»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh
- Mở bài:
Hữu Thỉnh thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta. Bài thơ “Sang thu” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Hữu Thỉnh giai đoạn sau chiến tranh. Bài thơ là những rung động nhẹ nhàng, tinh tế của tác giả trước khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu. Vẻ đẹp bài thơ “Sang thu” thể hiện qua bức tranh mùa thu tươi tắn, tràn đầy sức sống qua cảm nhận của một tâm hồn nhạy cảm, luôn muốn gắm kết với đất trời, với cuộc đời rộng lớn.
- Thân bài:
Bài thơ đưa ta đến với cảnh đất trời của đồng quê Bắc Bộ khi sang thu, từ gần đến xa, với những nét rất gần gũi, thân thương:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Mọi hình ảnh, hiện tượng đó của đất trời khi chuyển từ hạ sang thu mọi người đều biết, đều quen. Vậy mà đến bài thơ này của Hữu Thỉnh ta mới cảm nhận được đầy đủ vẻ đẹp êm ả, thanh bình của nó. Hương ổi, gió se, sương mỏng, mây nhởn nhơ bay, chim vội vã về phương nam, nắng vẫn rực vàng, mưa vơi dần, tiếng sấm bớt hẳn… những tín hiệu báo mùa thu về ấy sao mà thân thương, gần gũi, nao nao gợi nhớ một miền quê thời thơ ấu trong kí ức của mỗi chúng ta.
Nhà thơ không viết “Thu sang” mà chọn tựa đề “Sang thu”: mùa thu chỉ mới bắt đầu, để “thu” làm bổ ngữ cho động từ “sang” gợi chủ thể cảm nhận sự chuyển mùa ấy là con người. Cách đặt tựa đề báo hiệu những cảm nhận tinh tế và riêng biệt về mùa thu.
Hương thơm của những trái ổi chín trong vườn “phả vào trong gió se” tức là hương thơm bốc mạnh và tỏa ra thành luồng, chứ không thoang thoảng. Nhà thơ vừa ngửi thấy mùi hương ổi, lại vừa cảm nhận được cái se lạnh của gió đầu thu. Hương thì đậm đà mà gió thì nhè nhẹ nên không gian rất đỗi nồng nàn.
Sương thu thì “chùng chình” qua ngõ, nghĩa là nó có ý nhởn nhơ, chậm chạp lại, quấn quýt bên ngõ xóm, đường làng hay quấn quýt, giao hòa cùng người ngắm cảnh?
Hương ổi, gió sư, sương thu là những kí hiệu làm nhà thơ giật mình nhận ra “hình như thu đã về”. Cảm xúc của tác giả vừa nhẹ nhàng, vừa bâng khuâng. Vì lẽ, đây không phải là mùa thu đầu tiên trong đời nên sự hân hoan đã nhường chỗ cho sự đắm lắng, dịu nhẹ, khoan thai mà đón nhận:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Sông được lúc “dềnh dàng” chậm chạp, rề rà, không vội vàng gì. Người đọc như được thấy mặt nước phẳng lặng của sông thu soi chiếu cánh chim vội vã bay từ khung trời chói chang của mùa hạ sang khung trời ấm áp của mùa thu:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Vì lẽ ấy mà đám mây trên bầu trời cũng “nửa hạ – nửa thu”, “Có đám mây mùa hạ – Vắt nửa mình sang thu” đám mây mùa lưu luyến lúc giao mùa được cảm nhận bằng tâm hồn tinh tế và trong trẻo. Và mùa hạ dần qua cũng vơi dần những cơn mưa rào, trả lại cho trời thu sắc xanh muôn thuở.
Hai câu kết vừa có ý nghĩa tả thực, lại vừa có ý nghĩa hàm ẩn.Ý nghĩa tả thực là tả hiện tượng sấm và hàng cây lúc sang thu. Còn ý nghĩa hàm ẩn mà nhà thơ gửi gắm ở đây có lẽ là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời (sấm) đã bớt đi sự bất ngờ đối với những người từng trải (hàng cây đứng tuổi).
