anh-huong-cua-chu-nghia-sieu-thuc-den-tho-moi-viet-nam-1932-1945

Ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực đến Thơ mới Việt Nam (1932 – 1945).

Ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực đến Thơ mới Việt Nam (1932 – 1945)

Trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, chủ nghĩa siêu thực không trở thành một dòng riêng biệt, nhưng bút pháp hoặc thi pháp siêu thực thì đã được các nhà thơ sử dụng và đạt được những thành công nhất định. Ta có thể thấy được điều đó đậm nhạt ở Hàn Mặc Tử trong tập “Thơ điên”, ở Nguyễn Xuân Sanh trong “Xuân Thu Nhã Tập”, Nguyễn Đình Thi với những bài thơ không vần, ở Hoàng Cầm trong tập “Về Kinh Bắc”, ở thơ Ngô Kha và trong ca từ Trịnh Công Sơn…

Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không dễ dàng trong việc xếp đặt các nhà Thơ Mới Việt Nam theo một trường phái nhất định: lãng mạn, hoặc tượng trưng hay siêu thực, mà Thơ mới chủ yếu là được sáng tác theo quĩ đạo chủ nghĩa lãng mạn, sau đó, men tới chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Hiện tượng đan xen giữa các yếu tố lãng mạn, tượng trưng, siêu thực như trong nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Đinh Hùng là điển hình.

1. Trường Thơ Loạn, một trường thơ mang đậm yếu tố siêu thực.

Trường thơ loạn (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan…) đã bẩy cái đẹp qua một địa hạt khác cái đẹp để tiệm cận với cái kinh dị, cái ghê rợn, cái xấu và đem những cái ấy làm thi liệu cho thơ, đẩy thơ đến bờ chủ nghĩa siêu thực: Hồn, máu, sọ người, xương khô, tủy, đám ma… tràn đầy trong thơ Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên:

“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da”.

(Rướm máu – Hàn Mặc Tử)

“Trên một nắm mộ tàn ta nhặt được
Khớp xương ma trắng tựa não cân người,
Tuỷ đã cạn, nhưng vẫn dầm hơi ướt,
Máu tuy khô, còn đượm khí tanh hôi.”

(Xương khô – Chế Lan Viên)

Điêu tàn dựng lên một thế giới đầy sọ dừa, xương máu, cùng yêu ma hồn, não, máu, chết, nắm mộ tàn, khớp xương, ma, dầm hơi ướt, khí tanh hôi. Đây là lời thơ miêu tả một yêu tinh nhớ nơi trần thế.

“Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng
Nút bao dòng huyết đẫm khí tanh hôi
Tìm những “miếng trần gian” trong tủy cạn
Rồi say sưa, vang cất tiếng reo cười”.

Rồi:

“ … những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”.

Rồi nhà thơ kêu lên:

“Hồn của ai trú ngụ ở đầu ta?
Ý của ai trào lên trong đáy óc,
Để bay đi theo tiếng cười, điệu khóc?”

Dưới ngọn cờ của chủ soái Hàn Mặc Tử, các thành viên trong Trường thơ loạn say sưa sáng tác. Có những đêm cả bọn đem chăn màn ra bờ biển ở lại suốt đêm để thả hồn theo những vần thơ kỳ dị. Thơ của các thi sĩ Trường thơ loạn tràn ngập trăng, hồn, máu, bóng ma, sọ người, xương cốt, tinh tủy… Tất cả say sưa bước chân vào thế giới rùng rợn đó…

Việc nhóm thơ Bình Định cho ra đời Trường thơ loạn khiến văn, thi hữu khắp nơi bàn tán xôn xao. Nhiều người hoan nghênh nhưng cũng không ít người chê bai. Hoài Thanh kể: “Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm. Có người bảo: Hàn Mặc Tử thơ với thẩn gì, toàn nói nhảm!”.

Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: “Thơ gì mà rắc rối thế. Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc gì, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!”. Đặc biệt Xuân Diệu là người ghét cay ghét đắng những vần thơ điên của Tử…

Đúng là những vần thơ điên của các thi sĩ đã gây shock cho nhiều người. Nhưng thật ra đó chỉ là một cách giải quyết sự bế tắc trong tư tưởng mà thôi. Hàn Mặc Tử đã dẫn dắt các thi sĩ sáng tác khá nhiều vần thơ kỳ dị cho đến lúc chàng rời bỏ cuộc đời vào năm 1941. Sang năm 1942, đến lượt Bích Khê cũng vĩnh viễn ra đi. Trường thơ loạn từ đó tan rã.

Hàn mặc Tử viết: “Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người mơ, Người say, Người điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu, Nó thoát Hiện Tại. Nó xáo trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương Lai”. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những câu vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào nước mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ. Thế mà có người tự cho là hiểu được nó, rồi đem nó so sánh với Người, và chê nó là giả dối với Người. Với nó, cái gì nó nói đều có cả.

Một trong những nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới, đặc biệt với tập “Thơ điên” đã được rất nhiều người biết đến và tập thơ này chúng ta có thể thấy đâu đó đôi nét của chủ nghĩa siêu thực trong thơ ông, một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại đau đớn, dường như có một cuộc vật lộn và giằng xé và dữ dội giữa linh hồn và xác thịt. Linh hồn muốn thoát khỏi xác phàm để bay tới cõi siêu nhiên sáng láng, thơm tho, tinh khiết nhưng thực ra vẫn gắn bó với cuộc đời, với con người mà ông thiết tha yêu thương bằng một tình yêu trần thế.  Ông tạo ra cho mình một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái xa lạ với đời thực. Lời thơ mê man, mê sảng như trong cõi mơ, trong thế giới đó có hai hình tượng sống động như hai con người, như hai người bạn tâm tình đó là: Ta và trăng:

Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi
Ở trên kia, có một người
Ngồi bên sông Ngân giặt lụa chơi
Nước hóa thành trăng trăng ra nước
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hường
Ta hẵng đưa tay choàng trăng đã
Mơ trăng ta lượm tơ trăng rơi
Trăng vướng lên cành lên mái tóc cô ơi,
Hãy đứng yên tôi gỡ cho rồi cô đi
Thong thả cô đi
Trăng tan ra bọt lấy gì tôi thương
Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu qui
Say! say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tần cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.

(Say trăng – Hàn Mặc Tử)

Những tư tưởng của chủ nghĩa siêu thực đậm nét nhất trong bài “Rượt trăng”:

Ha ha! Ta đuổi theo trăng
Ta đuổi theo trăng
Trăng bay lả tả trên cành vàng
Tới đây là nơi tôi được gặp nàng
Rủ rê, rủ rê hai đứa tôi vào rừng hoang
Tôi lượm lá trắng làm chiếu trải
Chúng tôi kê đầu trên khối sao băng
Chúng tôi soi chuyện bằng hơi thở
Dần dần hao cỏ biến ra thơ
Chúng tôi lại là người của ước mơ
Không xác thịt chỉ là linh hồn đang mộng
Chao ôi! Chúng tôi rú lên vì kinh động
Vì trăng ghen, trăng ngã, trăng rụng xuống mình hai tôi.

Hoảng lên nhưng lại cả cười
Tôi toan níu áo nàng thời theo trăng
Hô hô! Ta đuổi theo trăng! Ta đuổi theo trăng!
Trăng! Trăng! Trăng! Trăng!
Thả nàng ra, thôi thả nàng ra
Hãy buông nàng xuống cho ta ẵm bồng

Đố trăng trăng chạy đàng trời
Tôi rú một tiếng trăng rơi tức thì

Hàn Mặc Tử đã sáng tạo một thế giới thơ kỳ lạ, bí hiểm, thơ ông vừa lãng mạn, vừa tượng trưng – siêu thực, vừa có chất cổ điển, lại vừa hết sức tân kỳ. Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chưa thể khám phá hết thơ Hàn Mặc Tử – một thế giới vô cùng huyền nhiệm. Thế giới thơ Hàn Mặc Tử rộng rinh không bờ bến như ông đã trình bày trong Thơ điên: “Tôi sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn, tôi đã phát triển hết các cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống. Thôi mời cô cứ vào… Ánh sáng lạ trong thơ tôi sẽ làm cho gò má cô đỏ gấc. Và một khi cô đã vào là cô sẽ lạc, vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa, càng ớn lạnh”.

Mắc phải trọng bệnh khi còn rất trẻ, Hàn Mặc Tử hoàn toàn tuyệt vọng; trên đỉnh đau thương tột cùng, thơ ông viết ra như người đến từ một cõi khác, Thơ điên, một hiện tượng thơ khác lạ trong dòng chảy thơ Việt đến hồi bấy giờ, “lối viết tự động” thoát ra từ bản năng vô thức đã làm thơ ông ít nhiều mang sắc thái của trường thơ siêu thực. “Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc”. (Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ )

2. Trong Xuân Thu Nhã Tập.

Đây là một nhóm văn chương nghệ thuật có cùng quan điểm: Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ. Thành lập năm 1942.

Theo các tác giả, thơ “là cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên lí trí”; thơ thuộc về “những lớp dày đặc của tiềm thức và vô ý thức” nên không giải được mà chỉ “cảm” được; thơ không được băn khoăn về thiện ác, không được tả tình hay tả cảnh, một bài thơ là do sự phối hợp những âm thanh, chữ, hình ảnh…”

Thơ là sự rung động, sự quyến rũ, không thể cưỡng lại, một cách tự nhiên, hoàn toàn. Thơ – vì thế, không cần để hiểu mà cốt để cảm. Ví dụ:

“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”.

(Màu thời gian – Đoàn Phú Tứ)

Những câu thơ trên tưởng chừng như hiện ra trước mắt người đọc về một hình ảnh quen thuộc vì nó được miêu tả tỉ mỉ về màu sắc, về hương sắc nhưng thực ra nó không có bất kỳ tính hiện thực nào.

Hay như bài “Buồn Xưa” của Nguyễn Xuân Sanh:

“ …Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa…”

Những câu thơ trên người đọc khó có thể xác định nghĩa thực của nó, như “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” chẳng hạn ta không tìm thấy nghĩa thực của nó (Xuân Thu Nhã Tập chủ trương: thơ không cần rõ nghĩa, chỉ cần gợi và rung cảm). Đồng thời XTNT đi theo hướng:” một bài thơ có thể hiểu ra nhiều lối dù có cảm một cách duy nhất, nên độc giả tuỳ theo trình độ tri thức mà hưởng thụ ít hay nhiều ví dụ cùng một ánh trăng, một nụ cười, một tiếng đàn mọi người đều rung động nhưng mức độ không giống nhau.

Trong thơ Hoàng Cầm ví dụ như bài Lá Diêu Bông ta thấy lá diêu bông chính là một hình tượng không có thực, một ảo tưởng tình yêu:

“Hai ngày sau em tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
Trông nắng vãn bên sông…”

(Lá Diêu Bông)

Hoàng Cầm thường hay nói về việc ông sáng tác một số bài thơ, những bài hay nhất của mình, là do một người nữ vô hình nào đó đọc cho chép. Có khi một câu, có khi một đoạn, thậm chí có khi trọn vẹn cả bài. Việc sáng tác bài thơ Lá Diêu Bông là một trường hợp tiêu biểu: “ chẳng có chuyện gì phải lo nghĩ, chẳng có ý định gì trong đầu mà sao về quá nửa đêm một mùa rét ấy, tôi vẫn không ngủ được. Im lặng, chợt bên tai văng vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thời nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…”

3. Đinh Hùng với “Mê hồn ca” – mang đậm yếu tố siêu thực

Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 – tại làng Phương Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, mất ngày 24/8/1967 tại Sài Gòn vì bệnh ung thư. Ông là bạn thân của nhà văn Thạch Lam. Và nhà thơ Vũ Hoàng Chương là anh rể của ông. Từ tuổi đôi mươi Đinh Hùng đã bắt đầu sáng tác thơ, văn và có thơ được đăng trên Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan, giai phẩm Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn. Trong sáng tác, Đinh Hùng còn ký các bút danh Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng. Năm 1943, Đinh Hùng xuất bản tập văn xuôi “Đám ma tôi” . Ông được nhà thơ Thế Lữ khuyến khích, bắt đầu nổi tiếng trên thi đàn với bài thơ “Kỳ nữ”. Năm 1954, Đinh Hùng cho ra đời tập thơ “Mê hồn ca”.Mê hồn ca” là câu chuyện thơ đầy mộng mỵ, ma quái, bí hiểm như truyện Bồ Tùng Linh,

Không như những nhà Thơ Mới khác, Đinh Hùng – Người kiến trúc chiêm bao (Đỗ Lai Thúy), ông đã kiến trúc một thiên nhiên ảo diệu, thần bí. Thiên nhiên của thời hồng hoang, thái cổ còn tinh khôi, nguyên thuỷ. Ở đó, lóe lên ngọn lửa của đêm hồng hoang man rợ, “sông núi giao thần”; trong không gian Thái Cổ ấy, người thơ cùng Người gái thiên nhiên – Kỳ nữ kết tình ân ái “làm đôi người cô độc thủa sơ khai”:

“Chúng tôi gặp nhau bên dòng suối ngọt,
Làm đôi người cô độc thuở sơ khai,
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài,
Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc.
Nàng là Gái – Muôn – Đời không đổi khác:
Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân.
Ta đến đây làm chủ hội phong trần,
Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ “.

(Đinh Hùng – Người gái thiên nhiên)

Đến Đinh Hùng, có thể nói, những sáng tác buổi đầu thơ ông (Mê hồn ca) đã nghiêng hẳn sang trường thơ siêu thực, ngôn từ thơ ông được chuốt trau bóng bẩy, lời lẽ trang trọng, ‎ý tưởng thơ kỳ lạ, bí hiễm, giọng thơ buồn đau , bi thiết:

“Trăng ơi! đừng bỏ kinh thành.
Hồn Cố Đô vẫn thanh bình như xưa.
Nhỡn tiền chợt sáng thiên cơ
Biết chăng ảo phố mê đồ là đâu?
Ta say ánh lửa tinh cầu
Dựng lên địa chấn, loạn màu huyền không”.

(Đinh Hùng – Sông Núi giao thần)

Mê hồn ca như lạc bước vào thế giới khác, một thế giới biệt lập với thế giới hiện hữu, thế giới đó do thi nhân “ kiến trúc ” trên một nền chiêm bao; và trong chiêm bao ấy, nhà thơ tiếp tục tạo ra những giấc mơ kỳ diệu, giấc mơ về thế giới, con người của thời hồng hoang, nguyên thủy với những bóng hình man rợn:

“Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya
Đâu đây u uất hồn sơ cổ
Từng bóng ma rừng theo bước đi.”

(Đinh Hùng – Những hướng sao rơi ).

Đinh Hùng đã đi vào Mê hồn ca với một không gian siêu thực, mộng mị, lẫn lộn giữa cõi dương thế với âm phần:

“Trời cuối thu rồi- Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.

Thần chết cười trong bộ ngực điên,
Ta nghe em thở tiếng ưu phiền.
Nỗi lòng xưa dậy tan Thanh Vắng.
Hơi đất mê người- Trăng hiện lên”.

(Đinh Hùng – Gửi người dưới mộ).

Từ bỏ thế giới thực tại, đi sâu vào thế giới siêu nhiên, siêu cảm, có thể nói thơ Đinh Hùng đã vượt qua từ trường của thơ lãng mạn và men tới lãnh địa của siêu thực: Mê hồn ca được kiến tạo không phải để phản ánh hoặc tô điểm cho thế giới thực tại, mà độc lập với thế giới thực tại. Đây là điều hầu như không có ở các nhà thơ Lãng mạn. (Đỗ Lai Thúy – Mắt thơ I, trang 178 – HN 2000). Chính vì vậy mà Nguyễn Tấn Long – nhà nghiên cứu văn học trước đây đã nhận xét: “Từ bỏ một thế giới hiện hữu, tìm về một một thế giới thuở sơ khai, tạo dựng một không gian mới cho tâm tư, thi nhân không sống bằng thực tại, mà sống bằng nguồn siêu tưởng…” Vậy nên, một lần nữa, có thể nói, với Mê hồn ca, thơ Đinh Hùng đã vươn sang trường thơ siêu thực, và chính ông đã góp phần tạo tiền đề cho nhóm Dạ đài và Xuân thu nhã tập ra đời sau đó.

Chủ nghĩa siêu thực.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang