mỗi người một ngả, mỗi người một tên trên tờ li hôn. Về sau gia đình ấy sẽ thế nào nếu người chồng không biết bao dung cảm thông với vợ hơn?

Xã hội ngày nay cũng như vậy, con người sống còn phải dành những điều tốt đẹp nhất cho nhau không nên chỉ vì một sai lầm nhỏ nhặt mà xảy ra xích mích cãi vã. Chỉ cần một gia đình biết tôn trọng yêu thương lẫn nhau thì hạnh phúc cũng sẽ đến với gia đình đó. Có lẽ hạnh phúc không phải là những lời ngon tiếng ngọt, mà là những hành động cử chỉ quan tâm lẫn nhau. Như câu chuyện trên, người vợ mặc dù làm việc rất vất vả nhưng vẫn cố gắng làm được bữa cơm cho gia đình đó là hạnh phúc. Hạnh phúc không phải mãi mãi là hình tròn. Đôi khi phải thêm chút vặn vẹo, khuyết thiếu, bù trừ, để thấu hiểu, đồng cảm lẫn nhau, sẵn sàng bao dung và tha thứ cho nhau thì mới là hạnh phúc.

Mỗi một người là một kiến trúc sư cho hạnh phúc của mình, chỉ có những kiến trúc sư thấu hiểu bao quát hết “căn nhà” thì mới làm ra được hạnh phúc. Hạnh phúc không chọn đến mình mà là chính mình vươn tới hạnh phúc. Nghệ thuật để tìm tấy hạnh phúc nằm ở sức mạnh khi bạn biết khai thác niềm vui từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày.

Vậy qua đó, chúng ta cần làm thế nào để tạo được hạnh phúc cho gia đình cũng như bản thân mình? “Một chiếc bánh mỳ cháy chẳng làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt ấy”. Vì vậy trong cuộc sống, đừng bao giờ nói những lời chê bai cay nghiệt với những người đã vất vả cố làm ra thành quả cho mình hưởng. Đó là cách đơn giản nhất mang đến hạnh phúc cho mình cũng như sự tôn trọng cho người khác.

  • Kết bài:

Tóm lại, qua câu chuyện trên bằng những lời đối thoại đầy hấp dẫn, em cũng rút ra được bài học cho bản thân mình và mọi người: hạnh phúc là một cuộc hành trình chứ không phải đích đến. Một gia đình hạnh phúc là quan tâm nhau từ những điều nhỏ nhặt chứ không phải những lời trách móc, cay nghiệt dành cho đối phương.

Bài văn tham khảo 2:

  • Mở bài:

Cuộc sống trong gia đình luôn có rất nhiều công việc không tên, gần như bao nhiêu gánh nặng công việc trong gia đình đều đặt lên vai người phụ nữ. Nếu không biết cảm thông, chia sẻ với họ, họ rất dễ rơi vào trầm cảm, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Câu chuyện Chiếc bánh mì cháy với cốt truyện đơn giản đã tái hiện nỗi vất vả của người phụ nữ trong gia đình, qua đó nhắc nhở chúng ta cách ứng xử, thông cảm, sẻ chia kịp thời để giúp người phụ nữ vượt qua những mệt mỏi, khó khăn của cuộc sống.

  • Thân bài:

Câu chuyện có một kết cấu đơn giản, cả gia đình ngồi vào bàn ăn với chiếc bánh mì cháy do mẹ nhỡ tay nướng quá lửa. Chẳng cần lời xin lỗi của mẹ người cha vẫn thản nhiên ăn chiếc bánh mì cháy và còn luôn miệng khen “em à, anh thích anh bánh mì cháy mà” Khi màn đêm buông xuống cha đã nói với con về sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương dành cho người phụ nữ trong gia đình. Một chiếc bánh mì cháy không làm chúng ta làm sao nhưng những lời chỉ trích, trách móc có thể làm tổn thương sâu sắc họ.

Qua câu chuyện này tác giả đã khẳng định giá trị của sự yêu thương, san sẻ của những thành viên trong gia đình. Những thành viên trong gia đình nên dành sự quan tâm, san sẻ những công việc với nhau, một lời động viên, khích lệ cũng sẽ giúp nhau vượt qua những khó khăn, để cuộc sống gia đình thêm êm ấm, các thành viên cũng gắn kết lại với nhau hơn.

Tác phẩm khéo léo sử dụng một tình tiết truyện rất đời thường nhưng lại có giá trị đắt giá. Đó là chi tiết chiếc bánh mì cháy. Chiếc bánh mì cháy có lẽ đã xuất hiện thường xuyên trong mâm cơm của nhiều gia đình, nhất là đối với người phương Tây. Một chiếc bánh mì cháy thường là do sự sơ suất để quá lửa, hoặc do người làm bếp đang suy tư về một vấn đề gì đó nên quên mất canh lửa đúng giờ. Với những gia đình khắt khe, người chồng khó tính thì chiếc bánh mì cháy có thể là mầm mống của những trận cãi vã, đánh nhau. Thế nhưng với câu chuyện này lại khác hẳn, khi nhìn thấy chiếc bánh mì cháy đen trên bàn, người chồng vẫn vô tư ăn, nói chuyện học hành với con, xem đó là điều rất bình thường, thậm chí lại còn khen bánh mì cháy ngon, anh thích ăn. Người vợ cũng nhận ra sự sơ suất của mình nên lí nhí nói lời xin lỗi với chồng. Chiếc bánh mì cháy không làm cho bữa cơm không ngon miệng mà chính là dấu hiệu cho thấy người chồng đã thực sự quan tâm, thấu hiểu và sẻ chia với nỗi vất vả, cực nhọc của người vợ.

Người chồng đã hiểu rằng vợ đang rất vất vả, áp lực trong công việc, thậm chí đang bị stress nên mới lơ đãng để chiếc bánh mì cháy. Vì thế người chồng không hề trách móc vợ nửa lời, anh vẫn ăn ngon lành, xem như không có chuyện gì rồi liên tục động viên vợ. Điều đó cho thấy sự ấm áp, nhân hậu cùng tình yêu thương, quan tâm của người chồng dành cho vợ. Điều đó cũng thật đáng quý biết bao nhiêu nhất là trong xã hội bộn bề như hiện nay. Khi mà những bữa cơm sum họp trong gia đình trở nên thưa thớt hơn, sự quan tâm lẫn nhau của các thành viên trong gia đình cũng trở nên hời hợt hơn… thì một lời quan tâm đúng lúc giống như người chồng có giá trị như thế nào.

Một câu chuyện đơn giản nhưng tác giả đã xây dựng thành công nhân vật người chồng. Đó là một người đàn ông với tấm lòng nhân hậu, tử tế. Anh luôn quan tâm đến cử chỉ, hành động của những người thân trong gia đình, nhất là với người vợ. Dù cũng phải đi làm rất vất vả nhưng người chồng đã có sự thấu hiểu với cả những công việc nhà của người vợ. Anh ân cần quan tâm vợ bằng cử chỉ tinh tế, bằng sự động viên đúng lúc, đúng thời điểm. Đặc biệt trước lúc đi ngủ anh còn khéo léo nhắc nhở, dạy bảo đứa con của mình bằng những bài học giá trị “”Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai, trách móc cay nghiệt đấy”. Xây dựng nhân vật người chồng, người cha, tác phẩm Chiếc bánh mì cháy đã ca ngợi vẻ đẹp của những người đàn ông mẫu mực trong gia đình, nhắn nhủ chúng ta hãy biết cảm thông, san sẻ công việc với người phụ nữ trong gia đình, người đàn ông là trụ cột trong gia đình hãy là bờ vai vững chắc, là điểm tựa để người phụ nữ có thể dựa vào những lúc mệt mỏi.

  • Kết bài:

Tác phẩm được kể lại theo người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, là tôi – đứa con của gia đình kia. Với điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ nhất, câu chuyện dễ gây được sự đồng cảm, tin cậy hơn ở người đọc. Tôi vì thế cũng dễ dàng đưa ra những cảm nhận, đánh giá về các nhân vật khác hơn. Câu chuyện có sự gần gũi hơn, giống với việc đã xảy ra ở bất cứ gia đình nào, vì thế nó có sức lan toả rộng lớn hơn. Vì những lẽ đó Chiếc bánh mì cháy là một truyện ngắn đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm. Câu chuyện ngắn gọn song có tính nhân văn cao, đã nhắc nhở con người nhiều điều có ý nghĩa trong cuộc sống mà vô tình nhiều khi chúng ta lãng quên.

Xem thêm:

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.