Đặc trưng tác phẩm chính luận.
1. Tính tư tưởng sâu sắc và tiến bộ.
Văn chính luận có tính chất tư tưởng sâu sắc và tiến bộ, bởi nó giữ vai trò đặc biệt trong các cuộc đấu tranh xã hội, trong lịch sử văn hóa của nhân loại nói chung, của dân tộc ta nói riêng. Tác phẩm chính luận chính luận thường đề cập tới những vấn đề lớn lao nảy sinh từ đời sống xã hội. Ví dụ, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh là những tác phẩm chính luận bất hủ.
Văn chính luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ, đôi khi bằng tái hiện đời sống, miêu tả các tính cách và số phận. Trong tác phẩm chính luận không chỉ thể hiện những suy nghĩ nhận định, bình luận về các sự kiện lịch sử, các biến cố có ý nghĩa dân tộc mà còn bàn đến những vấn đề nhân sinh của thời đại được đông đảo mọi người quan tâm: “Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết Hịch tướng sĩ để bày tỏ suy nghĩ của mình trước tướng sĩ, “để các người biết bụng ta”, nhưng tác động sâu xa và mạnh mẽ của tác phẩm là ở chỗ bàn đến vấn đề cấp bách của quốc gia trước họa ngoại xâm. Lời bàn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là lời của một cá nhân, thậm chí không chỉ là của một Quốc công tiết chế, mà là của con người gắn liền tình cảm của mình với vận mệnh của đất nước”.
Người viết chính luận tái hiện đời sống, miêu tả tính cách, số phận chỉ nhằm mục đích đưa ra những ví dụ sinh động là cơ sở cho lập luận thường là những “hình tượng minh họa”, nó chỉ chứa đựng nội dung phổ quát: “Tuyên ngôn độc lập, nội dung nổi bật của tác phẩm là nêu lên quyền được hưởng tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam; là thực chất mối quan hệ Pháp – Việt từ trước cho tới lúc bấy giờ; là sự xác nhận và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Tác phẩm chính luận mang khuynh hướng tư tưởng, mang mục đích thuyết phục người đọc và có tác dụng thực tiễn rõ rệt.
2. Tính chặt chẽ, linh hoạt và sáng tạo trong lập luận.
Văn chính luận phải trực tiếp nêu ra và bàn luận về các vấn đề có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân sinh nào đó nên phải chú ý đến việc tác động bằng lí lẽ và lí trí của người đọc, người nghe. Cho nên, các quan niệm, tư tưởng vốn rất trừu tượng phải được thể hiện cụ thể và thuyết phục trong tác phẩm chính luận bằng các luận cứ cụ thể. Đồng thời, tác phẩm chính luận phải chứa đựng những lập luận trực tiếp một cách chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo, … Việc trình bày mạch lạc một hệ thống phong phú các sự kiện, chứng cớ xác thực, các suy nghĩ, nhận xét, đánh giá, bình luận sắc sảo thông qua các yếu tố cơ bản là luận điểm, luận cứ, luận chứng.
Luận điểm phải sáng rõ đúng đắn, có sức khái quát cao, chưa đựng những quan niệm, những tư tưởng sâu sắc. Ví dụ, trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, bao gồm các luận điểm và quan hệ chủ tướng và tướng sĩ, về mối lo của tác giả trước cảnh giặc giã đang lấn lướt, nguy cơ mất nước đang đe dọa, về âm mưu của kẻ thù và thói thiếu trách nhiệm của tướng sĩ, về chủ trương tướng sĩ phải học tập binh thư và rèn luyện võ nghệ, … Tất cả, những luận điểm ấy kết hợp với nhau để nói lên tư tượng của Trần Quốc Tuấn trước thời cuộc.
