Thuyết minh về di tích chiến trường Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên

thuyet-minh-ve-di-tich-chien-truong-dien-bien-phu-tinh-dien-bien

Thuyết minh về di tích chiến trường Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên

  • Mở bài:

Nhắc đến các di tích văn hoá, lịch sử ở tỉnh Điện Biên thì không thể không nhắc đến di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của tỉnh Điên Biên và nước ta. Trận đánh Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” khắc tạc nên những trang sử hào hùng nhất, mãi mãi trở thành niềm tự hào của dân tộc. Di tích còn lại ngày nay vẫn còn lưu nguyên dấu vết của trận chiến kinh thiên động địa thuở ấy.

  • Thân bài:

Quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích lịch sử nằm tại tỉnh Điện Biên ghi lại chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa bao gồm đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu Mường Thanh, sân bay Mường Thanh (nay là sân bay Điện Biên Phủ) và hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nằm ở phía đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, đêm 6-5-1954, quân ta đã đào một đường hầm, đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000kg và cho điểm hỏa. Đến sáng 7-5-1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi hoàn toàn. Đồi A1 nay là điểm tham quan thu hút du khách trong nước và quốc tế với các hầm, hào, lô cốt, xe tăng được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tại đây, khách du lịch có thể trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, nghe cựu chiến binh kể chuyện…

Hầm chỉ huy của tướng De Castries nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Hầm được xây dựng kiên cố với mái vòm bằng sắt, ván gỗ và nhiều bao cát, hàng rào thép gai hay những bãi mìn dày đặc bao bọc xung quanh. Bốn góc của hầm là 4 xe tăng và phía tây là trận địa pháo bảo vệ. Căn hầm dài 20 mét, rộng 8 mét được chia làm 4 ngăn là nơi làm vệc và nghỉ ngơi của tướng De Castries cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thất bại thảm hại của một đạo quân viễn chinh với hình ảnh viên tướng chỉ huy cùng toàn bộ sĩ quan dưới quyền giơ tay xin hàng và bộ đội ta phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Một di tích khác không thể không nhắc tới cùng những bản hùng ca về người chiến sĩ Điện Biên đó là di tích Đường kéo pháo. Tuyến đường huyền thoại này đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại. Chỉ bằng sức người cùng những dụng cụ thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần anh dũng quả cảm, quân và dân ta đã mở những tuyến đường trên các sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa.

Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km là Sở chỉ huy chiến dịch nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31-1 đến 15-5-1954. Tại đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các tướng lĩnh chỉ huy đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận dẫn đến chiến thắng lịch sử lừng lẫy ngày 7/5/1954. Rừng Mường Phăng đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được người dân gọi là “Rừng Đại tướng”.

Trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, một công trình tuy ra đời trong thời bình nhưng có vai trò hết sức quan trọng, đó là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình này được hoàn thành năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng có hình dáng mô phỏng chiếc mũ của bộ đội ta năm xưa. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gồm 2 khu trưng bày: Bên ngoài gồm 112 hiện vật là các loại vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp sử dụng, bên trong trưng bày 274 hiện vật và 202 bức ảnh tư liệu. Bảo tàng đã góp phần phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ và là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Điện Biên.

  • Kết bài:

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự hùng mạnh, phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, giải phóng hoàn toàn một nửa đất nước, mở đầu thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

2 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.