Đây là sự suy ngẫm của tác giả về nhân sinh, về quy luật của cuộc sống nhân nói chung về cảnh thiên nhiên đất trời sang thu. Rõ ràng, khi viết bài thơ này Hữu Thỉnh đã bước vào tuổi trung niên, đã đi qua một thời trai trẻ trong chiến tranh nên những chiêm nghiệm của nhà thơ có sức khơi gợi cho mọi người về lẽ sống làm người: Ta hãy bình tĩnh mà đón nhận và giải quyết mọi vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
- Kết bài:
Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật. Liên hệ bản thân: Những bài thơ viết về mùa thu của Hữu Thỉnh khiến ta yêu thêm vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên nước ta.
Qua khổ cuối bài Sang thu cảm nhận những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh
Tham khảo:
- Mở bài:
Cùng với Nguyễn Khoa Điểm, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất trưởng thành trong giai đoạn thơ ca kháng chiến chống Mĩ. Thơ Hữu Thỉnh thường hay viết về những đề tài mộc mạc, bình dị gần gũi với đời sống của con người ở vùng nông thôn Bắc Bộ, nơi ông sinh ra và lớn lên. Trong đó tiêu biểu nhất là bài Sang thu được ông sáng tác vào năm 1977. Toàn bộ bài thơ là những cảm nhận, những rung động vô cùng tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trước thời khắc đất trời chuyển giao mùa cuối hạ sang thu.
- Thân bài:
Từ cuối hạ sang đầu thu đất trời có những chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự chuyển biến này đã được nhà thơ Hữu Thỉnh miêu tả lại bằng trái tim của người nghệ sĩ vô cùng tinh tế nhạy cảm trước sự thay đổi của thiên nhiên, đất trời, cảnh vật. Trong thơ ca cố điển, mùa thu thường được miêu tả gắn liền với những hình ảnh tượng trưng ước lệ như lá vàng rơi rụng:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.
(Một chiếc lá ngô đồng rơi
Khắp thiên hạ đều biết mùa thu đã về)
Còn trong Thơ Mới mùa thu gắn liền với hình ảnh:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”
(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)
Mùa thu trong Thơ Mới thường gắn liền với nỗi buồn, chia ly, tang tóc. Còn Hữu Thỉnh, với tâm hồn của một con người am hiểu sâu sắc và gắn bó với cuộc sống ở nông thôn. Ông đã dựng lên trước mắt người đọc một bức tranh mùa thu nên thơ, dịu mát với những hình ảnh mộc mạc, bình dị mà đặc trưng cho làng quê Bắc bộ:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Tín hiệu đầu tiên của mùa thu là hương ổi chín đầu mùa nồng nàn trong làn gió se se lạnh. Hương ổi vốn là hương vị mộc mạc bình dị gắn liền với những năm tháng kỉ niệm tuổi thơ. Hương ổi ấy là hương vị của quê nhà, nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của con người nên dẫu chỉ thoảng qua rồi lan tỏa vào không gian cảnh vật thì cũng đủ để đánh thức khứu giác của con người hoạt động để con người nhận ra mùa thu đang trở về.
Mùa thu không chỉ được báo hiệu bằng khứu giác mà còn được cảm nhận bằng cảm giác. Bóng dáng của nàng thu như đang ẩn mình trong tiết trời se se lạnh. Những cơn gió sáng nay cũng bắt đầu mang trong mình khí lạnh của mùa thu. Làn sương mơ màng qua ngõ. Từ láy “chùng chình” gợi lên dáng hình lãng đãng như nửa đi nửa ở của làn sương khi ánh bình minh tỏa rạng. Dường như có cái gì đó luyến lưu, bịn rịn trong không gian. Có cái gì đó khác thường mà tác giả đã mơ hồ nhận ra.
Có thể nói chỉ trong một đoạn thơ mà tác giả sử dụng rất nhiều những từ ngữ gợi hình, gợi cảm. Chỉ một từ “phả” trong câu thơ thứ hai cũng đủ gợi lên hương thơm dường như sánh lại. Hương thơm ấy không phải là thoảng, là bay, là quyện, mà là phả ra thành từng luồng ngào ngạt đậm đặc lan tỏa vào không gian cảnh vật.
