Thuyết minh về Dinh thự Hoàng A Tưởng tỉnh Lào Cai

thuyet-minh-ve-dinh-thu-hoang-a-tuong-tinh-lao-cai

Thuyết minh về Dinh thự Hoàng A Tưởng tỉnh Lào Cai

  • Mở bài:

Bắc Hà là huyện vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai, không nổi tiếng như Sapa, nhưng Bắc Hà lại có vẻ đẹp hoang sơ nguyên bản kết hợp với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc H’mông, khiến nơi này từ lâu đã là điểm đến thu hút du khách. Trong đó, nổi tiếng nhất Bắc Hà là Dinh thự của Hoàng A Tưởng, một thổ ti khét tiếng một thời miền Tây Bắc tổ quốc.

  • Thân bài:

Dinh thự Hoàng A Tưởng nằm ở trung tâm huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Kiến trúc Dinh Hoàng A Tưởng theo phong cách Á – Âu kết hợp, tạo sự hài hoà, bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Dinh được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921. Chủ nhân là Hoàng Yến Chao dân tộc Tày, bố đẻ của Hoàng A Tưởng. Trải qua hơn 80 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một nơi dân cư đông đúc, phố xá tấp nập.

Hoàng Yến Chao là một tù trưởng hùng mạnh. Trong suốt thời gian trị vì, được thực dân Pháp ủng hộ, cha con Hoàng Yến Chao – Hoàng A Tưởng đã ra sức bóc lột nhân dân, chiếm giữ các vùng đất màu mỡ, bắt dân bản phục dịch hầu hạ nộp các hiện vật có giá trị, đồng thời độc quyền bán muối, hàng tiêu dùng, khai thác lâm thổ sản, thuốc phiện và lương thực, thực phẩm cho các đồn binh Pháp và bọn tay sai.

Dựa vào tiềm lực kinh tế, thổ ti Hoàng Yến Chao cho xây dựng một dinh thự bề thế và mời thầy địa lý chọn đất, hướng nhà với hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc thiết kế và trực tiếp thi công.

Dinh thự Hoàng A Tưởng có địa thế đất dựa núi nhìn sông rất đẹp. Dinh nằm trên quả đồi rộng lớn, phía sau là hai ngọn núi chắn hướng về phía đông nam và trước mặt có thể ngắm sông nước. Khung cảnh sơn thủy hữu tình càng làm cho dinh thự lầu son gác tía thêm nổi bật. Đặc biệt, lối kiến trúc của công trình rất độc đáo, từng viên gạch ngói cũng được thiết kế vô cùng tỉ mỉ và công phu.

Dinh thự vua Mèo Bắc Hà được xây theo lối kết hợp kiến trúc Á –  Âu, do kiến trúc sư Pháp, Trung Quốc thiết kế, thi công. Với tổng 36 phòng tạo nên một sự đan xen vô cùng hài hòa cùng bố cục dạng chữ nhật khép kín liên hoàn đã tạo nên một công trình vô cùng xuất sắc.

Bố cục của dinh thự là hình chữ nhật liên hoàn khép kín bao quanh. Đi qua cửa chính đến phòng chờ nơi có bình phong. Ở giữa sâu vào trong là nhà chính. Hai bên tả, hữu là nhà phụ, trước là bức bình phong, giữa là sân trời. Vào dinh phải bước lên mấy bậc cầu thang từ hai bên lại, rồi tới phòng chờ, sau đó mới bước vào khoảng sân rộng để hành lễ và múa xòe. Nhà chính hai tầng có diện tích 420m². Các cửa nhà hình vòm. Tuy các cửa cao thấp không đều, nhưng cân đối, hành lang có lan can. Trước các cửa đều đắp pháo nổi. Cả hai tầng nhà chính đều có ba gian. Bốn gian hai bên phải trái của cả hai tầng là nơi sinh hoạt gia đình.

Gian giữa cả hai tầng dùng làm nơi hội họp. Mặt chính trang trí bằng nhiều hoạ tiết công phu. Hai bên phải và trái có đắp nổi hai câu đối với nội dung chúc gia đình dòng họ hiển vinh… Hai bên tả hữu là hai dãy nhà ngang có bố cục và kiến trúc giống nhau. Mỗi dãy đều hai tầng nhưng thấp hơn nhà chính, mỗi tầng cũng có ba gian với tổng diện tích 300m² mỗi gian đều có chức năng sử dụng riêng. Tiếp giáp với hai dãy nhà còn có hai nhà phụ cũng gồm hai tầng nhưng kiến trúc đơn giản và dùng làm nhà kho, cho lính và phu ở, tổng diện tích mỗi nhà 160m².

Dinh thự Hoàng A Tưởng là thể loại công trình kết hợp vừa để ở, để làm việc và là pháo đài phòng thủ. Đây là một loại hình kiến trúc hiếm có trong di sản di tích kiến trúc Việt Nam. Bố cục tòa nhà như một pháo đài khép kín, chỉ có một cửa vào duy nhất, bố trí các lỗ châu mai dọc theo hành lang phía trước nơi có lối vào tòa nhà và cửa chính ở trên cao. Điều này thuận tiện cho việc bảo vệ.

Vật liệu xây dựng gạch ngói sản xuất tại chỗ bằng cách mời chuyên gia Trung Quốc. Sắt, thép và xi măng được mua từ dưới xuôi chở bằng máy bay. Xung quanh có tường xây bao gồm ba cồng (một chính, hai phụ) trổ nhiều lỗ châu mai và có lính gác với số lượng hai trung đội. Tổng diện tích toàn khu nhà lên tới 4.000m².

Khoảng những năm 1950, toàn bộ gia quyến của ông Hoàng A Tưởng vào Lâm Đồng sinh sống, để lại dinh thự tại thị trấn Bắc Hà. Từ đó, chính quyền Bắc Hà đã tiếp quản và biến nơi này thành địa điểm du lịch. Khu biệt thự này đang được gìn giữ, bảo quản và tôn tạo để khách tham quan có thể tìm hiểu về lịch sử xã hội vùng dân tộc miền núi một thời đã qua.

  • Kết bài:

Trải qua thăng trầm và biến cố của hơn 100 năm lịch sử, dinh thự vua Mèo Hoàng A Tưởng dù đã có thay đổi nhiều nhưng vẫn mang trong mình những nét đẹp uy nghi, trầm mặc, gợi nhớ về một thời oai hùng của các vị tù trưởng miền núi và cảnh sống cơ cực, khổ đau dưới sự thống trị hà khắc của phong kiến miền núi của đồng bào nơi đây.


Tham khảo:

Hàng trăm năm nay, người Bắc Hà (Lào Cai) xem dinh thự Hoàng A Tưởng vừa là niềm tự hào, nhưng cũng thắm đượm nỗi buồn. Tự hào khi cả một vùng cao nguyên rộng lớn toàn đá xám ngoét lại mọc lên một dinh thự tuyệt đẹp. Buồn, vì dinh thự đó đã “hút” bao nhiêu máu và nước mắt của một thời đã qua.

Từ thành phố Lào Cai ngược lên hướng bắc 85km, qua những cung đường uốn cong khúc khuỷu như con bạch xà là đến thị trấn Bắc Hà huyền thoại. Màu hoa đào quyện bên những xống váy mèo thơ mộng càng làm cho cao nguyên rực rỡ hơn. Bên nồi thắng cố chợ phiên, người ta rỉ tai nhau những câu chuyện về Hoàng A Tưởng…

Trước cách mạng tháng Tám, cũng như tình hình chung Việt Nam, một vùng rộng lớn Lào Cai vẫn đắm chìm trong sự hà khắc của chế độ phong kiến. Chưa hết, đặc thù vùng cao đã chia tách và phân hóa các bộ phận giai cấp để bóc lột. Và nổi lên trong giới quý tộc thời gian này ở cao nguyên Bắc Hà là cha con Hoàng Yến Chao – Hoàng A Tưởng.

Những ai đã từng đặt chân lên với thị trấn miền biên ải đều trầm trồ thán phục cái vẻ trầm tư cổ kính và những giá trị lịch sử của dinh thự Hoàng A Tưởng, bởi cái màu thời gian và những huyền thoại về chủ nhân của dinh thự như còn lưu dấu trên mỗi cây cột nhà hay những góc tường rêu phong cổ kính.

Nhắc tới dinh thự, nhiều cao niên sinh sống tại xứ mây trắng này vẫn còn nhớ như in những quy định cống nạp nguyên liệu sáp ong ở các vách núi của người dân để xây dựng dinh thự xa hoa. Sau nhiều năm lịch sử không thể phủ nhận việc dân Bắc Hà một cổ nhiều tròng, ngoài tiền thuế má, nô dịch còn phải nộp thuốc phiện theo định kỳ để nhà họ Hoàng hưởng lợi. Do độc quyền trong việc bán muối và nhu yếu phẩm khi có sự bảo hộ của Pháp, đã tạo nên sự giàu có khủng khiếp của Hoàng A Tưởng.

Tương truyền, trước khi dinh thự Hoàng A Tưởng được khởi công, họ Hoàng đã mời một thầy địa lý nổi tiếng người Trung Quốc sang chọn thế đất. Địa mạch vô cùng quan trọng khi xây dựng một công trình kiên cố lâu bền nên thầy địa lý đã phải dùng đến cả 2 chiêu là thuật phong thủy và phép xem thuật phong thủy để chọn được đất âm dương hài hòa. Sau 2 năm tìm kiếm, thầy địa lý cũng tìm được khu đất tụ cả long – mạch – thủy – sa. Đó là khu đất cao ráo vuông vức hướng đông nam, phía sau và hai bên phải trái đều có núi. Phía trước có suối và núi “mẹ bồng con”.

Công trình bắt đầu được khởi công vào năm 1914. Vật liệu để làm nên công trình được Hoàng A Tưởng chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Người ta kể rằng, xi măng sắt thép được chở bằng máy bay từ dưới xuôi lên. Còn gạch ngói được họ Hoàng cho sản xuất tại chỗ bằng đất sét trong lòng các dãy núi, dưới sự giám sát của các chuyên gia gốm nung người Trung Quốc. Dinh thự được thiết kế do hai KTS người Pháp và Trung Quốc. Do vậy, dinh thự Hoàng A Tưởng mang tính kết hợp kiến trúc Á – Âu hài hòa. Nhân công là những thợ xây giỏi nhất lấy trong các nhà tù và họ chia ra để làm các công đoạn khác nhau.

Nhìn tổng thể, dinh thự họ Hoàng rất hài hòa. Vòm trên cùng của ngôi nhà chính có đắp nổi hai cành nguyệt quế, giữa có lỗ rỗng hình mặt nguyệt. Xung quanh khu nhà Hoàng A Tưởng có đường rào dày gồm 3 cổng: Một chính và hai phụ. Bốn phía tường rào đều có lỗ châu mai, thường xuyên có hai trung đội lính canh phòng cẩn mật.

Chưa hết, phía sau nhà còn có một hầm thoát hiểm kiên cố và hàm chứa nhiều điều bí mật. Có lẽ vì thế, mà sau 7 năm xây dựng, đến ngày khánh thành toàn bộ cúp thợ xây hầm, người cầm bản vẽ và thi công đã… mất tích. Có người cho rằng, Hoàng A Tưởng đã “thủ tiêu” họ để giữ bí mật cho hầm nhà. Ngoài việc xây dựng dinh thự để thể hiện quyền uy thống trị. Nhà họ Hoàng còn mang đậm xu hướng cách tân công trình theo kiểu bền chắc của Pháp, cổ kính của Tàu. Toàn bộ mái ngói và công xôn gỗ là của Pháp nhưng được kết hợp với kiến trúc tâm linh của Trung Quốc qua các hình rồng phượng và tứ linh.

Với khu đất rộng tới 10 nghìn m2 trên một quả đồi bằng, diện tích xây dựng công trình hai tầng lên tới 4 nghìn m2. Đủ tất cả các phòng cho các bà vợ, những đứa con và khu ở riêng cho các quan, cố vấn người Pháp… Có thể khẳng định, dinh thự Hoàng A Tưởng là một kỳ quan của cao nguyên Bắc Hà. Công trình có giá trị kiến trúc và lịch sử to lớn, phản ánh một thời kỳ hoàng kim của Thổ ty Hoàng A Tưởng, nhưng cũng đượm buồn bởi máu, nước mắt và bao công sức của nhân dân Bắc Hà.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.