Cảm nhận ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

cam-nhan-y-chi-chien-dau-vi-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-cua-nguoi-linh-trong-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh-678

Cảm nhận ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

  • Mở bài:

Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất trong phong trào nghệ thuật kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.  Qua Bài thơ tiểu đội xe không kính, nhà thơ Phạm tiến Duật muốn khẳng định ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của người lính lái xe nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung.

  • Thân bài:

Trong suốt bài thơ, Phạm tiến Duật tập trung khắc họa đậm nét hình ảnh người lính lái xe kiên trung, quả cảm, bất chấp hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa những chuyến hàng vào miền Nam phục vụ chiến đấu. Hình tượng ấy trở nên kì vĩ và rực sáng hơn khi người đọc phát hiện ra động lực và lý tưởng giúp người lình vẫn vững tay lái đưa xe đi dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù:

“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim”. 

Bài thơ khép lại bằng bốn câu khẳng định mạnh mẽ ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của người lính lái xe . Đó chính là động lực sâu xa tạo nên sức mạnh phi thường của người lính để vượt lên tất cả, bất chấp mọi nguy nan, mọi sự huỷ diệt, tàn phá của bom đạn kẻ thù.

Khổ thơ cuối tạo nên kết cấu đối lập bất ngờ, sâu sắc. Đó là sự đối lập giữa hai phương diện vật chất và tinh thần; giữa vẻ bên ngoài tàn khốc và bên trong ấm áp của chiếc xe. Trải qua mưa bom bão đạn, những chiếc xe ban đầu đã vốn có kính, bị bom Mỹ làm cho biến dạng đến trần bụi đến đáng sợ.

Với biện pháp liệt kê, điệp ngữ “không có” được nhắc lại ba lần nhằm nhấn mạnh thương tích (và cũng là chiến tích) của những chiếc xe vận tải. Hình ảnh ấy còn cho ta thấy mức độ ác liệt của chiến trường và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Dẫu mưa bom bão đạn đã trút xuống tuyến đường Trường sơn nhằm ngăn chặn sự tiếp viện của quân và dân miền Bắc, nhưng điều kỳ lạ là không có gì có thể cản trở được sự chuyển động kỳ diệu của những chiếc xe trơ trụi ấy, nó vẫn hiên ngang và kiêu hãnh băng băng ra chiến trường. Tác giả đã có sự lý giải bất ngờ, không kém phần hóm hỉnh và tự tin: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Mọi thứ của xe có thể không còn nguyên vẹn, chỉ cần vẹn nguyên trái tim người lính – trái tim vì miền Nam ruột thịt – thì xe vẫn chạy, “tất cả cho tiền tuyến”.

Đó không chỉ là sự ngoan cường, dũng cảm vượt lên mọi gian khổ ác liệt mà còn là sức manh của tình yêu nước, là ý chí quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của người lính. Bom đạn quân thù có thể làm biến dạng cái xe nhung không đè bẹp được tinh thần, ý chí chiến đấu của những chiến sĩ lái xe. Xe vẫn chạy không chỉ vì có động cơ máy móc mà còn có một động cơ tinh thần ‘Vì miền Nam phía trước”.

Đối lập với tất cả những cái “không có” ở ngoài xa là mốt cái “có” ở trong xe. Đó là trái tim – sức mạnh ý chí của người lính. Ở đây, sức mạnh ý chí của con người đã chiến thắng sức mạnh của bom đạn kẻ thù.

Trái tim ấy thay thế cho tất cả những thiếu thốn “không kính, không đèn, không mui”, hợp nhất với người chiến sĩ lái xe thành một cơ thể sống không gì có thể tàn phá, ngăn trở được. Xe chạy bằng động lực của con tim, bằng xương máu của người chiến sĩ. trái tim ấy tạo ra niềm tin, niềm lạc quan, yêu đời và sức mạnh chiến thắng. Những chiếc xe càng thêm độc đáo vì đó là những chiếc xe đã chạy do trái tim đã biết cầm lái.

Trái tim yêu thương, trái tim can trường của người chiến sĩ lái xe vừa là hình ảnh hoán dụ, vừa là hình ảnh ẩn dụ gợi ra biết bao ý nghĩa. Trái tim là hình ảnh hội tụ vẻ đẹp mà thiêng liêng: tất cả vì miền Nam thân yêu; trái tim chứa đựng bản lĩnh hiên ngang, lòng dũng cảm tuyệt vời của con người Việt Nam trong trận chiến với kẻ thù. Trái tim mang tinh thần lạc quan và một niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất Bắc – Nam. Trái tim ấy trở thành nhãn tự của bài thơ, cô đúc ý nghĩa toàn bài thơ, hội tụ và khẳng định toàn vẹn vẻ đẹp của người lính và để lại cảm xúc sâu lắng trong lòng muôn thế hệ người độc.

  • Kết bài:

Với giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc, qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã thể hiện thành công hình ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của người lính. Đó cũng là ý chí, tinh thần chung của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam thời kháng Mĩ cứu nước, một lòng quyết tử cho tỏ quốc quyết sinh.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hướng dẫn cảm nhận "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" - Theki.vn
  2. Ý nghĩa nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.