Tác phẩm văn học là gì?

tac-pham-van-hoc-la-gi

Tác phẩm văn học là gì?

1. Tác phẩm văn học là gì?

Tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hay một tập thể sáng tạo nên nhằm thể hiện những khái quát về cuộc sống, con người và biểu hiện tâm tư, tĩnh cảm, thái độ của chủ thể trước thực tại bằng hình tượng nghệ thuật. Tác phẩm văn học bao giờ cũng là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.

Tác phẩm văn học có thể tồn tại dưới hình thức truyền miệng (văn học dân gian, folklore văn học) hay dưới hình thức văn bản nghệ thuật được giữ gìn qua văn tự (văn học viết, văn học bác học), có thể được viết bằng văn vần hay văn xuôi. Xét về dung lượng, tác phẩm văn học có thể rất đồ sộ như Chiến tranh và hòa bình của Tônxtôi, Sông Ðông êm đềm của Sôlôkhốp, Những người khốn khổ của V. Hugo hoặc cũng có thể chỉ là một bài thơ ngắn vài ba câu…

Các tác phẩm văn học có dung lượng rất khác nhau và có thể chia thành ba loại hình cơ bản: tác phẩm tự sự, tác phẩm kịch, tác phẩm trữ tình.

Tác phẩm văn học không phải là một sản phẩm cố định. Nó mang tính lịch sử, đa nghĩa, nó có sự biến đổi về văn bản và có sự khác nhau trong cảm thụ của người đọc ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

2. Đặc điểm và vai trò của tác phẩm văn học.

Tác phẩm văn học là tế bào của đời sống văn học. Nó không chỉ là kết quả sáng tạo của nhà văn, mà còn là đối tượng tiếp nhận của người đọc, đối tượng khảo sát của nghiên cứu văn học. Vì văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng, nhưng hình tượng nghệ thuật là khách thể tinh thần tự nó không thể tồn tại được mà phải tồn tại trong tác phẩm. Cảm xúc suy nghĩ của nhà văn dù có mãnh liệt, sâu sắc đến đâu cũng trở thành vô nghĩa nếu không có tác phẩm văn học.

Mặc dù, nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm, nhưng chính tác phẩm lại là “chứng minh thư” xác nhận tư cách nhà văn. Ví dụ, nhà văn Nguyễn Du bất tử vì Truyện Kiều của ông chứ không phải ngược lại. Tác phẩm văn học là sự kết tinh quá trình tư duy nghệ thuật của tác giả, biến những biểu tượng, ý nghĩ, cảm xúc bên trong của nhà văn thành một sự thực văn hóa xã hội khách quan cho mọi người “soi nắm”, suy nghĩ. Sự nghiệp văn học của một người hay một dân tộc, một giai đoạn lịch sử bao giờ cũng lấy tác phẩm làm cơ sở. Cho nên, tác phẩm văn học là tấm tương khách quan về tầm vóc tiếng nói nghệ thuật, chiều sâu phản ánh, trình độ nghệ thuật, tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Nó tuy phải hiện diện thành văn bản, quyển sách nhưng không đơn giản chỉ là quyển sách, mà là văn bản ngôn từ, là sự kết tinh của một quan hệ xã hội nhiều mặt. Sự vận động của một nền văn học bao giờ cũng dựa trên bốn yếu tố: thời đại – nhà văn – tác phẩm – người đọc, trong đó, tác phẩm là yếu tố trọng tâm, quan trọng nhất.

Tác phẩm văn học là thành quả của một quá trình sáng tạo nghệ thuật. Đối với người sáng tác thì tác phẩm văn học là đứa con tinh thần được sản sinh ra thông qua quá trình thai nghén đầy cảm xúc và quá trình làm việc căng thẳng của tư duy. Lê Lưu Oanh quan niệm: “Tác phẩm văn học là đơn vị sáng tác của nhà văn, là đối tượng thưởng thức của người đọc, là kết quả của trình độ ý thức xã hội, ý thức thẩm mĩ thời đại, là chỉnh thể trung tâm của hoạt động văn học. Bởi vì, mọi quy luật, bản chất, đặc trưng, thuộc tính của văn học đều biểu hiện tập trung ở tác phẩm văn học, dù đó có thể là một thiên sử thi đồ sộ hoặc chỉ là một câu tục ngữ ngắn gọn”.

Tác phẩm văn học còn là thước đo về tầm vóc tiếng nói nghệ thuật, chiều sâu phản ánh, trình độ nghệ thuật, tài năng sáng tạo của một tác giả, một giai đoạn lịch sử. Cũng như mọi hiện tượng xã hội khác, mỗi tác phẩm văn học đều bao gồm phần nội dung và hình thức. Nội dung của tác phẩm bao gồm các yếu tố đề tài, chủ đề, tư tưởng tác phẩm. Còn hình thức của tác phẩm bao gồm các yếu tố về ngôn ngữ, kết cấu, thể loại, biện pháp thể hiện, sự phân chia này chỉ mang tính tương đối.

Một tác phẩm văn học phản ánh một phạm vi nhất định của đời sống hiện thực. Phạm vi vấn đề hoặc phạm vi thực tại mà nhà văn hướng đến sáng tác được xem là đề tài của tác phẩm. Thông qua những nhân vật, sự kiện và cảnh ngộ được miêu tả trong tác phẩm, nhà văn đề xuất những vấn đề cơ bản toát lên từ nội dung trực tiếp của tác phẩm theo một chiều hướng tư tưởng nhất định, vấn đề đó là chủ đề của tác phẩm. Còn tư tưởng của tác phẩm bao gồm toàn bộ thái độ nhận thức, đánh giá của nhà văn về hiện thực được miêu tả trong tác phẩm.

Bên cạnh nội dung của tác phẩm, chúng ta không thể không nhắc đến hình thức của phẩm. Hình thức là quá trình vận dụng những phương tiện biểu hiện như ngôn ngữ, kết cấu, loại thể để xây dựng những tính cách nhân vật theo phương hướng chủ đạo của chủ đề, đề tài và tư tưởng tác phẩm. Những thành tố về hình thức của tác phẩm không tồn tại ngoài nội dung, nó có nhiệm vụ biểu hiện trực tiếp nội dung. Trần Đình Sử cho rằng: “Tác phẩm văn học vừa là kết quả của hoạt động sáng tác của nhà văn, vừa là cơ sở và đối tượng hoạt động thưởng thức của người đọc”

Tác phẩm văn học thường được xem là chỉnh thể trung tâm, là tế bào, là bộ mặt của đời sống. Từ xưa đến nay, khái niệm tác phẩm văn học được quan niệm với một phạm vi khá rộng rãi. Đó có thể là một trường ca, một truyện thơ dài hàng ngàn câu, hoặc một bài bài ca dao chỉ có hai câu. Tính phức tạp của tác phẩm văn học không chỉ biểu hiện qua cấu trúc nội tại của bản thân nó, mà còn biểu hiện qua hàng loạt quan hệ khác. Với người sáng tạo, tác phẩm văn học là nơi kí thác, nơi khẳng định quan điểm nhân sinh, lí tưởng thẩm mĩ. Vì vậy, người ta hay nói đến tấc lòng của tác giả gửi gắm qua tác phẩm. Với hiện thực khách quan, tác phẩm văn học là đối tượng tích cực của cảm thụ thẩm mĩ, … Dĩ nhiên, trong thực tế, những quan hệ phức tạp ấy luôn xuyên thấm lẫn nhau, không thể phân tách một cách máy móc.

Xét từ chức năng giao tiếp và đời sống lịch sử thì tác phẩm văn học không phải là một sản phẩm cố định bất biến. Tác phẩm là tổng thể của các quá trình khác nhau, một hệ thống thường xuyên diễn ra những biến đổi đa dạng có trật tự biến đổi về văn bản. Chẳng hạn, có nhiều văn bản Truyện Kiều và người ta tìm kiếm một bản Kiều đúng với  nguyên tắc hơn cả thì rất khó, bởi vì, nó có sự biến đổi về sự cảm thụ đối với tác phẩm cũng như văn bản. Dưới thời phong kiến thì Truyện Kiều chủ yếu được cảm nhận như một chuyện tình chung thủy đầy trắc trở. Ngày nay, chủ yếu nó được cảm nhận như truyện nói về quyền sống con người, số phận của phụ nữ, tố cáo chế độ phong kiến.

Tác phẩm văn học có thể tồn tại dưới hình thức truyền miệng (văn học dân gian – folklore văn học) hay dưới hình thức văn bản nghệ thuật được giữ gìn qua văn tự (văn học viết, văn học bác học), có thể được viết bằng văn vần hay văn xuôi. Tác phẩm văn học là sự thống nhất giữa phần khái quát đã được mã hóa trong văn bản và phần cảm nhận, khám phá của người đọc. Những tác phẩm văn học tầm cỡ, có chiều sâu luôn dành cho người đọc những điều mới mẻ để phát hiện, chiêm nghiệm, suy ngẫm. Tác phẩm văn học bao giờ cũng là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Cho nên, tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hoặc một tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát về cuộc sống con người, với những biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ, … của chủ thể trước thực tại bằng hình tượng nghệ thuật.

Như vậy, tác phẩm văn học là sự thống nhất giữa phần khái quát đã được mã hóa trong văn bản và phần cảm nhận, khám phá của người đọc. Tiếp nhận là điều kiện chủ quan của tồn tại tác phẩm. Những đề tài, chủ đề, tư tưởng, kết cấu, phong cách, chỉ nhờ tiếp nhận mới bộc lộ hết tiềm năng khái quát và ý vị của chúng. Những tác phẩm văn học tầm cỡ, có chiều sâu luôn dành cho người đọc những điều mới mẻ để phát hiện, chiêm nghiệm, suy ngẫm. Nhưng mặt khác, tác phẩm văn học vẫn mang tính xác định (văn bản, phương tiện biểu hiện, kết cấu,..) không cho phép người đọc tuỳ tiện suy diễn chủ quan, gán ghép ý nghĩa cho nó.

Mỗi tác phẩm văn học là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều yếu tố như chủ để, tư tưởng, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng…, còn có thể kể thêm các yếu tố : nhân vật, cốt truyện,… đối với các tác phẩm tự sự và kịch. Ở những tác phẩm văn học có giá trị, sự kết hợp hài hòa và tác động qua lại giữa các yếu tố ấy khiến tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật mang tính thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa nội dung thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật.

Trong nghiên cứu văn học, tác phẩm văn học – sáng tác của một nhà văn, sáng tác của một trào lưu, nền văn học một dân tộc đều được xem là những chỉnh thể nghệ thuật. Trong các chỉnh thể nghệ thuật ấy, tác phẩm văn học là chỉnh thể nghệ thuật cơ bản nhất.

Nghị luận: “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho người đọc sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng” (Tiếng nói văn nghệ)

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Tác phẩm văn học: Khái niệm, đặc điểm nội dung và hình thức. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.