Dàn bài giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

dan-bai-giai-thich-y-nghia-cau-tuc-ngu-tot-go-hon-tot-nuoc-son

Dàn bài giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

  • Mở bài:

Mối quan hệ giữa hình thức bên ngoài và phẩm chất ở bên trong luôn là điều khiến con người phải suy nghĩ. Bàn về vấn đề này, tục ngữ có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:

– Về nghĩa đen:

+ “gỗ”: chất liệu ở bên trong của vật.

+ “nước sơn”: là lớp bao phủ ở bên ngoài có chức năng bảo vệ gỗ ở bên trong và làm đẹp cho vật.

– Nghĩa bóng:

+ “gỗ”: chỉ những phảm chất bên trong của con người.

+ “nước sơn”:là hình thức ở bên ngoài của con người, bao gồm: trang phục, lời nói, thái độ, hành vi ứng xử,…

– Ý nghĩa của câu tục ngữ:Muốn hình ảnh của gỗ và nước sơn, câu tục ngữ muốn khẳng định rằng: Giá trị của một vật, một người không phụ thuộc vào hình thức bên ngoài mà phụ thuộc ở phẩm chất bên trên.

2. Bàn luận về ý nghĩa của câu nói (tại sao phẩm chất bên trong mới là yếu tố quyết định giá trị của đồ vật, của con người?).

– Vì những phẩm chất ở bên trong thường ổn định, bền vững còn hình thức bên ngoài rất dễ bị thay đổi theo hoàn cảnh.

– Hình thức bên ngoài không phản ánh được đầy đủ những phẩm chất ở bên trong.

– Phẩm chất ở bên trong mới là yếu tố thể hiện đầy đủ nhân cách, đạo đức của con người chứ không phải là hình thức bên ngoài.

3. Phê phán biểu hiện tiêu cực/trái ngược với vấn đề.

– Trong cuộc sống, có nhiều người cố tình dùng hình thức đẹp đẽ ở bên ngoài để che đậy nhân cách, đạo đức kém cỏi ở bên trong nhằm lừa dối người khác, mưu lợi cho mình. Những người như thế thật đáng chê trách và lên án.

4. Rút ra bài học nhận thức và hành động:

– Bài học nhận thức: Phẩn chất ở bên trong mới là yếu tố quyết định giá trị của một con người.

– Hành động: Cần hòa hợp giữa hình thức bên ngoài và phẩm chất ở bên trong.

  • Kết bài:

Câu tục ngữ là một lời khuyên sâu sắc, giúp ta biết giữ gìn hình thức bên ngoài và rèn luyện, tôn vinh phẩm chất bên trong để trở thành người lịch sự, tốt đẹp trong cuộc sống này.


Tham khảo: 

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

I. Mở bài:

Từ xưa đến nay, mối quan hệ giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài, cái nào quan trọng hơn, luôn là vấn đề được con người quan tâm. Bàn về điều này, tục ngữ có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm về cách nhìn nhận, đánh giá sự vật, con người trong cuộc sống. Có thể thấy, từ xưa ông cha ta đã coi trọng nội dung bên trong hơn là hình thức bên ngoài.

II. Thân bài:

1. Giải thích nội dung câu tục ngữ:

– Nghĩa đen:

+ “Gỗ”: là phần rắn của cây dùng để làm vật liệu đóng bàn, ghế, tủ, giường…

+ “Nước sơn”: là chất liệu dùng để phủ lên lớp bên ngoài các đồ vật để cho chúng thêm đẹp và bền chắc hơn.

– Nghĩa bóng:

Câu tục ngữ đúc kết một kinh nghiệm về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một con người.

+ “Gỗ” là nội dung thực chất bên trong của con người.

+ “Nước sơn” là hình thức thể hiện qua cử chỉ, tác phong, cách ăn mặc……

→ Không nên đánh giá con người qua cái vỏ hình thức hào nhoáng bên ngoài mà phải coi trọng cái thực chất bên trong.

2. Ý nghĩa câu tục ngữ:

– Giúp ta có cách nhìn nhận, đánh giá một con người, một sự việc. Giá trị con người là ở tư cách, tài năng, chứ không phải ở hình thức bên ngoài.

– Phải sống sao cho chân thật, đừng giả tạo, lụa là. Sự giả tạo không sớm thì muộn cũng bị người xung quanh phát hiện, bấy giờ thì mọi người sẽ cười chê, xa lánh.

3. Mở rộng ý nghĩa của vấn đề:

– Câu tục ngữ trên cho thấy để đánh giá chính xác một con người thì tiêu chuẩn chủ yếu vẫn là nội dung, là phẩm chất đạo đức của con người.

– Bên cạnh đó cũng không xem nhẹ hình thức vì hình thức bên ngoài góp phần khẳng định và tôn vinh giá trị phẩm chất ở bên trong.

– Liên hệ với các câu tục ngữ khác như: “Cái nết đánh chết cái đẹp” hay “Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.

III. Kết bài:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên đúng đắn. Cần biết rèn luyện kiến thức, nhân cách, bản lĩnh, sống có ước mơ, hoài bảo lớn lao. Đồng thời cũng cần thể hiện hình thức bên ngoài sao cho đàng hoàng, lịch sự, phù hợp với những chuẩn mực của đời sống.


