Thuyết minh về di tích thành Bản Phủ tỉnh Điện Biên

Thuyết minh về di tích thành Bản Phủ tỉnh Điện Biên

  • Mở bài:

Điện Biên là vùng đất biên cương, nơi dệt nên những trang sử hào hùng của đất nước. Vùng đất Điện Biên nổi tiếng không chỉ với chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta đánh bại thực dân pháp “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nơi đây, vào thế kỉ 8, người anh hùng Hoàng Công Chất đã từng lãnh đạo nhân dân đánh bại các cuộc xâm phạm lãnh thổ của các phiến quan Trung Hoa giữ yên bờ cõi. Thành Bản Phủ là một trong những chứng tích hào hùng còn lưu dấu cho đến ngày nay.

  • Thân bài:

Thành Bản Phủ là thành lũy được Hoàng Công Chất xây dựng ở châu Ninh Biên, phủ An Tây làm thủ phủ cho nghĩa quân. Thành Bản Phủ tọa lạc ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 9 km.

Đầu của thế kỷ 18 xuất hiện giặc Phẻ, còn gọi là giặc cờ vàng, một tàn quân của cuộc khởi nghĩ Thái Bình Thiên Quốc ở Vân Nam Trung Quốc thế kỷ 18, từ phương Bắc tràn xuống vùng Mường Thanh, cướp phá, giết hại dân lành. Đứng đầu đám giặc cỏ là tên tướng Phạ Chẩu Tin Toòng. Khi chiếm được Mường Thanh khoảng năm 1740, chúng đóng quân trong thành Tam Vạn, rồi cướp phá khắp nơi đến tận Thuận Châu ( Sơn La).

Năm 1754, sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều định Lê – Trịnh tại vùng đất thuộc Thái Bình ngày nay, Hoàng Công Chất, một thủ lĩnh người Thái Bình, đã đưa nghĩa quân lên vùng Tây Bắc, liên kết, phối hợp với 2 tướng địa phương là tướng Ngải, tướng Khanh lãnh đạo nhân dân đánh bại cuộc xâm lược của giặc Phẻ, giải phóng hoàn toàn Mường Thanh. Phá xong giặc, Hoàng Công Chất đóng quân trong thành Tam Vạn để xây dựng vùng Mường Thanh thành căn cứ địa lâu dài.

Năm 1758, Hoàng Công Chất quyết định cho xây dựng thành Bản Phủ một thành lũy vững chắc và kiên cố hơn thành Tam Vạn làm thủ phủ của nghĩa quân. Đến năm 1762, thành Bản Phủ được xây dựng xong.

Thành rộng hơn 80 mẫu, xây dựng theo một hình thế rất linh hoạt, tận dụng được những thuận lợi về thiên nhiên, địa hình. Lưng thành dựa vào sông Nậm Rốm. Chân thành rộng 15m, mặt thành rộng 5m, cao 15m; voi ngựa có thể đi lại dễ dàng. Tường thành đắp bằng đất; trồng 3 vạn gốc tre gai đem từ miền Tây Thanh Hóa lên. Hào sâu rộng 4-5 thước. Thành có 4 cổng: tiền, hậu, tả, hữu. Mỗi cổng có đồn và vọng gác đắp cao. Ngoài thành khắp 4 phía đều được trồng một giống tre ngà có gai cong như chiếc ngà voi làm phên dậu che chắn cho tòa thành…

Năm 1767 khi tướng Hoàng Công Chất qua đời, để tỏ lòng biết ơn người anh hùng đã có công dẹp giặc ngoại xâm đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân, nhân dân Mường Thanh đã lập đền thờ linh chúa Hoàng Công Chất và  06 vị thần quận công: Lò Ngải, Bạc Cầm Khanh, Hoàng Công Toản, Bun Phanh, Vũ Tả, Nguyễn Hữu, được dân gian gọi chung là đền Hoàng Công Chất.

Đền thờ Hoàng Công Chất được xây ở trung tâm thành, thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân. Đền khi xây dựng có 02 gian, mái lợp bằng cỏ tranh do đó đã có thời kỳ bị bà con đốt nương làm cháy, sau đó được tu sửa khang trang với tường gạch, mái ngói. Nhân dân trồng ba cây đa, si, đề  chung một gốc tại đền để thể hiện tình đoàn kết keo sơn giữa nhân dân miền xuôi và miền ngược. Từ cấu trúc ngôi đền đến thờ tự bài trí đều có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Thái và văn hóa Kinh mặc dù chủ trì đền ngày đó là người Thái ở địa phương. Trong đền trước đây có treo chuông, ban thờ bày các cột đèn, hai bên hương án có bày đôi hạc đứng trên lưng rùa bằng đồng. Đền còn là nơi tín ngưỡng của nhân dân trong ngày rằm, đầu xuân năm mới, nhất là ngày lễ hội truyền thống vào các ngày 24, 25 tháng Hai âm lịch hàng năm.

Thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất với những dấu vết còn lại đến ngày nay vẫn còn có giá trị về nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, khoa học. Tuy Thành đã bị phá hủy nhiều sau khi quân Trịnh tiến vào chiếm giữ, sau ngày giải phóng Điện Biên 1954 Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư để trùng tu, phục hồi những công trình trong di tích để tri ân nghĩa quân, đồng thời đây cũng là điểm sáng trong lịch sử bảo vệ biên cương tổ quốc của dân tộc ta.

Di tích Thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất là minh chứng cho cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc dưới sự chỉ huy của Hoàng Công Chất đánh tan giặc ngoại xâm, giữ yên biên cương, bờ cõi. Di tích còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Hoàng Công Chất nhân dân các dân tộc nơi đây đã đoàn kết một lòng đánh đuổi kẻ thù chung ra khỏi bờ cõi của đất nước, cùng nhau xây dựng Bản, Mường âm no hạnh phúc. Thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất ngày nay là một trong những chứng tích huy hoàng ghi dấu ấn lịch sử quan trọng trong công cuộc chống thù trong giặc ngoài bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc của nghĩa quân Hoàng Công Chất và nhân dân Tây Bắc.

Di tích còn là một trường học cách mạng lớn, là nơi tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam về truyền thống anh hùng, truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Sự hy sinh của đồng bào các dân tộc nơi đây cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam sẽ mãi được ghi vào những trang sử vàng vẻ vang nhất.

Năm 1981, sau khi di tích Thành Bản Phủ được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhà nước đã đầu tư kinh phí cùng với sự ủng hộ đóng góp của nhân dân nên bước đầu ngôi đền đã được tu bổ một số hạng mục nhưng không làm mất đi những đường nét cũ, có tủ kính trưng bày chén rượu ăn thề, thanh đao, mũi xiên của nghĩa quân, sơ đồ thành Bản Phủ… Những hiện vật này các cơ quan chức năng nên sưu tầm hoặc phục chế lại để trưng bày tại nhà trưng bày, bổ sung di tích phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.

  • Kết bài:

Di tích Thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất là di sản văn hóa quý báu, là niềm tự hào của nước ta nói chung và của nhân dân dân tộc Điện Biên nói riêng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; là tài nguyên du lịch và là điểm đến trong hành trình về nguồn của du khách khi đến thăm Điện Biên. Theo thời gian di tích tuy đã mai một xuống cấp nhưng vẫn chứa đựng hồn thiêng đất trời, núi sông, thấm đẫm sức lực, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của thế hệ cha ông, minh chứng cho cả một quá trình thăng trầm của lịch sử dân tộc. Thành Bản Phủ – Đền Hoàng Công Chất đã thực sự trở thành nơi giáo dục truyền thống đối với du khách đến từ mọi miền Tổ quốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang