Giải thích ý nghĩa câu nói: Lửa thử vàng, gian nan thử sức

y-nghia-cau-noi-lua-thu-vang-gian-nan-thu-suc-11414-2

Giải thích ý nghĩa câu nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

  • Mở bài

Muốn tồn tại và vươn đến thành công con người phải vượt qua biết bao gian nan, thử thách. Chính những khó khăn, thử thách ấy là yếu tố giúp con người rèn luyện mình, vươn tới hoàn thiện bản thân. Càng vươn cao ý chí, càng vượt khó, quyết tâm chiến thắng nghịch cảnh, con người càng trở nên mạnh mẽ. Bởi vậy, người xưa khuyên rằng: “Lửa thử vàng gian nan thử sức”.

  • Thân bài

Lửa là gì ?

“Lửa” là thứ dùng để đun nấu, sưởi ấm và làm sáng không gian. Lửa hay cũng chính là điều kiện khắc nghiệt, là gian nan, trác trở trên đường đời.

Vàng là gì ?

“Vàng” là một kim loại quý hiếm, có giá trị cao. Vàng không bị hư hại theo thời gian hay trong điều kiện môi trường khác nghiệt. Vàng hay cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp, cao quý có ở con người.

Gian nan là gì ?

“Gian nan” chính là những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Cuộc sống không bao giờ bằng phẳng mà luôn có những gian nan, trác trở ngăn cản con người.

Sức là gì ?

“Sức” chính là sức chịu đựng, sự bền bỉ, là khả năng vượt qua điều kiện khắc nghiệt, vượt qua gian nan, thử thách của con người.

* Ý nghĩa: Chỉ có lửa nóng mới thử biết được chất vàng thật, vô cùng quý giá của đồ vật. Chỉ có gian nan, thử thách mới biết được sức người bền bỉ ra sao, nghị lực chịu đựng thế nào và khả năng chiến thắng nghịch cảnh của họ. Nếu con người vượt lên khó khăn, thử thách, chiến thắng nghịch cảnh thì giá trị của bản thân mới được khẳng định bền vững. Chính khó khăn, trở ngại trong cuộc sống giúp con người rèn luyện, hoàn thiện và khẳng định những phẩm chất quý báu của mình

Tại sao sống phải biết vượt qua gian nan, thử thách?

Trong cuộc sống, thật khó nhận rõ đâu là thật, đâu là giả. Đôi khi, những cái giả dối lại phô bày quá mức còn những cái chân thực lại giấu mình kín đáo thật khó kiếm tìm. Cái được gọi là vàng hay có màu giống vàng thì có rất nhiều. Nhưng vàng thì quý hiếm, đâu thể nhiều đến vậy. Nếu không được thử qua lửa nóng để khẳng định giá trị thì ta thật dễ nhầm lẫn.

Con người cũng thế. Ai cùng luôn tự cho mình là kiên cường, bền chí, dũng cảm. Nói đến điều nhân nghĩa thì hăng hái, khí thế. Nói đến điều bất bình thì căm phẫn, cuồng nộ. Nhưng, thực sự hành động vì điều nhân nghĩa, ra tay cứu giúp kẻ khó thì có mấy ai. Lời nói tựa cơn gió, khó nắm bắt được, khó tin tưởng được. Chỉ có gian nan, thử thách trên đường đời mới có thể khẳng định ai thật lòng, ai giả dối, ai nói suông.

Người xưa từng nói: “Đường dài mới biết ngựa hay”. Có trải qua trăm nghìn gian lao mà lòng vẫn vững vàng, đó mới thực là người bền chí, kiên cường. Chất “vàng mười” của con người từ đó cũng được khẳng định mạnh mẽ. Những kẻ chỉ có nhiệt tình, sôi nổi nhất thời, không có thực lực, ý chí mềm yếu tất sẽ sớm bỏ cuộc trên bước đường đời trăm khó nghìn khăn mà thôi.

Thế nhưng, không phải cứ vượt qua khó khăn, thử thách là con người trở nên mạnh mẽ. Cái gì cũng phải có giới hạn. Dẫu con người có mạnh mẽ đến cỡ nào nhưng quá nhiều gian nan, thử thách cũng sẽ làm họ mệt mỏi. Thậm chí là bị hủy diệt trước khi họ đạt đến chiến thắng cuối cùng.

Những tấm gương sáng ngời về ý chí vượt khó, chiến thắng nghịch cảnh, khẳng định bản thân.

Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi là một tấm gương sáng ngời về ý chí vượt lên nghịch cảnh, đạt đến vinh quang. Ông con nhà nghèo nhưng có tư chất thông minh lại ham học hỏi, siêng năng và sáng tạo. Cảnh nghèo tứng không thể cản bước khát vọng học tập của ông.

Mạc Đỉnh Chi đã không quản ngại gian nan, tìm mọi cách để học tập, học mọi nơi, mọi lúc, mọi tri thức mà ông có thể học. Bởi thế mà, trong kì thi năm ấy, ông đã đỗ trạng nguyên. Bài viết của ông khiến nhà vua hết sức tâm đắc, ngưỡng mộ. Không những thế, khi được cử đi sứ Trung Quốc, bằng tài ăn nói, đối đáp tài tình, ông đã khiến cho vua Nguyên thán phục và phong làm Lưỡng Quốc Trạng Nguyên, một danh hiệu cao quý xưa nay chưa từng có. Chính những gian nan trên đường đời đã làm nên một trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi vĩ đại như thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam cũng là một tấm gương rực rỡ về ý chí vượt qua gian nan, thử thách khẳng định sức mạnh của bản thân. Bác sinh ra giữa lức nước mất, nhà tan. Cuộc sống phải chịu nhiều bất hạnh, gian khổ ngay từ thuở bé. Trong tình cảnh ấy, bác sớm hình thành khát vọng tìm kiếm một con đường để giải phóng dân tộc ra khỏi ách cai trị tàn bạo của bọn thực dân cướp nước.

Năm 1911, tại Bến Nhà Rồng, Bác đã lên tàu bôn ba khắp thế giới. Ba mươi năm sống ở nước ngoài, chịu không biết bao khổ cực, cuối cùng bác cũng tìm được thấy lí tưởng của mình. Người trở về nước và lãnh đọa nhân dân làm cuộc cách mạnh vĩ đại, giành lấy độc lập, tự do cho tổ quốc và hòa bình cho dân tộc. Chính những gian nan trên đường đời đã rèn ở Hồ Chí Minh một ý chí kiên định, một tình yêu nước lớn lao, một sức chịu đựng bền bỉ và làm tỏa sáng hơn trí tuệ, nhân cách của Người.

Muốn đủ sức mạnh để vượt qua gian nan, thử thách, ta cần phải rèn luyện như thế nào?

Không có thành công nào có ý nghĩa mà dễ làm. Chỉ khi con người trong khó khăn, thử thách đã phải bỏ ra thật nhiều công sức, kiên trì hành động và không ngừng tin tưởng thì thành công ấy mới lớn lao.

Siêng năng học tập không ngại khó khăn trong học tập và trong công việc. Trước khó khăn phải kiên trì. Trước thử thách phải quyết đoán, không bao giờ chịu đầu hàng hay khuất phục.

Luôn biết hợp tác cùng người khác trong công việc. Bởi không ai có thể một mình mà làm ra cả thế giới. không phải khó khăn nào ta cũng có thể vượt qua. Muốn thành công, ta phải biết huy động nguồn sức mạnh từ người khác nữa. Bởi không có ai trong chúng ta mạnh bằng tất cả chúng ta. Đoàn kết chính là sức mạnh vô địch như Bác Hồ đã từng dạy.

Phê phán:

Trong cuộc sống vẫn còn có biết bao người không có ý chí vươn lên. Trước khó khăn, thử thách họ đã vội bỏ cuộc hoặc tỏ ra sợ hãi. Họ là người luôn trốn tránh việc khó, chọn việc dễ mà làm. Bởi thế họ thường bị mọi người khinh ghét, chê bai.  Họ sống cá nhân, vụ lợi, ích kẻ. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học nhận thức:

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” là một câu nói đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực. Chính vì không ngừng nổ lực vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng nghịch cảnh vươn tới thành công làm cho những phẩm chất tốt đẹp của con người mới được tỏa sáng, giúp con người luôn sống mạnh mẽ và thành công.

  • Kết bài:

Chỉ thử qua lửa mới biết được vàng tốt, lấy gian nan thủ sức mình bền bỉ đến đâu. Trên đường đời, không thể tránh khỏi khó khăn, thử thách. Nó làm trở ngại bước đi của con người, thậm chí là tiêu diệt con người. Nhưng nếu đủ sức mạnh vượt qua, bạn sẽ đạt đến thành công. Hãy luôn nỗ lực, kiên trì và bền chí. Chính những khó khăn, thử thách ấy làm bạn hoàn thiện và mạnh mẽ hơn.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.