Một số điểm khác biệt trong phương thức phản ánh giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn.
I. Khái niệm.
1. Chủ nghĩa hiện thực.
Chủ nghĩa hiện thực là trào lưu nghệ thuật lấy hiện thực xã hội và những vấn đề có thực của con người làm đối tượng sáng tác. Chủ nghĩa hiện thực hướng tới cung cấp cho công chúng nghệ thuật những bức tranh chân thực, sống động, quen thuộc về cuộc sống, về môi trường xã hội xung quanh.
Chủ nghĩa hiện thực với tư cách một phương pháp sáng tác xuất hiện ở các nước Pháp, Ý, Anh, Nga thế kỉ XIX sau đó ảnh hưởng sâu rộng ở các nước khác.
Cơ sở hình thành nên chủ nghĩa hiện thực chính là sự thất vọng của các cây bút chân chính đối với thể chế xã hội, vì vậy, họ từ bỏ những ảo tưởng, hi vọng và quay lại nhìn hiện thực xã hội để vạch trần những bất cập của nó. Có thể kể đến những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực ở phương Tây như Honoré de Balzac, Gustave Flaubert, Stendhal…
Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện thực xuất hiện vừa như một trào lưu vừa như một phương pháp sáng tác ở nửa đầu thế kỉ XX. Chỉ hơn một thập niên, chủ nghĩa hiện thực đã đạt đến đỉnh cao với những cây bút xuất sắc như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và những kiệt tác như “Tắt đèn”, “Số đỏ”, “Chí Phèo”…
2. Chủ nghĩa lãng mạn.
Chủ nghĩa lãng mạn là một phương thức sáng tác bắt nguồn từ châu Âu vào cuối thế kỷ 18, và trong hầu hết các lĩnh vực đã ở đỉnh cao trong giai đoạn xấp xỉ từ 1800 đến 1850. Tác phẩm thuộc chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh vào cảm xúc và chủ nghĩa cá nhân cũng như tôn vinh tất cả quá khứ và tự nhiên, thích thời trung cổ hơn là cổ điển.
Cơ sở hình thành nên chủ nghĩa lãng mạn là sự bất hòa, bất lực trước hiện thực xã hội khiến các cây bút tự dệt nên những mộng ảo để đắm mình vào đó. Do sự khác biệt về quan điểm và tình cảm thẩm mĩ, chủ nghĩa lãng mạn tự tách thành hai khuynh hướng: lãng mạn tích cực và lãng mạn tiêu cực. Đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn là George Byron, François Chateaubriand, Victor Hugo, Alfred de Musset…
Ở Việt Nam, chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện vào nửa đầu thế kỉ XX, phát triển song song với chủ nghĩa hiện thực. Những cây bút tiêu biểu cho chủ nghĩa lãng mạn là Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân…
II. Điểm khác biệt.
1. Về nguyên tắc phản ánh hiện thực.
– Chủ nghĩa hiện thực coi trọng nguyên tắc lịch sử cụ thể. Chủ nghĩa hiện thực lại chú ý đến sự mô tả khách quan đời sống.
– Chủ nghĩa lãng mạn coi trọng nguyên tắc biểu hiện. Văn học lãng mạn sáng tạo nhân vật, hình ảnh, tình huống nhằm thỏa mãn việc biểu hiện lý tưởng và tình cảm mãnh liệt của nhà văn. Nhân vật hành động theo ý muốn chủ quan của tác giả, thể hiện một cách trực tiếp tư tưởng của nhà văn.
2. Về đề tài, cảm hứng, lý tưởng thẩm mỹ.
* Đề tài:
– Đề tài trong văn học hiện thực là những vấn đề nóng bỏng trong xã hội, những xung đột và mâu thuẫn giai cấp.
– Đề tài trong văn học lãng mạn lại là tình yêu, thiên nhiên, quá khứ, văn hóa…, những vấn đề có tính muôn thuở, vững bền.
* Cảm hứng và lý tưởng thẩm mỹ:
– Chủ nghĩa hiện thực: Cảm hứng chủ đạo là phê phán, bóc trần, phê phán thực tại xã hội. Lý tưởng thẩm mĩ của chủ nghĩa hiện thực có tính nhân đạo. Chủ nghĩa hiện thực hướng tới cái bình thường. Với các nhà văn hiện thực, cái đẹp gắn với cái thực.
– Chủ nghĩa lãng mạn: Nhà văn lãng mạn thường hướng tới những cái phi thường có tính biệt lệ. Chẳng hạn, truyện ngắn Chữ người tử tù xây dựng một không khí thiêng liêng khác thường, con người cũng tài hoa, dũng liệt một cách rất đỗi nghệ sĩ như Huấn Cao. Văn học lãng mạn còn xây dựng những hình tượng con người vượt lên thực tại của đời sống của hoàn cảnh, hướng tới một cái gì tốt đẹp và thánh thiện hơn hiện thực. Có khi đó chỉ là những khát vọng dẫu mơ hồ nhưng cũng đủ để niềm tin của con người có điểm tựa.
3. Về điểm nhìn nghệ thuật.
Điểm nhìn nghệ thuật có một vị trí quan trọng trong văn học bởi vì “đó là vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn” (Từ điển thuật ngữ văn học – Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi).
Điểm nhìn nghệ thuật có thể được phân chia thành các điểm nhìn: không gian, thời gian, tâm lý, quang học, theo một mô hình văn hóa, theo một hệ tư tưởng…; được biểu hiện qua các phương tiện nghệ thuật, ngôi kể, cách xưng gọi sự vật, cách dùng từ ngữ, kiểu câu; nhằm cung cấp một phương tiện để người đọc nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật và nhận ra đặc điểm phong cách ở trong đó. Ở đây, do giới hạn của chuyên đề nên chúng tôi không khai thác hết các bình diện của lý thuyết điểm nhìn mà chỉ dừng lại ở những nét khác biệt cơ bản trong điểm nhìn của văn xuôi hiện thực và văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 19301945.
Chủ nghĩa hiện thực: Với cương lĩnh sáng tác là nhà văn là thư ký của thời đại và tiểu thuyết là sự thực ở đời, văn học hiện thực chủ trương tái hiện hiện thực theo nguyên tắc khách quan, không tô vẽ hoặc né tránh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Vì vậy điểm nhìn trần thuật của các nhà văn hiện thực là trần thuật khách quan, thường giữ một khoảng cách nhất định đối với nhân vật. Với điểm nhìn này, người đọc sẽ bị thuyết phục bởi tính xác thực của sự kiện, tình tiết, chi tiết, đem đến cho tác phẩm một màu sắc khách quan tối đa.
Chủ nghĩa lãng mạn: Trái với văn học hiện thực nhìn cuộc đời bằng con mắt khách quan tự nó vốn thế (tất nhiên điều này có tính tương đối, bởi tác phẩm văn học nào cũng nhìn thế giới qua con mắt chủ quan của người nghệ sĩ), các nhà văn lãng mạn nhìn thế giới như họ muốn thế. Nghĩa là điểm nhìn của nhà văn lãng mạn là từ bên trong cái tôi của mình, mục đích chính của người nghệ sĩ không phải nhằm phản ánh hiện thực mà để thỏa mãn nhu cầu thể hiện cái tôi của anh ta. Có thể nói chủ nghĩa lãng mạn là sự ý thức cao độ cái tôi cá nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu đề cao mộng tưởng, đề cao tình cảm và đề cao tự do. Vì nhìn thế giới như họ muốn thế nên các nhà văn lãng mạn có xu hướng hoặc hòa hoãn thực tại, hoặc thoát ly thực tại, hoặc cải tạo thực tại theo chiều
hướng nửa vời.
3. Nghệ thuật biểu hiện.
– Văn học hiện thực coi trọng sự chân thực của các chi tiết.
+ Chi tiết là đơn vị nhỏ nhất của sáng tác, là chất liệu xây dựng lên hình tượng văn học. Chi tiết có thể là một lời nói, một nét tính cách ngoại hình, một khâu trong quan hệ…
+ Chi tiết chân thực là chi tiết có thật hoặc có thể có tính thống nhất với hiện thực cuộc sống.
+ Vai trò của các chi tiết chân thực: mọi chi tiết đều có ý độc lập góp phần đan dệt nên những hình tượng sinh động, những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
– Văn học lãng mạn thường sử dụng thủ pháp tương phản, đối lập, thích khoa trương, phóng đại, sử dụng ngôn ngữ giàu sức biểu hiện cảm xúc.