Từ “bỗng” mở đầu khổ thơ cho ta thấy ban đầu chủ thể trữ tình hoàn toàn không có ý định cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên cảnh vật xung quanh mình trong thời khắc chuyển giao mùa. Mùa thu đã về mà con người vẫn băn khoăn tự hỏi lòng mình: “Hình như thu đã về” .Hỏi nhưng thật ra là một sự khẳng định nó nói lên một thoáng bâng khuâng xao xuyến của con người khi bất chợt nhận ra mùa thu đang về.
Không gian mùa thu trong trẻo êm đềm nên thơ dịu mát với những biến thái vô cùng nhẹ nhàng tinh tế mà tác giả vẫn có thể cảm nhận được. Điều đó chứng tỏ Hữu Thỉnh là một nhà thơ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên nồng nàn tha thiết.
Ngay lập tức, tác gia mở rộng lòng mình ra, vận dụng tất cả mọi giác quan từ khứu giác cho đến xúc giác rồi cuối cùng là thị giác để nhận mùa thu đang trở về. Khắp thiên nhiên đất trời dường như thay áo mới, mở ra một không gian thu bao la, khoáng đạt:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Mùa thu đến, dòng sông “được lúc dềnh dàng”. Nó trôi một cách êm đềm, chậm chạp, thong thả, khoan thai sau bao tháng ngày vượt qua bao thác ghềnh cheo leo, hiểm trở. Con sông không còn cái dáng vẻ ồn ào, dữ dội, gấp gáp như trong những ngày mưa mùa hạ mà cứ nhẹ nhàng trôi, không muốn rời đi như mãi còn luyến lưu bờ xinh bãi đẹp.
Từ láy “dềnh dàng” không chỉ miêu tả cái dáng vẻ khoan thai chậm rãi của dòng sông, của thiên nhiên cảnh vật mà đó còn là nhịp sống của con người khi bước vào thu có cái gì đó như lắng đọng, trầm tư, bớt ồn ào sôi nổi như trong những ngày hạ nồng nàn, chói chang, rạo rực. Tương phản với sông, chim lại “bắt đầu vội vã”. Hơi thu lạnh làm cho chúng phải khẩn trương rời tổ bay về phương Nam để tìm chỗ trú đông.
Cùng là một thời điểm, mùa hạ sắp sửa trôi qua và mùa thu đang đến vậy mà mỗi sự vật đón nhận sự thay đổi của thời tiết cảnh vật xung quanh mình một cách khác nhau. Cái thì vội vàng gấp gáp, cái lại nhẹ nhàng buông trôi, sự sống muôn đời mãi là bản đàn đa thanh điệu, phong phú sống động đến vô cùng.
Với một hồn thơ tinh tế nhạy cảm, Hữu Thỉnh đã sáng tạo ra một hình ảnh thơ vô cùng độc đáo thi vị về mùa thu mà từ trước tới nay chưa từng có ai viết như thế:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Nhìn những đám mây lững lờ trôi giữa bầu trời cao rộng, bất giác nhà thơ cảm nhận một nửa đám mây vẫn còn là của mùa hạ. Nhưng nửa kia dường như đã trôi nhanh về phía trước. Nó đã mang trong mình hơi hướng khí lạnh của mùa thu.
Từ “vắt nửa mình” làm cho câu thơ trở nên sinh động, gây ấn tượng mạnh mẽ. Đám mây như một nhịp cầu bắc ngang giữa hai cửa ngõ cuối hạ – đầu thu,. Trong một đám mây mà có cả hai mùa đang chuyển giao thật nhẹ nhàng tinh tế. Con người dường như cảm nhận thiên nhiên cảnh vật bằng tất cả tâm hồn mình, nhìn sâu vào trong lòng sự vật để cảm nhận một sự sống, một sự chuyển giao, vận động trôi chảy không ngừng. Những dấu hiệu còn sót lại của mùa hạ và những suy nghĩ chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về lẽ sống, cuộc đời:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng” là dấu hiệu mùa hạ vẫn còn đó. Những tia nắng vẫn còn tràn ngập khắp cả phố phường. Nhưng có lẽ cái nắng giờ đây không còn gay gắt chói chang rực rỡ như những ngày đầu hạ nữa. Thay vào đó là những tia nắng dịu dàng ấm áp, mát mẻ trong lành.
