nghi-luan-vai-tro-cua-viec-ren-kuyen-y-chi-trong-hoc-tap-12341-2

Nghị luận vai trò của việc rèn luyện ý chí trong học tập

Nghị luận vai trò của việc rèn luyện ý chí trong học tập.

  • Mở bài:

Nelson Mandela, tổng thống Nam Phi, người được trao tặng giải Nobel hòa bình năm 1993 đã từng nói một câu bất hủ: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Lãnh tụ cách mạng Nga vĩ đại, V.I.Lenin cũng từng cho rằng: “Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh”. Quả thực, tri thức có trở thành sức mạnh hay không, giáo dục có thực sự trở thành một vũ khí làm thay đổi cả thế giới hay không là phụ thuộc vào ý chí của con người trong học tập. Rèn luyện ý chí trong học tập là sẵn sàng để thành công trong cuộc sống.

  • Thân bài:

Ý chí trong học tập là gì?

Ý chí trong học tập là khả năng tự xác định mục đích trong học tập, xây dựng kế hoạch, phương thức học tập và kiên trì vượt qua khó khăn, trở ngại, thực hiện thành công kế hoạch ấy để đạt đến mục đích cuối cùng. Phương thức học tập chính là sự chiếm lĩnh tri thức một cách có tổ chức. Mục đích cuối cùng của học tập là sự hiểu biết thế giới.

Tại sao học sinh phải rèn luyện ý chí trong học tập?

Đời người ai cũng cần phải học hỏi. Đó vừa là một nhiệm vụ vừa là cơ hội để con người đến với thế giới. Học là một công việc gian nan và dài lâu. Học là để chiếm lĩnh tri thức. Trong khi đó kiến thức chỉ có được qua tư duy của con người, được kết tinh qua một quá trình miệt mài học hỏi nghiêm túc và đúng đắn. Thực tế cũng đã cho thấy không có con đường nào gian nan và vẻ vang bằng con đường học thức. Bởi thế, nếu không có ý chí tất sẽ sớm bỏ cuộc, thất bại và chấp nhận cuộc sống tầm thường.

Học vấn là quyển sách không có trang cuối. Đời sống con người có hạn mà sự học thì vô hạn. Điều đó có nghĩa là nếu không có ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập thì con người dễ bị đánh bại bởi những khó khăn trên con đường học thức.

Học sinh là những con người còn trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm và chưa có đủ sức mạnh ý chí. Những khó khăn trong học tập dễ làm học sinh chán nản. Trong khi, việc học rất nhiều gian khổ và vô cùng áp lực. kết quả trong học tập thật khó nhìn thấy được hoặc đánh giá được. Nó chỉ thực sự phát huy sức mạnh và định hình giá trị khi con người chính thức bước vào đời sống lao động. Sự cách đoạn ấy dễ khiến học mất niềm tin tưởng và định hướng đúng đắn trong học tập. Bởi vậy, rèn luyện ý chí trong học tập đối với học sinh là nhiệm vụ không thể không làm.

Không có ý chí thì không làm nên việc gì. Bởi con người ai cũng muốn an nhàn. Trong khi, nhiệm vụ học tập thì lại khắc nghiệt. Rèn luyện ý chí là để chấp nhận nó, chiến thắng và vượt qua nó. Không có chiến thắng nào vĩ đại bằng chiến thắng sự ngu dốt.

Trong thời đại nền công nghệ phát triển ồ ạt và xâm nhập sâu rộng vào trong đời sống dễ khiến học sinh buông bỏ nhiệm vụ học tập. Tâm lí đề cao đời sống vật chất, nền văn hóa truyền thống có nhiều biến đổi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ và ý chí học tập của học sinh. Nếu không rèn luyện ý chí, không có mục đích rõ ràng trong học tập, không kiên định với kế hoạch đã đặt ra, học sinh rất dễ bị cám dỗ bởi sự tiện nghi của đời sống.

Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người. Học vấn không những làm đẹp con người mà còn làm đẹp cả thế giới. Mỗi học sinh luôn cần có ý chí mạnh mẽ trong học tập để tự làm đẹp cho chính mình và làm đẹp thế giới.

Rèn luyện ý chí trong học tập như thế nào?

Muốn rèn luyện ý chí trong học tập, trước hết học sinh phải có ý thức rõ ràng và đúng đắn về nhiệm vụ học tập. Học là để hiểu biết tri thức, rèn luyện nhân cách, kiện toàn các kĩ năng sống, kĩ năng làm việc. Học là để làm việc thành công. Học là để tự khẳng định mình. Học tập là để xây dựng quê hương, đất nước công bằng, dân chủ, văn minh.

Không bao giờ đầu hàng trước những khó khăn, trở ngại trong học tập. Những tri thức dễ chiếm lĩnh là những tri thức bình thường. Những tri thức khó chiếm lĩnh mới thực sự ẩn chứa trong nó nguồn sức mạnh vô tận để cải tạo thế giới.

Tự giác tiến hành các nhiệm vụ học tập, không đợi ai nhắc nhở hay sai bảo. Tự mình tìm kiếm tri thức ngoài những tri thức đã được giảng dạy hoặc hướng dẫn. Biết hợp tác cùng người khác trong học tập và trong công việc nghiên cứu. Bởi trên còn đường học vấn có biết bao thử thách. một mình ta chưa chắc có thể vượt qua được. Hợp tác là một việc làm tát yếu trong học tập bởi một lẽ không ai trong chúng ta sáng suốt bằng tất cả chúng ta.

