Nguyên nhân và giải pháp để hạn chế hiện tượng học sinh nói tục, chửi thề khi tham gia bình luận trên mạng xã hội

nguyen-nhan-va-giai-phap-de-han-che-hien-tuong-hoc-sinh-noi-tuc-chui-the-khi-tham-gia-binh-luan-tren-mang-xa-hoi

Nguyên nhân và giải pháp để hạn chế hiện tượng học sinh nói tục, chửi thề khi tham gia bình luận trên mạng xã hội

  • Mở bài:

Hiện nay, những tiêu chuẩn về sự trong sáng của tiếng Việt đang bị giới trẻ xô lệch, tiêu biểu là hiện tượng học sinh hiện nay thường xuyên dùng những từ viết tắt mang nghĩa nói tục, chửi thề khi tham gia bình luận trên mạng xã hội. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng này diễn ra phổ biến và để loại bỏ nó cần có những biện pháp triệt để và lâu dài.

  • Thân bài:

Nói tục, chửi thề là gì?

Nói tục chửi thề là dùng những lời lẽ thô tục, thiếu tế nhị, thiếu văn hóa trong giao tiếp. Hành động này nhằm bôi nhọ, sỉ nhục hoặc xúc phạm đến người khác.

Có thể hiểu nói tục, chửi thề là dùng những từ ngữ bẩn thỉu, ngôn ngữ xấu xí, thô bạo, lời lẽ thô lỗ, lời thề, ngôn ngữ báng bổ, ngôn ngữ tục tĩu, ngôn từ dâm dục,… có tính chất xúc phạm đến danh dự nhân cách, nhân phẩm của một cá nhân, gia đình hoặc tập thể.

Biểu hiện của hiện tượng nói tục, chửi thề trong xã hội:

Trên mạng xã hội, nơi giới trẻ vẫn “sinh hoạt” hàng ngày, có nhiều cách biến tấu tiếng Việt, sử dụng những từ ngữ, cách nói chuyện lạ lẫm mà tiêu biểu là cách dùng những chữ viết tắt mang nghĩa nói tục, chửi thề khi tham gia bình luận trên mạng xã hội. Điều đặc biệt là những chữ viết tắt ấy xuất hiện với tần suất dày đặc.

Ví dụ như: ccmn (chuẩn cơm mẹ nấu), CLGT (cần lời giải thích),VL (vãi lúa), lol (Laugh out loud – cười to), ôi cái ĐM (ôi cái định mệnh)…

Không chỉ các nam thanh niên mới quen nói tục, chửi bậy trên mạng mà các nữ tú cũng bình luận bằng những từ nói tục, chửi bậy rất nhiều.

Nguyên nhân làm nảy sinh hiện tượng nói tục, chửi thề kịch cỡm trong giới trẻ ngày nay:

Nói tục, chửi thề không tự nó phát sinh và lây lan mà do những nguyên nhân nhất định. Đầu tiện, phải kể đến việc hình thành các mạng xã hội đã tạo điều kiện cho các bạn trẻ tự xây dựng một thế giới riêng mình. Họ được thỏa sức làm điều họ muốn trong một thế giới ảo. Trong thế giới đó, nhiều chuẩn mực, lễ nghi trong giao tiếp ngoài đời đã không còn nữa. Vì thế, những cách dùng những chữ viết tắt mang nghĩa nói tục, chửi thề khi tham gia bình luận trên mạng xã hội trở nên phổ biến.

Các hành vi vô văn hóa được cổ động ảo gây nên sự lây lan không thể kiểm soát được, đã biến cái xấu thành cái được ủng hộ, tung hô, gây ra sự ngộ nhận. Thêm vào đó, tính tò mò, hành vi thiếu trách nhiệm của giới trẻ đã góp sức đẩy mạnh sự lây lan của cái xấu, cái thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Suy nghĩ, ý thức và hành động của giới trẻ đối với tiếng mẹ đẻ chưa thực sự đúng đắn. Họ thiếu hẳn lòng tôn trọng đối với tiếng nói của dân tộc. Họ cho rằng phải chêm vào những từ viết tắt mang nghĩa nói tục, chửi thề như thế thì mới chứng tỏ mình sành điệu, hiểu biết, không “lạc hậu”, hoặc như thế cho vui, cho câu chuyện thu hút… Từ suy nghĩ đến hành động tạo ra một độ lệch lớn, hình thành thói quen ngon ngữ xấu xí, lạc lõng, vô văn hóa.

Hiện tượng nói tục, chửi thề, sử dụng ngon ngữ chát phổ biến đến nổi những học sinh nghiêm túc nhất cũng bị ảnh hưởng từ bạn bè nói, sau đó thành quen, rồi cũng nói theo. Trong tư tưởng của họ, phát ngôn những từ như vậy không phải là xấu, là hư hỏng, mà đó là ngôn ngữ giao tiếp bình thường, là lẽ thường.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế là các nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức mà chưa chú trọng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh. Việc giáo dục ngôn ngữ và đạo đức cho học sinh của nhà trường phần lớn còn nằm trên khẩu hiệu chứ chưa thực sự được tiến hành ráo riết. Nhà trường thiếu những sân chơi giáo dụ học sinh văn hóa sử dụng ngôn ngữ lành mạnh, văn minh và tiến bộ, chưa thực sự khẳng định vai trò của ngôn ngữ và văn hóa sử dụng ngôn ngữ đối với con người.

Gia đình, xã hội bỏ mặc, thờ ơ trước hiện tượng lệch lạc trong ngôn ngữ của con em mình. Thậm chí, họ cho rằng đó là một lối giao tiếp mới, có hả năng hòa hợp cá nhân và cộng đồng khi những loại ngôn ngữ ấy quá phổ biến.

Các nhà ngôn ngữ, các cấp chức năng chưa có những hành động thiết thực chấn chỉnh, điều hướng và hình thành thói quen sử dụng ngôn ngữ tốt đẹp cho xã hội. Họ thả nổi những loại ngôn ngữ xấu xí, bị lợi dụng, để cho ngôn ngữ dân tộc bị biến dạng mà chưa có bất cứ một hành động nào.

Giải pháp hạn chế hiện tượng học sinh nói tục, chửi thề khi tham gia bình luận trên mạng xã hội

Thói quen xấu ban đầu chỉ như vị khách qua đường, dần dần trở thành người bạn thân sống chung và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính. Vì vậy đê khắc phục hiện tượng dùng những chữ viết tắt mang nghĩa nói tục, chửi thề khi tham gia bình luận trên mạng xã hội trong giới trẻ hiện nay, cần:

Với các bạn trẻ, để không bị những thói quen tật xấu ấy ngự trị thì phải có bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm, không dễ dàng bị cái xấu chế ngự, cẩn trọng trước khi nói hay bình luận. Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia trau dồi vốn hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc. Tiếp thu những yếu tố mới trên cơ sở có xem xét chọn lọc. Không cổ xúy, chạy theo những xu hướng không hay, không tốt.

Các diễn đàn và các trang mạng xã hội cần xây dựng quy chế rõ ràng và phù hợp. Hướng diễn đàn đến những nội dung giao tiếp lành mạnh. Cần xây dựng những hạt nhân tiêu biểu nhằm thu hút thành viên của diễn đàn học hỏi, noi theo. Một biểu tượng đẹp trong ngôn ngữ rất dễ thu hút người xem làm theo.

Gia đình cần sự quan tâm chia sẻ từ các bậc phụ huynh. Nên xem con em mình như những “người bạn” để hiểu được tâm tư nguyện vọng của giới trẻ hiện nay. Từ đó, đưa ra những lời khuyên một cách thiết thực nhất. Hãy giúp các em có nhiều cơ hội được tiếp xúc giao lưu học hỏi lẫn nhau nhiều hơn. Đồng thời, trạng bị những hiểu biết văn hóa, ứng xử ngay từ chính những hoạt động, sinh hoạt trong gia đình.

Thầy cô là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến các bạn trẻ. Thầy cô chính là những người định hướng, giúp các em hoàn thiện vốn ngôn ngữ của mình. Bởi vậy, mỗi thầy cô cần phải là những tấm gương về sử dụng ngôn ngữ, kiến thức ngôn ngữ. Thường xuyên thiết lập các kênh đối thoại để từ đó khích lệ, nhắc nhở hay chấn chỉnh hoạt động ngôn ngôn ngữ của học sinh. Đặc biệt, là xây dựng cho mình một ngôn phong trong sáng, chuẩn mực.

Nhà trường cần định hướng cho các em những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt. Từ đó, nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tạo thêm nhiều cơ hội, cũng như khích lệ tinh thần học hỏi nói và làm theo lời hay ý đẹp. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp để chấn chỉnh những em đi ngược lại xu thế đó.

Theo các chuyên gia tâm lý, nên có sự mở rộng mô hình phòng tư vấn học đường trong trường học để giúp người lớn có thêm kiến thức để ứng xử đúng đắn cũng như kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn của giới trẻ hiện nay.

Cơ quan chức năng cần xây dựng một chương trình học tiếng Việt phù hợp và khoa học. Trên tinh thần giảm tải những kiến thức về ngôn ngữ học tiếng Việt. Coi trọng kỹ năng giao tiếp và phát triển kỹ năng sống cho học sinh.

Các cơ quan thông tin truyền thông cần xây dựng cách nói, viết chuẩn mực góp phần định hướng xã hội. Cần có thái độ kiên quyết chống lại những cách diễn đạt lệch chuẩn. Kìm chế hững xu hướng không phù hợp làm mất đi sự trong sáng và chuẩn hóa của tiếng Việt. Từ đó, giúp giới trẻ có được định hướng đúng đắn

Bài học nhận thức và hành động:

Luôn rèn luyện ngôn ngữ giao tiếp. Luôn vận dụng đúng đắn các phương tiện giao tiếp để bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Khi nhân cách chưa định hình thì cần phải rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực tốt đẹp hơn nữa. Tránh lệch lạc nhân cách dẫn đến các hành vi sai trái.

Góp ý, điều chỉnh những hành vi lệch lạc ngôn ngữ trong giao tiếp của bạn bè. Rèn luyện ý thức trân trọng và bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt.

  • Kết bài:

Như vậy, việc hạn chế hiện tượng dùng những chữ viết tắt mang nghĩa nói tục, chửi thề khi tham gia bình luận trên mạng xã hội trong học sinh trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội. Trong đó, bản thân giới trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về vấn đề lời nói trong giao tiếp của học sinh ngày nay - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.