Trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945

trao-luu-lang-man-trong-van-hoc-viet-nam-giai-doan-1930-1945

Trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

I. Hoàn cảnh ra đời, quá trình phát triển của trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

1. Hoàn cảnh ra đời.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Sau khi bình định xong nước ta về mặt quân sự, chúng ráo riết tiến hành liên tiếp các cuộc khai thác thuộc địa nhằm bóc lột về kinh tế. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc trong cơ cấu xã hội Việt Nam và ý thức hệ tư tưởng của con người. Văn hóa Pháp, văn hóa châu Âu theo bước chân bọn xâm lược đã ảnh hưởng vào Việt Nam, trong đó hạt nhân của nó là tư tưởng đề cao tự do cá nhân đã có tác động không nhỏ tới cảm xúc, suy nghĩ của người trí thức. Về mặt nghệ thuật, chủ nghĩa lãng mạn phương Tây (cùng một số trào lưu khác sau đó như tượng trưng, siêu thực) xuất hiện từ một thế kỷ trước đó đã để lại dấu ấn rõ nét và tạo nên một trào lưu nghệ thuật mới trong văn chương, hội họa, âm nhạc Việt Nam, trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là ở lĩnh vực văn chương kể từ đầu thập niên 1930 trở đi.

Sau ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học và 12 yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, Pháp đẩy mạnh việc đàn áp khủng bố, bắt bớ tù đày các nhà ái quốc, dập tắt khởi nghĩa. Các phong trào yêu nước cách mạng tạm thời lắng xuống, rút vào hoạt động bí mật. Cuộc khủng bố quy mô toàn quốc những năm 1930 đã gây một không khí hoang mang, lo sợ trong các tầng lớp thanh niên trí thức.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 từ “mẫu quốc” Pháp tràn về Đông Dương thuộc địa như một thiên tai, cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân ngày càng trở nên khó khăn. Điều này càng làm tăng thêm bi quan cho bầu không khí u ám buồn thảm vốn có.

Trong bối cảnh đó, những người trí thức ấp ủ tinh thần dân tộc mang tâm trạng chán nản, muốn thoát ly thực tại, xa lánh đời sống chính trị. Lại sẵn ảnh hưởng của tư tưởng tự do cá nhân, họ tạo ra những tác phẩm văn chương với nội dung và mục đích thoát ly thực tại, đào sâu vào thế giới của “cái tôi nội cảm”. Những tác phẩm này được gọi là văn học lãng mạn.

Như vậy, sự ra đời của trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 có tiền đề từ thực tế xã hội cùng nhu cầu bức thiết giải phóng cá nhân, giải quyết được tình trạng bế tắc của giới trí thức trong bối cảnh xã hội bi quan đó. Con đường làm văn học nghệ thuật bằng chủ nghĩa lãng mạn là lối thoát trong sạch, là nơi trú ẩn tương đối an toàn có thể gửi gắm tâm sự, cũng là phương cách để bày tỏ lòng yêu nước.

2. Quá trình phát triển.

Ở các thế kỷ trước, chưa có chủ nghĩa lãng mạn trong các loại hình văn học, mới chỉ thấy mầm mống những yếu tố lãng mạn đậm nét về cảm xúc và biểu hiện ngôn từ.

Tính chất lãng mạn thể hiện rõ trong các loại ca hát dân gian như quan họ, ca trù. Qua các làn điệu, giai điệu, lời hát uyển chuyển, duyên dáng, nhân dân lao động như bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên cảnh vật, một mơ ước thiết tha về tình yêu, tình người. Đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, nội dung căn bản mang tính hiện thực nhưng có chứa đựng những yếu tố lãng mạn sâu sắc về tả cảnh, tả tình. Còn nhu cầu bộc lộ cái tôi khẳng định cái “bản ngã” giữa một nền văn học “phi ngã” cũng đã bắt đầu xuất hiện ở những cá tính sáng tạo như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…

Từ đầu thế kỷ XX đến trước năm 1932, một số tác phẩm có tính chất lãng mạn như “Khối tình con” của Tản Đà, “Một tấm lòng” của Đoàn Như Khuê, “Giọt lệ thu” của Tương Phố, “Linh phượng kí” của Đông Hồ, “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách… đã ra đời dưới sự ảnh hưởng của thi ca lãng mạn Pháp. Nhưng phải chờ tới khi Nhất Linh du học ở Pháp về chủ trương tuần báo “Phong hóa”, thành lập Tự lực văn đoàn, hô hào thay cũ đổi mới; và dấy lên phong trào Thơ mới, thì trào lưu văn chương lãng mạn mới thực sự có mặt trong nền văn học Việt Nam.

Như vậy, văn học lãng mạn Việt Nam thực sự xuất hiện như một trào lưu trong giai đoạn 1932 – 1945. Về quá trình phát triển của văn học lãng mạn có thể chia ra ba thời kỳ: 1932 – 1935, 1936 – 1939, 1940 – 1945.

a) Thời kỳ thứ nhất (1932 – 1935):

Thời kỳ này, phong trào Thơ mới và văn chương Tự lực văn đoàn, nói chung là thuần nhất, chưa có sự phân hóa sâu sắc như thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Nội dung tư tưởng cũng có những yếu tố tiến bộ, tích cực nhất định.

Thơ mới thời kỳ này là sự khẳng định những tên tuổi của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên với những bài thơ trong sáng, thấm tinh thần dân tộc như “Nhớ rừng”, “Tiếng gọi bên sông”, “Chùa Hương”, “Con voi già”… Văn chương của nhóm Tự lực văn đoàn cũng xuất hiện một số tác phẩm có giá trị. Những tiểu thuyết “Hồn bướm, mơ tiên”, “Gánh hàng hoa” ca ngợi tình yêu tự do; những tiểu thuyết lãng mạn như: “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt” đấu tranh cho quyền sống cá nhân, phê phán đại gia đình phong kiến.

Thời kỳ này, ngoài những sáng tác của các tác giả kể trên, để đóng góp vào sự “thắng thế” của văn học lãng mạn, còn phải kể đến vai trò của những cuộc tranh luận văn học sôi nổi được sự tham gia tích cực của văn giới, của nhiều tờ báo: Phong hóa, Ngày nay là nơi quy tụ văn chương của các nhà văn, nhà thơ của phong trào văn học lãng mạn gồm có: Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Huy Cận, Thạch Lam, Xuân Diệu, Thanh Tịnh; ngoài ra còn các tờ Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ bảy, Tao đàn… Các cuộc tranh luận trên các báo này xoay quanh vấn đề thơ mới – thơ cũ, hôn nhân gia đình, nghệ thuật phục vụ cái gì…

b) Thời kỳ thứ hai( 1936 – 1939):

Văn học lãng mạn thời kỳ này có sự phân hóa do tác động của phong trào Mặt trận Dân chủ. Về văn xuôi, một số nhà văn có xu hướng nghiêng về bình dân, trong tác phẩm của họ có nhiều yếu tố hiện thực và nhân đạo (Thạch Lam, Trần Tiêu). Một số nhà văn lãng mạn như Nhất Linh, Hoàng Đạo đã quan tâm đến những cảnh “tối tăm”, “bùn lầy nước đọng” ở thôn quê. Năm 1937, Tự lực văn đoàn phát giải thưởng văn học cho “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, “Kim tiền” của Vi Huyền Đắc, sau đó cho đăng trên báo “Ngày nay”những tác phẩm có nhiều tính chất hiện thực như “Con trâu”, “Sau lũy tre”, “Những ngày thơ ấu”.

Một mặt khác, xu hướng cải lương của Tự lực văn đoàn ngày một đậm nét hơn và đi vào tổ chức (Hội Ánh sáng). Một số tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa cải lương tư sản (“Gia đình”, “Con đường sáng”). Một số tác phẩm khác lại lý tưởng hóa hình ảnh người khách chinh phu, con người mê man trong hành động, từ giã gia đình quê hương ra đi, tuy mơ hồ sương khói nhưng hết sức hấp dẫn, quyến rũ (“Thế rồi một buổi chiều”, “Đôi bạn”). Về thơ ca nói chung, có sự phân hóa giữa các trào lưu thơ cách mạng, thơ hiện thực, thơ trào phúng. Nhưng riêng trong Thơ mới lãng mạn thì sự phân hóa rất ít, mà chủ yếu đào sâu vào cái tôi cá nhân. Khi phong trào cách mạng của quần chúng rầm rộ lên cao trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, khá đông thanh niên bừng tỉnh một lý tưởng mới thì cái tôi của Thơ mới hiện ra có phần lạc lõng.

Nếu đem “gạn đục khơi trong” thì đây đó ta gặp một số yếu tố tích cực: trong thơ Nguyễn Bính là vẻ đẹp trong sáng, gần gũi với dân tộc; trong thơ Xuân Diệu là lòng yêu cuộc sống, thái độ “phân vân” trước cuộc sống; trong thơ Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư là nỗi đau xót quằn quại, lòng yêu thương trân trọng con người; trong thơ Chế Lan Viên là một tâm sự yêu nước thầm kín xen lẫn thái độ nuối tiếc một thời quá khứ xa xưa… Ở cuối thời kỳ thứ hai này đã thấy những dấu hiệu đi xuống của thời kỳ thứ ba.

c) Thời kỳ thứ ba (1940 – 1945):

Sau năm 1939, phong trào cách mạng bị khủng bố dữ dội, đời sống của các tầng lớp nhân dân sa vào cảnh khó khăn túng quẫn. Các nhà văn lãng mạn, người thì hoang mang dao động, do dự, chờ thời; người thì vùi đầu vào trụy lạc; kẻ thì quay ra hoạt động chính trị thân Nhật (Nhất Linh Nguyễn Tường Tam). Văn chương Tự lực văn đoàn và Thơ mới đều sa vào cảnh bế tắc cùng quẫn. Những khuynh hướng tiêu cực ngày càng phát triển. Tự lực văn đoàn cho ra đời những tác phẩm ít nhiều mang màu sắc hiện đại chủ nghĩa (“Đẹp”, “Bướm trắng”, “Thanh Đức”)…

Còn phong trào Thơ mới thì bắt đầu thời kỳ suy thoái của nó với tập “Thơ say” của Vũ Hoàng Chương, tiếp đến là một số tác phẩm khác: “Thượng thanh khí” (Hàn Mặc Tử), “Vàng sao” (Chế Lan Viên), “Kinh cầu tự”, “Vũ trụ ca” (Huy Cận), “Mây” (Vũ Hoàng Chương), và các tập kịch thơ của Đinh Hùng…

Như vậy, có thể nói con đường đi của văn học lãng mạn là con đường ngày càng xuống dốc. Càng gần đến cách mạng tháng 8/1945 thì trào lưu lãng mạn càng bộc lộ rõ những bạc nhược, hạn chế của nó. Nguyên nhân sâu xa là do nghệ sĩ lãng mạn ngay từ đầu đã tách biệt mình khỏi đời sống xã hội, đứng ngoài cuộc đấu tranh lành mạnh giải phóng dân tộc của quần chúng nhân dân. Bởi thế, theo xu hướng của lịch sử và văn học, trào lưu lãng mạn 1930 – 1945 đi vào hồi cáo chung cũng chính là một tất yếu của lịch sử.

II. Đặc trưng của trào lưu lãng mạn.

Chúng ta không thể phủ nhận rằng trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn chương thế kỷ XIX của Pháp. Chỉ trong khoảng thời gian mười lăm năm, văn học Việt Nam đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của hơn một trăm năm văn học Pháp, từ trường phái lãng mạn hồi đầu thế kỷ XIX như Huygô, Lamactin, Satôbriăng, Muyxê, Vinhi đến nhóm Thi sơn với Gôtiơ, qua trường phái tượng trưng với Rimbô, Veclen, Malacmê. Tuy nhiên, điều đáng nói là văn học Việt Nam đã không có tính cách ngoại lai, vẫn mang bản sắc riêng chứa đựng tâm hồn Việt. Để tìm hiểu đặc trưng của trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam, ta hãy bắt đầu từ quan niệm cho đến thực tiễn sáng tác của các nghệ sĩ lãng mạn.

1. Về quan niệm thẩm mỹ:

Ở nước ta, các nhà văn lãng mạn ít khi lập thành trường phái và có những tuyên ngôn nghệ thuật riêng. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy được quan điểm thẩm mỹ của họ qua một số bài thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…Thực ra, quan điểm mỹ học của các nhà thơ lãng mạn ở nước ta không có gì mới so với các nhà thơ lãng mạn phương Tây. Từ bản nhạc dạo đầu của “Cây đàn muôn điệu” Thế Lữ, người ta đã nghe thấy những thanh âm của chủ nghĩa “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đề cao sự tự do tuyệt đối của cái tôi nghệ sĩ khi sáng tác:

“Không chuyên tâm, không chủ nghĩa nhưng cần chi ?
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham cái đẹp muôn hình muôn vẻ
Mượn cây bút nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca…”

Trong cuốn tiểu thuyết “Đẹp”, Khái Hưng cũng lắp lại cái quan niệm cho nghệ thuật là vô tư lợi, không cần phục vụ một mục đích nào cả… Đây cũng là ý kiến của Xuân Diệu trong bài “Lời thơ vào tập “Gửi hương” :

“Tôi là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi
Khi gió sớm vào reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa…”

Cái buồn cũng thấm sâu vào quan niệm thẩm mỹ của các nhà Thơ mới. Chế Lan Viên đã hết lời ca tụng vẻ đẹp của hạt lệ: “Tôi tin chắc vào chân lý của hạt lệ như vào chân lý của ngọc đêm, sương sáng, muối biển, sao trời… Hạt lệ ! Những ngôi tinh lạc rơi từ một vòm trời luôn luôn khuya khoắt là bầu mắt thẳm xuống một trần gian mãi mãi gió sương là lòng đau bát ngát của con người…” (Tựa “Vàng sao”). Huy Cận thì cho rằng: “cái đẹp bao giờ cũng hơi buồn” (“Kinh cầu tự”).

Ngoài ra, quan niệm thẩm mỹ của các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ trường phái thơ tượng trưng, siêu thực của Pháp. Hàn Mặc Tử cho rằng khi thi sĩ sáng tác tức là anh ta ở trong trạng thái mê sảng, chiêm bao: “Tôi làm thơ?… Nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên” (Tựa “Thơ điên” – 1938).

Nguyễn Xuân Sanh kết thúc trào lưu lãng mạn bằng quan niệm cao siêu, thuần túy về thơ, gắn liền Thơ với Đạo, cho rằng thơ là “không thuộc lí trí” mà là “hàm súc, tiềm thức, thuần túy”, “Thơ chính là một cách tri thức cao cấp. Nó đã gặp hình nhi thượng, đưa đến tôn giáo”. Quan điểm thẩm mỹ này đã đưa lối thơ bí hiểm của Nguyễn Xuân Sanh trong “Xuân thu nhã tập” đến độ chót của thơ tượng trưng Malacmê, Valơry…

Như vậy, mới xét riêng về quan điểm thẩm mỹ đã thấy có sự khác biệt nhất định giữa văn học lãng mạn Việt Nam so với văn học lãng mạn phương Tây. Văn học lãng mạn Việt Nam có tính không thuần nhất, không chỉ ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà ở chặng cuối đường của nó còn ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng và siêu thực. Điều đó chi phối rất lớn đến thực tiễn sáng tác của các nghệ sĩ lãng mạn, đem đến cho tác phẩm một diện mạo riêng với đặc trưng khó trộn lẫn. Ở một phương diện nhất định, cũng có thể dùng khái niệm “Việt hóa” để nói về văn học lãng mạn Việt Nam (so với văn học lãng mạn Pháp).

2. Về sáng tác:

Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét rất đúng rằng phong trào Thơ mới đã nói lên được “một nhu cầu lớn về tự do và phát huy bản ngã”. Nhận xét này cũng rất đúng với văn xuôi lãng mạn Việt Nam, trong đó điển hình nhất là văn chương của nhóm Tự lực văn đoàn. Trước kia, trong văn học hầu như không cái tôi, mà chỉ có cái ta của cộng đồng. Văn học dân gian là thành quả sáng tác của tập thể, vì thế là tiếng nói chung của cả cộng đồng, điều đó là đương nhiên. Nhưng đến thời kỳ văn học trung đại, khi tác phẩm đã là tiếng nói riêng của một cá nhân, mà tư tưởng cộng đồng, cái ta vẫn bao trùm, ngự trị.

Dường như các nhà văn rất ngại nói đến cái tôi. Cái tôi cá nhân không có địa vị trong văn học và xã hội. Trong nền văn chương lịch triều, tính cách phi ngã ngự trị hầu hết các tác phẩm văn học Việt Nam. Thảng hoặc, có thể bắt gặp ở một vài nghệ sĩ lớn nét riêng, độc đáo, cũng có người đã tự xưng danh (Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ) song đó là những trường hợp ngoại lệ, rất hiếm hoi và cũng chỉ ở một số sáng tác mà thôi…

Bắt đầu sang thế kỷ XX, nhất là từ trào lưu văn học lãng mạn, dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, cái tôi cá nhân bắt đầu được giải phóng và có nhu cầu khẳng định mạnh mẽ. Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã nhắc tới hiện tượng này: “Ngày thứ nhất – ai biết đích ngày nào – chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân”. Do đó, đặc trưng bao trùm, quan trọng nhất của chủ nghĩa lãng mạn là đã thể hiện, “khẳng định cái tôi như một bản lĩnh tích cực trong cuộc sống, như một chủ thể sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật. Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam có một cái tôi cá thể hóa…” (Phan Cự Đệ). Cái tôi này nhìn cuộc đời bằng con mắt của chính nó, miêu tả thế giới bằng sự cảm nhận của chính nó chứ không làm điều đó nhân danh một tư tưởng, một quy tắc nào.

Có lẽ do vậy, cũng là lần đầu tiên trong văn học, người ta được chứng kiến một sự bứt phá ngoạn mục của văn học Việt Nam, chỉ trong vòng mười lăm năm ngắn ngủi, văn học lãng mạn Việt Nam đã tạo ra một khu vườn trăm hoa đua nở với sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi thuộc nhiều phong cách, trong cả thơ lẫn văn xuôi. Cũng chỉ trong chỉ khoảng hơn một thập niên, văn học Việt Nam nhảy vọt từ tình trạng âấu trĩ sang phát triển, không thua kém gì văn học phương Tây.

Chính sự giải phóng cái tôi của chủ thể sáng tạo đã tạo ra phong trào Thơ mới với hàng trăm tác giả, tác phẩm mà sự tổng hợp của Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” mới chỉ mang ý nghĩa điển hình. Nhưng giá trị không chỉ dừng lại ở số lượng, quan trọng hơn là ở chất lượng, ở sự kết tinh của những cây bút có phong cách, có tài năng. Hoài Thanh phát hiện và khẳng định điều này thật tinh tế và tuyệt vời chính xác: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (“Thi nhân Việt Nam”).

Cũng nhờ sự giải phóng chủ thể sáng tạo, văn xuôi cũng có nhiều khởi sắc so với trước. Nếu như trong suốt mười thế kỷ văn học trung đại, mới chỉ có lác đác vài ba tác phẩm văn xuôi còn lưu lại tên tuổi, đầu thế kỷ XX cũng mới xuất hiện một số cây bút thì giai đoạn 1930-1945, riêng trào lưu lãng mạn (chưa kể văn học hiện thực) đã có những phong cách văn xuôi có giá trị: đó là một Nhất Linh đau khổ, dằn vặt trên con đường đi tìm lý tưởng và hạnh phúc, tinh tế trong việc diễn tả cảm xúc và diễn biến tâm lý; một Khái Hưng sôi nổi yêu đời, duyên dáng, vui vẻ lạc quan một cách dễ dãi với những ảo tưởng lãng mạn và ngây thơ; một Thạch Lam vừa mơ mộng lãng mạn vừa hiện thực, giàu tình cảm nhân đạo, có biệt tài miêu tả những cảm giác tinh tế và những màu sắc, hương vị, tâm hồn dân tộc; một Nguyễn Tuân với cái tôi vừa kênh kiệu, khinh bạc, gồ ghề, lãng tử đi lù đù, ngang bướng giữa cuộc đời xem đó như một vũ khí chống lại cái xã hội kim tiền ô trọc vừa tôn thờ, chắt chiu cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày, trong ngôn ngữ và truyền thống dân tộc…

Tuy cùng thuộc trào lưu lãng mạn, nhưng khi nghiên cứu đặc trưng của trào lưu lãng mạn Việt Nam vẫn phải thừa nhận sự khác biệt giữa thơ lãng mạn và văn xuôi lãng mạn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.