Luận cứ là những cứ liệu, những bằng chứng, lí lẽ, bằng chứng cụ thể trong thực tế cuộc sống và tư tưởng được tác giả phát hiện và sử dụng để chứng minh cho các luận điểm đã nêu. Tác giả phải nêu rõ và nhấn mạnh “ý nghĩa vấn đề, ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân sinh của chúng”. Trong sách Lã thị Xuân Thu, khi bàn về việc biến pháp, có viết như sau: “có người nước Sở đi thuyền qua sông, đánh rơi kiếm, liền khắc vào mạn thuyền câu: kiếm ta rơi chỗ này. Thuyền cập bến, anh ta liền theo vết khắc, lội xuống mò kiếm. Thuyền đi, kiếm không đi theo. Tìm kiếm như vậy, chẳng sai lắm sao? Lấy pháp luật cũ mà trị nước nước thì cũng thế thôi”.
Khi nói đến lập luận trong một bài văn chính luận tức là nói đến luận chứng. Luận chứng là sự triển khai, sự đan dệt qua lại giữa luận cứ và luận điểm, giữa những ý nhỏ với nhau nhằm dẫn đến sự kết tinh là luận điểm chính. Văn chính luận luôn gắn chặt với dân tộc, thời đại và phong cách cá nhân, cho nên phong cách lập luận cũng muôn màu muôn vẻ. Nó cần biểu đạt bốn dạng thức cơ bản như giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận.
Chứng minh là đối với một vấn đề vốn đã được thừa nhận nhưng cần làm sáng tỏ hơn. Luận cứ ở đây phải thật dồi dào, cụ thể, sát hợp, tiêu biểu: Ví dụ, trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đã chính minh cho nhận định: “Hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng tái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”, sau đó dùng biện pháp liệt kê chứng minh cụ thể: “Về chính trị …; về kinh tế …”; riêng về từng mặt chính trị, kinh tế, tác giả lại lần lượt đưa ra những khía cạnh cụ thể khác … có thể có dạng thức chứng minh theo lối quy nạp”.
Giải thích là nhằm làm cho người ta hiểu được những vấn đề, những luận điểm vốn chưa được công nhận một cách phổ biến, hiển nhiên. Luận cứ ở đây cũng phải đầy đủ nhưng cần tăng cường phần luận chứng cho thật rạch ròi, lớp lang, chặt chẽ: Trong Sửa đổi lề lối làm việc, sau khi nêu nêu “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” là năm nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đã lần lượt giải thích về từng điều một: “Nhân là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào, vì thế mà kiên quyết chống lại những người những việc có hại đến đoàn thể, đến nhân dân … Nghĩa là … Trí là … Dũng là … Liêm là …”.
Phân tích là cách lập luận về một vấn đề cơ sở đem vấn đề tổng thể chia nhỏ ra từng khía cạnh khác nhau để xem xét. Cách nhìn sắc sảo, cách lập luận hệ thống, chặt chẽ, toàn diện của người phân tích giúp cho người đọc hiểu vấn đề theo một trình tự rõ từ chung đến riêng, rồi từ khía cạnh mà tổng hợp lại sâu rộng hơn: “Trong lời kêu gọi Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thoạt tiên Bác đưa ra một nhận định tổng quát “Đế quốc Mỹ dã man gây ra chiến tranh ăn cướp nước ta, nhưng chúng đang thua to”. Tiếp theo Bác phân tích từng mặt của tình hình miền Bắc, miền Nam và diễn biến của tình hình gần đây.
Bình luận là đánh giá, xem xét cái đúng, cái sai, mặt hay, mặt dở của một hiện tượng, một sự vật, một quan niệm, … đồng thời đào sâu mở rộng thêm nhằm phát huy những mặt tích cực và ngăn ngừa những mặt tiêu cực, sai trái. Trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, bình luận về các ý kiến tách biệt hoặc nhập cục làm một giữa nghệ thuật và tuyên truyền, tác giả Trường Chinh viết: “Theo chúng tôi, hai ý kiến trên đều có chỗ không đúng. Nghệ thuật và tuyên truyền không hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng không toàn giống nhau. Tuyên truyền cũng là một thứ nghệ thuật. Nghệ thuật là một phần trong nghệ thuật nói chung. Và bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng ít nhiều có tính chất tuyên truyền. Nhưng nói như thế không phải kết luận rằng nghệ thuật và tuyên truyền chỉ là một”.
Như vậy, các dạng thức nói trên không hoàn toàn đối sánh nhau một cách rạch ròi và cũng thường được vận dụng liên hợp trong một bài văn chính luận.