Phân tích Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-nguoi-lai-do-song-da-cua-nguyen-tuan-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân (dưới góc độ thi pháp)

Cái nhìn và điểm nhìn nghệ thuật trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân là một trong những phương diện nổi bật. Trong bài ký sắc sảo và ấn tượng này, Nguyễn Tuân thể hiện cái nhìn về đối tượng phản ánh – người lái đò sông Đà – từ góc nhìn của cái đẹp, và con sông Đà từ những sự tham chiếu mang tính tổng hợp thẩm mỹ của địa lý – lịch sử – văn hóa.

Về tính cách con sông Đà, Nguyễn Tuân thể hiện hai điểm nhìn chính là hùng vĩ, hung bạo và thơ mộng, trữ tình. Hai điểm nhìn này có tác dụng bổ sung cho nhau để dựng nên hình tượng con sông Đà độc đáo và thú vị. Nếu thiếu một trong hai điểm nhìn thì hình tượng con sông không còn nguyên giá trị, mất sức hấp dẫn, lôi cuốn: Thiếu điểm nhìn về đặc tính hùng vĩ, hung bạo mà chỉ còn trữ tình thì con sông thiếu tính cá biệt, cá tính và chỉ là con sông bình thường; thiếu điểm nhìn về đặc tính thơ mộng, trữ tình thì con sông chỉ còn lại đặc điểm địa lý, con người sẽ cảm thấy sợ hãi, lánh xa. Do vậy, hai điểm nhìn trên tương tác lẫn nhau để vừa tạo nên tính chân thực, vừa tạo nên sức hấp dẫn riêng, độc đáo có một không hai trong cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

Trong cả hai điểm nhìn, các sắc thái của đối tượng được miêu tả, phẩm bình, đánh giá luôn phong phú, đa dạng, linh hoạt trong cách dùng từ ngữ giàu chất thơ, cách ví von so sánh mới lạ của nhà văn. Chẳng hạn, miêu tả con sông ở khúc hẹp thì như chiếc yết hầu bị đá bờ sông chẹt cứng, khi ở khúc rộng thì mênh mông hàng cây số của một thế giời đầy gió gùn ghè; khi thì mặt thác với dòng nước như hùm beo lồng lộn, khi thì những cái hút nước xoáy tít lôi tuột mọi vật xuống đáy sâu…

Điểm nhìn không chỉ dừng lại ở hình hài dòng sông hay bờ sông có đoạn hoang dại như một bờ tiền sử mà cả ở âm thanh của con sông cũng được thơ hóa đa dạng, phong phú: oán trách nỉ non, khiêu khích chế nhạo, đột ngột rống lên, thét gầm lên, ặc ặc lên, thở và kêu như cửa cái cống bị sặc… Điểm nhìn trữ tình trước hết thể hiện ở cách ví von có tính mô hình nhưng sống động về con sông như một áng tóc trữ tình và huyền diệu với đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây.

Mặt khác là khi không gian của điểm nhìn di chuyển về khúc sông êm đềm, yên ả như đoạn chảy qua chợ Bờ thì nước dòng sông có lúc xanh như ngọc bích, có lúc lại đỏ lừ; ấn tượng về dòng sông như với cố nhân, có lúc lại mang màu huyền ảo sương khói như trong một cảnh thơ Đường tuyệt bút của Lý Bạch. Thiên nhiên cây cỏ cũng gợi tình, lãng mạn: nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp, một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm…

Về người lái đò trên sông Đà, cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Tuân thể hiện ở các điểm nhìn về ngoại hình, về lòng dũng cảm, về tài năng lái đò trên con sông, về tình yêu lao động và tất cả toát lên vẻ đẹp trong cách miêu tả và thể hiện của tác giả. Trong cái nhìn của thiên tùy bút giàu chất nghệ thuật và sáng tạo này, người lái đò sông Đà hiển hiện một cách tự nhiên và thuyết phục từ tính tổng hợp thẩm mỹ của mọi đặc điểm, giá trị. Tính tương tác của hình tượng người lái đò với con sông Đà trong các điểm nhìn của nhà văn tạo nên những giá trị mới mẻ cho cả hai. Cũng từ đó, tạo nên những ấn tượng độc đáo và sâu sắc về tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam qua thiên tùy bút đẹp như một bài thơ.

Giữa hai đối tượng miêu tả là con sông Đà và người lái đò sông Đà luôn có mối quan hệ gắn bó khăng khít và mật thiết trong cách nhìn và thể hiện của tác giả. Vẻ đẹp và sức hấp dẫn của mỗi đối tượng miêu tả có được là nhờ sự tương tác giữa chúng, từ đó, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ của bài ký tuyệt bút này. Với người lái đò, con sông Đà vừa là đối tượng của cuộc chiến cần và phải chinh phục để mưu sinh, có khi khó khăn đến mức có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một (…) thấy nó chính là một cuộc đấu tranh với thiên nhiên để giành sự sống từ tay nó về minh.

Nhưng cũng chính với những đặc điểm hung bạo của con sông đà, người lái đó mới có điều kiện để thử thách, vượt lên và thể hiện những phẩm chất chiến sỹ trận mạc và nghệ sỹ của mình: Ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lung, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước, của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất…

Người lái đò dũng cảm và mưu lược trong mọi tình huống của các vòng thạch trận, vì ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Do vậy, lúc thì cưỡi lên thác sông Đà, lúc thì nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng, ghì cương lái.. và linh hoạt ứng phó một cách bản lĩnh và tài nghệ: Đối với bọn thủy quân sông Đà, ông đò nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến… Và trong cuộc chiến với người lái đò như thế, các vẻ đẹp và hấp dẫn trong nét tính cách hung bạo của con sông Đà cũng có điều kiện để hiển lộ. Nghĩa là, con sông không chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà là một hình tượng nghệ thuật, một nhân vật thực thụ có hồn vía, thần thái, tính cách.

Như vậy, thi pháp kết cấu hình tượng của Người lái đò sông Đà có sự tương tác giữa các đối tượng thẩm mỹ. Chính mối quan hệ giữa các yếu tố trong một hệ thống nghệ thuật thống nhất ấy đã tạo nên tính tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần đáng kể làm nên sức hấp dẫn độc đáo của hình tượng vừa giàu chất thơ, chất phiêu lưu, lãng mạn nhưng cũng hết sức hiện thực luôn thấm đẫm tình yêu thiên nhiên và con người của nhà văn Nguyễn Tuân.

Phân tích tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.