Dàn bài: Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

dan-bai-phan-tich-nhan-vat-nguoi-dan-ba-hang-chai-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa

Dàn bài: Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”

I. Mở bài:

– Nguyễn Minh Châu là một trong số “những nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất”. Ông luôn thiết tha truy tìm những hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn.

– Chiếc thuyền ngoài xa in trong tập Bến quê, tác phẩm đem đến cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và con người.

– Tác giả đã tìm thấy một trong những hạt ngọc ẩn giấu ấy trong tâm hồn người đàn bà hàng chài.

II. Thân bài

1. Người đàn bà hàng chài là hiện thân cho nỗi thống khổ của người phụ nữ làm nghề chài lưới.

– Ngoại hình xấu xí, “trạc ngoài 40 tuổi, thân hình cao lớn, thô kệch”, “gương mặt với những nốt rỗ chằng chịt”, “cũng vì xấu, trong phố không ai lấy”.

– Nghèo túng, đông con, thuyền chật:

+ Khi biển động, không thể đi biển: cả gia đình ăn xương rồng chấm muối. Đó là nỗi khổ vật chất và tinh thần.

+ Lưng áo bạc phếch, mặt mệt mỏi, tái ngắt, dường như đang buồn ngủ. Đó là kết quả của chuỗi ngày dài đối diện với hiểm nguy, đói khát.

+ Trải qua nhiều lần sinh nở, “có một sắp con trên dưới 10 đứa”.

+ Không gian sống lại là con thuyền lưới vó chật hẹp.

– Bị hành hạ vũ phu, thường xuyên: gã chồng lấy việc lấy vợ làm phương thức giải tỏa uất ức “trút cơn giận … người đàn bà”, “”3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng”.

+ Người đàn bà chịu đau đớn về mặt thể xác nhưng chị ta không kêu van, chạy trốn.

+ Chịu nhục nhã về tâm hồn: bị hành hạ bởi người mình yêu thương, làm tổn thương tâm hồn những đứa con nhỏ của bà. Đau đớn khi thằng Phát nhìn thấy cảnh tượng.

– Nhận xét: người đàn bà là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói khổ, cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường.

2. Người đàn bà hàng chài là hiện thân vẻ đẹp tiềm tàng của người phụ nữ:

a. Sự bao dung, độ lượng, vị tha:

– Có cái nhìn bao dung với người chồng mình:

+ Thấy người đàn ông đáng thương, đáng được cảm thông “lão chồng tôi khi ấy … hiền lành, không bao giờ đánh đập tôi”; trốn đi lính ngụy, chính cuộc sống nghèo khổ đã biến anh ta thành kẻ ác. (có thể so sánh với cái nhìn của Phác, Phùng, Đẩu).

+ Luôn coi chồng là người bạn đời thân thiết: cùng chèo chống con thuyền trong lúc phong ba, cùng nuôi con, mưu sinh trong cõi đời cơ cực, …

– Nhận mọi lỗi về mình: “cái lỗi chính là đám đàn bà chúng tôi …”, “giá tôi đẻ ít đi”,

– Chắt chiu, nâng niu, trân trọng hạnh phúc: “vả lại trên thuyền cũng có lúc vợ chồng, con cái hòa thuận, vui vẻ, …”

b. Một người mẹ giàu đức hi sinh, lòng thương con vô hạn:

– Coi việc mình bị hành hạ, chịu đói khổ là lẽ đương nhiên, là vì hạnh phúc con cái: “đàn bà trên thuyền chúng tôi … đất được”.

– Muốn nuôi con khôn lớn nên chịu đựng hành hạ để ở cùng các con. Niềm vui nhỏ nhoi, tội nghiệp: “vui nhất là khi thấy chúng được ăn no”

c. Thâm trầm, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời:

– Nhận ra sự ngây thơ, đơn giản trong suy nghĩ của nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu: “Các chú không phải người làm ăn … lam lũ”, theo người đàn bà, hai người họ thiếu sự từng trải, quen nhìn đời qua sách vở.

– Người đàn bà xấu xí thất học ấy giúp người có học thức như Đảu và Phùng hiểu được nguyên nhân mình không bỏ chồng: muốn nuôi con khôn lớn “cần phải có người đàn ông … chục đứa”

– Lặng lẽ kín đáo: tất cả những vẻ đẹp của chị ta đều không được bộc lộ ra bên ngoài.

* Nhận xét chung: người đàn bà không chỉ là hiện thân cho nỗi thống khổ mà là hiện thân cho vẻ đẹp cao cả của người phụ nữ.

III. Kết bài

– Nghệ thật khắc họa nhân vật, xây dựng tình huống truyện, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt,

– Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, tác giả không chỉ bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc trước nỗi khổ của con người mà còn là cái nhìn ấm áp trước vẻ đẹp tâm hồn con người, thức tỉnh con người về cách nhìn nhận cuộc đời.


Tham khảo:

VẺ ĐẸP NHÂN VẬT NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI

  • Mở bài:

Thành công nhất của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đó là xây dựng hình tượng người đàn bà hàng chài.

  • Thân bài:

Thông qua nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn đã thể hiện sự thấu hiểu, xót thương và lo âu cho số phận bất hạnh và tình trạng sống tăm tối, nghèo khổ của con người.

Nỗi xót xa cho nhân vật đã hiện ra ngay trong những đường nét miêu tả đầu tiên về ngoại hình, dáng vẻ. Người đàn hàng chài trạc ngoài bốn mươi… cao lớn với những đường nét thô kệch… rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như buồn ngủ.

Đây chính là hình ảnh của một người lao động lam lũ và đau khổ sau một đêm nhọc nhằn và trước một trận đòn nhục nhã ê chề. Có lẽ gánh nặng nhọc nhằn của cuộc mưu sinh đầy sóng gió trên biển cả cùng những bất hạnh cay đắng trong cuộc đời đã lấy đi của chị tất cả sinh lực và niềm vui, trên gương mặt mệt mỏi, tái ngắt dường như không còn mảy may chút sự sống. Sự nghèo khổ, nhọc nhằn đến mức nhếch nhác, thảm hại còn hiện ra trong tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng vì khi rời thuyền phải lội qua quãng bờ phá nước ngập đến quá đầu gối.

Ấn tượng lớn nhất về sự đau khổ bất hạnh mà người đàn bà đưa đến cho người đọc chính là thái độ cam chịu nhẫn nhục đến kì lạ của chị. Sau khi xuống thuyền, người đàn đi thẳng tới bãi xe tăng hỏng, trước lúc đến chiếc xe rà phá mìn, chị đứng lại ngước mắt ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng, rồi đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân. Có thể nhận thấy đây là nơi quá quen thuộc với chị, sự quen thuộc ghê sợ, khủng khiếp bởi những trận đòn đã thành lệ của người chồng vũ phu, thô bạo cứ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.

Vì thế nên dù đã chấp nhận, người đàn bà vẫn không nén nổi cảm giác cay đắng, chị nhìn lại con thuyền dường như để tìm ở các con một chút an ủi ấm áp, mong được tiếp thêm một chút sức lực có thể giúp chị vượt qua nỗi đau khổ nhục nhã sắp tới; cử chỉ đưa một cánh tay lên như vô thức của chị có lẽ muốn tìm đâu đó sự thay đổi hay trì hoãn dù chỉ một thoáng, nhưng rồi cũng hiểu ngay rằng đó là điều không thể, cánh tay chị buông thõng phó mặc, cặp mắt nhìn xuống chân mệt mỏi, chán chường buông xuôi như một kẻ tội đồ nhẫn nhục chờ hình phạt không tránh khỏi. Khi bị chồng đánh dã man, chị chịu đòn với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy. Đó là thái độ của một người đang nhẫn nhục thực hiện nghĩa vụ đau khổ của mình – không oán thán, bất bình hay tránh né; cuộc sống đau khổ hình như đã làm mất đi ở người đàn bà kể cả những phản xạ bản năng tối thiểu!

