Suy nghĩ về vấn đề dạy và học trực tuyến (online) so với lớp học truyền thống.

van-de-day-va-hoc-truc-tuyen-online-va-lop-hoc-truyen-thong

Suy nghĩ về vấn đề dạy và học trực tuyến (online) so với lớp học truyền thống.

  • Mở bài:

Ngày nay, việc phát triển của internets và công nghệ thông tin khiến cho việc học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bên cạnh lớp học truyền thống, các lớp học trực tuyến ngày càng nở rộ và đóng quan trọng trong đời sống con người. Việc dạy và học trực tuyến có thể giúp người học dễ dàng có được kiến thức và bằng cấp nhưng không thể thay thế được hình thức lớp học truyền thống.

  • Thân bài:

1. Giải thích.

Dạy và học trực tuyến là gì?

Dạy và học online hay trực tuyến (E-Learning) là hình thức học tập xuất hiện dưới sự phát triển của công nghệ thông tin. Trong đó, người học sẽ tham gia các lớp học ảo trên mạng Internet thông qua các công cụ tương tác thay vì tới các lớp học hữu hình truyền thống.

Lớp học truyền thống là gì?

Lớp học truyền thống là lớp học được tổ chức diễn ra tại trường học. Ở đó, người dạy và người học trực tiếp tiến hành các hoạt động dạy và học thông qua chương trình giáo dục cụ thể.

2. Bàn luận.

a. Những lợi ích của hình thức dạy và học trực tuyến.

– Dạy và học trực tuyến trên các thiết bị công nghệ thông minh và mạng Internet. Người dạy và người học có thể tham gia lớp học ngay từ ở nhà hoặc bất cứ đâu, không cần di chuyển tới lớp học. Nhờ đó, họ có thể tiết kiệm thời gian đi lại, linh hoạt lựa chọn địa điểm học tập hoặc giảng dạy. Sự linh hoạt trong địa điểm và thời gian học này đặc biệt phù hợp cho đối tượng các học viên vừa học vừa làm, giúp họ có thể sắp xếp thời gian thoải mái hơn.

– Nhờ hệ thống kết nối đa chiều, người dạy và người học có thể tương tác với nhau trên máy tính, tiện lợi cho việc tìm kiếm tài liệu, minh họa, thảo luận ngay tức thì. Trong quá trình học, giáo viên và học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu mở rộng trên Internet, không còn bị phụ thuộc vào giáo trình. Nếu học sinh cần trao đổi với giáo viên thì có thể thực hiện trên email, tin nhắn,… không còn bị giới hạn chỉ trong buổi học như trước đây.

– Dạy và họ trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí tối đa cho hoạt động học tập do một số hoạt động như: tài liệu học tập đã được số hóa, người học học tập tại nhà, không cần di chuyển đến địa điểm học tập,….

– Giờ học trực tuyến có thể được lưu trữ bằng video, cho phép học sinh ghi màn hình và sao lưu tài liệu, dùng để xem lại bất cứ khi nào học sinh chưa theo kịp bài hoặc cần ôn tập, giúp nâng cao mức độ tiếp thu bài giảng của từng người. Ngoài ra, người dạy có thể tận dụng các công cụ đánh giá sự tập trung của lớp học khi giảng dạy trực tuyến, giúp đánh giá chi tiết hơn về mức độ tham gia xây dựng bài của người học.

– Học trực tuyến không có sự tương tác trực tiếp giữa người và người, vì vậy được cho là kém thu hút. Tuy nhiên, theo sự phát triển của mô hình này, nhiều nền tảng chuyên dùng cho dạy trực tuyến đã ra đời như Whiteboard của myViewBoard, Microsoft Whiteboard,… giúp buổi học trực tuyến trực quan và có độ tương tác cao. Những học sinh nhút nhát, ngại giao tiếp sẽ cảm thấy tự tin hơn khi thể hiện quan điểm cá nhân ở lớp học trực tuyến vì xung quanh không có sự hiện diện của nhiều người. Điều này giúp các bạn dần quen với việc nêu ra ý kiến cá nhân, có vai trò như một bước đệm giúp các bạn có thể hòa nhập, tự tin khi tham gia lớp học trực tiếp sau này.

– Lớp học trực tuyến giúp làm tăng khả năng làm việc nhóm. Vì không có áp lực bị đám đông đánh giá nên buổi học trực tuyến sẽ là nơi thích hợp để mỗi người nêu lên ý kiến cá nhân. Khi có nhiều ý tưởng, nhóm sẽ dễ dàng chọn được ý tưởng tốt và thú vị nhất, sau đó có thể tìm hiểu ngay về đề tài đó trên Internet. Nếu gặp phải khó khăn có thể hỏi ngay thầy cô hoặc tìm hiểu về đề tài mới dễ dàng, không còn bị gò bó trong sách vở như trước. Thêm nữa, các công cụ học trực tuyến sẽ hỗ trợ các hoạt động chia nhóm, tương tác nhóm trở nên dễ dàng hơn. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, linh hoạt hơn về không gian hội họp, thảo luận đề tài nhóm.

b. Dạy và học trực tuyến không thể thay thế lớp học truyền thống.

– Một nghiên cứu mới đây do Đại học Pennsylvania thực hiện trên tổng số mẫu một triệu người sử dụng MOOC cho thấy chỉ 4% người được khảo sát hoàn thành một khóa học và 50% chưa bao giờ xem đầy đủ một bài giảng. Những con số này chỉ ra một chiều kích của giáo dục mà chúng ta đã mặc định hoặc quên đi.

– Mặc dù một số khóa học được hỗ trợ với các nền tảng công nghệ cho phép người dạy và người học tương tác qua lại, việc học trực tuyến vẫn chưa tạo được nhiều động lực cho người học.

– Việc tới lớp cùng thầy, cô và bạn bè là đặc biệt quan trọng, là động lực khiến người học mở những cuốn sách trong khóa học ra nghiên cứu. Nó giúp gắn kết giữa kiến thức lý thuyết và thực hành và biến hoạt động tiếp nhận thông tin thành tương tác với thông tin.

– Ngoài ra, người dạy trực tuyến cũng gặp những khó khăn nhất định như phải chuẩn bị bài giảng theo một cách khác, không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cả kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ.

– Hơn nữa, kiến thức luôn là một khái niệm động, không bất biến, đòi hỏi phải cập nhật liên tục. Đây là điều mà các bài giảng trực tuyến ghi hình sẵn không làm được.

– Khái quát lại, lớp học truyền thống có những đặc điểm sau mà lớp học trực tuyến không có được:

+ Lớp học truyền thống thúc đẩy và kích thích tinh thần hợp tác trong học tập, giúp tăng cường năng lực tự nhận thức của người học, làm cho quá trình học tập dễ dàng hơn, người học chăm chỉ hơn trong lớp và sau khi ra khỏi lớp học.

+ Lớp học truyền thống tăng cường các kỹ năng tư duy sâu, tư duy phản biện do trong lớp người học có thể tham gia (hoặc buộc phải tham gia) vào các cuộc tranh luận, thảo luận. Khi đó, người học buộc phải huy động các kỹ năng tư duy phản biện và tư duy sâu để hình thành ý tưởng và lập luận để tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình.

+ Lớp học truyền thống thúc đẩy các kỹ năng giao tiếp xã hội do có sự tương tác trực tiếp giữa người học với nhau cũng như giữa người học với người dạy, tạo lập mối quan hệ trong lớp học. Đây là một nội dung quan trọng của giáo dục, giúp phát triển năng lực giao tiếp xã hội cho người học, đặc biệt là trẻ nhỏ.

+ Lớp học truyền thống xây dựng cho học sinh các kỹ năng tổ chức kỷ luật như tới lớp học đúng giờ, làm bài tập đầy đủ trước khi đến lớp, chuẩn bị sẵn tâm thế trả lời bất cứ câu hỏi nào của giáo viên và sẵn sàng tham gia thảo luận… Tóm lại, người học sẽ phải biết cách tổ chức thời gian của mình, chấp hành kỷ luật trong lớp học…

+ Lớp học truyền thống kích thích được sự chú ý và tập trung của người học. Bản thân sự có mặt của giáo viên đã là một nguồn động lực giúp người học tương tác và tham gia đầy đủ vào các hoạt động trong lớp.

+ Lớp học truyền thống cho phép người dạy điều chỉnh phương pháp giảng dạy theo phản ứng của người học hoặc thay đổi nội dung giảng dạy theo các vấn đề người học nêu ra. Ở khía cạnh người học, những câu hỏi hoặc nghi vấn đặt ra về một nội dung nào đó của bài giảng có thể được người dạy lý giải nhanh chóng trước khi bước vào chủ đề học tiếp theo.

+ Lớp học truyền thống phát triển nhân cách và các kỹ năng nghề nghiệp quan trọng cho người học. Trong lớp học truyền thống, các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình một cách tự tin trước bạn bè và giáo viên, phát triển tinh thần làm việc nhóm… là những điều hiếm khi có được ở lớp học trực tuyến.

– Những điều nói trên cho thấy dạy và học trực tuyến có thể là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tổng thể nhưng không thể thay thế hoàn toàn lớp học truyền thống.

  • Kết bài:

– Không thể phủ nhận những ưu điểm của lớp học trực tuyến so với lớp học truyền thống nhưng hình thức học tập này chỉ là một phần mở rộng của hoạt động dạy và học hiện nay chứ không thể là hình thức học tập chủ đạo của con người trong tương lai. Dù sao, giữa người dạy và người học có một mói liên kết chặt chẽ, hoạt động tương tác trực tiếp giúp người học tiếp thu vững chắc kiến thức và hình thành nhân cách tốt đẹp. Đó là điều mà các lớp học trực tuyến không thể làm được.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.