Chủ nghĩa hiện thực phê phán.

chu-nghia-hien-thuc-phe-phan

Chủ nghĩa hiện thực phê phán

1. Lịch sử hình thành.

Sự xuất hiện của một trào lưu văn học bao giờ cũng dựa trên những điều kiện về chính trị – xã hội, văn hóa. Ra đời vào thế kỉ XIX ở châu Âu, chủ nghĩa hiện thực cũng không nằm ngoài ngoại lệ ấy.

Về mặt chính trị – xã hội: Vào những năm 30 của thế kỉ XIX, giai cấp tư sản đã chiếm địa vị thống trị và ngày càng lộ rõ bản chất phản động, đàn áp công nhân và nhân dân lao động. Mâu thuẫn nổi lên trong xã hội lúc này là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Phong trào công nhân cũng không ngừng phát triển, đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt, mạnh mẽ hơn. Thực tiễn lúc này đòi hỏi các nhà văn phải “đào sâu, tìm tòi” phát hiện bản chất xã hội.

Về mặt văn hóa: Thời kì này có sự phát triển vượt trội về triết học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Con người đã đạt tới một trình độ tri thức nhất định về thế giới, về tự nhiên, xã hội và về chính con người – đối tượng trung tâm của văn học. Bước tiến ấy giúp các nhà văn nhận thức sâu sắc hơn về con người, về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội.

2. Nhân vật trung tâm và cảm hứng chủ đạo.

Nhân vật trong trào lưu hiện thực chủ nghĩa tương đối phong phú. Ăng ghen từng nhận định: Bộ Tấn trò đời của Banzắc đã thâu tóm lịch sử nước Pháp thế kỉ XIX với hàng ngàn nhân vật. Nhân vật trung tâm trong các tác phẩm hiện thực thế kỉ XIX là những nhân vật phản diện bị tư sản hóa. Họ có thể xuất thân từ những thành phần khác nhau nhưng một khi đã lăn mình vào xã hội tư sản đều “Thẳng tay cắt đứt, không để lại giữa người với người một mối quan hệ nào khác ngoài mối lợi lạnh lùng và lối trả tiền không tình nghĩa”. Điều này phản ánh rất rõ trong các tác phẩm của Banzắc, Stăngđan…

Với những nhân vật trung tâm phản diện, cảm hứng chủ đạo của văn học hiện thực là phê phán. Theo ý kiến của M.Goócki, người ta thường gọi là “Chủ nghĩa hiện thực phê phán”. Cụm từ “Chủ nghĩa hiện thực phê phán” cũng phân biệt với “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” sau này.

3. Các nguyên tắc tái hiện đời sống.

Hệ thống những nguyên tắc tái hiện đời sống là một trong những đặc điểm quan trọng để phân biệt trào lưu hiện thực với những trào lưu văn học khác bởi lẽ mỗi trào lưu văn học đều thiết lập hệ thống nguyên tắc riêng.

a. Nguyên tắc lịch sử – cụ thể.

Nguyên tắc lịch sử – cụ thể đối lập với nguyên tắc chủ quan của chủ nghĩa lãng mạn. Banzắc – một trong những cây đại thụ lớn nhất của chủ nghĩa hiện thực Pháp tự coi mình là người thư kí trung thành của thời đại, “Tôi miêu tả thực tại đang bước đi” (Nông dân). Đồng quan điểm với ông, Stăngđan cho rằng: nghệ thuật là “Tấm gương xê dịch trên con đường lớn”. Nói tới “tính lịch sử”, tức là nhìn sự vật trong quá trình phát sinh, phát triển của nó. Nói tới “tính cụ thể”, tức là nói tới một quan hệ xã hội, một tình thế mâu thuẫn, một xung đột giai cấp cụ thể. Theo đó, tác phẩm văn học nghệ thuật phải phản ánh khách quan những vấn đề cốt lõi của sự sống.

b. Nguyên tắc đảm bảo tính chân thực của chi tiết

Đây cũng là một nguyên tắc tái hiện đời sống để phân biệt chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa lãng mạn. Chi tiết trong tác phẩm có thể hiểu là các chi tiết về tâm lí, chi tiết sinh hoạt, phong cảnh… Nếu chủ nghĩa lãng mạn với nguyên tắc tái hiện đời sống chủ quan, ít chú ý tới sự chân thực của chi tiết thì chủ nghĩa hiện thực chú ý đảm bảo sự chân thực của chi tiết. Các chi tiết trong tác phẩm phải được chọn lọc, có tính hợp lí, gắn bó mật thiết với môi trường, hoàn cảnh, tâm lí nhân vật. Để nói lên được những vấn đề bản chất đời sống, nhà văn hiện thực phải có sự tìm kiếm, khả năng chọn lọc
chi tiết.

c. Nguyên tắc chú trọng mối quan hệ biện chứng giữa tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình

Tôn trọng sự thật khách quan, xem xét đối tượng trong tính lịch sử – cụ thể, chủ nghĩa hiện thực thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người và hoàn cảnh. Nhìn nhận sự phát triển của tính cách phụ thuộc vào hoàn cảnh là đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện thực.

Hoàn cảnh điển hình là cụm từ chỉ xuất hiện khi chủ nghĩa hiện thực ra đời. Hoàn cảnh điển hình thực chất chính là môi trường, hoàn cảnh nhân vật được tái hiện trong tác phẩm. Hoàn cảnh ấy phải phản ánh được bản chất hoặc một số khía cạnh bản chất của xã hội. Tất nhiên cũng như tính cách điển hình, ý nghĩa tiêu biểu khái quát của hoàn cảnh điển hình phải thông qua tính chất cụ thể riêng biệt của nó mà qua đó người đọc cảm thấy được những vấn đề xã hội rộng lớn. Khi đã xây dựng được những hoàn cảnh như vậy thì tính cách chính là con đẻ của hoàn cảnh mà theo Ăng-ghen nói là “Hoàn cảnh bao quanh nhân vật và thúc đẩy nó hành động.

Tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình có mối quan hệ biện chứng. Tính cách là sản phẩm của hoàn cảnh, được giải thích bởi hoàn cảnh. Vì hoàn cảnh luôn thay đổi, vận động nên tính cách cũng không ngừng phát triển. Có thể nhận thấy, nhân vật trong trào lưu hiện thực vì vậy mà có tính cách rất phức tạp. Thậm chí trong văn học hiện thực người ta nhắc tới cụm từ “nhân vật nổi loạn” để nói tới sự phát triển của tính cách nhân vật hoàn toàn khác so với dự kiến ban đầu của tác giả khi sự nhận thức hiện thực của nhà văn có sự thay đổi. A.Tônxtôi đã từng nói: “Các nhân vật phải sống một cuộc sống độc lập. Ta chỉ có thể đẩy nó dần dần tới cái đích định trước. Nhưng đôi khi, chúng phá vỡ toàn bộ kế hoạch làm việc, và thế là không phải tôi kéo chúng nữa mà chúng bắt đầu kéo tôi tới cái đích chưa được dự kiến”.

d. Nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan.

Chủ nghĩa hiện thực coi trọng việc khách quan hóa đối tượng được miêu tả. Nhà văn thường phải quan sát rất kĩ hiện thực đời sống. N.I.Cônrát đưa ra một so sánh về cách miêu tả thiên nhiên của nhà văn hiện thực và lãng mạn như sau: “Trong việc phản ánh thiên nhiên, chủ nghĩa hiện thực bác bỏ nguyên tắc hòa mình vào thiên nhiên, dầm mình vào những bí mật và vẻ đẹp của nó. Nhà văn hiện thực muốn mình là người quan sát tự nhiên chăm chú, muốn phát hiện bí mật và vẻ đẹp của nó. Tác giả lãng mạn muốn tự thể hiện trong tác phẩm, còn tác giả hiện thực lại muốn là khách quan”. Thái độ của nhà văn về hiện thực thường rất kín đáo.

4. Đặc trưng thi pháp.

a. Về đề tài.

Chủ nghĩa hiện thực phê phán có sự mở rộng về đề tài so với các trào lưu văn học trước đó. Chủ nghĩa cổ điển thiên về “Mô phỏng cái cổ điển”, chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực thoát li thực tế, quay về với quá khứ, hoặc đi vào ảo mộng, hoặc thu mình vào cái tôi nhỏ bé. Chủ nghĩa lãng mạn tích cực xóa bỏ sự ngăn cách giữa cái cao quý và thấp hèn song vẫn yêu cầu nghệ thuật cần “Tránh cái thông thường” bởi theo V.Huygô – tác giả lớn nhất của dòng văn học lãng mạn tích cực “Bình thường là cái chết của nghệ thuật”. Vượt qua ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống, các nhà văn hiện thực chủ trương đưa toàn bộ những cái hàng ngày, kể cả những cái hèn kém, xấu xa vào nghệ thuật.

b. Về nhân vật.

Chủ nghĩa hiện thực phê phán chú trọng xây dựng những tính cách điển hình. Khi tính cách điển hình đạt tới độ sống động, đặc sắc, người ta sử dụng cụm từ “Nhân vật điển hình”.

Tính cách điển hình mang những đặc trưng thẩm mỹ sau:

Trước hết, tính cách điển hình được coi là sự thống nhất cao độ giữa tính chung và nét riêng, giữa tính khái quát và nét cá thể. Biêlinxki nói đó là “Một người lạ mà quen biết”. Cái riêng của nhân vật điển hình là nhân vật bộc lộ cá tính độc đáo. Còn cái chung làm cho nhân vật “Thực sự là đại biểu cho những giai cấp và những trào lưu nhất định, do đó tiêu biểu nhất định cho thời đại của họ” (lời ghi nhận của Ăngghen). Hình tượng văn học trong chủ nghĩa cổ điển nặng về cái chung mà nhẹ về cái riêng, trong chủ nghĩa lãng mạn nặng về cái riêng mà ít chú ý tới tính khái quát. Chủ nghĩa hiện thực chính là một sự kết tinh mới khi mang những nét đặc trưng cho một giai cấp, một kiểu người… nhưng vẫn có nét cá tính đặc sắc riêng.

Thứ hai, tính cách điển hình có sự đa dạng về màu sắc thẩm mỹ. Trong tác phẩm hiện thực phê phán, các màu sắc thẩm mỹ pha trộn đan chéo nhau, chuyển hóa lẫn nhau. Có khi trong một nhân vật có pha lẫn cái cao cả, cái thấp hèn, cái đẹp và cái xấu. Và vì vậy, có những nhân vật ta khó thể dùng cụm từ “Chính diện” hay “Phản
diện” để gọi tên.

Thứ ba, tính cách điển hình là sự thống nhất biện chứng giữa tính lưu chuyển và tính bất biến. Nhân vật của văn xuôi hiện thực phê phán vừa có tính ổn định như bản chất vốn có, đồng thời tính cách đó lại phát triển trong quá trình đấu tranh với hoàn cảnh. Những tính cách này được coi là “con đẻ” của hoàn cảnh điển hình, như đã trình bày ở phần trên.

c. Về thể loại.

Mỗi thời đại văn học, mỗi trào lưu văn học thường có một hệ thống thể loại với tư cách là những mô hình nghệ thuật tương ứng. Không chỉ mở rộng ở đề tài, chủ nghĩa hiện thực có sự mở rộng về thể loại. Nếu thể loại mà chủ nghĩa lãng mạn sử dụng nhiều hơn cả là thơ trữ tình và tiểu thuyết thì chủ nghĩa hiện thực thể hiện các nguyên tắc phản ánh đời sống trọn vẹn, đầy đủ nhất trong thể loại tiểu thuyết. Vì vậy, những nhà hiện thực chủ nghĩa lớn trước hết cũng là những tiểu thuyết gia như: Banzắc, Xtăng-đan, Tháccơrây, Tônxtôi…Bên cạnh thể loại tiểu thuyết, ta còn phải kể tới thể loại truyện ngắn mà những đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực đã được thể hiện rõ nét, tiêu biểu ở những tác giả như: Mô-pát-xăng, Mê-ri-mê, Sê-khôp…

Tóm lại: Ra đời vào thế kỉ XIX, chủ nghĩa hiện thực phê phán có sức sống thật bền bỉ, mãnh liệt và bằng cách này hay cách khác trào lưu ấy vẫn đánh dấu sự phát triển của mình trong các chặng đường văn học. Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa sau này.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Chủ nghĩa hiện thực. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.