Phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-truyen-ngan-vo-chong-a-phu-cua-to-hoai-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài (dưới góc độ thi pháp).

Trong thi pháp của truyện “Vợ chồng A Phủ”, có hai phương diên tiêu biểu và nổi bật. Đó là kết cấu nghệ thuật và giọng điệu. Kết cấu bề mặt của Vợ chồng A Phủ có các mảng, các miền của không gian và thời gian, vốn như là những điều kiện về địa lý, lịch sử và văn hóa để con người trong tác phẩm diễn trình các dáng nét cuộc sống, lao động, tình yêu, nỗi đau, tâm tư và khát vọng tự do, đấu tranh và hạnh phúc. Về thời gian có các chặng: Khi Mị và A Phủ còn tự do, khi làm nô lệ trong nhà thống lý Pá Tra, thời gian Mị và A Phủ thành vợ chồng, làm du kích, giải phóng. Về không gian có không gian Hồng Ngài và Phiềng Sa.

Bên cạnh đó, có kết cấu bên trong, bề sâu của các vỉa, các tầng tâm lý, văn hóa. Cần tiếp cận kết cấu thẩm mỹ Vợ chồng A Phủ theo góc độ này ở hai bình diện.

Một là, nhìn nhận hình tượng trung tâm trong tác phẩm này không phải chỉ riêng Mị hay A Phủ, mà phải là vợ chồng A Phủ. Bởi vì, trong hình tượng này có sự tương tác, phối ứng, bổ sung các đặc điểm của A Phủ và Mị với nhau, làm nên vẻ đẹp về tư tưởng và thẩm mỹ của hình tượng và tác phẩm. A Phủ thì nổi bật với những đặc điểm của hình thể khỏe mạnh, tính cách cương trực, thẳng thắn, trung thực, chân thành; Mị thì tiêu biểu với những nét như xinh đẹp, nhân hậu, giàu lòng vị tha, tâm hồn luôn rộng mở hướng về tình yêu và tự do. A Phủ như núi cao vững chãi, Mị như suối nước nguồn trong mát. Hai hình tượng nhân vật này tương tác, bổ sung cho nhau làm nên những nét đẹp có tính biểu trưng cho phẩm chất, tâm hồn, nhân cách của nhân dân lao động miền núi phía Bắc.

Hai là, sự phối kết giữa cái thực trạng nhất thời và cái vĩnh hằng: Cái nhất thời là cuộc sống tủi nhục, cơ cực, bị bóc lột, chà đạp; cái vĩnh hằng là những giá trị tốt đẹp của con người đằm sâu trong bản chất của Mị và A Phủ mà không bạo lực nào có thể tiêu diệt được, đan giao cùng với thiên nhiên tươi đẹp, trữ tình, mộng mơ (trong không gian mùa xuân với thiên nhiên cây cỏ, trong lời bài hát tỏ tình và tiếng sáo gọi bạn tình…).

Trong kết cấu hình tượng, mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người cũng là một phương diện đáng chú ý. Thiên nhiên không chỉ làm nền, làm phông của không gian nghệ thuật cho các mối quan hệ của con người, kể cả đối kháng giữa Mị, A Phủ với cha con thống lý Pá Tra, và với bọn thực dân, cũng như mối quan hệ đồng cảnh giữa Mị và A Phủ, quan hệ giữa A Châu với A Phủ và đội du kích.

Đặc biệt, thiên nhiên trong thiên truyện đã phần nào là phương tiện nghệ thuật gián tiếp thể hiện phẩm tính con người Tây Bắc. Và với không khí thẩm mỹ của truyện, thiên nhiên đã làm dịu hóa, lãng mạn hóa bức tranh sinh hoạt của con người, mang đến cho hình tượng những vẻ đẹp và sức hấp dẫn độc đáo. Chẳng hạn, sắc màu và hương vị những bức tranh như thế này đã tham gia vào kết cấu thẩm mỹ hình tượng một cách đắc dụng và hiệu quả: Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ […]. Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi.

Những bức tranh thiên nhiên như thế cùng cảnh sinh hoạt, vui chơi tình tứ của lớp trẻ đã gia tăng thêm một điểm nhìn nghệ thuật đáng kể, làm nên tính phong phú, đa dạng và toàn vẹn của hình tượng nghệ thuật.

Trong “Vợ chồng A Phủ”, giọng điệu tác giả mang tính cảm thông, chia sẻ, xót thương với các nhân vật chính diện là A Phủ và Mị – đại diện cho nhân dân lao động miền núi phía Bắc bị bóc lột, chà đạp; và phê phán, lên án đối với các nhân vật phản diện như Pá Tra, A Sử – đại diện cho giai cấp địa chủ, phong kiến, và bọn thực dân cướp nước.

Giọng điệu tác giả trong thiên truyện là giọng điệu của người kể chuyện. Để đảm bảo tính khách quan, câu chuyện được kể lại như thật, như nó vốn là, thì người kể chuyện phải giữ giọng điệu trung hòa, không thể bộc lộ trữ tình ngoại đề một cách lộ liễu. Tuy nhiên, cái nhìn nghệ thuật và tư tưởng nhân văn cũng như thái độ của tác giả đối với hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện, lương thiện và bất lương, phải được thể hiện trong cách miêu tả nhân vật, xây dựng hình tượng, và trong cách dẫn chuyện. Do vậy, ở đây, Tô Hoài dùng nghệ thuật dẫn chuyện để biểu thị giọng điệu. Chẳng hạn, mở đầu tác phẩm, ông dùng lời văn “ai…cũng”; “người ta thường nói, người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại”… để đảm bảo tính khách quan nhưng cũng khẳng định được thái độ tác giả trước thực tế bất công, đau xót: Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa…

Mặt khác, trong khi miêu tả các nhân vật, lời văn thể hiện rõ sắc thái giọng điệu. Chẳng hạn, miêu tả Mị với lòng thương cảm, sự xót xa: cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi;/ cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm; từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ;/ mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa;/ cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế, lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức…

Giọng điệu nhân vật trong tác phẩm mang tính biểu trưng cho tính cách của từng kiểu loại nhân vật thuộc giới và địa vị xã hội khác nhau. A Phủ có giọng bộc trực, các lời thoại ngắn: Khi đánh nhau với A Sử thì A Phủ không nói một lời nào, bị bắt và tra tấn cũng không nói, chỉ có lời thoại đối đáp với Pá Tra khi đi chăn bò, để mất bò và về lấy súng đi bắn hổ; khi chửi bọn Tây vì bị bắt mất lợn và bị lừa đảo. Nhân vật Mị càng ít lời, như tảng đá và tàu ngựa lặng im; chỉ thể hiện tâm trạng bằng lời nói khi xin cha được làm nương trả nợ cho nhà thống lý, không phải làm vợ A Sử, và xin A Phủ được theo với sau khi cắt dây mây cởi trói cho A Phủ. Việc thể hiện trực tiếp giọng điệu của nhân vật rất ít, chủ yếu nhân vật bộc lộ tâm trạng bằng độc thoại nội tâm là cách thức thể hiện gián tiếp giọng điệu của nhân vật phù hợp với tâm lí con người trong bối cảnh lịch sử, không gian văn hóa, thẩm mỹ của đối tượng phản ánh.

Chứng minh: Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.