Tham khảo:

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Trong cuộc sống hang ngày cũng có lúc ta đã lầm lẫn khi đánh giá một sự vật, một con người, khi thì dựa vào cái hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi cái nội dung, bản chất bên trong của con người họ, khi thì ngược lại. Lúc ấy ta lại nghĩ đến câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Câu tục ngữ đã cho xuất hiện hai sự vật “gỗ” và “nước sơn”. Gỗ là chất liệu để tạo nên một vật dụng như là tủ, bàn ghế… còn nước sơn là chất liệu để quét lên làm cho cái tủ, cái bàn thêm đẹp, thêm bền. Nghĩa đen là như vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ bao hàm một lời khuyên về cách nhìn chín chắn: hãy coi trọng cái giá trị đích thực, cái nội dung bên trong của một con người. Đừng bao giờ để cái hình thức xa hoa, hào nhoáng bên ngoài lừa dối, quyến rũ ta.

Bất kì câu tục ngữ nào cũng là sự đúc kết những kinh nghiệm sống quí báu của biết bao thế hệ con người. Tổ tiên ta cũng đã trải qua bao thất vọng, vấp váp mới rút ra được chân lí “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi đánh giá một sự vật ta phải coi trọng chất lượng của nó. Có khi người ta chỉ trọng đến cái lớp sơn bong nhoáng bên ngoài của một cái tủ mà mua về rồi không dung được nữa vì chất gỗ bên trong là một thứ gỗ mục rữa, sâu mọt. Một sản phẩm có mẫu mã tốt có trang trí đẹp đến bao nhiêu mà chất lượng không tốt, không bền thì cũng không hữu dụng. Chỉ có chất lượng tốt càng được nhiều người ưa thích, càng bán dắt giá. Đó là cách đánh giá, cách nhìn chung về giá trị của một đồ vật.

Trong cuộc sống, mỗi sự vật, mỗi con người không phải lúc nào cũng cũng thống nhất trọn vẹn cả mặt nội dung lẫn hình thức. Có người bản chất xấu xa nhưng khéo lừa bịp bằng cái vỏ hào nhoáng, bảnh bao bên ngoài. Một kẻ bất tài thường đội lốt người hiểu biết. Một người độc ác thường nói lời đạo đức. Một khuôn mặt xinh đẹp nhưng chưa hẳn là đẹp hoàn toàn nếu có một tâm hồn không đẹp.

Chúng ta phải thật sự tỉnh táo, thận trọng đối với những con người đó. Khi cần chọn lựa, ta hãy chọn lấy cái bản chất làm căn bản, hãy vứt bỏ cái vẻ bề ngoài đẹp đẽ lành lặn mà bên trong mục rỗng, vô vị. Một con người có đạo đức, tài năng thì dẫu ăn mặc tầm thường nhưng vẫn được kính trọng, nể nang. Khi đánh giá một con người chúng ta phải dựa trên phẩm chất đạo đức, năng lực của người đó. Chùng ta phải hiểu biết rằng cái chân giá trị của con người chính là đạo đức, tài nặng, trí tuệ.

Nhưng trong thực tế cuộc sống, chẳng lẽ chỉ xem trọng nội dung, bản chất bên trong mà lãng quên mặt hình thức? Một món hang tốt, chất lượng tốt, nếu có bao bì xinh xắn, trang trí đẹp lại càng có giá trị. Hình thức bên ngoài làm tăng thêm giá trị bên trong của món hang. Cái tủ được làm bằng chất gỗ tốt mà lại có nước sơn bong loáng hẵn làm ta vừa long và sẵn sang mua. Một con người có học vấn, đạo đức lại ăn nói lịch sự, thanh nhã, ăn mặc gọn gàng, đẹp đẻ càng làm cho ta thêm quý trọng hơn là con người tuy có đạo đức nhưng ăn nói cục cằn, thô lỗ, ăn mặc xốc xếch. Cái đẹp lí tưởng là khi có cả nội dung lẫn hình thức.

Vật để nhận xét, đánh giá một sự vật, một con người, ta phải dựa trên cơ sở nội dụng lẫn hình thức. Nội dung và hình thức phải bổ dung cho nhau để đánh giá được chính xác, đầy đủ. Chúng ta hãy coi trọng nội dụng vì trước hết nó là cốt lõi tạo nên giá trị bên trong, còn hình thức góp phần tạo nên cái đẹp, cái bền cho vật dụng. Khi đánh giá ta phải coi trọng chất lượng của vật cũng như khi nhận xét về một con người ta phải chú ý đến thành quả công việc của họ, xem xét mối quan hệ tình cảm của họ đối với gia đình, xã hội. Đó là cách hiệu quả, cách áp dụng đúng đắn nhất cho phương châm xử thế mà câu tục ngữ đã khuyên dạy chúng ta.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”đã cho ta một phương châm đúng đắn trong cách nhìn, cách sống và cách quan hệ ở cuộc sống. Chúng ta cần tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tài năng để trở thành con người toàn diện về nội dung lẫn hình thức. Hiểu được câu tục ngữ, vận dụng nó một cách đúng đắn chúng ta sẽ bớt lầm lẫn, vấp ngã trong cuộc đời đồng thời ta cũng biết cách tự rèn luyện nâng cao mình hơn nữa. Ta phải sống thực chất bằng chính giá trị con người mình, đừng mánh khóe lừa dối, giả tạo. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng nếu tốt cả gỗ và tốt cả nước sơn thì đó là điều mà ta cần mong ước, phấn đấu, hướng tới

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.