Mùa thu đến những cơn mưa cũng “vơi dần”, thưa thớt. Tiếng sấm trên trời cũng không còn bất ngờ dữ dội nữa. Tất cả những dấu hiệu của mùa hạ tuy “vẫn còn” nhưng có cái gì đó nhạt nhòa thưa thớt quá. Nó “đã vơi, đã bớt” đi rất nhiều.
Không có gì là vĩnh cửu đứng yên bất động. Thời gian như một cỗ máy luôn liên tục, không ngừng vận động trôi chảy. Nhưng điều đáng nói ở đây là cùng với thời gian, con người cũng không ngừng biến đổi, khôn lớn trưởng thành. Như hàng cây đứng tuổi trải qua bao mùa mưa nắng thì mọi sấm chớp giông bão của cuộc đời đến rồi lại đi như một quy luật tất yếu, không còn sự bất ngờ, ồn ào, dữ dội nữa. Nó đã quá quen thuộc với những biến động của trời đất nên không còn thất ngỡ ngàng lạ lẫm.
Cũng vậy, con người sau khi trải qua những năm tháng đắng cay khổ cực của đời mình sẽ ngày càng chính chắn, trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Mọi giông tố, bão táp của cuộc đời không thể khiến con người quật ngã. Con người sẳn sàng đương đầu đón nhận mọi khó khăn thử thách của đời mình mà không hề sợ hãi. Lòng luôn vững lòng tin rồi tất cả sẽ qua, hoàn toàn làm chủ tương lai số phận của chính mình. bằng nghị lực vượt lên tất cả mọi nghịch cảnh biến động của cuộc đời coi nó như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Đó là một triết lí sống vô cùng sâu sắc của một con người khi bước vài giai đoạn đầu thu của cuộc đời mình.
Bài thơ với những hình ảnh mộc mạc bình dị nhưng vẫn đủ gợi lên một bức tranh mùa thu êm đềm nên thơ, dịu mát. Bức tranh ấy không ồn ào, náo động mà trầm lắng suy tư. Thiên nhiên cảnh vật giao mùa nhẹ nhàng, tinh tế, nên thơ. Nhưng lồng trong đó là biết bao nỗi luyến lưu bịn rịn, ngập ngừng do dự của một con người như muốn cưỡng lại thời gian, muốn níu giữ chút gì đó những năm tháng tuổi trẻ của đời mình. Bài thơ không chỉ đơn thuần là tả cảnh mà còn nói lên những suy nghĩ chiêm nghiệm sâu sắc của con người về lẽ sống cuộc đời.
- Kết bài:
Sang thu đâu chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời mỗi con người. Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Chính vì vậy những vần thơ của ông có sức lay động lòng người mãnh liệt hơn. Bài thơ của Hữu Thỉnh đánh thức tình cảm của mỗi người về tình yêu quê hương đất nước và suy ngẫm về cuộc đời.
Cảm nhận bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
I. Mở bài :
– Bài Thơ Sang Thu do tác giả Hữu Thỉnh được viết vài năm 1978 sau khi đất nước Việt Nam ta giải phóng được 2 năm. Bài thơ thể hiện được những cảm nhận nhẹ nhàng, tinh tế, thuần khiết về những biến chuyển nhẹ nhàng của khoảnh khắc giao mùa của năm.
II. Thân bài :
– Bài thơ Sang Thu của tác giả Hữu Thỉnh gồm có tất cả là ba khổ thơ, được tác giả chu đáo diễn tả lại những biến chuyển nhẹ nhàng, tinh tế, thuần khiết một cách rõ rệt của thời khắc giao mùa, những suy nghĩ tác giả được thể hiện qua những cảm xúc, cảm nhận tinh tế từ những hình ảnh đẹp và giàu sức gợi cảm đó.
1. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên từ những dấu hiệu đầu tiên (khổ thơ 1):
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
– Bức tranh thiên nhiên quê hương mang một vẻ đẹp đơn giản, bình dị mà động đến lòng người nhưng dường như lại trở nên khác lạ hơn qua các tín hiệu giao mùa từ từ được diễn ra một cách rõ rệt, chân thực nhất. Từ những hình ảnh như: hương ổi chín đến làn sương ngoài ngõ hay là những ngọn gió se se lạnh và những dòng sông, cánh chim, áng mây… Những hình ảnh này đều được tác giả cảm nhận bằng những giác quan của con người như khứu giác, xúc giác,…
2. Mùa thu tràn ngập đất trời miền quê bình dị (khổ thơ 2):
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
– Không gian rộng mở, dấu hiệu mùa thu về rõ ràng hơn với : dòng sông dềnh dàng, cánh chim vội vã, đám mây trắng bồng bềnh,…
– Hình ảnh tràn trề sứ sống, chứa đựng ưu tư. Phép nhân hóa: “Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu” mới lạ, độc đáo.
– Tâm trạng hân hoan, mừng rỡ, đón nhận mùa thu về.
3. Những chiêm nghiệm sâu sắc về sự vận động tất yếu của quy luật thời gian và đời người (khổ thơ 3):
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.
– Cuộc xung đột âm thầm mà dữ dội giữa màu hạ và mùa thu: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/Đã vơi dần cơn mưa” gợi nghĩ về những xung đột thường xảy ra trong cuộc đời mỗi con người.
– Nhận ra bài học từ thiên nhiên Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”: khi con người trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm sẽ không còn bất ngờ trước những biến cố, đổi thay của cuộc đời, bình tâm đón nhận tất cả.
4. Nhận xét, đánh giá:
– Tác giả đã cảm nhận được và đã phác họa ra những hình ảnh giao mùa đơn giản mà xinh đẹp đó vào bài thơ và đã gợi lên được những hình ảnh thiên nhiên làng quê Bắc Bộ xinh đẹp khi thu sang. Bằng sự sáng tạo, những hình ảnh được miêu tả lại một cách mới mẻ mà lại gợi tả được những nét đặc trưng của khoảnh khắc mùa thu khi giao mùa.
– Bài thơ được tác giả sự dụng bằng những nghệ thuật ngôn từ chính xác làm cho bức tranh khi thu về trở nên sinh động và vui tươi, háo hức hơn. Bài thơ về bức tranh trong khoảng khắc giao mùa đó được tác giả phác họa bằng những khổ thơ làm cho người đọc có thể tưởng tượng ra những cảnh đẹp đó bởi những cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng mà tác giả đã viết ra khi chứng kiến trước cảnh sắc thiên nhiên quê hương trong dòng chảy thời gian trôi qua khi mùa thu sang.
– Tác giả đã bày tỏ được những cảm xúc, vẻ đẹp sinh động mà lại bình dị, xúc động trước bức tranh thiên nhiên đó và được bày tỏ những cảm xúc của mình qua những khổ thơ của bài thơ nhằm mục đích muốn truyền đạt những cảm xúc ấy đến cho người đọc. Có thể so sánh với các sáng tác khác nhau có cùng đề tài để khẳng định lại những ấn tượng, cảm xúc trước và sự độc đáo của bài thơ và tác giả.
III. Kết bài:
– Bài thơ sang thu đã được Hữu Thỉnh góp phần làm cho thơ Việt Nam thấy những tình yêu thiên nhiên, tâm hồn tinh tế và ngòi bút tài hoa, sâu sắc của nhà thờ Hữu Thỉnh. Bằng những ngôn từ trong sáng, giàu sắc gợi cảm cùng với các biện pháp như ẩn dụ, nhân hóa và sử dụng từ láy đã thể hiện được những cảm nhận, cảm xúc tinh tế của nhà thơ và sự biến đổi của đất trời từ cuối mùa hạ sang đầu mùa thu, qua đó tác giả đã bộc lộ được tình yêu thiên nhiên thiết tha của tác giả đối với qua hương Việt Nam trong khoảnh khắc thu sang.
Khoảnh khắc giao mùa chắc là khoảnh khắc đẹp đã nhất của tự nhiên, nó gieo vào trong lòng người những rung động nhẹ nhàng khiến ta như giao hoà, đồng điệu. Bài thơ thể hiện rõ nét nhất chính là bài thơ “Sang Thu” của Hữu Thỉnh. Bài thơ đã thể hiện những rung cảm tinh tế của nhà thơ trước những biến đổi của thiên nhiên ở thời khắc giao mùa từ hạ sang thu.
Từ sự cảm nhận ở khổ một vô hình, qua khổ hai là một sự cảm nhận hữu hình. Bức tranh thu được miêu tả ở tầm xa hơn, cao hơn, từ mặt đất hướng lên bầu trời:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Cụm từ “dềnh dàng” là thống thả, từ từ, như đang lắng lại, trầm xuống. Đối lập với cảnh ấy là những đàn chim bắt đầu “vội vã” nhưng chỉ là cái “vội vã” mới chớm, mới bắt đầu: Những đàn chim đua nhau chạy đi tìm nơi trú ẩn ở phương Nam để tránh rét của mùa thu sắp tới. Không như dòng sông chảy chậm rãi kia. Từ ngữ đối lập “dềnh dàng” với “thong thả” cho ta hiểu được tất cả hiện thực của mùa thu.
Cảm giác mùa lại được nhà thơ Hữu Thỉnh diễn tả đầy thú vị:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Dù đã sang mùa thu nhưng đám mây kia vẫn mang một sự luyến tiếc. Nghệ thuật nhân hoá, thể hiện sự níu kéo, cho thời gian hãy trôi chậm lại, khoan hãy bước sang mùa thu. Hình ảnh này có tính tạo hình trong không gian nhưng có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian. Mây là thực, ranh giới múa chỉ là ảo, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng rất nên thơ và độc đáo của thi nhân.
Đến khổ cuối ta chợt nhận ra vẻ đẹp của bài thơ chính là vẻ đẹp của sự chuyển mùa, vẻ đẹp của tâm hồn con người gần gũi, giao cảm với thiên nhiên để lắng nghe và dự cảm:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Sang thu rồi, những tia nắng cuối hạ vẫn còn nồng, vẫn còn sáng nhưng đã phai nhạt dần, trong những ngày giao mùa này, trời cũng đã bớt đi nhiều cơn mưa ào ạt. “Nắng mưa”, hai hình ảnh đầy tương phản, tia nắng kia đang là hiện tại nhưng mưa lại là quá khứ. Chính hai hình ảnh đầy tương phản này, đã một lần nữa thấy được sự ngập ngừng đầy chủ động của vạn vật trước thời gian.
Lúc sang thu, tiếng sấm đã không làm cho những hàng cây kia bất ngờ, hay giật mình. “Hàng cây đứng tuổi”, gợi cho ta về hình tượng con người đã trải qua bao sóng gió, đã là một con người từng trải, “sấm” chính là những tác nhân ngoại cảnh bất ngờ:
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Khi một người từng trải bao nhiêu khó nhọc của cuộc sống, sẽ không lấy động bởi những tác động ngoại cảnh đầy bất ngờ. Hữu Thỉnh có lần tâm sự với những hình ảnh có giá trị tả thực về phong cảnh, thiên nhiên: “khi con người ta đã từng trải thì sẽ vững vàng hơn, trước những tác động của ngoại cảnh, bất ngờ”.
“Sang thu” không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương, mà còn làm sâu sắc thêm tình cảm quê hương trong trái tim của mọi người. Bài thơ chính là một bức tranh quê bình dị để mọi người có thể nhìn thấy hình ảnh quê hương, hình ảnh tâm hồn mình. Miêu tả mùa thu bằng bước chuyển của vạn vật. Hữu Thỉnh đã tạo nên một cách nhìn riêng, một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng, thoát khỏi những ước lệ, khẳng định vị trí của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật