Ý nghĩa câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

y-nghia-cau-tuc-ngu-an-qua-nho-ke-trong-cay

Ý nghĩa câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Sống có lòng biết ơn là một trong những đạo lí tốt đẹp của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Khẳng định ý nghĩa của lòng biết ơn, từ đó khuyên nhủ con người cần phải biết ơn người khác, người xưa có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Quả là sản phẩm của cây. Quả còn có thể hiểu là thành quả, là kết tinh sức lao động của con người. Kẻ trông cây là người đã vun trồng và chăm bón cây tạo ra những quả ngọt. Kẻ trồng cây còn có thể hiểu là người đã tạo nên những thành quả lao động tốt đẹp, hữu ích.

Qua cách nói ẩn dụ vừa tinh tế, giản dị mà sâu sắc, câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta rằng khi thụ hưởng một thành quả lao động, hay được ai đó giúp đỡ, chúng ta phải biết ơn, ghi nhớ công ơn ấy. Ghi nhớ để tìm cách đáp trả và cống hiến cho cuộc sống được nhiều hơn. Đó không chỉ là cách ứng xử mà còn là cách sống, lối sống văn minh, có đạo đức, thể hiện nhân cách tốt đẹp ở mỗi con người.

Như vậy, câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã không chỉ nhắc nhở chúng ta về một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn là bài học làm người, bài học về sự biết ơn, nhắc nhở mỗi con người đều phải ghi nhớ, rèn luyện lòng biết ơn của mình. Hiểu được điều đó, mỗi chúng ta cần nuôi dưỡng lòng biết ơn, tôn trọng thành quả lao động của người khác và cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Bài văn tham khảo:

Dân tộc Việt Nam vốn xem trọng ơn nghĩa. Có ơn là phải trả, có nghĩa là phải đáp đền. Chính vì vậy ông cha ta có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một lời khuyên giàu giá trị.

Mượn hình ảnh “ăn quả”“kẻ trồng cây”, câu tục ngữ muốn nói rằng khi được hưởng thụ những hoa thơm, trái ngọt cần nhớ tới người đã vun trồng, chăm sóc. Mở rộng ra, khi thụ hưởng một thành quả nào đó, chúng ta phải ghi nhớ công ơn người đã tạo dựng ra nó. Từ đó, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là lời nhắc nhở con người phải có lòng biết ơn.

Lòng biết ơn đối với công ơn của người khác đó chính là một truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay. Lối sống ân nghĩa mặn mà, thuỷ chung giữa con người với con người. Tất cả những gì chúng ta đang hưởng thụ hiện tại không phải tự dưng mà có. Đó chính là công sức của biết bao lớp người. Từ những bát cơm dẻo trên tay cũng do bàn tay người nông dân làm ra. Rồi đến tấm áo ta mặc, chiếc giày ta đi cũng đều bởi những bàn tay khéo léo của người thợ cùng với sự miệt mài, cần cù trong đó. Những di sản văn hoá nghệ thuật, những thành tựu độc đáo sáng tạo để lại cho con cháu.

Lòng nhớ ơn luôn mang một tình cảm cao đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn. Nó giáo dục chúng ta cần biết ơn tổ tiên, những bậc anh hùng vĩ đại đã hi sinh, lấy thân mình, mồ hôi xương máu để bảo vệ nền độc lập cho đất nước, giữ vững bình yên vùng trời Tổ quốc. Từ đó, con người góp phần thực hiện đúng trách nhiệm, bổn phận của chúng mình, phần không cảm thấy hổ thẹn với những người ngã xuống giành lấy sự độc lập. Có ai hiểu được rằng, một sự biết ơn được thể hiện như một đoá hoa mai ửng hé trong nắng vàng, một lòng kính trọng bộc lộ như một ánh sao đêm sáng rọi trên trời cao. Đó là những cử chỉ cao đẹp, những hành động dù chỉ là nhỏ nhất cũng đều mang một tấm lòng cao thượng. Những người có nhân nghĩa là những người biết ơn đồng thời cũng biết giúp đỡ người khác mà không chút tính toán do dự. Chính những hành động đó đã khơi dậy tấm lòng của biết bao nhiêu con người, rồi thế giới này sẽ mãi là một thế giới giàu nhân nghĩa.

Tóm lại, câu tục ngữ trên giúp ta hiểu được về đạo lý làm người. Lòng tôn kính, sự biết ơn không thể thiếu trong mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta luôn phải trau dồi những phẩm chất cao quý đó, hãy biết rèn luyện, phấn đấu bằng những hành động nhỏ nhất.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.