Sự khốn khổ của chị còn hiện ra ngay trong dáng vẻ lúng túng, sợ sệt lúc ở Tòa án, trong chi tết miêu tả người đàn bà chỉ quen sống giữa mặt nước vừa đặt chân vào trong phòng đầy bàn ghế và giấy má liền tìm đến một góc tường để ngồi, thậm chí khi Đẩu phải mời tới lần thứ hai, chị mới dám rón rén đến ngồi ghé vào mép ghế và cố thu người lại – đó là dáng vẻ của một con người tội nghiệp luôn thấy sự có mặt của mình trong cuộc đời này hình như đã là phi lí, là dáng vẻ của một con người luôn phải nghe những lời nguyền rủa độc địa và đau khổ: Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết đi cho ông nhờ; vì thế luôn mang một mặc cảm có lỗi, luôn muốn giảm thiểu sự vướng víu, phiền phức hay khó chịu mà mình có thể gây ra cho mọi người xung quanh; cũng có thể đó là tư thế tự vệ bản năng của một con người khốn khổ luôn gặp quá nhiều những rủi ro, bất hạnh, luôn bị đe dọa bởi những bất ưng hiểm họa từ cả con người và thiên nhiên sóng gió!

Những đau khổ chồng chất trong cuộc đời người đàn bà hiện rõ hơn qua câu chuyện của chị ở tòa án huyện.

Trước hết, cùng với cả gia đình, người đàn bà hàng chài phải chịu đựng những vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh với những đêm thức trắng kéo lưới; những giày vò đau khổ bởi tình trạng sống bấp bênh đói nghèo tăm tối – kéo dài trên mặt biển gây ra tâm lí bế tắc, u uất. Trước đây, mỗi khi biển động, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây sương rồng luộc chấm muối, từ khi cách mạng về, cuộc sống của họ đỡ đói khổ hơn nhưng nỗi lo cơm áo vẫn chưa lúc nào buông tha. Cuộc sống của những ngư dân trên biển không hề thơ mộng lãng mạn như những bức tranh xưa nay về hình ảnh thuyền ngư phủ lạc trong sương (Xuân Diệu) mà vất vả, lam lũ vì gánh nặng mưu sinh; bế tắc cùng quẫn vì hơn chục con người chen chúc trên một chiếc thuyền chật chội bấp bênh trên mặt biển đầy sóng gió; tăm tối, nhục nhã vì tình trạng thất học, bạo lực nặng nề.

Người đàn bà hàng chài còn là nạn nhân của tấm bi kịch gia đình.

Chị thường xuyên phải chịu đựng nỗi nhục nhã, đau đớn bởi những trận đòn tàn bạo của người chồng vũ phu, nhất là luôn khổ sở khi nơm nớp lo sợ con cái bị tổn thương, luôn sợ hãi, đau đớn khi phải chứng kiến cảnh đứa con trai vì quá thương mẹ mà căm ghét, đánh lại bố. Miêu tả hình ảnh một người mẹ vừa khóc, vừa phải chắp tay vái lấy vái để đứa con để nó đừng phạm phải một tội ác trái với luân thường đạo lí, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự xót thương vô cùng cho nỗi đau khổ tưởng như vượt quá sức chịu đựng của con người.

Để bi kịch thường ngày của người đàn bà hàng chài diễn ra phía sau bãi xe tăng hỏng của chiến trường xưa, có lẽ Nguyễn Minh Châu muốn gợi ra cho người đọc những lo âu, suy ngẫm: cuộc chiến đấu chống lại đói nghèo, tăm tối và bạo lực có lẽ sẽ còn gian nan, lâu dài hơn cả cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, và chừng nào chưa thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, tăm tối, chừng đó con người còn phải chung sống với cái xấu, cái ác – chúng ta đã đổ xương máu trong bao năm qua để dành được độc lập, tự do trong cuộc chiến đấu cho quyền sống của dân tộc; nhưng chúng ta sẽ còn phải tiếp tục làm gì đây trong cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con người, làm gì để đem đến cơm ăn áo mặc, ánh sáng văn hóa và hạnh phúc cho biết bao con người vẫn đang chìm đắm trong kiếp sống đói nghèo, lam lũ và u tối?

Qua nhân vật người đàn bà hàng chài đau khổ, bất hạnh, nhà văn cũng đồng thời bộc lộ niềm tin yêu với những vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn, tính cách con người.

Trân trọng con người nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.

Đối với người chồng vũ phu thô bạo, Trước hết, người đàn bà nhân hậu ấy thấu hiểu, cảm thông và xót thương cho nỗi khổ sở u uất trong lòng chồng. Chị hiểu rõ cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn trên mặt biển đầy sóng gió, sự nghèo đói khốn quẫn trên một con thuyền chật chội, những cay đắng, bế tắc, phất uất triền miên đã vượt khỏi giới hạn chịu đựng của con người, khiến một anh con trai cục tính nhưng hiền lànhkhông bao giờ đánh đập vợ đã dần trở thành vũ phu độc ác. Chị cũng hiểu lão đánh vợ không phải vì thù ghét gì người vợ khốn khổ, lão đánh vợ chỉ như người khác uống rượu cho nguôi quên nỗi khổ sở của mình.

Do đó, chị chịu đựng những trận đòn tàn nhẫn của chồng không phải vì thói quen cam chịu, nhẫn nhục; cũng không chỉ vì trên thuyền phải có một người đàn ông, mà còn như một cách giúp người chồng khốn khổ vơi dịu bớt những u uất, khổ sở dồn nén, chất chứa trong lòng. Chính vì thế mà chị hoàn toàn tự nguyện, lặng lẽ lên bờ, lặng lẽ đi sâu vào phía sau bãi xe tăng hỏng, lặng lẽ đứng lại chờ trận đòn giận dữ như lửa cháy của chồng, lặng lẽ chịu đòn với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy; và để rồi, sau đó, chị lại đi thật nhanh ra khỏi bãi xe tăng hỏng, đuổi theo lão đàn ông. Cả hai người lại trở về thuyền. Đó là cách xử sự của một người phụ nữ vị tha, nhân hậu, con người có đức hi sinh tới kì lạ, người hiểu rõ bổn phận, nghĩa vụ của mình, và gắng thực hiện cho xong (dẫu đó là những bổn phận, nghĩa vụ phi lí, phi nhân tính).

Không chỉ thấu hiểu, xót thương cho nỗi khổ sở của người chồng, cũng không chỉ chia sẻ nỗi khổ sở ấy bằng sự chịu đựng kì lạ, người đàn bà nhân hậu còn mang một mặc cảm có lỗi khi cho rằng: giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn… lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật. Nếu cả Đẩu và Phùng đã kinh ngạc, bất bình trước sự cam chịu, nhẫn nhục của người vợ bị chồng hành hạ thì khi hiểu nguyên nhân của thái độ ấy, họ càng kinh ngạc vì sự nhân hậu vị tha trong tấm lòng người đàn bà ấy cũng lớn lao, kì lạ tới mức không thể nào hiểu được.

Cảm động nhất chính là vẻ đẹp của tình mẫu tử trong lòng người đàn bà hàng chài.

Tình mẫu tử được chị ý thức sâu sắc như một thiên tính đương nhiên của người phụ nữ: Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ.Có lẽ theo chị, khi gánh lấy cái khổ vì con là lẽ đương nhiên thì việc chị vất vả thức trắng đêm kéo lưới hay chịu đựng những trận đòn như cơm bữa của chồng cũng là điều tất yếu phải chấp nhận. Cuộc sống trên mặt biển đầy sóng gió, những đứa trẻ luôn cần sự che trở, bảo vệ của người mẹ, đó cũng là nguyên nhân khiến chị cho rằng: Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!

Chính tình thương yêu sâu sắc với con cái đã khiến chị phải nhẫn nhục chịu sự đày ải tàn nhẫn của người chồng để con thuyền có người đàn ông khỏe mạnh, biết nghề, và quan trọng hơn, đó là người bố của những đứa con, người duy nhất trên đời có thể tận tâm, tận lực cùng chị chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con; cũng vì thương con, muốn bảo vệ các con khỏi bị tổn thương đau đớn mà chị phải xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh; rồi cũng vì lo những phản ứng dữ dội của thằng Phát, sợ thằng bé có thể làm điều gì đó dại dột với bố nó mà chị phải cắn răng gửi thằng con chị yêu thương nhất lên rừng sống với ông ngoại!

Tình mẫu tử thiêng liêng cũng là nguyên nhân cho những đau đớn tột cùng của người mẹ. Khi bị chồng đánh đập tàn nhẫn, chị đã lặng lẽ chịu đựng như một người câm, vậy mà khi thằng Phát lao đến đánh bố để cứu mẹ, chị lại không nén nổi nỗi đau đớn – chị mếu máo gọi con, ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy… Thằng bé đã xuất hiện trước mặt mẹ với sự non nớt ngây thơ của cả tình yêu thương người mẹ và niềm căm giận u tối cùng những hành động khiến lương tri của những người làm cha mẹ phải đau đớn, hãi hùng, thằng bé đã từng như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt… Tình thương con đã khiến người mẹ vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã: nỗi đau khi không che chắn nổi cho tuổi thơ của các con được trong sáng, đau thêm nỗi đau của các con khi phải chứng kiến cảnh bố hành hạ mẹ tàn nhẫn, càng đau hơn bởi từng ngày phải chứng kiến một cách bất lực sự phát triển tính cách của con trong một môi trường tăm tối, bạo lực.

Tình mẫu tử của chị không chỉ được thể hiện qua nước mắt mà còn hiện ra qua niềm vui, dẫu là hiếm hoi, ít ỏi. Khi nhắc tới những lúc vợ chồng con cái sống hòa thuận ở trên thuyền, khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – đó là ánh sáng kì diệu tỏa ra từ vẻ đẹp cảm động của tình mẫu tử. Cam chịu, nhẫn nhục vì con, đau đớn, vất vả vì con, và tất nhiên niềm vui của chị cũng xuất phát từ con cái – chị bày tỏ chân thành, cảm động: Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no. Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà hàng chài là bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.

Cảm phục sự sâu sắc của một con người từng trải:

Nói chuyện với Đẩu và Phùng, người đàn bà hàng chài quê mùa, thất học nhưng lại có con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình, có sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời đã khiến các anh trở thành những người nông nổi, ngây thơ. Những nhận xét giận dữ, bất bình, những lời khuyên đầy thiện chí thấm đẫm lòng nhân hậu, những giải pháp tưởng như duy nhất đúng đắn, tưởng như là lẽ đương nhiên không cần bàn cãi: Cả nước này không có một người chồng nào như hắn… Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu đấy đâu… đều lần lượt vấp phải những lí lẽ bình dị nhưng nghiệt ngã và không thể thay đổi của hiện thực cuộc sống qua những thấu trải, chiêm nghiệm sâu xa của người đàn bà.

Chị đã giúp họ hiểu ra những nghiệt ngã của cuộc đời; đã chỉ rõ sự thiếu thực tế của họ: Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc… Chị cũng cho họ thấy sự khó khăn gấp bội của những người đàn bà trong cuộc mưu sinh bấp bênh và luôn tiềm ẩn những đe dọa bất ưng trên mặt biển: các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…; chị cũng giúp họ hiểu rằng với người đàn bà ở thuyền thì hạnh phúc không quan trọng bằng sự sống, sự tồn tại: đám đàn bà hàng chài chúng tôi cần có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con

Chị đã giúp Đẩu và Phùng nhận ra tình trạng luẩn quẩn, bế tắc trong cuộc sống của ngư dân: ở thuyền thì chật chội, bức bối, bấp bênh nhưng lên bờ thì lại phải bỏ nghề, mà sự tồn tại của ngư dân thì gắn chặt với nghề. Vì vậy, nhiều chính sách nhân đạo tốt đẹp của Nhà nước có khi vẫn bất cập với thực tế cuộc sống của họ: Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

Trước kết luận chua chát của Đẩu về cái nghịch lí xót xa: Bây giờ tôi đã hiểutrên thuyền phải có một người đàn ông.. dù hắn man rợ, tàn bạo, người đàn bà sông nước đã có một lời đáp thật nhẹ nhàng, thấm thía, sâu sắc, chân tình mà thắt vào lòng người khi những chiêm nghiệm được rút ra từ cuộc đời gian truân, vất vả: Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú! Tiếng thở dài của Đẩu, câu hỏi băn khoăn, ái ngại của Phùng, cảm giác bất lực của cả hai người khi nhận ra những giải pháp xuất phát từ lòng tốt và thiện chí của họ trở nên phi thực tế đã tạo ra một đối sánh với người đàn bà từng trải hiểu đời, hiểu người, hiểu tất cả những sự có thể và không thể của cuộc sống đời thường. Sự sâu sắc của chị khiến cho người đọc cảm phục nhưng cũng xót thương hơn cho một kiếp người khi sự sâu sắc được đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cay đắng, nhọc nhằn!

Nhân vật người đàn bà hàng chài còn đưa đến cho người đọc những ấn tượng đặc biệt về một sức mạnh kiên cường

Luôn ý thức sâu sắc về thân phận, về ý nghĩa cuộc sống của mình, đó là nguyên nhân khiến chị có được sức mạnh để có thể chịu đựng tất cả những khó khăn, thử thách, từ những lam lũ vất vả trong cuộc mưu sinh, những cay đắng, giày vò của cuộc sống đói nghèo đến những đau đớn cả về tinh thần và thể xác trong bi kịch gia đình…; lấy sức chịu đựng phi thường của mình cố gắng che chắn cho sự bình yên của gia đình, bảo vệ niềm tin trong trẻo ngây thơ cho tâm hồn con trẻ, gánh đỡ cho chồng những nhọc nhằn, cay đắng, lo cho các con có áo mặc, cơm ăn… – dù tất cả những cố gắng ấy vẫn luôn thất bại ê chề trước sự khắc nghiệt của cuộc sống!

Nhiều năm sau, mỗi khi nhìn lại bức ảnh về Chiếc thuyền ngoài xa, bao giờ nghệ sĩ Phùng cũng thấy người đàn bà ấy bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông. Đó là hình ảnh của những con người vô danh, khốn khổ trong cuộc sống lầm lụi đời thường, họ đã kiên cường vượt lên trên tất cả những gian truân cay đắng của cuộc đời, không phải vì mình mà vì những người thân yêu, những người làm nên ý nghĩa cuộc sống của họ, là lí do để họ sống và chịu đựng, cũng là cội nguồn sức mạnh của họ.

Qua những nét khắc họa ấn tượng từ ngoại hình, dáng vẻ đến cử chỉ, lời nói, hành động…, nhân vật người đàn bà hàng chài đã trở thành một biểu tượng đầy ám ảnh giúp nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện những tư tưởng nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn. Đó là niềm cảm thương và nỗi lo âu cho số phận những con người bất hạnh, khốn khổ trong cuộc sống đói nghèo, tăm tối; niềm trân trọng tin yêu với những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn tính cách những con người nhân hậu, vị tha, sâu sắc và dũng cảm.

Với tình huống truyện độc đáo, với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, sắc sảo, Chiếc thuyền ngoài xa trở thành một trong số những truyện ngắn đặc biệt thành công của văn xuôi Việt Nam thời đổi mới. Tác phẩm thể hiện mối quan hoài thường trực của nhà văn Nguyễn Minh Châu với số phận con người trong cuộc sống đời tư – thế sự, niềm khao khát tìm kiếm, tôn vinh vẻ đẹp con người, những khắc khoải, lo âu trước cái xấu, cái ác; tác phẩm cũng đồng thời thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật văn xuôi Nguyễn Minh Châu với lối văn giản dị mà thấm thía, nhiều dư vị, nhiều trải nghiệm thâm trầm qua những triết lí nhân sinh sâu sắc.

  • Kết bài

Cũng như nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn này, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã bộc lộ sự thấu hiểu, cảm thông và niềm xót thương sâu sắc của nhà văn với số phận con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong hành trình gian nan, đau khổ kiếm tìm hạnh phúc và sự bình yên. Qua đó, tác phẩm đã thể hiện những giá trị nhân đạo sâu sắc, đồng thời giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp nghệ thuật quan trọng có giá trị định hướng cho cả một giai đoạn sáng tác văn chương.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.