Không bao giờ chạy theo lối học hời hợt, học nhiều mà hiểu biết chẳng bao nhiêu. Cũng không nên học chỉ vì bằng cấp hay địa vị, tiền bạc. Có thể, bằng tri thức, con người sẽ có được những thứ ấy. Nhưng những thứ ấy không thể nào mua được sự tự do trong thế giới tri thức của con người.

Cũng cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì. Cái gì cần thiết thì nên gắng sức học cho được. Cái gì không cần thiết thì dũng cảm bỏ qua. Học tập thì phải thật tâm, phải nghiền ngẫm sâu sắc. Người nào chỉ biết ngồi nghe giáo sư giảng chứ bản thân mình trong lòng không cảm thấy khát khao học hỏi, thì có thể nói tất cả những điều người ấy nghe giảng ở trường đại học cũng sẽ chỉ như một tòa nhà xây trên cát mà thôi.

Những tấm gương sáng ngời về ý chí học tập vươn lên:

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi xứng đáng là tấm gương rực sáng về ý chí vượt lên nghịch cảnh để học tập thành công. Sinh ra trong gia đình nghèo khổ nhưng đầy khát vọng học tập, Mạc Đĩnh Chi đã không ngừng nỗ lực. không có tiền đến nhà thầy học, ông đã lén đứng ngoài ngõ nghe thầy giảng. Thầy đọc gì ông nhớ nấy. Về nhà, buổi tối, không có đèn đọc sách, ông tìm mọi cách để có ánh sáng để đọc. Chẳng bao lâu, ông thông kinh thuộc sử, tài ứng đối cũng hơn người. Sau này ông đỗ trang nguyên, nhiều lần đi xứ làm rạng danh đất Việt trên đất Bắc. Tài năng của ông lỗi lạc đến độ nhà Nguyên đã phong ông làm Lưỡng quốc Trạng nguyên. Ý chí trong học tập của ông mãi mãi là một kì quan để người đời ngợi ca.

Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam cũng là một tấm gương rực rỡ về ý chí trong học tập. Sinh ra vào lúc đất nước lầm than trong chế độ cai trị hà khắc của thực dân phong kiến, Bác sớm có khát vọng tìm kiếm con đường cứ nước, giải phóng dân tộc ra khỏi ách đô hộ. Người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành, năm ấy đã vượt sóng gió  ra đi tìm đường cứu nước. Ba mươi năm bôn ba khắp bốn bể năm châu, chịu không biết bao nhiêu khổ nhọc, cuối cùng, Người cũng tìm thấy được lí tưởng cách mạng và trở về nước, lãnh đạo nhân dân kháng chiến lật đổ thành công chế độ cai trị của thực dân Pháp.

Điều kì diệu ở Người đó là đi đến đâu, người học hỏi đến đó. Bởi thế, Người có thể nói thông viết thạo nhiều thứ tiếng các nước trên thế giới và am hiểu sâu sắc nền văn hóa của các dân tộc. Có được thành quả lớn lao ấy là bởi ở người có mọt ý chí học tập phi thường và một tình yêu dân tộc vô bờ bến.

Phê phán:

Trong cuộc sống, có nhiều người không có ý chí trong học tập, chấp nhận cuộc sống tầm thường, thấp kém, Sự học như con thuyền đi trên nước, không tiến ắt sẽ lìu; như vầng trăng sáng trên bầu trời, không tròn ắt sẽ khuyết. Thế nhưng, trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không có ý chí trong học tập. Họ không có niềm say mê đối với tri thức. Đối với họ, học tập chỉ là một điều bắt buộc, họ miễn cưỡng đi học để cho người khác hài lòng. Bởi thế, họ dễ chán nản và bở cuộc giữa chừng. Những người như thế thật đáng chê trách. Một số người khác lại xem việc học là để có bằng cấp, để có nhiều tiền bạc, thăng quan tiến chức. Họ học một cách hời hợt, qua loa, học tủ, học vẹt, học đối phó, chỉ nắm được cái bên ngoài của tri thức chứ không thấu hiểu bản chất bên trong. Những người như thế thật đáng phê phán.

Bài học nhận thức:

Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình. Tri thức chỉ có thể tự mình chiếm lĩnh qua ý chí trong học tập chứ không mua được. Bởi vậy, hãy rèn luyện ý chí mạnh mẽ, kiên định và duy trì ý chí ấy đến suốt đời. Không có ý chí không thể học tập thành công, không thể trở thành người hữu ích cho xã hội.

  • Kết bài:

Trên đường thành công không có dấu chân của người lười biếng. Chưa một ai dám nói rằng học tập là một nhiệm vụ dễ làm và ai học tập cũng thành công. Sự học chỉ thực sự diễn ra khi ta có đủ ý chí để học. Kết quả của sự học chỉ đến khi ta vận dụng đúng đắn tri thức vào trong đời sống. Và thành tựu của học tập chỉ thực sự rõ ràng khi ta đi gần hết cuộc đời này. Dù thế nào đi chăng nữa cũng luôn phải nhớ rằng chỉ có tri thức mới có thể làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp và dễ chịu hơn. Và chính việc rèn luyện ý chí kiên cường trong học tập mới giúp ta có được sức mạnh ấy.

Suy nghĩ về thói lười biếng qua câu nói: Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng (Lỗ Tấn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang