Thuyết minh về đền Lục Giáp tỉnh Thái Nguyên
Đền Lục Giáp được xây trên địa phận xóm Dương, xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đền Lục Giáp vốn dĩ xa xưa là một ngôi miếu cổ. Qua quá trình lịch sử được nhân dân trùng tu, tôn tạo mở rộng thành ngôi đền Lục Giáp. Đền thờ Ngộ Lão Linh ứng đại vương, người được coi là vị thần tối linh thiêng, thường ban phúc lành, âm phù, trợ giúp cho các tướng lĩnh khi qua vùng này được thần âm phù đi chiến đấu đều chiến thắng.
Đến thế kỷ XII (thời nhà Lý) để tưởng nhớ và ghi nhận công lao của vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh nhân dân ở đây đã lập đền thờ ông. Sang thế kỷ XV (thời Lê) Đỗ Cận người làng Thống Thượng xã Minh Đức ngày nay đỗ tiến sỹ và được bổ làm quan bố chánh phủ Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Ông cho thợ giỏi dùng gỗ tốt để đục đẽo, trạm khắc thành khung nhà hoàn chỉnh tại Thanh Hóa rồi mang về dựng ở đây thay thế cho ngôi đền nhỏ cũ. Từ đấy, nhân dân trong 6 giáp vùng làng Sơn Cốt thờ cúng và đền Lục Giáp mang tên từ đó.
Đền Lục Giáp còn có tên Miếu Vật gắn liền một sự kiện lịch sử là vào thế kỷ XV (thời nhà Lê), một tướng của Lê Lợi là Lưu Nhân Chú. Trong thời gian tuyển mộ nghĩa binh ở đây, ông đã tổ chức thi đấu vật (Hội vật) tại bãi đền Lục Giáp. Sau này, khi chiến thắng quân Minh đã có lần Lưu Nhân Chú trở lại thăm và ghi lưu niệm tại đền.
Đền được xây dựng trên một khu đất cao bằng phẳng, nằm bên bờ sông Công, xung quanh là đồng ruộng chiêm trũng. Đây là một nơi có địa thế cảnh quan rất đẹp, sông nước bao quanh, có cây cao bóng mát, phía trước đền là ao và đồng ruộng, phía sau là sông, cả khu vực đền là một khu danh thắng đẹp. Khu vực chính của đền Lục Giáp rộng 1.360 m2 gồm nhà tiền tế và hậu cung liền nhau, trước đền có sân rộng, giữa sân có bệ để cắm hương hoa, ngôi đền được che phủ bởi tán lá cây đa cổ thụ gốc lớn 6 đến 7 người ôm không xuể.
Đền Lục Giáp ngày nay là công trình kiến trúc cổ thời Lê. Đền có kiến trúc nhà tiền tế có 3 gian, 2 chái, 4 mái, 4 đầu đao và hậu cung; bộ khung, bộ vì bằng gỗ tứ thiết. Đền giữ được hình dáng kiến trúc thấp, hậu cung có một cửa vào phải cúi đầu. Nhà tiền tế và hậu cung đều mang nét chung của kiến trúc đền miếu: cầu kỳ nhưng gọn, đẹp xây dựng theo kiểu “tiền kẻ hậu bẩy”. Tiền kẻ đỡ mái ngói và hậu bẩy chống từ cột giữa ra hiên rất chắc chắn. Cả hai nhà tiền tế, hậu cung đều làm ba gian, hai trái, hậu cung hiện mái vẫn lợp ngói mũi, bốn góc mái cong vút, các cột đều làm bằng gỗ lim qua nhiểu thế kỷ vẫn giữ được màu đen bóng.
Tất cả các đấu trụ, câu đầu, ván lát phía trước hậu cung đều chạm khắc nổi tinh tế, công phu với các hình Long, Ly, Quy, Phượng. Đặc biệt hai cánh cửa chính vào hậu cung được chạm nổi lưỡng Long chầu nguyệt của thời Lê rất đẹp, đạt trình độ mỹ thuật truyền thống tinh xảo.
Về bài trí bên trong của đền gồm nhà tiên tổ có điện thờ gian giữa, không có tượng. Phía trên điện thờ có hoành phi, các cột chính trong nhà được dán câu đối mặc dù mới được viết lại nhưng vẫn mang nội dung và bản sắc cổ xưa. Nhà hậu cung gian giữa có điện thờ chính, trên điện thờ có hai bài vị hai bên của bài vị có hai tượng ngồi, trước đây tượng đắp bằng đất, nhưng hiện nay đã hỏng được thay thế bằng tượng thạch cao. Ngoài điện thờ chính ra ở hậu cung còn hai điện thờ nhỏ ở hai gian trái, trên điện chỉ có ngai không có tượng. Các đồ thờ ở đây như: bệ, điện, tượng, đồ tế lễ…đều được sơn son thiếp vàng, uy nghi trang trọng.
Đến nay đền vẫn còn giữ được một số hiện vật quý của thời nhà Nguyễn như: quả chuông, hai án hưong bằng đồng, một số bát to cổ thờ bằng sứ, số hiện vật tại đền còn lại đến nay rất ít ỏi nhưng có giá trị về nghệ thuật và lịch sử.
Di tích có giá trị về nhiều mặt, nhưng chủ yếu cũng như phân loại trên là lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Về lịch sử đều gắn liền với sự kiện lịch sử và tên tuổi các danh nhân, anh hùng dân tộc từ thời Lý đến các cuộc chiến tranh cách mạng. Về kiến trúc nghệ thuật là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ thời Lê có tính nghệ thuật cao. Ngoài ra, với sự tồn tại của đền cùng với các sinh hoạt truyền thống đền có giá trị về mặt văn hóa, khoa học.
Hằng năm đền mở hội từ ngày 15 tháng 3 (âm lịch) tưởng niệm các danh nhân Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú, Đỗ Cận. Lễ hội có dâng hương tế lễ, rước kiệu, hát ví, đấu cờ, đấu vật và đua thuyền trên Sông Công…thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham dự.
Quần thể di tích lịch sử, văn hóa đền Lục Giáp có ý nghĩa tiêu biểu cho vùng đất Thái Nguyễn giàu truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, trước nguy cơ, các di sản văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một, thất truyền thì những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi thể vật ở quần thể di tích này gần như đã bị lãng quên.
Để lại một phản hồi