Thuyết minh về di tích chùa Tam Thanh tỉnh Lạng Sơn

thuyet-minh-ve-chua-tam-thanh-tinh-lang-son

Thuyết minh về chùa Tam Thanh tỉnh Lạng Sơn

  • Mở bài:

Nằm trong quần thể di tích, thắng cảnh động Tam Thanh – đệ nhất bát cảnh xứ Lạng, chùa Tam Thanh là một trong những địa điểm được biết đến nhiều nhất ở lạng Sơn. Không những có giá trị về quang cảnh, văn hóa, lịch sử, chùa còn mang giá trị lịch sử sâu sắc đối với nhân dân Lạng Sơn và cả nước.

  • Thân bài:

Chùa Tam Thanh (hay còn gọi là Thanh Thiền Tự) nằm trong động Tam Thanh thuộc địa phận phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Theo các nhà nghiên cứu cho rằng di tích này xưa kia là nơi thờ tự của Đạo giáo, do vậy Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh là ba cung cao nhất được coi là ba tiên cảnh mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản. Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện nay dấu tích của đạo giáo chỉ còn lại cái tên. Chùa Tam Thanh còn là một di tích tôn giáo tín ngưỡng. Tên gọi chùa Tam Thanh cũng bắt nguồn từ đặc điểm này. Đây là một di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng nổi tiếng của xứ Lạng.

Qua các tài liệu thư tịch cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Tam Thanh có từ thời Lê. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, hiện nay trong chùa Tam Thanh vẫn lưu giữ được hệ thống văn bia khá phong phú, có giá trị về mặt sử liệu và văn học nghệ thuật do các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở Chùa hiện nay là bia “Trùng tu Thanh Thiền động”, được chế tác vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) do Binh sứ Bắc quân đô phủ, Đô đốc Thiêm sự, Vũ quận công Vi Đức Thắng tạo dựng. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ tấm bia bằng chữ Nôm duy nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Tuần phủ Thái Bình là Đào Trọng Vận viết năm 1924.

Nằm trong quần thể động Tam Thanh, trên nền trời mây phủ quanh năm, giữa trùng điệp núi non hiểm trở khiến cho chùa Tam Thanh càng thêm thiêng liêng. Sự hùng vĩ của đất trời biên cương càng làm cho chốn tâm linh trở nên huyền ảo, diệu kỳ và nhuốm màu sắc tâm linh.

Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”.

Chùa Tam Thanh có một tượng phật A Di Đà màu trắng với nét mềm mại, uyển chuyển được tạc nổi vào vách đá từ thế kỷ 15. Pho tượng này mang phong cách nghệ thuật thời Lê – Mạc (thế kỷ 16-17) tạc theo thế đứng trong hình một lá đề. Tượng cao 202 cm, rộng 65 cm, mặc áo cà sa buông chùm xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất trong thế ấn cam lộ. Ngoài ra, Chùa còn có hồ Âm Ti với làn nước trong xanh bốn mùa với muôn trùng nhũ đá thiên tạo từ ngàn năm rất đẹp

Bên trong chùa có nhiều dấu ấn văn hóa – lịch sử được thể hiện rõ nét qua nhiều bài thi, phú của các bậc tiền nhân. Điều đặc biệt ở chùa Tam Thanh không chỉ có là nơi thờ tôn tượng Thích Ca và chư Phật. Trong thời kỳ Tam giáo đồng nguyên, có lúc, chùa còn là nơi thờ Khổng Tử và Lão Tử – hai bậc minh triết của Nho giáo và Đạo giáo. Đây có lẽ là điều hiếm có ở bất kỳ một ngôi chùa nào ở Việt Nam.

Bên cạnh giá trị đặc sắc về tín ngưỡng, tôn giáo, văn học nghệ thuật, nguồn sử liệu,… đến với di tích Động Tam Thanh – Chùa Tam Thanh, còn là vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và hòa mình vào không khí lễ hội Chùa Tam Thanh được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm với nhiều nghi lễ, tập tục truyền thống đặc sắc của nhân dân xứ Lạng

Ngoài giá trị danh thắng, chùa Tam Thanh còn được biết đến bởi những giá trị văn hóa. Trong động chùa còn lưu lại hệ thống văn bia khá phong phú của các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, tấm bia số 4 là tấm bia có niên đại cổ nhất (bia Ma Nhai), được tạc vào thời Lê Vĩnh Trị năm thứ 2 (1677), ghi lại chi tiết việc xây dựng tôn tạo chùa

Chùa Tam Thanh nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật của di tích. Hiện nay trong chùa còn có một hệ thống bia Ma Nhai khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở di tích là tấm bia được Binh Sứ Bắc Quân Đô Phủ, Đô Đốc Thiên Sự Vũ Quận Công Vi Đức Thắng tạc khắc vào thời Lê – Vĩnh Trị thứ 2 (1677) bia có tên là: “Trùng tu Thanh Thiền Động” nội dung bia ghi lại việc hưng công trùng tu di tích này của ông.

Tấm bia cổ tiếp theo là của tác giả Ngô Thì Sĩ tạc vào năm Kỷ Hợi (1779) là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của di tích. Ngoài ra là hai bài thơ của hai vị quan triều Nguyễn (Đoàn Đình Duyệt và Tôn Thất Tố) cho tạc khắc khi theo giá vua khải Định năm 1918 ra tuần thú miền Bắc, nội dung ca ngợi vẻ đẹp danh thắng này.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và của đế quốc Mỹ xâm lược, động Tam Thanh là nơi cất giữ kho tàng hậu cần của quân đội ta. Nơi đây đã chứng kiến biết bao những trận đánh oai hùng giữa quân đội ta với kẻ thù.

Ngày nay, cứ đến ngày 15 tháng Giêng, Lễ hội chùa Tam Thanh – Nhị Thanh lại được chính quyền và nhân dân trong vùng tổ chức. Tiếng lành đồn xa, người dân ở các vùng khác cũng tới cúng lễ, dự hội, mỗi năm một đông vui hơn…

Nằm trong một môi trường lịch sử có bề dày lịch sử và thẫm đấm văn hóa dân gian truyền thống của một đô thị vùng biên giới, Lễ hội chùa Tam Thanh – Nhị Thanh đã được hình thành và phát triển như một nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong vùng và cả du khách ở các vùng khác. Bởi vậy, càng về thời gian sau, lễ hội càng được chính quyền, Ban trị sự của chùa Tam Giáo và chùa Tam Thanh, cùng nhân dân khối phố quan tâm, chú trọng hơn trong công tác tổ chức lễ hội, sao cho vừa giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội, vừa tiến kịp với sự phát triển và hoàn cảnh thực tế của thời đại, vừa đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.

  • Kết bài:

Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, di tích chùa Tam Thanh vẫn giữ được nhiều nét của dáng vẻ ban đầu. Cảnh chùa trang nghiêm hòa lẫn trong núi biếc non xanh, sơn thủy hữu tình, tiếng chuông chùa mỗi sớm vang động tạo hồn cho cảnh núi thâm u khiến cho không gian nơi đây càng thêm huyền diệu, thật đúng là nơi kỳ quan, thắng địa, đã làm say đắm lòng người suốt bao nhiêu năm qua.

Thuyết minh về Ải Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn

3 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.