Đề kiểm tra giữa học kì 1, Ngữ văn 12

de-kiem-tra-giua-hoc-ki-1-ngu-van-12

Đề kiểm tra giữa học kì 1, Ngữ văn 12

I. Đọc – Hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi:

Thua và thắng

Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.

Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”

Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”

“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.

Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi.”

Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi”. Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.

Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu”. Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.

Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.

Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.
Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông giơ tay tát con một cái, giọng giận dữ: “Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy”.

Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.

Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ”.

Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.

Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.

Người cha thở dài, nói: “Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao? Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”

(Nguồn www.soha.com)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản.

Câu 2: Theo người cha, tại sao vị hòa thượng lại cho rằng: “Con bướm trong tay cháu chết rồi”?

Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi”.

Câu 4: Anh/chị có coi trọng chuyện thắng – thua trong cuộc sống không? Vì sao?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ văn bản của phần đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ)trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Có nhiều lúc bạn phải chấp nhận thua cuộc để rút ra những bài học và trưởng thành hơn”.

Câu 2 (5 điểm)

Niềm tự hào của số 0

Nhờ rất nhiều số 0 đi theo mà số một trở thành khổng lồ, những số 0 vinh dự và tự hào lắm, đi đâu cũng kể lể, vỗ ngực rằng: “Ta là khổng lồ” (Theo Ngụ ngôn chọn lọc, NXB Thanh niên)

Suy nghĩa của anh/chị gợi ra từ câu chuyện trên.

…….Hết…….

Đáp án:

I. Đọc – Hiểu:

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản.

– Phong cách ngôn ngữ chính của văn bản là Tự sự

Câu 2: Theo người cha, tại sao vị hòa thượng lại cho rằng: “Con bướm trong tay cháu chết rồi”?

– Theo người cha, vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết dù biết làm như thế mình sẽ thua một bó củi, như thế người con mới thả nó ra . Nếu vị  hòa thượng ấy nói con bướm còn sống, để thắng được bó củi, người con sẽ bóp chết con bướm. Đó là cái thua vĩ đại của lòng từ bi.

Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi”.

– Ý nghĩa: Trong cuộc sống, không nên vì chuyện thắng, thua mà làm những chuyện nghịch ác. Hãy lấy tấm lòng từ bi làm hành động, như thế mới có thể có được cuộc sống bình yên. Vật chất tuy quý nhưng mất đi có thể có lại được. Thiện tính con người một khi mất đi rồi thật khó phục hồi lại được.

Câu 4: Anh/chị có coi trọng chuyện thắng – thua trong cuộc sống không? Vì sao?

– Thắng và thua trong cuộc sống là điều rất quan trọng đối với mỗi con người. Muốn đạt đến thành công, gặt hái được lợi ích thì phải chiến thắng. Có được lợi ích mới có được hạnh phúc. Người luôn thất bại sẽ sống trong đau khổ, thất vọng và buồn bã. 

– Thế nhưng, không nên thắng bằng mọi cách. Không nên say mê chiến thắng mà bất chấp đạo lí , tình nghĩa ở đời. Hãy chiến thắng bằng thực lực, sự thiện lương và trí tuệ của chính mình. Hãy chiến thắng bằng sự khoan thứ, tấm lòng từ bi.

– Trong cuộc sống, không phải lúc nào ta cũng là người chiến thắng. Có nhiều lúc phải chấp nhận thua cuộc để rút ra những bài học và trưởng thành hơn. Học từ thất bại là cách học khôn ngoan và mạnh mẽ.

II. Làm văn (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm):

“Có nhiều lúc bạn phải chấp nhận thua cuộc để rút ra những bài học và trưởng thành hơn”.

Chiến thắng được làm nên từ rất nhiều sức lao động và sự hi sinh của con người. Không có một chiến thắng vẻ vang nào tự nhiên mà có. Và ngược lại, người ta không bao giờ chuẩn bị để thua cuộc. Thua cuộc chỉ là một bước trì hoãn để đi đến chiến thắng mà thôi. Chuyện thắng và thua ở đời cứ liên tục diễn ra như thế. Nó là lẽ hiển nhiên được sản sinh từ chính bản chất của cuộc đấu tranh sinh tồn. Nó là sức mạnh để cân bằng sự sống trên mặt đất này. Thành công không phải là cuối cùng. Thất bại không có nghĩa là chấm hết. Lòng can đảm đi tiếp mới là điều quan trọng. Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời. Cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Người cao đẹp không tự nhiên mà có. Người tài giỏi nhất định là do rèn luyện. Mỗi khi bạn phải chịu lùi bước hay thất vọng, thay vì trách móc người khác thì hãy cúi đầu và dũng cảm đi tiếp về phía trước.

Câu 2 (5 điểm):

Niềm tự hào của số 0

Nhờ rất nhiều số 0 đi theo mà số một trở thành khổng lồ, những số 0 vinh dự và tự hào lắm, đi đâu cũng kể lể, vỗ ngực rằng: “Ta là khổng lồ” (Theo Ngụ ngôn chọn lọc, NXB Thanh niên)

Suy nghĩa của anh/chị gợi ra từ câu chuyện trên.

(Các bạn xem đáp án tại đây: Suy nghĩa về ý nghĩa câu chuyện ngụ ngôn Niềm kiêu hãnh của con số 0)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.