nghi-luan-khi-cong-nhan-cai-yeu-cua-minh-con-nguoi-tro-nen-manh-me-ban-dac

Nghị luận: Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ (Ban-dắc)

Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ (Ban-dắc)

  • Mở bài

Một người có thể chiến thắng bản thân mình thì cũng có thể chiến thắng nhiều thứ khác. Và ngược lại, một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa. Bởi thế, nhà văn Ban-dắc cho rằng: “Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ”.

  • Thân bài

1. Giải thích ý kiến:

Công nhận cái yếu của mình tức là tự nhận thức về mình, hiểu rõ và xác nhận khuyết điểm của bản thân. Đây là cơ sở để bản thân hòa nhập với thế giới, và cũng là để tìm về với chính mình. Công nhận cái yếu của mình tức là con người có đủ dũng cảm, trung thực và năng lực nhận thức để kiểm điểm bản thân một cách khách quan, toàn diện.

Câu nói của nhà văn Ban-dắc đề cập đến vấn đề: mỗi còn người đều có điểm mạnh và điểm yếu, sở trường và những hạn chế,… Cần phải biết nhìn nhận và khắc phục những hạn chế, phát huy sở trường, năng khiếu,… khi ấy sẽ có được những thành công trong cuộc sống.

Câu nói đồng thời cũng đề cập tới vai trò của tự nhận thức đối với con người, dân tộc trong cuộc sống: Tự nhận thức vừa là điểm xuất phát vừa là đích đến của con người, dân tộc trong cuộc sống. Điều ấy giúp con người có nghị lực, trưởng thành “trở nên mạnh mẽ”

Về thực chất câu nói nêu cao vai trò của quá trình tự nhận thức như một bài học cho cá nhân hay cộng đồng dân tộc trong cuộc sống và trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài.

2. Bàn luận:

Trong mỗi con người, ai cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. Con người sẽ trở nên mạnh mẽ khi nhận thức, kiểm điểm bản thân một cách nghiêm túc, trung thực. Biết khắc phục những hạn chế, phát huy năng khiếu, năng lực bản thân,… sẽ thành công trong cuộc sống. Khi công nhận cái yếu của mình, bạn sẽ được mọi người trân trọng, bởi nó là biểu hiện của lòng dũng cảm, trung thực, thẳng thắn, nó nâng tầm con người, đó là một giá trị đạo đức …

Khi con người dám công nhận cái yếu của mình, họ sẽ có đủ dũng cảm, trung thực và năng lực nhận thức để kiểm điểm bản thân một cách khách quan, toàn diện. Điều ấy giúp họ có nghị lực, trưởng thành, “trở nên mạnh mẽ”, tăng thêm nghị lực vươn lên để gặt hái thành công….

Tự nhận thức là cơ sở, xuất phát điểm để con người hòa nhập với cuộc sống vì lẽ chỉ khi con người nhận thức đúng đắn về bản thân mình với những ưu và nhược điểm thì khi ấy họ mới có thể hòa nhập được với cuộc sống xung quanh, một dân tộc muốn vươn ra hòa nhập với cộng đồng thế giới cũng phải trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về chính dân tộc mình.

Thế nhưng, hãy hòa nhập chứ không nên hòa tan, một mặt hòa nhập mặt khác cá nhân, dân tộc cần phải có ý thức trở về, giữ gìn và làm đầy cho nét riêng vốn có của mình trong quan hệ với xã hội, nhân loại. Chỉ khi có ý thức và khả năng gìn giữ được bản sắc riêng thì khi ấy anh mới có cơ sở để thế giới tìm đến và hòa nhập với chính mình. Cũng chính trong mối quan hệ với cộng đồng, nhân loại mà ta ý thức sâu sắc hơn về chính mình.

Trong xã hội có nhiều người không nhận ra được những hạn chế, yếu kém của bản thân, hoặc biết mà không dám đối diện, nhìn nhận, khắc phục,…. nên đã dẫn đến thất bại trong cuộc sống (dẫn chứng). Đó là những kẻ hèn nhát, giấu dốt, sợ hãi trước sai lầm. Sẽ khiến họ bị coi thường và tự hạ thấp giá trị bản thân mình

Vấn đề đặt ra đúng đắn, sâu sắc, có ý nghĩa định hướng cho con người trong nhận thức đúng đắn, lối sống lành mạnh và tích cực. Khi công nhận cái yếu của bản thân, cá nhân không tự cao, tự đại, biết ứng xử một cách khiêm tốn, đúng mực; biết nhìn nhận mọi người xung quanh một cách khách quan, đúng đắn; biết học tập vươn lên. Đây không phải chỉ là vấn đề đặt ra với cá nhân mà còn có ý nghĩa với cả tập thể, quốc gia, dân tộc.

3.  Nhận thức, liên hệ thực tế:

Bản thân cần có ý thức sâu sắc về chính mình, luôn có thói quen kiểm điểm, nhìn nhận lại chính mình một cách khách quan nhất từ đó trau dồi nhân cách cá nhân.

Giữ gìn bản sắc trong quan hệ với cộng đồng, thế giới cũng là một vấn đề mà chúng ta phải lưu tâm đặc biệt ở thời điểm hội nhập đang trở thành xu thế tất yếu này. Cá nhân và cộng đồng, các cơ quan hữu trách đều phải bắt tay trong các chương trình hành động nhằm gìn giữ, bảo vệ, chau dồi bản sắc dân tộc.

Dũng cảm đối diện với cái yếu của mình, hạn chế của mình. Biết sửa chữa để có được kết quả tốt hơn.

  • Kết bài:

Cuộc sống sẽ đạt như ý nguyện nếu bạn biết chấp nhận thực tế,  tin vào chính bản thân mình và làm chủ được nó. Muốn vậy, không thể thiếu sự kiên định và ý chí của mỗi người. “Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ”. Chiến thắng sự yếu đuối trong bản thân mình nghĩa là bạn là người chiến thắng.

Nghị luận: Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất


Dàn bài 2:

  • Mở bài:

Chiến thắng bản thân là chiến thắng vĩ đại nhất. Bởi đối thủ lớn nhất của con người là chính mình. Có lẽ cũng chính vì thế nên Ban-dắc đã khẳng định rằng: “Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ” Câu nói chứa đựng nhiều ý
nghĩa sâu sắc.

  • Thân bài:

Thật vậy! Nếu biết thừa nhận “cái yếu” của mình thì chắc hẳn “con người sẽ trở nên mạnh mẽ”. “Cái yếu” chính là những khuyết điểm, những thiếu sót của con người. Khi công nhận “cái yếu” tức là chúng ta đã dũng cảm, trung thực và năng lực nhận thức để kiểm điểm bản thân một cách khách quan và toàn diện. Dám thừa nhận “cái yếu” là một sự mạnh mẽ. Chính sự mạnh mẽ ấy đã giúp chúng ta có nghị lực, trưởng thành hơn và “trở nên mạnh mẽ” hơn. Đó chính là điều mà Ban dắc muốn gửi gắm đến mọi người.

Con người là sản phẩm kì diệu nhất của tạo hóa. Thế nhưng cuộc sống không có gì là tuyệt đối và chẳng có ai là hoàn hảo cả. Mỗi chúng ta luôn có ưu và khuyết điểm riêng. Nếu chúng ta biết nhìn nhận khuyết điểm thì khi ấy chúng ta đã dũng cảm và mạnh mẽ. Chúng ta nghiêm túc nhìn nhận một cách chân thực, tìm cho mình một hướng đi, một cách sống và rèn luyện. Bởi, biết người biết ta trăm trận trăm thắng.

Trong học tập, khi một người học sinh dám nhìn thẳng vào lỗ hổng kiến thức của mình. Ngay tại thời điểm ấy, bạn ấy đã có một khởi đầu hoàn toàn mới. Và khi bạn ấy dám khắc phục nó, bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, sự đam mê tràn đầy nhựa sống, thành công sẽ càng ngày càng gần. Thầy Nguyễn Ngọc Kí đã vượt qua nôi mặc cảm của mình, biến điểm yếu của mình trở thành niềm tự hào mãnh liệt. Thầy đã viết được bằng chính chân của mình.

Trong công việc cũng như trong cuộc sống, nếu không thừa nhận cái yếu của mình thì làm sao đủ sức đi đến thành công? Cũng như, nếu Ohenry – nhà văn trứ danh của nước Mỹ không thừa nhận thất bại của mình thì liệu ông có trở thành chủ nhân của quyển sách bắt buộc phải học ở đại học hay không? Câu trả lời đã có sẵn trong đầu mỗi chúng ta.

Chị Phạm Thị Huệ – một trong số ít những người Việt Nam nhiễm HIV/AIDS dám công khai thân phận đã trở thành “anh hùng Châu Á”. Chị ấy thật dũng cảm khi dám đối mặt và thừa nhận sự thật về mình. Từ đó chị trở nên dũng cảm và mạnh mẽ, đem nghị lực.

“Hạnh phúc là đấu tranh” (Các Mác). Trên bước đường tìm kiếm hạnh phúc chân chính, mỗi chúng ta sẽ gặp phải không ít những khó khăn, thử thách. Khi ấy, chúng ta sẽ phải thừa nhận những thiết sót, những sai lầm. Đó không là điều đáng buồn, đó là cơ hội để chúng ta hiểu mình hơn, cơ hội hoàn thiện chính mình.

Có người từng nói: “Con đường ngắn nhất để ra khỏi gian nan là đi xuyên qua nó”, để trở nên mạnh mẽ, chúng ta cần biết “công nhận cái yếu của mình”. Hơn nữa, bên cạnh việc nhìn nhận và khắc phục cái yếu, chúng ta không thể quên phát huy những điểm mạnh, làm cho cuộc sống thêm phần tươi đẹp và ý nghĩa.

“Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ” là một ý kiến đúng đắn. Câu nói như một lời nhắc nhở chúng ta ý thức vươn lên, hoàn thiện chính bản thân mình. Chúng ta sẽ thấy mình ở một bậc cao hơn sau mỗi lần vượt qua nghịch cảnh. Chúng ta sẽ thấy mình tự tin hơn, mạnh mẽ và cứng cáp hơn khi dám đối mặt với chính mình. Để làm được điều đó, ngay từ hiện tại, chúng ta cần rèn luyện cho mình một ý chí, nghị lực, niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Nhìn cuộc sống bằng sự lạc quan, đa dạng, nhiều chiều và nổ lực hết mình để bay cao, bay xa, chạm đến những giấc mơ hạnh phúc.

  • Kết bài:

Sống là không chờ đợi. Thế nhưng đôi lúc hãy dành thời gian để sống chậm lại, suy nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn chính mình, yêu thương nhiều hơn cuộc sống và những người xung quanh. Sống chậm lại một chút để suy ngẫm về mình, chiêm nghiệm và nhìn nhận những điểm mạnh và thiếu sót để
khắc phục. Bởi: “Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ”.

Nghị luận: Vai trò của việc nhận rõ bản thân đối với thanh niên hiện nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang